Thứ Sáu tuần 1 Mùa Chay.

Thứ năm - 25/02/2021 07:36

Thứ Sáu tuần 1 Mùa Chay.

“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.

 

Lời Chúa: Mt 5, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.

Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”

 

 

SUY NIỆM 1: Làm hòa

Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo,

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự viên:

“Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng

chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình…

Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng

chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.”

Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.”

Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải thích giới răn ấy.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”

Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người:

“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22).

Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay.

Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục người khác.

Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người.

Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận chính đáng,

như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).

Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em.

Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách.

Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ

và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ.

Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận.

Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên.

Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa

với các anh em đang có điều bất bình với ta,

phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người gây chuyện.

Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c. 25).

Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa.

Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục.

Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa,

vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên.

Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng,

nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau

để làm thành một vòng tròn khép kín.

Sau đó chúng con hiểu rằng

cần phải buông tay nhau

để nhận những người bạn mới,

để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng

và trái tim được lớn lên mãi.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng

cần phải nối vòng tay lớn

xuyên qua các đại dương và lục địa.

vòng tay người nối với người,

vòng tay con người nối với Tạo Hóa.

Chúng con thích Chúa

đứng chung một vòng tròn

với tất cả loài người chúng con,

nắm lấy tay chúng con

và đưa chúng con lên cao.

Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá

giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau

và nhận nhau là anh em. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: THANH TẨY TÂM HỒN

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa là tình yêu. Tội lỗi đem đến chết chóc. Thiên Chúa không ngừng mong chờ, thúc giục con người từ bỏ tội lỗi, sống công chính để được sự sống.

Thiên Chúa mong muốn con cái Người công chính hơn người Biệt phái. Nếu người Biệt phái chỉ giữ lề luật theo hình thức, Thiên Chúa mong muốn con cái của Người giữ lề luật bằng tình yêu.

Theo luật thường, ai xúc phạm đến thân xác đồng loại mới bị trừng phạt. Nhưng Chúa dậy ta ai xúc phạm đồng loại chỉ bằng lời nói, thậm chí chỉ trong tư tưởng thôi cũng đã bị trừng phạt rồi.

Như thế Chúa không hài lòng với vẻ hài hòa bên ngoài. Chúa nhìn tận đáy sâu tâm hồn. Chúa đòi hỏi tình yêu thực sự phát xuất từ đáy lòng. Vì thế, không làm ác là chưa đủ. Vì nếu ta chất chứa lòng ghen ghét trong tâm hồn thì mầm mống chiến tranh hận thù vẫn còn đó. Sẽ có lúc bùng nổ. Không làm ác mới chỉ bằng người Biệt phái mà thôi. Chúa muốn con cái Chúa phải công chính hơn người Biệt phái. Phải có tình yêu từ đáy tâm hồn. Phải nghĩ tốt và nói tốt cho người khác.

Và ngạc nhiên chưa, Chúa còn đi một bước nhảy vọt. Buộc ta phải làm hòa với người bất bình với ta. Tại sao thế? Vì Chúa muốn thế giới sạch bóng thù hận ghen ghét để tình yêu thống trị. Dù ta không gây ra chia rẽ bất hòa, ta vẫn có nhiệm vụ hàn gắn chia rẽ bất hòa. Vì ta đã là duyên cớ dù vô tình cho người oán ghét. Vì ta có nhiệm vụ tiếp tay với Chúa làm cho thế giới sống hài hòa.

Chỉ sau khi làm hòa ta mới có thể dâng của lễ. Vì Chúa là tình yêu không thể nhận của lễ khi thế giới còn chia rẽ bất hòa. Vì của lễ ta dâng đẹp lòng Chúa không phải là lễ vật đắt tiền quí giá, nhưng là sự hi sinh kiến tạo hòa bình, xây dựng tình yêu. Điều đó buộc ta không chỉ thanh tẩy mình mà còn phải thanh tẩy cả thế giới. Không chỉ tắm rửa cho bản thân, nhưng con phải lau sạch cả căn nhà. Không chỉ không giận ai mà còn phải làm cho không ai giận mình. Lúc ấy thế giới mới thật sự tươi đẹp.

Nếu thế mùa chay này tôi còn rất nhiều việc phải làm để xứng đáng dâng lễ Chúa Phục Sinh.

 

SUY NIỆM 3: Tha thứ

Vào thời thế chiến thứ nhất, khi nhận được tin con trai yêu quí của mình tử trận, nữ bá tước Litsi rất đau khổ và hầu như mất cả nghị lực. Tuy nhiên bà vẫn cố gắng lao mình vào việc chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập.

Một ngày nọ, một binh sĩ Đức được chở tới bệnh viện. Dù người lính này thuộc phe đối nghịch nhưng bà vẫn tận tình săn sóc. Khi soạn đồ đạc của anh, bà thấy chiếc ví và đồng hồ của con trai mình trong túi áo người lính. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, bà đã thốt lên: “Đây đúng là kẻ đã giết con tôi”. Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy trong chiếc ví của con bà rơi ra, bà vội nhặt lên đọc; nét chữ quen thuộc đập vào mắt bà: “Mẹ yêu quí, con luôn nhớ đến và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn, hãy can đảm chịu đau khổ và cầu nguyện cho con”. Sau một hồi xúc động, bà cúi xuống tiếp tục săn sóc người lính một cách tận tình. Những giọt nước mắt tha thứ trào ra từ đôi mắt bà.

Trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn chúng ta không có dịp để tha thứ cho những xúc phạm nặng, nhưng những phiền lòng nho nhỏ thì không thiếu và do đó chúng ta luôn được mời gọi để tha thứ. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã ghi lại kinh nghiệm như sau: “Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con mà người ta chưa nói tới. Chúa nói: nếu ai làm mất lòng con, hãy để của lễ về làm hoà với người ấy trước; còn con, con làm ngược lại: cứ dâng của lễ và phóng thanh cho mọi người biết. Con không khuyết điểm tại sao lại tức tối và tấn công khuyết điểm của người khác.”

Thật ra, tha thứ không phải là điều dễ. Nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt cuả lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ”. Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Sự thánh thiện đích thực

Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như sau:

Tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.

Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:

- Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?

Người đàn bà trả lời:

- Tôi sống đơn độc một mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn trông thấy gì nữa.

Marchello tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:

- Vậy chắc bà phải cô đơn buồn chán lắm phải không?

Người đàn bà liền nói:

- Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.

Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:

- Thế bà cầu nguyện cho ai?

Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:

- Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung tâm này.

Chân phước Marchello ngắt lời bà:

- Bà không cầu nguyện cho bà sao?

Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:

Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.

Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người. Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.

Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: “Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn” đó sao?

Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Anh hãy làm như vậy

Thầy bảo thật cho anh em biết nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Anh em đã nghe luật người xưa rằng: Chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì phải đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.” (Mt. 5, 20-22)

Mọi người làm thế, anh hãy làm như vậy! hay câu: “Ai sao, tôi vậy”. Đó là một trong câu châm ngôn được rêu rao trong công chúng. Trong thế giới chúng ta đang sống, những phương tiện thông tin không mấy khi loan tin đúng đắn và càng ít tính chất giáo dục. Chúng ta luôn là nạn nhân bị xô đẩy bởi những quảng cáo nhằm đoàn ngũ hóa từ cách hành động đến lối suy nghĩ của chúng ta. Người ta nhấn mạnh chúng ta phải ăn những món ăn này, uống những thứ nước kia, thí dụ họ bảo phải ăn thứ dồi xúc xích này vì mọi người ăn nó, phải uống nước ngọt kia vì mọi người uống nó. Cả đến cách ăn mặc cũng phải mặc quần áo đồng phục, nam nữ như nhau. Chúng là dấu chỉ của phong trào đoàn ngũ hóa, làm mất nhân cách độc đáo của mình và hóa thành đồng loạt. Khuynh hướng này còn dẫn tới cả phương diện luân lý và lối hành xử cá nhân nữa: mọi người làm thế, anh cũng phải thế … như thể người ta đúc khuôn hạnh kiểm bắt mọi người chui vào đó cho đồng đều.

Ngôn sứ Ê-giê-ki-en nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến trách nhiệm cá nhân. Chúng ta là những cá nhân nghĩa là chúng ta có những chọn lựa những hành vi xấu tốt theo cá tính mình và bảo đảm về những hậu quả đó. Chúng ta không thể chất những gánh nặng lên vai người khác. “Ta sẽ phán xét mỗi người theo đường lối của họ”. Người công chính sống theo đường công chính của mình, kẻ dữ sẽ chết vì đường hư đốn của nó. Họ sẽ bị xử theo sự lựa chọn cá nhân họ, chứ không theo một thời đại. Trong Tin mừng, Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa. Luật cũ cấm giết người, Đức Ki-tô còn cấm chửi, mắng, giận anh em mình và Người còn cấm đến tận căn nguyên sinh ra những hành động xấu nữa: là tấm lòng, là con tim mỗi người.

Ai bất hòa với anh em thì mối giây liên đới với Thiên Chúa cũng bị cắt đứt. Yêu thương anh em là điều kiện cần thiết: Không có lòng mến Chúa thật, nếu lòng mến đó không bám rễ trong lòng hòa thuận với anh em, bất cứ hành vi thờ phượng nào cũng sẽ vô nghĩa và không thể đẹp lòng Thiên Chúa nếu không có hòa bình ngự trị giữa anh em với nhau.

Mùa chay là thời giờ chúng ta tới gần Chúa, nhưng Đức Giê-su nói với chúng ta rằng: “Hãy coi chừng, trước hết, hãy xem xem tâm trạng của con đối với anh em con thế nào”.

G.M

 

SUY NIỆM 6: TÌNH YÊU HÓA GIẢI HẬN THÙ (Mt 5, 20 –26)

Người Công Giáo chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha và được Người nhận là con trong ân sủng. Hơn nữa, chúng ta được Con Thiên Chúa đến để cứu chuộc chúng ta bằng chính cái chết trên Thánh Giá. Mặt khác, Ngài tiếp tục thi ân giáng phúc cho chúng ta qua Giáo Hội nơi các Bí tích.

Tuy nhiên, nếu niềm vui, hãnh diện, tự hào vì được đảm bảo bao nhiêu, thì chúng ta phải cẩn trọng bấy nhiêu, vì chính Đức Giêsu đã nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn Luật sĩ và Pharisiêu thì anh em không được vào Nước Trời”.

Đức Giêsu đã cắt nghĩa vấn đề này bằng một loạt bài giảng về luận lý từ chương 6 đến chương 8 trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu: đừng giận ghét, đừng gian dâm, đừng nóng giận, đừng thề thốt... Về vấn đề giận dữ, thánh Gioan còn nói rõ: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Hơn nữa, Ngài còn nói rõ điều kiện để được Chúa nhận lời là phải tha thứ: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

Trong cuộc sống hôm nay, biết bao mối thù hận, giận ghét ngay trong gia đình như:  mẹ chồng nàng dâu; cha mẹ với con cái; anh chị em trong gia đình với nhau... Hay hàng xóm; nghề nghiệp, bạn bè... Biết bao nhiêu giận hờn chồng chất!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy lấy tình yêu hóa giải hận thù, vì chỉ có tình yêu mới cải tạo được con người; còn bạo lực, oán thù chỉ đem lại chết chóc mà thôi. Nếu có ai đó mà chúng ta không thể thương được thì đừng làm hại họ, nhưng hãy làm ơn cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho chúng con biết yêu thương anh chị em mình bằng tình thương của Chúa. Yêu đến nỗi đi bước trước và chết cho người mình yêu. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu đến kiện toàn luật Cựu ước

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Dưới thời hoàng đế Othon I, các vương hầu nổi lên làm loạn nhiều lần. Đặc biệt chính bá tước Henri, em ruột của Hoàng đế lại là kẻ cầm đầu quân phản loạn. Nhiều lần bị Hoàng đế đánh bại, ba lần bị lên án tử hình, nhưng được ân xá nhờ lời cầu khẩn của hoàng thái hậu Mathide. Lần thứ tư Henri lại nổi loạn, bị bắt, lại bị xử tử hình. Hoàng đế nổi giận không muốn nghe sự thỉnh cầu của bất cứ ai. Mặc dù biết mất hết mọi hy vọng, nhưng Henri cố gắng lần cuối.

Đó là hôm áp lễ Noel năm 945, hoàng đế và các vương hầu khanh tướng đến dự lễ tại nhà thờ chính toà Quellimbourg. Đến phần Phụng vụ Lời Chúa, bá tước Henri mặc áo nhặm xuất hiện trong nhà thờ, tiến đến và sấp mình dưới chân hoàng đế xin tha mạng, nhưng Othon nhìn bá tước nghiêm khắc và nói: “Ba lần ta đã tha chết cho ngươi mà ngươi vẫn cố tình, đừng xin xỏ nài nỉ gì nữa, ba ngày tới đầu ngươi sẽ rơi”. Đúng lúc đó vị chủ tế mở sách Phúc âm và đọc đoạn thánh Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Thầy, con phải tha cho anh em bao nhiêu lần? Có phải bảy lần chăng”. Chúa đáp: “Ta không nói với con là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy”.

Nghe lời đó, hoàng đế rúng động tâm can đến phát khóc và không những hoàng đế tha mạng cho đứa em phản loạn, mà còn ôm vào lòng rồi ban cho em lãnh thổ Bavier nữa (Theo Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A).

Suy niệm

Chúa Giêsu đến để kiện toàn thái độ và áp dụng tinh thần của luật là dẫn đến tình thương. Cho nên, luật của Đức Kitô hoàn thiện và “trội hơn” Luật cũ - Cựu ước, khi Đức Giêsu đề nghị không chỉ sống... theo luật nhưng sống theo luật với ân sủng và tình yêu, luật vì con người. Chúa Giêsu mời gọi con người không dừng lại ở những việc làm vụ hình thức, mà phải “công chính hơn” tới mức hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Trong tinh thần tiến xa và hoàn thiện luật, sự hoàn thiện đó đã thiết lập luật mới, Chúa Giêsu dạy hãy biến “ách nặng nề, nô lệ” của luật cũ thành “sự tự do vui thỏa” trong Chúa Thánh Thần. Đừng câu nệ ở nơi chữ viết ràng buộc mà cảm nghiệm sâu xa từ trái tim mình là chủ đích của luật Chúa. Chúng ta thấy rõ minh họa đầu tiên qua “mối tương giao huynh đệ”: Thập giới truyền bảo “ngươi không được giết người’? Còn Chúa Giêsu, đi đến cùng đích đòi hỏi của Lề Luật, khi tuyên bố rằng, việc không phạm tội sát nhân thôi chưa đủ, mà còn phải loại bỏ nỗi oán hận và giận hờn khỏi lòng mình nữa: “Các con đã nghe người xưa dạy rằng “Không được giết người… còn Ta, Ta bảo thật bất cứ ai phẫn nộ với anh chị em mình, thì sẽ bị phạt nơi tòa án…” (Mt 5,21-22). Thật thế, trong sự hoàn thiện của luật, không chỉ giết người mới được coi là phạm luật, phải ra toà mà ngay cả thái độ giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em cũng được coi là đã vi phạm luật. Và có ý muốn ngoại tình là đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng rồi (x. Mt 5,27). Thậm chí chưa tích cực giải hòa với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng coi như là phạm luật, không còn quyền dâng của lễ cho Thiên Chúa nên Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để lễ vật lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Chúa Giêsu đến làm trọn Lề Luật trong tinh thần của luật yêu thương, có chiều kích nội tâm, để xoá bỏ những lối giải thích Lề Luật rắc rối bên ngoài làm cho con người trở nên vụ lợi và hình thức mà Chúa Giêsu đã kết án: “Khốn cho các ngươi giả hình, như mả tô vôi, bên ngoài trắng trẻo mà bên trong thối tha” (Mt 23,13-36).

Chúa Giêsu hoàn thiện luật khi không dừng lại, quanh quẩn ở luật pháp mà vượt qua luật, Ngài dẫn đưa nhân loại đi tới Tin Mừng (Phúc Âm) đem hạnh phúc tình thương cho con người. Chính bài giảng Bát phúc trình bày tính cách vĩnh cửu của luật pháp mà Ngài hoàn thiện.

Xin Chúa thổi tình yêu vào trong cuộc sống chúng ta, để khi tuân giữ mọi giới răn Đạo Chúa, mọi giáo huấn của Giáo hội Chúa Kitô, chúng ta giữ luật Chúa không chỉ vì sợ và tỏ lòng kính tôn, nhưng thực thi với tinh thần của tình yêu như thánh Augustinô nhấn mạnh trọng tâm của luật Chúa là tình yêu: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” (Thánh Augustinô).

Ý lực sống: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10).

 

Suy Niệm 8: Hãy làm hòa với nhau

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đức Giêsu đến trần gian không phải để phá bỏ lề luật và các tiên tri, nhưng chỉ đến để hoàn thiện thôi. Vì thế, Ngài sửa đổi tệ tục trong đời sống xã hội, gia đình và tôn giáo, điển hình như thái độ đối với kẻ thù (Mt 5,17-48).

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi môn đệ Ngài phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái (nghĩa là đừng bao giờ tự mãn vì đạo đức của mình). Một phương diện cụ thể của đức công chính mới là tương giao: phải coi mọi người là anh em của mình (chữ “anh em” được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong đoạn này). Trên cơ sở tình huynh đệ ấy, đừng mắng chửi, cũng đừng nuôi giận hờn lâu, hãy cố gắng làm hòa với nhau.

2. “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các luật sĩ...”

Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ cũng như chúng ta  phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái. Điều này có nghĩa là chúng ta phải giữ luật, bất cứ luật gì, đều phải trọn vẹn cả hình thức lẫn nội dung, bên ngoài cũng như ý hướng nội tâm: lý do là vì Chúa thấu suốt cả bên ngoài lẫn bên trong con người chúng ta.

Các luật sĩ và biệt phái chỉ chú trong đến hình thức bên ngoài của luật, nhưng chúng ta phải giữ luật từ ý hướng bên trong là căn bản, biểu lộ ra bên ngoài là hình thức.

3. “Chớ giết người, kẻ giết người sẽ bị kết án”.

Luật cũ chỉ đòi hỏi bảo vệ thể xác con người khi áp dụng điều răn thứ năm: chớ giết người. Còn Đức Giêsu lại đi xa hơn, Ngài dạy: phải bảo vệ con người cả thể xác lẫn tinh thần. Luật mới của Chúa vượt trên luật cũ của Cựu ước và vượt trên cả công lý nữa, nghĩa là công lý hay luật pháp chỉ kết án một người phạm tội giết người cụ thể, rõ ràng. Còn Chúa nói đến nguồn gốc của tội là gì và kết án ngay từ trứng nước.

Nói rõ hơn, người xưa chỉ kết tội khi giết người, còn Chúa lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội ấy, vì kẻ giết người thì thường bắt đầu từ chỗ ghen ghét, ganh tị, giận dỗi, tức giận, và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xẩy ra bằng hanh động, Chúa cấm từ trong trứng nước là thế.

4. “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật..hãy đi lam hòa với anh em trước đã”.

Chúa dạy chúng ta phải làm hòa với nhau trước dâng của lễ cho Thiên Chúa. Hòa giải là một danh từ của thời đại, hòa giải là một nhu cầu cần thiết của thời đại, vì thế hòa giải là mục tiêu phải đạt tới của nhiều phe nhóm kình chống nhau, cũng như của các quốc gia trước đây, coi nhau như thù địch.

Trên bình diện tôn giáo cũng thế, các hoạt động đại kết của các Giáo hội Kitô chỉ đạt được, nếu có sự hòa giải chân thành, khiêm tốn, nhìn nhận lỗi lầm của mình, đồng thời cố gắng tỉm hiểu nhau, khám phá những gì giúp liên kết nhau, hơn là đào sâu hố chia rẽ.

Hôm nay Chúa có ý bảo chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Tha thứ là điều kiện để được thông hiệp với Thiên Chúa. Vì thế trong phụng vụ Thánh lễ, để xứng đáng cử hành và tham dự, nhất là để hiệp lễ, Hội thánh đòi hỏi chúng ta phải sám hối và tha thứ cho nhau.

5. “Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi...”.

Việc làm hòa với tha nhân được coi như một món nợ phải đền, và đền cách trọn vẹn đầy đủ đến đồng xu cuối cùng. Chi tiết này cho thấy việc hòa giải là cần thiết và cấp bách, vì nó cần cho sự thông hiệp với Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu.

Hãy giải quyết với nhau khi còn dọc đường, đừng để khi đến tòa rồi thì đã muộn. Cùng trong một ý tưởng trên, Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hòa với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước tòa chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số ngày (đồng xu cuối cùng).

6. Truyện: Hoàng đế Othon làm hòa với em.

Dưới thời Hoàng đế Othon I, các vương hầu nổi lên làm loạn nhiều lần. Đặc biệt chính bá tước Henri, em ruột của Hoàng đế lại là kẻ cầm đầu quân phản loạn. Nhiều lần bị Hoàng đế đánh bại, ba lần bị lên án tử hình, nhưng được ân xá nhờ lời cầu khẩn của hoàng thái hậu Mathilde. Lần thứ tư Henri lại nổi loạn, bị bắt, lại bị xử tử hình. Hoàng để nổi giận không muốn nghe sự thỉnh cầu của bất cứ ai. Mặc dầu biết mất hết mọi hy vọng, nhưng Henri cố gắng lần cuối.

Đó là hôm áp lễ Noel năm 945, Hoàng đế và các vương hầu khanh tướng đến dự lễ tại nhà thờ chính tòa Quellimbourg. Đến phần Phụng vụ Lời Chúa, bá tước Henri mặc áo nhặm xuất hiện trong nhà thờ, tiến đến và sấp mình dưới chân Hoàng đế để xin tha mạng, nhưng Othon nhìn bá tước nghiêm khắc và nói: “Ba lần ta đã tha chết cho ngươi mà ngươi vẫn cố tình, đừng xin xỏ nài nỉ gì nữa, ba ngày tới đầu ngươi sẽ rơi”. Đang lúc đó vị chủ tế mở sách Phúc âm và đọc đoạn thánh Phêrô hỏi  Chúa: “Lạy Thầy, con phải tha cho anh em bao nhiêu lần? Có phải 7 lần không”? Chúa đáp: “Ta không nói với con là  7 lần mà là 70 lần 7”.

Nghe lời đó, Hoàng đế rúng động tâm can đến phát khóc và không những Hoàng đế tha mạng cho đứa em phản loạn, mà còn ôm vào lòng rồi ban cho em lãnh thổ Bavier nữa (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A).



 

Ðừng nóng giận, hãy làm hòa – SN song ngữ 26.02.2021

 Friday (February 25):  Do not be angry, be reconciled

 

Gospel Reading:  Matthew 5:20-26

20 For I tell you, unless your righteousness exceeds that of the scribes and Pharisees, you will never enter the kingdom of heaven. 21 “You have heard that it was said to the men of old, `You shall not kill; and whoever kills shall be liable to judgment.’ 22 But I say to you that every one who is angry with his brother shall be liable to judgment; whoever insults his brother shall be liable to the council, and whoever says, `You fool!’ shall be liable to the hell of  fire. 23 So if you are offering your gift at the altar, and there remember that your brother has something against you, 24 leave your gift there before the altar and go; first be reconciled to your brother, and then come and offer your gift. 25 Make friends quickly with your accuser, while you are going with him to court, lest your accuser hand you over to the judge, and the judge to the guard, and you be put in prison; 26 truly, I say to you, you will never get out till you have paid the last penny.

Thứ Sáu     25-2               Ðừng nóng giận, hãy làm hòa

 

Mt 5,20-26

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Meditation: 

 

Do you allow sin or anger to master your life? The first person to hate his brother was Cain. God warned Cain: ‘Why are you angry? ..Sin in couching at the door; it’s desire is for you, but you must master it (Genesis 4:6-7). Sin doesn’t just happen; it first grows as a seed in one’s heart. Unless it is mastered, by God’s grace, it grows like a weed and chokes the life out of us. 

Do not allow the seed of anger and evil to grow in your heart

Jesus addressed the issue of keeping the commandments with his disciples. The scribes and Pharisees equated righteousness with satisfying the demands of the law. Jesus showed them how short they had come. Jesus points to the heart as the seat of desire, choice, and intention. Unless forbidden and evil desires are uprooted and cut-out, the heart will be poisoned and the body become a slave to sin and passion. 

Jesus illustrates his point with the example of the commandment to not kill. Murder first starts in the heart as the seed of forbidden anger that grows within until it springs into words and actions against one’s brother or neighbor. This is a selfish anger that broods and is long-lived, that nurses a grudge and keeps wrath warm, and that refuses to die. Anger in the heart as well as anger in speech or action are equally forbidden. The Lord Jesus commands by grace – take away the anger in your heart and there will be no murder.

Only God’s purifying love and mercy can free us from bitterness and anger

What is the antidote for overcoming anger and rage? Mercy, forbearance, and kindness spring from a heart full of love and forgiveness. God has forgiven us and he calls us to extend mercy and forgiveness towards those who cause us grief or harm. In the cross of Jesus we see the supreme example of love and the power for overcoming evil. Only God’s love and grace can set our hearts and minds free from the tyranny of wounded pride and spiteful revenge. Do you harbor any anger towards another person? And are you quick to be reconciled when a rupture has been caused in your relationships? Ask God to set you free and to fill your heart and mind with his love and truth.

 

Eusebius, a 3rd century church father, offered the following prayer as instruction for his fellow Christians:

“May I be no man’s enemy, and may I be the friend of that which is eternal and abides. May I never quarrel with those nearest me: and if I do, may I be reconciled quickly. May I love, seek, and attain only that which is good. May I wish for all men’s happiness and envy none. May I never rejoice in the ill-fortune of one who has wronged me. When I have done or said what is wrong, may I never wait for the rebuke of others, but always rebuke myself until I make amends. May I win no victory that harms either me or my opponent. May I reconcile friends who are angry with one another. May I never fail a friend who is in danger. When visiting those in grief may I be able by gentle and healing words to soften their pain. May I respect myself. May I always keep tame that which rages within me. May I accustom myself to be gentle, and never be angry with people because of circumstances. May I never discuss who is wicked and what wicked things he has done, but know good men and follow in their footsteps.”

Do you seek to live peaceably and charitably with all?

“Lord Jesus, my heart is cold. Make it warm, compassionate, and forgiving towards all, even those who do me harm. May I only think and say what is pleasing to you and be of kind service to all I meet.”

Suy niệm:  

 

Bạn có để cho tội lỗi hay sự giận dữ làm chủ đời mình không? Người đầu tiên ghét em của mình là Cain. Thiên Chúa cảnh báo Cain: Tại sao người giận dữ? Tội lỗi đang rình chực ở cửa, nó thèm khát ngươi, nhưng ngươi phải làm chủ nó (St 4,6-7). Tội lỗi không bỗng dưng xảy ra với chúng ta. Trước hết nó lớn lên như hạt giống trong lòng chúng ta. Nếu nó không bị diệt trừ bởi ân sủng của Chúa, nó sẽ lớn lên như cỏ dại và đè bẹp cuộc đời của chúng ta.

Đừng để hạt giống nóng giận và sự dữ lớn lên trong lòng bạn

Ðức Giêsu nói về vấn đề giữ các giới răn với các môn đệ. Những người kinh sư và Pharisêu cào bằng sự công chính với việc đáp ứng giữ luật bề ngoài. Ðức Giêsu đã chỉ cho thấy họ đã đi đến chỗ thiển cận như thế nào. Ðức Giêsu nhắm tới cõi lòng như là trung tâm của sự ước muốn và chọn lựa. Nếu như những ước muốn xấu xa và bị cấm đoán không được nhổ rễ và cắt đi, tâm hồn sẽ bị hư hoại và thân xác sẽ trở nên nô lệ cho tội lỗi và đam mê.

 

Ðức Giêsu minh họa quan điểm của mình bằng điều răng chớ giết người. Giết người trước hết khởi đi từ trong lòng như hạt giống của cơn nóng giận bị cấm đoán rồi lớn lên trong lòng cho tới khi nó tuôn ra những lời nói và hành động chống lại anh em của mình hay tha nhân. Đây là sự giận dữ ích kỷ có tính toán và tồn tại lâu dài, nuôi dưỡng sự hận thù và duy trì sự nguy hiểm của sự phẫn nộ, và từ chối hy sinh. Sự giận dữ tích chứa trong lòng cũng như sự giận dữ trong lời nói và hành động hoàn toàn bị Thiên Chúa nghiêm cấm. CG ra lệnh nhờ ơn sủng – hãy loại bỏ sự nóng giận trong lòng bạn và sẽ không có giết người.

Chỉ có tình yêu TC mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự cay đắng và nóng giận

Thuốc giải độc cho sự giận dữ và thịnh nộ là gì? Lòng thương xót, lòng tốt lành, và nhịn nhục nảy sinh từ một trái tim biết yêu thương và tha thứ. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta và Người kêu gọi chúng ta trải dài lòng thương xót và sự tha thứ đến với những ai gây đau khổ và nguy hại cho chúng ta. Trong thánh giá của Ðức Giêsu, chúng ta nhìn thấy mẫu gương siêu việt của tình yêu và sự tha thứ, và sức mạnh của sự nhân từ để chế ngự sự xấu. Chỉ có tình yêu và ơn sủng của Thiên Chúa mới có thể giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tính kiêu ngạo bị tổn thương và sự thù hận cay đắng. Bạn có chất chứa bất kỳ sự giận dữ nào đối với người khác không? Và bạn có nhanh chóng hòa giải khi sự tuyệt giao xảy ra trong những mối quan hệ không? Hãy cầu xin Thiên Chúa cho bạn được giải thoát và lấp đầy tâm trí bạn với tình yêu và sự thật.

Thánh Eusebius, một giáo phụ ở thế kỷ thứ 3, đã dâng lời cầu nguyện sau đây như sự hướng dẫn cho các tín hữu của ngài:

“Xin cho con không là kẻ thù của ai, và xin cho con là bạn của những gì là vĩnh cửu và tồn tại. Xin cho con không bao giờ tranh cãi với những ai ở gần con nhất: nếu có, xin cho con hòa giải nhanh chóng. Xin cho con yêu thích, tìm kiếm, và có được chỉ những gì tốt lành. Xin cho con ao ước hạnh phúc cho mọi người chứ không ghen tị với ai. Xin cho con không bao giờ vui mừng trong sự bất hạnh của người làm hại con. Khi con làm hay nói điều gì sai trái, xin cho con không bao giờ chờ đợi sự khiển trách của người khác, nhưng luôn luôn khiển trách chính mình cho tới khi con sửa đổi. Xin cho con không có chiến thắng nào làm hại đến con hay đối thủ của con. Xin cho con hòa giải các bạn bè đang giận nhau. Xin cho con không bao giờ quên bạn bè đang ở trong nguy hiểm. Khi thăm viếng ai đau khổ, xin cho con biết dùng những lời lẽ nhẹ nhàng và an ủi để xoa dịu nổi đau của họ. Xin cho con biết tôn trọng chính mình. Xin cho con quen với sự hiền lành, và không bao giờ nóng giận với người ta bởi vì những tình huống. Xin cho con không bao giờ nói xấu người ta và những điều xấu họ làm, nhưng hiểu biết người tốt và theo chân của họ.”

 

Bạn có tìm cách để sống hòa bình và bác ái với tất cả mọi người không?

Lạy Chúa Giêsu, tâm hồn con lạnh lẽo. Xin làm cho nó được ấm áp, có lòng trắc ẩn, và tha thứ cho mọi người, thậm chí những người làm hại con. Chớ gì con chỉ nghĩ và nói những gì làm vui lòng Chúa và trở thành sự giúp đỡ tốt lành cho mọi người con gặp gỡ.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây