Thứ Tư tuần 21 thường niên.

Thứ ba - 24/08/2021 07:40

Thứ Tư tuần 21 thường niên.

"Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri".

 

Lời Chúa: Mt 23, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác.

Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: "Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri". Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi".

 

 

SUY NIỆM 1: Có vẻ công chính

Suy niệm

Ở xứ Paléttin, các ngôi mộ thường được quét vôi màu trắng,

để người Do-thái dễ nhận ra và tránh xa.

Đặc biệt trước lễ Vượt qua, mộ được quét vôi lại,

vì có đông đảo khách hành hương tuốn về quê dự lễ.

Ai bất cẩn đụng vào mộ là bị trở nên ô uế trong bảy ngày (Ds 19, 16).

Đối với người Do-thái, ngôi mộ là điều nên tránh,

vì bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô nhơ (c. 27),

tuy bên ngoài có vẻ sạch sẽ tốt đẹp.

Đức Giêsu đã dám ví các kinh sư và người Pharisêu với ngôi mộ,

vì bên ngoài họ có vẻ công chính trước mặt người ta,

nhưng bên trong thì đầy đạo đức giả và gian ác (c. 28).

Có sự tương phản giữa cái có vẻ bên ngoài và cái thực tế bên trong.

Bên ngoài không diễn tả bên trong, nhưng làm hiểu sai cái bên trong.

Tất cả nỗ lực của chúng ta là làm cho bên ngoài và bên trong nên một,

để ai thấy bên ngoài của ta đều biết được điều sâu kín bên trong.

Đức Giêsu còn đề cập đến một sự giả hình khác (cc. 29-32),

đó là việc các người Pharisêu xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ thời xưa.

Họ khẳng định mình không can dự và tội giết các ngôn sứ của cha ông họ.

Tiếc thay, họ lại can dự vào tội giết các ngôn sứ do Đức Giêsu sai đến,

qua đó họ cho thấy mình đúng là người thuộc dòng dõi của cha ông,

Khi đọc toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Mátthêu

về những lời phê phán của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo,

chúng ta có thể bị sốc, vì chúng quá nặng nề.

Liệu Đức Giêsu hiền lành có nói nguyên văn những lời như thế không?

Điều cần biết là không phải người Pharisêu nào cũng giả hình.

Có nhiều người thực sự thánh thiện đạo đức,

và Đức Giêsu đã có tương quan tốt với một số người trong nhóm.

nhưng trong nhiều dịp khác nhau, và Mátthêu gom lại thành một chương.

Cuối cùng không nên quên là hầu chắc giọng điệu gay gắt của chương này,

Vào thời Mátthêu viết Tin Mừng này, có những kitô hữu bị bách hại,

bị đánh đòn, bị giết và đóng đinh bởi người Do-thái (Mt 23, 34).

Bởi đó những lời của Đức Giêsu nhắm vào người Pharisêu ngày xưa,

lại trở thành lời nhắc nhở chúng ta hôm nay,

những người sống trong Hội Thánh và những người lãnh đạo.

Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có.

Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Hội Thánh vẫn muốn cho đọc bài Tin Mừng gây sốc này

vì các kitô hữu vẫn bị cám dỗ giữ đạo bên ngoài mà không sống đạo.

Thật ra chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho con người hôm nay

khi những khoảng cách giữa lời nói và hành động được xóa bỏ,

khi người ta thấy sự thống nhất trong lối sống của chúng ta,

khi mọi mặt nạ được cởi ra, và sự thật được tỏ hiện.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SUY NIỆM 2: Mồ mả tô vôi

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trong ta luôn luôn có những góc tối khuất nẻo, khó có ai nhìn thấy. Nói và làm không đi đôi với nhau. Đó là những yếu đuối của con người muôn thưở. Nhưng nếu thỏa hiệp và tệ hơn nữa chủ trương để những tương phản đó trở thành một thái độ sống thì thật tồi tệ. Người ta trở thành giả hình và lừa dối. Đó là trường hợp những người Pha-ri-sêu. Chúa Giê-su gọi họ là những mồ mả tô vôi.

Là mồ mả tô vôi vì phần bên ngoài quá đẹp đẽ. Người Pha-ri-sêu am hiểu Lề Luật, được tôn làm bậc thầy dậy dỗ Lề Luật cho mọi người. Ngoài ra họ còn nêu gương về đời sống đạo đức, ăn chay và cầu nguyện rất nhiều. Nhưng bên trong tâm hồn lại là một tương phản đáng ghê tởm: đầy sự gian ác và đạo đức giả.

Là mồ mả tô vôi vì họ xây mộ các tiên tri mà cha ông họ đã giết. Một hành vi che đậy tội lỗi dưới lớp vỏ bọc nhân nghĩa. Ác nhân được tiếng là thiện nhân. Tội nhân mặc lấy áo thánh nhân. Vì hôm nay họ vẫn tiếp tục giết Chúa Giê-su, một tiên tri trổi vượt trên mọi tiên tri. Tội ác của họ còn nặng nề hơn tội của cha ông họ gấp bội.

Theo lời dạy của Chúa, thánh Phao-lô không chấp nhận lối sống hai mặt như mồ mả tô vôi. Nên thánh nhân đã phê phán những người mang danh Ki-tô hữu nhưng sống vô kỷ luật, không xứng với danh hiệu. Ngài ra chỉ thị rõ ràng: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn”. Chính bản thân ngài luôn sống một cuộc sống chân thực, không giả dối, hình thức bề ngoài. Không ngồi trên tòa, “không ăn bám ai, trái lại đêm ngày làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người khác”. Dù ngài “có quyền hưởng sư giúp đỡ” và được trọng vọng (năm chẵn).

Sống chân thực nên ngài sống “thánh thiện, công minh, không chê trách được”. Không xa cách dân chúng nhưng “cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con”. Không nói lời của mình mà chỉ “nói cho anh em nghe lời Thiên Chúa”. Không giữ tín hữu lại cho mình, nhưng qui hướng mọi tâm hồn về với Chúa: “chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa”. Không tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm vinh quang cho Chúa và hướng mọi người đáp lại lời của “Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người” (năm lẻ).

Đời sống của tôi hôm nay thế nào? Có trung thực trước mặt Chúa và anh em không? Tôi vẫn còn điều gì phải che giấu? Hãy sống trung thực. Vì ta chẳng thể lừa dối Chúa.

 

SUY NIỆM 3: Kết án tội giả hình

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án nữa của Chúa Giêsu chống lại các Luật sĩ và Biệt phái.

Với lời kết án thứ sáu, Chúa Giêsu ví các Luật sĩ và Biệt phái như những mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Tại Palestina, người dân có thói quen quét vôi trắng các mồ mả, nhất là vào dịp lễ Vượt Qua, để người ta có thể nhận ra và tránh xa khỏi bị nhơ uế ngăn trở cho việc phụng tự. Vẻ đẹp bên ngoài của các mồ mả che dấu thực tại ghê tởm bên trong. Cũng vậy, các Luật sĩ và Biệt phái bên ngoài xem ra là những người công chính, nhưng bên trong thì đầy sự giả hình và tội ác; việc họ giữ luật cách nghiêm nhặt chỉ là tấm màn che đậy một đời sống tương phản với những điểm cốt yếu của Lề Luật Thiên Chúa, đó là sự công bình, lòng bác ái và trung tín.

Trong lời kết án thứ bẩy, Chúa Giêsu tố cáo sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: họ xây mồ cho các tiên tri và sửa sang phần mộ những kẻ mà cha ông họ đã sát hại; họ than trách tội ác của cha ông họ trong quá khứ và tự phụ rằng nếu sống vào thời tổ tiên, họ sẽ không hành động như thế; nhưng họ quên rằng họ là con cháu của những kẻ đã sát hại các tiên tri, và giờ đây họ đang đi vào con đường đó bằng việc mưu hại Ngài.

Chúa Giêsu cũng chờ đợi nơi mỗi người chúng ta những thành quả tốt đẹp của việc cải hóa tâm hồn, nếu không, chúng ta cũng sẽ phải lãnh nhận số phận như các Luật sĩ và Biệt phái: cây khô sẽ bị chặt đi và bị ném vào lửa đời đời. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự giả hình, khỏi tính ích kỷ và tự mãn. Xin cho chúng ta khiêm tốn nhận mình tội lỗi và thành tâm trở về với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Xét lại đời sống mình

Lời trách của Chúa Giêsu gọi các văn sĩ và những người biệt phái Pharisiêu sống giả hình như những mả tô vôi thật là rõ ràng và thức tỉnh chúng ta hãy xét lại đời sống của mình. Tục lệ của dân Do Thái Palestine thời Chúa Giêsu là sơn mồ mả bằng màu vôi trắng để cho người khác dù ở xa cũng có thể nhận ra dễ dàng và dừng lại đàng xa để khỏi bị nhiễm ô uế.

Hình ảnh cái mả tô vôi trắng làm cho mỗi người chúng ta hiểu sâu xa hơn về sự giả hình. Giả hình là một thái độ gán cho mình điều tốt mà thật ra mình không có hay không làm. Bên ngoài chúng ta chứng tỏ mình là người tuân giữ luật Chúa nhưng bên trong tâm hồn thì lại tích chứa những điều xấu xa không như là những mệnh lệnh của Chúa đòi hỏi.

Nhìn về kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có thể cảm nghiệm được tầm mức của những lời kết án của Chúa không phải như là chuyện đã qua của thời quá khứ nhưng có liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta có che giấu những tội lỗi tật xấu của mình bằng những tấm kịch cho qua lúc. Chỉ có phương thế duy nhất để tránh những lời kết án trên của Chúa là sự thật lòng ăn năn trở lại, là khiêm tốn và can đảm bỏ đi những mặt nạ mà chúng ta quen mang từ trước đến nay. Chúng ta đừng trở thành những người chỉ có danh hiệu là Kitô mà kỳ thực là những con người xa lìa Chúa. Chúng ta đừng sống theo ảo tưởng của những lời khen tặng của kẻ khác mà tưởng mình là kẻ chi chi, nhưng hãy ý thức rõ về thân phận tội lỗi của mình và khiêm tốn xin Chúa thứ tha.

Lạy Cha,

Chúng con chúc tụng Cha, Ðấng ngự trên trời, vì đã giải thoát chúng con khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết nhờ qua cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con Cha. Xin Cha hãy đổ tràn ân sủng tình yêu của Cha trong tâm hồn chúng con ngõ hầu chúng con biết đáp lại những ơn soi sáng của Cha một cách chân thành.

Lạy Cha, xin giải thoát chúng con khỏi sự giả hình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Mồ mả quét vôi

Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt. 23, 27)

Một lần nữa, Đức Giêsu tiếp tục nhấn mạnh cái hố sâu giữa thực chất của hữu thể và cái ảo ảnh. Tư tưởng này được soi sáng bằng một hình ảnh khá kinh khủng.

Hằng năm, trước mấy ngày lễ Vượt qua, người Do-thái quét vôi những mồ mả của họ. Chính là để thấy rất rõ và tránh động đến mồ mả sợ bị dơ, lỗi phạm đến luật trong sạch. Quét vôi trắng phản chiếu ánh mặt trời lấp loáng không che giấu được đống hôi thối bên trong nấm mồ.

Thánh ý Thiên Chúa

Mồ mả, đó là hình ảnh biệt phái, cũng là hình hài chúng ta. Những ảo ảnh bên ngoài về công bình không thể che lấp sự độc ác bên trong. Tất cả cái hiện thấy bên ngoài chỉ là lừa gạt, giả hình người ta có thể tự lừa dối mình, mình sống theo thánh ý Thiên Chúa nếu chỉ lo lắng theo nghĩa đen, thay vì sống sâu sa tận thâm tâm tinh thần.

Thiên Chúa làm sống lại rất nhiều ngôn sứ, nhiều người công chính giữa lòng dân tộc. Ngài không ngừng gửi các ông đến, trao cho các ông loan báo sứ điệp của Ngài cho đến tận ngày nay nữa. Nhưng người ta lờ đi, liệng bỏ đi.

Luôn luôn có giả hình lộ dạng qua những hành động của biệt phái và của chúng ta. Kẻ giả hình cứ tưởng mình tốt hơn cha ông mình, tưởng mình là người công chính khi sơn phết mồ mả người xưa. Đó là sự ngộ nhận. Một ngộ nhận đáng sợ về tình trạng riêng của mình! Ta có thể tự hỏi những ảo tưởng đó không có ở các Kitô hữu chăng? Nếu nhìn lại những trang sử đen tối của Giáo Hội, Kitô hữu chúng ta chẳng khá hơn gì cha ông mình.

Cũng thật đáng hổ thẹn khi nhìn lại trang sử Giáo Hội của chúng ta hiện nay và cũng đáng hổ thẹn khi lên án tất cả mọi cái xảy ra vì lấy cớ giả dối là phải trung thành với truyền thống.

Cần phải đặt lại lịch sử và chiêm ngắm các vị thánh đã sống trong thời buổi bi thảm của lịch sử, sẽ thấy được các Ngài đã phải hoàn toàn vâng phục những quyền bính yếu đuối đến chừng nào.

JM

 

SUY NIỆM 6: ĐỪNG GIẢ DỐI (Mt 23, 27-32)

Tại các khu đô thị lớn, chúng ta vẫn thấy có những nghĩa trang nằm ngay tại những trung tâm của các thành phố. Những nhà hữu trách đã tìm mọi cách, dù tốn công, tốn của để quy hoạch và biến nó thành công viên nghĩa trang, trông rất tráng lệ!

Những mồ mả ở đây được thiết kế nhiều mẫu khác nhau, trông thật bắt mắt. Đến nỗi người dân trung quanh có thể vào đó để đi dạo.

Việc làm đẹp những ngôi mộ cho người quá cố quả là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là: bên trong các ngôi mộ đó, dù là của người nghèo hay giàu; có chức quyền hay là thường dân; trẻ em hay người già, tất cả đều chỉ là một nắm xương ghê rợn mà thôi!

Hôm nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu: họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài trông rất đẹp mắt, nhưng bên trong thì toàn xương người chết thối tha, nhơ nhớp. Qua đó, Ngài tố cáo họ vì lối sống giả hình.

Bởi vì, họ tự cho mình là công chính; là “con cưng” của Thiên Chúa. Thật tội nghiệp khi họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài để che dấu tâm địa xấu xa bên trong! Tuy nhiên, càng che đậy, họ càng bị Ðức Giêsu phát hiện và lên án gắt gao.

Trong đời sống đạo hiện nay, cũng có nhiều khi chúng ta tìm mọi cách để che đậy những chuyện xấu xa, khuyết điểm, lỗi lầm để tự cho mình là người đạo đức hơn người. Điều khó hiểu là chúng ta an tâm để sẵn sàng lên án kẻ khác vì những thiếu xót của họ mà không hề suy nghĩ hay áy náy gì đến lỗi lầm của mình! Hơn nữa, nhiều khi quá giỏi che đậy, nên không ai biết đến những khuyết điểm của mình, vì vậy, chúng ta lại an tâm và “bình chân như vại” để tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi tiếp theo.

Nhưng xin nhớ rằng: chúng ta có thể che giấu bằng những biện pháp tinh vi, xảo quyệt để che mắt người đời, nhưng với Chúa, Ngài biết hết và biết rõ ràng từng lỗi lầm của chúng ta.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống thật tâm với lòng mình. Không được sống giả hình nhân đức. Cũng không được nhân danh đạo đức để trà đạp anh em và tìm mọi cách để vươn mình lên nhằm đạt được mục đích “rẻ tiền” như quyền, tiền, tình...

Nếu chúng ta không lo sám hối thì sẽ rơi vào tình trạng trên, khi ấy, hẳn chúng ta không khác gì những người Kinh Sư và Pharisêu khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở về với đời sống nội tâm thực sự, để chúng con nhận ra mình chẳng là gì, nhưng Chúa là tất cả. Nhận ra mình thấp hèn, cần phải khiêm tốn để được đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chân thành phê phán, nhận thức và cuộc sống.

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Sự sa đọa tệ hại nhất của đời người là sự giả hình. Chúa muốn ta chân thành trong phê phán, trong nhận thức và trong cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống hằng ngày, con đã biết sự giả dối tệ hại là dường nào. Khi đau ốm, nếu con mua lầm một loại thuốc giả, thì không những tiền mất tật mang mà đôi khi mạng sống khó an toàn. Nếu người con yêu lường gạt, giả dối đối với con, thì chắc chắn tình yêu sẽ trở thành thù hận.

Những điều giả dối ở bên ngoài có những tệ hại lớn lao như vậy. Nhưng hôm nay, Chúa cho con biết một sự giả dối còn tệ hại hơn nữa, đó là sự giả hình, một sự giả dối nằm bên trong con người. Nó phỉnh gạt, che mắt chính con người con, nó làm con kiêu căng, tự mãn, và con không thể nhận ra đâu là sự thật. Nó làm con có những lệch lạc trong tương quan đối với Chúa và đối với kẻ khác. Thay vì lòng đạo đức giúp con ngày càng sống thân mật, yêu mến Chúa, thì sự giả hình đã làm cho con tưởng như vậy là mình trổi vượt hơn kẻ khác. Khi con giúp đỡ tha nhân, thay vì để cảm thông và chia sẻ các khó khăn của họ, con lại muốn cho họ nhận ra sự hào phóng quảng đại của mình.

Lạy Chúa, hôm nay, chính Chúa đang phê phán gắt gao sự giả hình giả dối trong con. Xin Chúa giúp con đặt nền tảng của các mối quan hệ, đó là sống trong tình yêu thương chân thật đối với Chúa và đối với kẻ khác. Chân lý sẽ giải thoát con. Nhưng sẽ không có chân lý nếu con không có yêu thương. Chúa là tình yêu, xin ban tình yêu cho con, để con luôn được sống trong chân lý. Xin cho con luôn biết sống dưới cái nhìn của Chúa và trong ánh sáng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri”.

 

Suy Niệm 8: Đạo đức giả hình

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Ngày xưa, ở Hàng Châu, có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc. Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà chẳng thèm? Lưu Cơ cũng tới mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Ông liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc: “Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ? Tệ thật! Anh giả dối lắm”.

Người buôn cam mỉm cười nói: “Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ông thật không nghĩ cho đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp độ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ… Thế mà lúc ra ngoài công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ, hách dịch vô cùng!...

Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong lại chẳng hôi thối, và xác xơ, như bông nát là gì? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam của tôi?”

Suy niệm

Chúa Giêsu tiếp tục lên án những lối đạo đức giả hình của các kinh sư và pharisiêu vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch tâm hồn. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm, trong tâm hồn họ vẫn ấp ủ những ý đồ. Ðức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám… (x. Mt 23:27-28). Họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài để che giấu tâm địa bên trong. Càng che giấu họ càng bị Ðức Giêsu phát hiện và lên án. Ðức Giêsu đã mượn lời ngôn sứ Isaia (Is 29,13) nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).

Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các Lề Luật, các huấn lệnh tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước (x. Đnl 4,1-2.6-8). Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ là hình thức giữ các mệnh lệnh. Ðạo Chúa là tình yêu chân thật xuất phát từ đáy lòng.

Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn chúng ta, Ngài thấy rõ những khuyết điểm, lỗi lầm của chúng ta. Hãy xin Ngài soi sáng và thức tỉnh để chúng ta nhận ra những yếu đuối và sai lầm của bản thân, thẳng thắn nhìn nhận và mau mắn sửa đổi.

Ý lực sống:

“Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con” (Tv 139,1).

 

Suy Niệm 9: Chúa vẫn than trách luật sĩ và biệt phái

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu tiếp tục lên án thói giả hình của luật sĩ và biệt phái trong việc xây cất mồ mả cho các tiên tri, mà cha ông họ đã giết chết. Những lối đạo đức giả hình của các luật sĩ và biệt phái làm cho Đức Giêsu bực mình. Người gọi đó là mồ mả tô vôi. Thật tội nghiệp khi họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài, để che giấu tâm địa bên trong. Càng che giấu họ càng bị Chúa phát hiện và lên án gắt gao.

Những mồ mả tô vôi (cc 27-28).

“Khốn... các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy dẫy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”: Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần đại lễ Vượt qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh, kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. Ds 19,16). Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy, bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ” (Lm. Carôlô).

Xây mồ cho các tiên tri (cc 29-32).

“Khốn... các ngươi xây mồ cho các tiên tri và tô mả cho những người công chính...”: Một mặt họ xây mồ cho các tiên tri, để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các tiên tri đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên”, vì tổ tiên họ chỉ giết các tiên tri, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia (CGKPV).

Ca dao Việt Nam có câu:

Ngoài miệng thì nói nam mô

Trong lòng thì chứa một bồ dao găm.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh nấm mồ tô vôi nhằm lên án những kẻ có lối sống đạo hình thức. Nơi những con người này, sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với lề luật đã lên đến đỉnh điểm. Họ che đậy sự xấu xa của mình và đánh lừa mọi người bằng một cái vỏ đạo đức xinh đẹp, để được gọi là người “công chính trước mặt thiên hạ”.

Qua việc vạch trần sự giả hình của các luật sĩ và biệt phái thời đó, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở người Kitô hữu trong mọi thời đại phải tránh xa thói giả hình, đồng thời phải biết cảnh tỉnh và cải hoá tâm hồn. Nếu không, họ cũng sẽ phải lãnh nhận số phận bi thảm: sẽ bị chặt đi và ném vào lửa đời đời.

Nhìn về kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có thể cảm nghiệm được tầm mức của những lời kết án của Chúa Giêsu, không phải như chuyện đã qua của thời quá khứ, nhưng có liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta có thể che giấu những tội lỗi tật xấu của mình bằng những tấm kịch cho qua lúc. Chỉ có phương thế duy nhất để tránh những lời kết án trên của Chúa là sự thật lòng ăn năn trở lại, là khiêm tốn và can đảm bỏ đi những mặt nạ mà chúng ta quen mang từ trước tới nay. Chúng ta đừng trở thành những người chỉ có danh hiệu là Kitô hữu, mà kỳ thực là những con người xa lìa Chúa. Chúng ta đừng sống theo ảo tưởng của những lời khen tặng của kẻ khác mà tưởng mình là kẻ chi chi, nhưng hãy ý thức rõ về thân phận tội lỗi của mình và khiêm tốn xin Chúa thứ tha (R.Verritas).

Truyện: Gương sống đạo thực sự

Giữa khu rừng âm u có tu sĩ nổi tiếng thánh thiện và có nhân đức hiền lành, dịu dàng lạ lùng. Một người ngạo ngược nghe nói tu sĩ hiền lành lạ lùng như vậy, y không tin và nói: tất cả những cái đó chỉ là giả tạo và tôi sẽ làm cho cái màn giả hình đó phải rơi xuống.

Hôm sau, từ sáng sớm tinh sương, y đã lên đường đến chỗ ẩn sĩ ở. Nhà tu hành có nuôi một con chó, để ban đêm nếu có thú vật nào đến để phá hoại rau cỏ thì nó sủa đánh thức chủ dậy. Hôm đó khi thấy người lạ đến, con chó con chạy ra sủa. Ẩn sĩ ở trong nhà bước ra chào và đón tiếp vị khách lạ. Nhưng như để chọc giận thánh nhân, người hung ngược kia nắm ngay lấy con chó mà quật chết. Thấy vậy, ẩn sĩ quỳ xuống dưới chân kẻ bạo tàn và nói:

- Bạn ơi, chính tôi đã nuôi con chó này, và tôi rất tiếc vì nó đã làm cho bạn nổi giận.

Tức bực vì chưa đạt được tới mục đích của mình, kẻ bạo ngược trong thấy trong vườn có những cây rau và hoa đẹp chính tay ẩn sĩ đã trồng, lại xông vào đập phá và quăng vất lung tung, nhưng ẩn sĩ vẫn thản nhiên nhìn xem và không hề tỏ dấu gì tức giận.

Thấy vẫn chưa được việc gì, y càng điên tiết, trèo lên nóc nhà, dỡ mái quăng rui mè và xô đổ cả tường vách, mãi cho đến khi mỏi tay mới thôi. Song nhà tu hành vẫn bình tĩnh và đưa con mắt yêu thương nhìn y. Thấy y mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhai, đoán rằng, y cần phải uống nước, tu sĩ xách lọ đi ra giếng, múc nước mát về mời y uống.

Trước cử chỉ thánh thiện và nét mặt điềm đạm lạ thường ấy, chàng hung bạo mà trái tim mãi đến nay vẫn trơ như đá, bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Y rất cảm phục nhân đức của người tu hành và đến xin lỗi:

- Thưa cha, xin cha tha thứ cho những việc điên rồ con vừa mới làm, bây giờ con nhìn thấy có Chúa ở trong cha, và con đây thật là một đứa con tội lỗi và bạo ngược. Cha đã lấy sự lành mà báo sự dữ: chỉ có Chúa mới khiến được lòng người ta ra như thế mà thôi.

Từ đó, kẻ vô nhân đạo kia bắt đầu cải tà qui chính, rồi xin ở lại làm đầy tớ nhà tu hành để được sống gần tu sĩ, cũng như để bắt chước nhân đức của ngài.

 

Suy Niệm 10: Tránh sống đạo hình thức, giả hình

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy:

1. Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ để mô tả về cách sống đạo hình thức, giả hình và sự thiếu trung tín của người Do Thái. Và việc họ xây mồ mả cho các ngôn sứ (Mt 23,29-32) để phủi tay trước những việc làm ác độc của tổ tiên. Thực ra, họ còn ác độc hơn cả tổ tiên của họ, vì họ đang âm mưu giết Chúa Giêsu.

Con người luôn muốn tự khẳng định mình nên nhiều khi những việc làm như thế đã trở nên phô trương, lố bịch và vô nghĩa.

Người ta kể lại rằng: Văn sĩ Pháp Alexandre Piront qua đời năm 1773 thường có thói quen đi dạo trong khu vườn Boulogne, giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường. Chỉ một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì ông thấy trong đám đông những người đi dạo, có một vài người đi đến gần ông ngả nón chào. Cũng có một vài người còn bái cả gối nữa. Nhà văn đã mỉm cười đáp lại những cảm tình khách qua đường dành cho ông. Ông không ngờ là ông được nhiều người mộ mến như thế. Ông mong sao có một số bạn bè trong văn đàn chứng kiến được cảnh tượng này, để thấy vinh quang mà ông đã đạt được.

Nhà văn đang say sưa với bả vinh hoa, thì chợt trong đám người bái chào đó, có một bà lão để lộ thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người, bà lão này cúi đầu chào rồi tiến tới gần ghế đá, bà thầm thì nói những gì trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên phía trên bức tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng: trên đầu ông có một tượng Thánh Giá. Thì ra những người đi dạo khi đi đến đó đã dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên Thập Giá. Hổ thẹn vì khám phá này, Alexandre Piront đứng dậy bỏ đi nơi khác.

Vâng! Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.

2. Vậy thì điều mà Chúa muốn là gì? Thưa là một đời sống đạo đức thực sự.

Giữa khu rừng âm u có tu sĩ nổi tiếng thánh thiện và có nhân đức hiền lành, dịu dàng lạ lùng.

Một người ngạo ngược nghe nói tu sĩ hiền lành lạ lùng như vậy, y không tin và nói: tất cả những cái đó chỉ là giả tạo và tôi sẽ làm cho cái màn giả hình đó phải rơi xuống.

Hôm sau, từ sáng sớm tinh sương, y đã lên đường đến chỗ ẩn sĩ ở. Nhà tu hành có nuôi một con chó để ban đêm, nếu có thú vật nào đến để phá hại rau cỏ thì nó sủa đánh thức chủ dậy. Hôm đó, khi thấy người lạ đến, con chó con chạy ra sủa. Ẩn sĩ ở trong nhà bước ra chào và đón tiếp vị khách lạ. Nhưng như để chọc giận thánh nhân, người hung ngược kia nắm ngay lấy con chó mà quật chết. Thấy vậy, ẩn sĩ quì xuống dưới chân kẻ bạo tàn và nói:

- Bạn ơi, chính tôi đã nuôi con chó này, và tôi rất tiếc vì nó đã làm cho bạn nổi giận.

Tức bực vì chưa đạt được tới mục đích của mình, kẻ bạo ngược trông thấy trong vườn có những cây rau và hoa đẹp chính tay ẩn sĩ đã trồng, lại xông vào đạp phá và quẳng vất lung tung, nhưng ẩn sĩ vẫn thản nhiên nhìn xem và không hề tỏ dấu gì tức giận.

Thấy vẫn chưa được việc gì, y càng điên tiết, trèo lên nóc nhà, rỡ mái quăng rui mè và xô đổ cả tường vách, mãi cho đến khi mỏi tay mới thôi. Song nhà tu hành vẫn bình tĩnh và đưa con mắt yêu thương nhìn y. Thấy y mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhãi. Đoán rằng, y cần phải uống nước, tu sĩ xách lọ đi ra giếng, múc nước mát về mời y uống.

Trước cử chỉ thánh thiện và nét mặt điềm đạm lạ thường ấy, chàng hung bạo mà trái tim mãi đến nay vẫn trơ như đá, bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Y rất cảm phục nhân đức của người tu hành và đến xin lỗi:

- Thưa cha, xin cha tha thứ cho những việc điên rồ con vừa mới làm, bây giờ con nhìn thấy có Chúa ở trong cha, và con đây thật là một đứa con tội lỗi và bạo ngược. Cha đã lấy sự lành mà báo sự dữ: chỉ có Chúa mới khiến được lòng người ta ra như thế mà thôi.

Từ đó, kẻ vô nhân đạo kia bắt đầu cải tà qui chính, rồi xin ở lại làm đầy tớ nhà tu hành để được sống gần tu sĩ cũng như để bắt chước nhân đức của ngài.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con. Amen.

 

Suy Niệm 11: Đừng trang điểm giá trị giả dối

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy:

6. Những mồ mả tô vôi (cc 27-28)

- “Khốn… các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy dẫu xương người chết và đủ mọi thứ ô uế…”: Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần đại lễ Vượt qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. Ds 19,16). Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ”.

7. Xây mồ cho các ngôn sứ (cc 29-32)

- “Khốn… các ngươi xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính…”: Một mặt họ xây mồ cho các ngôn sứ để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên” họ vì tổ tiên họ chỉ giết các ngôn sứ, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia (CGKPV).

B.... nẩy mầm.

1. Thành ngữ VN có một câu tương đương với câu “mồ mả tô vôi” của Tin Mừng, đó là “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm”.

Con rất dễ phạm phải sự giả hình này. Xin Chúa giúp con thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong.

2. Những người biệt phái trách cha ông họ đã xử tệ với các ngôn sứ. Thế nhưng chính họ còn tệ hơn nữa khi bách hại Chúa Giêsu. Trách người thì dễ, sửa mình mới khó. Tôi cũng rất nhanh miệng phê phán chê trách người khác….

3. Một bà già tốt lành, hơn 40 năm sinh sống bằng nghề giặt ủi tầm thường, nhưng lại được mọi người quí mến, tín nhiệm. Khi được hỏi bí quyết, bà đáp: “Tôi có một qui luật sống là không mách lẻo chuyện nhà này cho nhà khác nghe." (Góp nhặt)

4. Mỗi người đều mang hai túi: một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.

Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của anh em. (Góp nhặt)

5. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)

Như một qui luật của sự sống, con người luôn muốn tự khẳng định mình, đôi lúc trở nên phô trương, lố nghịch và vô nghĩa. Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.

Như tôi chẳng hạn, luôn chuẩn bị cho mình một cách chu đáo trong ngày lễ hội, đại lễ: nào là quần áo giầu dép và cả đi xưng tội nữa! Nhưng kết quả thì sao? Cuộc sống chẳng khá hơn, con người vẫn cứ cũ mèm! Khi “lớp vỏ” được bóc ra thì tôi vẫn là tôi ngày nào, trước sao thì nay vẫn vậy! Tôi chỉ là một con người hay ganh tỵ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, và là một kẻ hèn nhát không dám nói về đạo nơi tôi đang sống! Tôi có còn là một kitô hữu thật sự hay không? Không lý nào chỉ là kitô hữu được “quét vôi”!

Lạy Chúa, Chúa biết con sống như thế nào. Xin thêm sức để con có thể canh tân cuộc sống của chính mình. (Hosanna)

 

SUY NIỆM

« Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả! ». Trong chương 23 của sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói tới bảy lần như vậy (c. 13.15.16.23.27 và 29): Theo Phụng Vụ Mùa Thường Niên, bài Tin Mừng hôm kia, Thứ Hai ba lần; bài Tin Mừng hôm qua, Thứ Ba hai lần và bài Tin Mừng hôm nay, hai lần còn lại[1].

Chúng ta có thể coi đó là căn bệnh “đạo đức giả” hay “giả hình” với những biểu hiện khác nhau, cần được làm rõ để được chữa lành, không phải chỉ của những kinh sư và người Pha-ri-sêu, nhưng của loài người và từng người chúng ta.

1. Biểu hiện thứ sáu và thứ bảy

Bệnh “giả hình” mà Đức Giê-su nói tới không theo nghĩa chúng ta thường hiểu, nhưng là một thứ bệnh có nhiều biểu hiện phức tạp, khó nhận ra. Trong bài Tin Mừng của ngày thứ hai và thứ ba vừa qua (Mt 23, 13-26), Đức Giê-su đã mặc khải năm biểu hiện của bệnh “giả hình”. Sau đây là biểu hiện thứ sáu và thứ bảy, được Đức Giê-su nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay.

Biểu hiện thứ sáu. Đức Giê-su nói: “Các người giống như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay”. Có lẽ đây là lời nặng nề nhất của Đức Giê-su dành cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu, để mặc khải cho họ căn bệnh hiểm nghèo chết người.

Theo đó, họ chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng không ai biết, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha; giống ngài nói trong bài Tin Mừng hôm qua: “Bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc gian tà”. Lời này sẽ ứng nghiệm, khi họ căm giận Đức Giê-su, gài bẫy, lập mưu để bắt và loại trừ ngài.

Biểu hiện thứ bảy. Những người kinh sư và những người Pha-ri-sêu tôn vinh các ngôn sứ và những người công chính, bằng cách xây lăng mộ cho các vị. Ngang qua hành động này, họ mặc nhiên nhìn nhận sai lầm của tổ tiên: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.”

Tuy nhiên, trong thực tế, họ cứ hành động giống như tổ tiên, khi bách hại các ngôn sứ của thời đại mình, ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, và Ngôn Sứ của mọi ngôn sứ, là chính Đức Giê-su. Vì thế, Đức Giê-su nói: “các ngươi đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các ngươi”. Như thế, họ không còn là “con cháu của tổ tiên Israel” theo nghĩa cao quí nhất, nhưng là con cháu của những kẻ giết người!

2. Chân dung người “giả hình”

Ứng với bảy lần Đức Giê-su lên tiếng gọi: “Hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!”, Người nêu ra bảy cách ứng xử cụ thể của họ. Như thế, ngang qua bảy cung cách này, chúng ta có thể phác họa ra một chân dung hoàn chỉnh về sự giả hình của loài người chúng ta thuộc mọi thời.

  • Người giả hình là người, một đàng, có sự hiểu biết hơn người về Nước Trời, nhưng đàng khác, lại không muốn vào; và vì mình không được hưởng, nên không ai được quyền hưởng.
  • Người giả hình là người, một đàng nhiệt thành đi tìm bổn đạo mới, nghĩa là đưa người ta về với Đức Chúa, nhưng đàng khác, bắt người ta lệ thuộc vào mình, vào những quan niệm, những hệ tư tưởng, những lí thuyết, những nguyên tắc lệch lạc của mình.
  • Người giả hình là người, một đàng tuyên xưng Đức Chúa là cùng đích, và dạy mọi người phải yêu mến trên hết mọi sự, nhưng đàng khác, lại sống và dạy người khác coi trọng phương tiện hơn cả Đức Chúa, chẳng hạn đền thờ, bàn thờ, của lễ…
  • Người giả hình là người, một đàng thi hành lề luật thật hoàn hảo, nhất là những luật mang lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế, nhưng đàng khác, lại bỏ qua công lý và lòng nhân, nghĩa là tương quan với tha nhân, bỏ qua lòng thành tín, nghĩa là tương quan với Thiên Chúa.
  • Người giả hình là người, một đàng thi hành thật chặt chẽ những nghi thức thanh tẩy, nhưng đàng khác, trong lòng « đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ ».
  • Người giả hình là người, một đàng họ có một vẻ bề ngoài thật tôn nghiêm, đoan trang và đáng kính, nhưng đàng khác, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha.
  • Người giả hình là người, một đàng nhận ra sự sai lầm của các thế hệ trước, nhưng đàng khác, lại tiếp tục hành động sai lầm như thế và có khi còn phạm những sai lầm nghiêm trọng hơn.

3. Chữa lành bằng “Cây Thuốc Thập Giá”

Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Ngài không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của Ngài với con người và Thiên Chúa Cha, một cách sống hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua.

Thật vậy, như xưa trong sa mạc, ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống (x. Ds 21, 4-9), giờ đây ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành (x. Ga 3, 13-17), chữa lành khỏi sức mê hoặc của vẻ bề ngoài, nghĩa là của căn bệnh “đạo đức giả” hay “giả hình”. Bởi vì, Thập Giá là biểu tượng của công lí hay công chính của loài người, nhưng hoàn toàn chỉ có vẻ bề ngoài. Như thế, phương thuốc tận cùng của Ngài để chữa lành chúng ta, chính là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của ngài không còn là gì nữa: thân xác, y phục, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó đức công chính thần linh của Người lại trở nên sáng tỏ nhất, khuôn mặt tình yêu và thương xót của Thiên Chúa trở nên rạng ngời nhất.

*  *  *

Gian dối, nghĩa là đạo đức giả, là thứ tội dựa vào vẻ bề ngoài : nó tách biệt vẻ bề ngoài ra khỏi sự thực ; nó tách chữ viết của Lề Luật ra khỏi tinh thần của Lề Luật để sử dụng Lề Luật cho sự dữ (x. 2 Cr 3, 6).

Gian dối được hiểu như trên, giúp chúng ta nhận ra cách hành xử của Satan trong lịch sử loài người, vốn hội tụ nơi Thập Giá của Đức Kitô và bị làm cho phải lộ nguyên hình. Thật vậy, nơi Thập Giá, Satan đem lại cho ý muốn hủy diệt của nó vẻ bề ngoài công chính của Lề Luật. Tất cả những ai đi với Satan đều làm như thế. Satan phô bày hình dạng bên ngoài hay tính khả giác của sự thiện. Tôi tớ của Satan cũng làm như thế.

Satan sẽ rơi vào chính cái bẫy của nó. Thật vậy, Thiên Chúa mang lại cho sự thánh thiện của thân thể Đức Kitô vẻ bề ngoài của sự bất chính, bởi vì thân thể thánh thiện này sẽ giống như thân thể của một người bị chết phơi thây vì sự bất chính của mình, như là một tội nhân chết trên giá treo cổ, nơi của « công lý », vốn thu hút loài người chúng ta ; bởi vì tội và sự tan nát thể xác đi đôi với nhau. Đó chính là nơi hẹn gặp mà các Thánh Vịnh nêu ra một cách thật rõ ràng.

Vẻ bề ngoài tương ứng với vẻ bề ngoài : một bên là vẻ bề ngoài công chính nơi Satan, còn bên kia là vẻ bề ngoài bất chính nơi Đức Giêsu, người bị lên án chết. Vì Thiên Chúa làm cho Con của Ngài xuất hiện : « Giống như thân xác tội lỗi » (Rm 8, 3) : « Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người » (2 Cr 5, 21). Thực vậy, Đức Kitô đã cứu chúng ta bằng cách :

Chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép : « Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ! » (Gl 3, 13)

Satan ở vào chỗ của Kẻ Tố Cáo, Thiên Chúa nơi Con của Ngài là Đức Giêsu-Kitô, ở vào chỗ của người bị cáo. Satan ở vào chỗ của công lý, bởi lẽ nó sử dụng vặn vẹo Lề Luật, vốn là điều tốt đẹp, đúng đắn và thánh thiện (x. Rm 7, 12), và Thiên Chúa ở vào chỗ của tội lỗi, bởi lẽ khi sai Con của mình đến, Thiên Chúa đã đồng hóa Ngài với tội (x. Rm 8, 3). Vậy là vẻ bề ngoài tương ứng với vẻ bề ngoài, nhưng vấn đề ở đây là nhìn thấy hơn là suy luận : nơi Đức Giêsu, chúng ta hãy nhìn ra Đấng, tương hợp hoàn toàn với một bệnh nhân bị lên án, và với một tội nhân bị xử phạt.

Tại sao và làm thế nào cái nhìn có thể cứu được ? Thánh Gioan nhắc lại chuyện rắn độc cắn dân chúng trong thời gian ở sa mạc (x. Ga 3, 14). Môsê khi đó đã treo một con rắn lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì được chữa lành.

Loài người chúng ta bị bệnh bởi những vẻ bề ngoài, bởi những gian dối công chính, bởi những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, bởi sự thánh thiện hay bác ái ảo tưởng ; khi chúng ta nhìn thấy tất cả những vẻ bề ngoài này bị dập tắt và chết đi trên Thập Giá của Đức Kitô, đó chính là điều chữa lành chúng ta và trả lại cho chúng ta cái nhìn lành mạnh. Hình dạng thật sự của Sự Dữ được phô bày ra trên vẻ bề ngoài nát tan của Sự Thiện chữa lành chúng ta.

 

 

SATAN

(và những người thuộc về Satan)

ĐỨC KITÔ

 

 

 

Vẻ

bề ngoài

 

 

 

Dựa trên:

⇒ Chữ viết của Lề Luật.

⇒ Sự công chính của Lề Luật.

⇒ Vẻ bề ngoài hay tính khả giác của sự thiện.

Để đóng vai Kẻ tố cáo và thực hiện công lí

 

 

Dựa trên:

⇒ Tinh thần hay cùng đích của Lề Luật

⇒ Sự công chính đến từ Thiên Chúa

⇒ Sự Thiện nơi Thiên Chúa

 

Để “đồng hóa” mình với Người bị cáo và với Tội

 

 

 

Sự

thật

(là thực tại, nhưng vô hình, được mặc khải bởi Tin Mừng)

 

GIAN DỐI

 

TỘI

SỰ DỮ

SỰ THẬT

 

VÔ TỘI TUYỆT ĐỐI

THÁNH THIỆN

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Vẻ đẹp và sự tốt lành đích thật đến từ bên trong – SN song ngữ 25.8.2021

 

 

Wednesday (August 25):  

 

True beauty and goodness come from within

Scripture:  Matthew 23:27-32

27 “Woe to you, scribes and Pharisees, hypocrites! for you are like white washed tombs, which outwardly appear beautiful, but within they are full of dead men’s bones and all uncleanness. 28 So you also outwardly appear righteous to men, but within you are full of hypocrisy and iniquity. 29 “Woe to you, scribes and Pharisees, hypocrites! for you build the tombs of the prophets and adorn the monuments of the righteous, 30 saying, `If we had lived in the days of our fathers, we would not have taken part with them in shedding the blood of the prophets.’ 31 Thus you witness against yourselves, that you are sons of those who murdered the prophets. 32 Fill up, then, the measure of your fathers.

Thứ Tư     25-8          

 

Vẻ đẹp và sự tốt lành đích thật đến từ bên trong

Mt 23,27-32

27 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!29 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.30 Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.”31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ.32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

Meditation: How can you tell if someone is real or fake, genuine or counterfeit? Outward appearances can be deceptive. Isaiah prophesied that the Messiah would not judge by what his eyes see, or decide by what his ears hear; but with righteousness he shall judge the poor, and decide with equity for the meek of the earth (Isaiah 11:3-4). The heart reveals the true intentions and attitudes that form the way we think of others and treat them. Jesus used strong language to warn the religious leaders and teachers about the vanity of outward appearance and pretense – wearing a mask that hides the true intentions and thoughts of the heart. In Palestine tombs were often placed by the sides of roads. They were painted white which made them glisten in the midday sun, especially around the time of the great feasts, so that people would not accidentally touch them and incur ritual impurity.

True beauty and goodness come from within

Jesus equates true beauty and goodness with a clean heart and mind that is set on God and his way of love and goodness and sin with a corrupt mind and heart that is set on doing what is wrong and evil. Jesus issued a stern warning to the scribes and Pharisees not to condemn them but to call them to examine their hearts in the light of God’s truth and holiness. Jesus called them hypocrites because their hearts were set on pleasing themselves rather than God. A hypocrite is an actor or imposter who says one thing but does the opposite or who puts on an outward appearance of doing good while inwardly clinging to wrong attitudes, selfish desires and ambitions, or bad intentions. Many scribes and Pharisees had made it a regular practice to publicly put on a good show of outward zeal and piety with the intention of winning greater honors, privileges, and favors among the people.

Sin is ugly because it corrupts heart and mind

Jesus warns that what truly corrupts a person is not external ritual impurity but the impurity of wrong and sinful attitudes that come from within a person’s mind and heart – such as pride, greed, sloth, envy, hatred, gluttony, and lust – these are what produce sinful habits (vices) and ways of speaking, acting, judging, and treating others. That is why every good deed is beautiful in God’s sight and every wrong or sinful deed is ugly in his sight. The scribes and Pharisees were intensely religious in their outward observances, but their outward show didn’t match the inner reality of the state of their minds and hearts. They not only neglected the poor and the weak, but they were intolerant towards anyone who challenged their idea of religion. That is why so many of the prophets in past ages – who warned about tolerating evil desires and unjust behavior towards one’s neighbor – were persecuted and even killed by their own rulers and people.

 

Jesus chastised the religious leaders for being double-minded and for demanding from others standards which they refused to satisfy. They professed admiration for the prophets who spoke God’s word by building tombs in their honor. But their outward show of respect did not match their inward refusal to heed the prophets’ warning to turn away from sinful attitudes and from neglecting to lead their people – through teaching and their own example – in God’s way of love and holiness of life. They shut themselves to heaven and they hindered others from growing in the knowledge of God’s truth and goodness. They rejected Jesus as their Messiah because their hearts were blinded and hardened to the voice of God.

 


The Holy Spirit renews the heart and mind

True beauty, goodness, and piety come from within – from a heart that is set on pleasing God and a mind that is set on hearing and obeying God’s word. Jesus came to set us free from slavery to sin and harmful habits and addictions that lead us into wrong and sinful ways of thinking, acting, and relating to others. Only the humble of heart can receive from God true wisdom and understanding, pardon and healing. The Holy Spirit is ever ready to renew our minds and hearts and to lead us in God’s way of love and holiness. Ask the Holy Spirit to purify your heart and mind and to fill you with the power of God’s love and goodness.

 

 

“Lord Jesus, incline my heart to your wisdom and teach me your ways. Fill me with your Holy Spirit that I may love your ways and obey your word.”

Suy niệm:  Làm sao bạn có thể phân biệt được ai thật ai giả, thành thật hay giả vờ? Những diện mạo bên ngoài có thể là giả tạo. Ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri rằng Đấng Mêsia sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở (Is 11,3-4). Tâm hồn bày tỏ những ý định và thái độ thật sự đã hình thành cách chúng ta suy nghĩ và hành xử với người khác. Đức Giêsu dùng lời nói mạnh mẽ để cảnh báo những người lãnh đạo tôn giáo về sự rỗng tuếch bên ngoài và giả bộ – mang mặt nạ để che đậy những ý định và suy nghĩ thật sự bên trong. Mồ mã ở Palestine thường được chôn cất bên đường. Chúng được tô trắng để làm nổi bật lúc ban ngày, đặc biệt vào thời gian có những ngày lễ lớn, để người ta không bị bất ngờ mà đụng đến chúng, mà mắc phải sự ô uế theo nghi thức.

Vẻ đẹp và tốt lành thật sự ở trong lòng

Đức Giêsu đồng hóa vẻ đẹp và sự tốt lành đích thật với tâm trí trong sạch hướng về Thiên Chúa và đường lối yêu thương và tốt lành của Người, và đồng hóa tội lỗi với tâm trí đồi bại hướng về những việc làm sai trái và xấu xa. Đức Giêsu đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc với người kinh sư và Phariseu, không phải để kết án họ nhưng kêu gọi họ xét mình trong ánh sáng sự thật và thánh thiện của Thiên Chúa. Đức Giêsu gọi họ là giả hình bởi vì lòng họ chỉ muốn làm vui lòng mình hơn là Thiên Chúa. Người giả hình là diễn viên hay kẻ lừa đảo, nói một đàng làm một nẻo hay bề ngoài thì làm tốt nhưng bên trong lại có những thái độ sai trái, những ước muốn và những tham vọng ích kỷ, hay những ý định xấu xa. Nhiều vị kinh sư và người Phariseu thường công khai khoác dáng vẻ tốt lành, làm ra vẻ bên ngoài sốt sắng đạo đức với ý muốn được người khác kính trọng hơn, được những đặc ân hơn, và được người ta yêu mến hơn.

Tội lỗi xấu xa vì nó phá hủy tâm trí 

Đức Giêsu cảnh báo rằng những gì thật sự làm hư hoại con người không phải là sự ô uế theo nghi thức, nhưng là sự ô uế của những thái độ sai trái và tội lỗi, nảy sinh từ trong tâm trí của người ta – như kiêu ngạo, tham lam, lười biếng, ghen tị, hận thù, ham ăn, mê dâm dục – những điều phát sinh ra những thói quen và những cách thức tội lỗi qua nói năng, hành động, xét đoán, và hành xử với người khác. Đó là lý do tại sao mọi việc lành là tốt đẹp trong mắt của Thiên Chúa và mọi điều sai trái hay tội lỗi là xấu xa trong mắt Người. Các kinh sư và người Pharisêu rất đạo đức theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng bề ngoài của họ không phù hợp với thực trạng bên trong của tâm hồn họ. Họ không chỉ bỏ mặc những người nghèo và yếu đuối, mà họ còn cố chấp với những ai đụng chạm tới quan điểm tôn giáo của họ. Đó là lý do tại sao nhiều ngôn sứ trong quá khứ – đã cảnh báo về những ước muốn xấu xa cố chấp và hành vi bất công đối với người khác – bị bắt bớ và thậm chí bị giết chết bởi những nhà lãnh đạo và dân của họ.

Đức Giêsu trừng phạt những nhà lãnh đạo tôn giáo về sự hai lòng và việc đặt ra cho người khác những tiêu chuẩn mà họ từ chối không thực hiện. Họ tuyên xưng lòng ngưỡng mộ đối với các ngôn sứ nói lời của TC bằng cách xây dựng mồ mả với sự tôn kính. Nhưng sự bày tỏ kính trọng bên ngoài của họ không phù hợp với lòng họ, từ chối lắng nghe lời cảnh báo của các ngôn sứ để từ bỏ những thái độ tội lỗi và việc quên lãng dẫn dắt dân chúng của họ – qua việc dạy dỗ và gương sáng của chính họ – trong đường lối yêu thương và thánh thiện của Thiên Chúa trong cuộc sống. Họ đóng cửa trời cho chính mình, và ngăn cản người khác lớn lên trong sự hiểu biết chân lý và sự tốt lành của Thiên Chúa. Họ chống đối Đức Giêsu với tư cách là Đấng Mêsia, bởi vì lòng họ mù quáng và chai lì với tiếng nói của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần canh tân lòng trí

Vẻ đẹp, sự tốt lành, và đạo đức xuất phát từ bên trong – từ tâm hồn muốn làm vui lòng Thiên Chúa và từ trí óc muốn lắng nghe và vâng phục lời Chúa. Đức Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và những thói quen và nghiện ngập tai hại, dẫn dắt chúng ta vào những đường lối sai trái và tội lỗi trong suy nghĩ, hành động, và quan hệ với người khác. Chỉ những người khiêm nhường trong lòng mới có thể đón nhận từ Chúa sự khôn ngoan, sự hiểu biết, sự tha thứ, sự chữa lành đích thực. Chúa Thánh Thần luôn sẵn sàng đổi mới tâm trí chúng ta và dạy chúng ta đường lối yêu thương và thánh thiện của Thiên Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần thanh tẩy lòng trí chúng ta và xin Người lấp đầy lòng chúng ta với ơn khôn ngoan và ơn hiểu biết lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin hướng lòng con nghiêng về sự khôn ngoan của Chúa và dạy con đường lối của Người. Xin Chúa lấp đầy lòng con Thần Khí Chúa để con có thể yêu mến đường lối của Chúa và tuân giữ lời Người.


Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây