Thứ Tư tuần 3 mùa vọng.

Thứ ba - 14/12/2021 07:05

Thứ Tư tuần 3 mùa vọng.

"Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy".

 

LỜI CHÚA: Lc 7, 19-23

Khi ấy, Gioan gọi hai người trong số môn đệ của mình, sai họ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?" Khi những người này đến cùng Chúa Giêsu, họ thưa Ngài rằng: "Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Ngài: Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?"

Ngay lúc đó, Chúa chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy. Ngài đáp lại rằng: "Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng; và phúc cho ai không vấp phạm vì Ta".

 

 

Suy Niệm 1: Còn phải đợi ai

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Đường lối của Thiên Chúa lúc nào cũng làm con người ngỡ ngàng.

Ngài có lối nghĩ, lối đi rất riêng, khó đoán trước được.

Chính vì thế con người dễ bắt hụt Ngài.

Ngài ở đây mà ta lại cứ đi tìm Ngài ở kia.

Nhiều khi ta kêu ca vì không sao gặp được Ngài

ở những điểm hẹn quen thuộc.

Phải đổi cái nhìn xưa, ra khỏi lối nghĩ cũ, mới hy vọng gặp được Ngài.

Gioan có một hình ảnh khá rõ về Đấng Mêsia.

Ngài như người cầm nia rê lúa và đốt thóc lép trong lửa

hay như cái rìu chặt những cây không sinh trái.

Đấng Mêsia thích dùng lửa để thanh luyện cái xấu (Lc 3, 9, 16-17).

Gioan rất xác tín về hình ảnh này của mình.

Vì thế ông sốt ruột khi không thấy Đức Giêsu làm điều ông chờ đợi.

Trong bóng tối của nhà tù nằm ở phía đông Biển Chết,

Gioan còn phải chiến đấu với bóng tối của sự nghi ngờ nơi mình.

Đức Giêsu mà ông loan báo có đúng là Đấng Mêsia không?

Ông sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Đức Giêsu, để hỏi cho ra lẽ.

“Thầy có thật là Đấng-phải-đến không,

hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (c. 19).

Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy một khuôn mặt Mêsia khác hẳn.

Ngài bảo hai môn đệ của Gioan về thuật lại cho thầy mình

những gì họ mắt thấy tai nghe vào chính giờ họ đến gặp (c. 21).

Có sáu dấu chỉ của thời đại Mêsia, thời của Đấng Thiên Sai:

người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch,

kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy,

và người nghèo được nghe Tin Mừng (c. 22).

Đây là những dấu chỉ Ngài đã và đang làm cho dân chúng.

Những dấu chỉ này làm cho bao lời ngôn sứ Isaia ngày xưa

được ứng nghiệm (Is 26, 19; 29, 18-19; 35, 5-6; 42, 18; 61,1).

Như thế Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia,

nhưng không phải là Mêsia như Gioan chờ đợi.

Ngài không phải là một Mêsia đến phán xét hay tiêu diệt ác nhân,

cho bằng là một Mêsia khiêm nhu và đầy lòng thương xót.

Đức Giêsu đến để công bố một năm hồng ân cứu độ (Lc 4, 19).

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 23).

Muốn tránh vấp ngã, Gioan phải đổi cái nhìn của mình về Đấng Mêsia.

Đổi cái nhìn về Thiên Chúa không phải chuyện dễ.

Nhiều khi chúng ta thích một Thiên Chúa chiến thắng vẻ vang,

một Thiên Chúa quyền uy, dùng sức mạnh để chinh phục lòng người.

Chúng ta không chịu được một Thiên Chúa kiên nhẫn với cỏ lùng,

và để cho kẻ ác nhởn nhơ tác oai tác quái.

Ước gì chúng ta không mất đức tin khi đứng trước máng cỏ,

trước Hài Nhi Giêsu, nhỏ bé và yếu ớt, lặng lẽ và khiêm hạ,

vì chúng ta tin Ngài cứu độ thế giới bằng chính sự yếu đuối.

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thưong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

 

Suy Niệm 2: Nhìn xem dấu chỉ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Gio-an đưa ra một câu hỏi nguyên tắc. Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời thực hành. Gio-an đưa ra một câu hỏi trực tiếp. Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời gián tiếp. Gio-an đưa ra một câu hỏi bắt buộc. Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời tự do.

Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Chính giờ ấy Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy”. Đừng lý thuyết hãy thực hành. Đừng vội phán xét lý sự, hãy bình tĩnh nhìn xem rồi sẽ biết phán đoán. Đừng nói nhiều, hãy hành động. Đừng nghe qua trung gian, hãy tiếp xúc trực tiếp, tận mắt kiểm chứng.

Hãy về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng”. Cứ xem quả thì biết cây. Xem công việc thì biết người làm. Xem dấu chỉ thì có thể nhận biết thực tại. Ai có thể cho người mù được thấy nếu không phải là Đấng dựng nên ánh sáng. Ai có thể cho người chết sống lại nếu không phải là Đấng làm chủ sự sống. Ai có thể thứ tha tội lỗi nếu không phải là Thiên Chúa?

Dấu chỉ hiển nhiên nhưng lại tự do. Hiển nhiên vì ai cũng có thể thấy. Tự do vì không ép buộc. Thấy rồi có thể tin hay không. Tùy tấm lòng. Tự do nhưng lại đầy tính thuyết phục. Và phải tâm phục khẩu phục để cho niềm tin phát xuất tự đáy lòng.

I-sa-i-a cho biết sở dĩ Chúa có thể cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy” vì Chúa là chủ vũ trụ, Người ban sự sống, điều khiển muôn loài và là Chúa duy nhất có thể cứu độ: “Ngoài Ta ra không không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ ngoại trừ Ta. Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ”.

Lạy Chúa, Chúa là chủ vũ trụ và là chủ đời con. Đời con sẽ không có lối thoát nếu không đi về với Chúa. Con mù tối, què quặt, bất toại, xin Chúa hãy khai sáng để con nhìn ra sự thật, hãy phục hồi để con trở lại đường ngay, hãy ban sức mạnh để con hăng hái tiến bước. Xin cho con noi gương Chúa, làm chứng cho Chúa bằng những việc làm cụ thể. Lạy Chúa, xin mau đến cứu độ con.

 

Suy Niệm 3: Đấng Cứu Thế đến

Trong tác phẩm “Ngày Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người Do thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến:

“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là giấc mơ của bậc cao niên, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu Thế luôn luôn là sự hứa hẹn của buổi sáng ngày mai”

“Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân hằng mong đợi. Ngài chính là sự hứa hẹn của buổi sáng ngày mai”. Quả vậy, như trong bài Tin Mừng hôm nay, khi dẫn những lời tiên tri Isaia về thời Cứu Thế, Ngài đã cho thấy Ngài là Đấng phải đến. Ngài đem đến Nước Thiên là một yếu tố quyết định mạnh mẽ. Sau Ngài sẽ không còn ai sẽ đến, vì Ngài đã hoàn tất lời sấm ngôn: “người mù được thấy, người què được đi, người phung hủi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng”.

Mùa vọng nói với chúng ta về việc Chúa Giêsu đến, Ngài không chỉ đến trong giòng lịch sử như chúng ta vẫn mừng kỷ niệm vào lễ Giáng sinh, nhưng Ngài còn đến vào cuối lịch sử để làm thẩm phán xét xử chúng ta nữa.

Ước gì chúng ta đừng chờ đợi một Đấng nào khác ngoài Đức Kitô, cũng đừng đi lướt qua Đấng phải đến đang hiện diện, cũng đừng khinh thường những giáo huấn của Ngài. Bởi vì Ngài là Đấng phải đến, Ngài là Đấng đã đến trong thế gian, và Ngài là Đấng sẽ đến đầy quyền năng cao cả để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm. Ước gì chúng ta được vào số những người được Ngài chúc phúc và mời gọi đến lãnh lấy nước Trời làm cơ nghiệp.

 

Suy Niệm 4: Họ đã thấy và đã tin

Một trong những phương pháp giáo dục tốt mà ngày nay các nhà tâm lý giáo dục thường hay áp dụng, đó là: người thầy thường đưa học trò của mình đi thực tế để mắt thấy tai nghe vì trong những ngày tháng học ở giảng đường chỉ là lý thuyết. Tuy nhiên, thời gian đi thực tế là thời gian gặt hái được nhiều thành công nhất.

Hôm nay, Gioan Tẩy Giả cũng dùng biện pháp này khi sai hai môn đệ của mình đi đến gặp Đức Giêsu và hỏi: "Ngài là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Ðấng nào khác?". Khi sai các môn đệ đi như thế, hẳn Gioan không phải là người không biết vai trò, sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì khi ngài còn được tự do, chưa phải tù đầy, chính ngài nhận ra Đức Giêsu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, vì thế, ngài đã nhảy mừng khi Đức Maria đến thăm mẹ của mình là bà Elisabét; Gioan cũng thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống đậu trên vai Đức Giêsu và có tiếng Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa; rồi cũng chính ngài đã loan báo về Đấng đến sau mình, nhưng uy quyền và chức vụ của Đấng ấy rất đỗi cao sang, khiến ông không đáng cởi giây dày cho Ngài; cuối cùng, Gioan tuyên bố: “Đây là chiên Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, khi sai các môn đệ của mình đến với Đức Giêsu như thế, ông đã mở mắt cho các môn sinh và muốn các đồ đệ của mình hãy can đảm từ bỏ ông để đi theo Đức Giêsu, Đấng là nguồn ơn cứu độ, là đường, sự thật và là sự sống, còn ông, ông chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Khi họ đến gặp Đức Giêsu, Ngài đã cho các ông chứng kiến tận mắt những phép lạ chứng tỏ quyền năng và ơn cứu độ của Ngài khi chữa lành những người ốm đau, bệnh tật, loan báo ơn cứu độ cho mọi người, nhất là những người tội lỗi...

Khi cho họ chứng kiến như thế, Đức Giêsu không quên cảnh tỉnh họ: “Phúc cho kẻ không vấp ngã vì ta”.

Tại sao Ngài lại nói như thế? Thưa là vì Ngài biết rõ lúc này, nhiều người đang mong chờ Ngài là một vị Cứu Tinh theo kiểu quyền lực chứ không phải là người thi ân giáng phúc thiêng liêng...!

Vì thế, lời cảnh thức của Đức Giêsu cho các môn đệ Gioan khi xưa cũng chính là lời khuyên răn chúng ta ngày hôm nay! Thật vậy, nhiều khi chúng ta muốn níu kéo Chúa về phe chúng ta để tiêu diệt những người tội lỗi, bất lương. Hoặc đôi khi chúng ta yêu cầu Chúa phải ban cho chúng ta những ơn chúng ta xin dù ơn xin đó nghịch với Lương Tâm... Tuy nhiên, những điều đó hẳn là không thể được Chúa nhận lời, vì thế, nhiều khi chúng ta chưng hửng...!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào mối tương quan thân tình với Chúa bằng việc trực tiếp để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Cần có tấm lòng yêu thương, bác ái, liên đới và quảng đại như Chúa.

Noi gương Gioan Tẩy Giả, sẵn sàng lui vào hậu trường để Đức Giêsu được lớn lên và can đảm giới thiệu các môn sinh của mình đến và gặp Đức Giêsu để họ đi theo và thi hành sứ vụ của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con học được bài học từ hành động và cuộc đời của Chúa, để chúng con ra đi rao giảng và loan truyền những kỳ công Chúa đã làm cho nhân loại. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5Rao giảng bằng phong cách sống và hoạt động cụ thể

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu truyền giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói suông, nhưng còn bằng chính cuộc sống và hoạt động cụ thể của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bản chất của Hội Thánh là truyền giảng Tin mừng. Tất cả mọi Kitô hữu, bất kể già trẻ lớn bé, đều có bổn phận truyền giảng Tin mừng. Nhưng lạy Chúa, một em thiếu nhi, một bà già ít học thì truyền giảng Tin mừng thế nào? Lời Chúa hôm nay đã trả lời cho con: Chúa đã không truyền giảng bằng lời nói suông, mà còn bằng chính phong cách sống và hoạt động cụ thể. Lạy Chúa, Chúa đã không tốn công lý luận dài dòng để biện minh cho thân thế và sứ mạng của mình. Chúa mời gọi thầy trò Gioan nhìn thẳng vào những việc làm của Chúa mà thẩm định. Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc nhở con: “Ngày nay người ta không thích nghe các thầy dạy mà chỉ muốn nghe các chứng nhân, và nếu người ta có nghe các thầy dạy vì các thầy dạy ấy trước đó đã là những chứng nhân.”

Lạy Chúa, Tin mừng của Chúa đã được truyền giảng vào quê hương con gần năm thế kỷ nhưng kết quả thật khiêm tốn; vỏn vẹn 6 triệu người Công giáo trong tổng số 80 triệu dân. Con nhìn nhận mỗi người chúng con đều có phần trách nhiệm trước thực tế đáng buồn ấy, vì chúng con chưa sống và hành động theo tinh thần Phúc Âm.

Con xin Chúa giúp con dùng chính cuộc sống mình để giới thiệu Chúa cho anh em. Xin cho con biết sống thánh thiện, góp phần nhỏ bé để xoa dịu những khổ đau của anh em, và sống bác ái phục vụ tha nhân theo gương Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy thuật lại với Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy”.

 

Suy Niệm 6Hình ảnh thực sự đúng của Đấng Messia

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

Phân tích

Gioan Tẩy Giả là người dọn đường cho Đấng Messia nhưng đang bị Hêrôđê giam trong ngục tù. Ở trong tù, Gioan nghe biết hoạt động của Đức Giêsu. Một mặt ông nghĩ Ngài chính là Đấng Messia mà ông loan báo là sắp đến. Nhưng mặt khác, ông hơi nghi ngờ, bởi vì theo ông thì Đấng Messia là một quan tòa xét xử, trừng trị kẻ ác, thế mà ông chưa thấy Đức Giêsu xét xử và trừng trị ai cả. Vì thế ông sai môn đệ đến hỏi, xin Đức Giêsu nói rõ Ngài có phải là Đấng Messia phải đến hay không.

Đức Giêsu không trả lời thẳng, mà bảo các môn đệ Gioan về kể lại cho thầy họ những điều họ đã thấy Đức Giêsu làm: cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin mừng. Đây chính là hình ảnh Messia mà tiên tri Isaia đã mô tả. Nhưng không phải là một Messia thẩm phán, mà là một Messia Tôi Tớ phục vụ.

Đức Giêsu cũng biết rằng hình ảnh Messia Tôi Tớ quá ngược với hình ảnh Messia Thẩm phán mà Gioan vẫn có trong đầu. Cho nên Ngài nhắn thêm với Gioan: “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi.”

Suy gẫm

1. Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Chúng ta cũng nuôi một hình ảnh Thiên Chúa uy quyền, một hình ảnh Giáo Hội hiển hách. Vì thế chúng ta thường khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích… của đạo. Chúng ta tưởng rằng như thế thì người ta sẽ mến và trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta.

Nhưng Đức Giêsu thì không muốn thế: Thiên Chúa mà Ngài trình bày là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ; về bản thân thì Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng Cứu Nhân Độ thế. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.

Nói cụ thể, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn cao Giáo Hội, qua cách sống và hành động của chúng ta, hãy cho mọi người thấy rằng chúng ta và Giáo Hội tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi…

2. Mẹ Têrêxa Calcutta là người cho thế giới thấy rõ nhất hình ảnh Đấng Messia quan tâm cứu giúp những kẻ khốn khổ. Nhưng tiếc thay Mẹ Têrêxa không còn nữa! Mà thế giới thì vẫn luôn cần có những người như Mẹ. Ước gì trong Giáo Hội xuất hiện những Têrêxa Calcutta khác. Ước gì tôi cũng là một Têrêxa Calcutta khác.

3. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác”: nếu Giáo Hội không là một Messia cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là linh mục, tu sĩ hay Kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người tôi mong đợi, người ta sẽ đi tìm một người khác.

4. Mùa Vọng là thời gian mong chờ Đấng Messia, và Giáo Hội muốn nói cho người thời nay biết rằng họ có thể tìm thấy nơi chính Giáo Hội Đấng Messia mà lòng họ mong chờ. Nhưng liệu Giáo Hội có thuyết phục được họ không?

5. Trong tác phẩm “Ngày của Đức Kitô chết” của Jim Bishop, có một đoạn mô tả những gì người Do Thái cảm thấy về việc Đấng Cứu Thế đến:

“Việc Đấng Cứu Thế đến là nỗi ám ảnh của cả một quốc gia, là niềm vui ngoài mức tưởng tượng, là hạnh phúc vượt khỏi niềm tin, là niềm an ủi cho những vất vả của con người, là hy vọng của dân đang bị xiềng xích tủi nhục. Đấng Cứu thế luôn là sự hứa hẹn cho buổi sáng ngày mai.”

 

Suy Niệm 8Đấng phải đến

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đang lúc ngồi trong tù, Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu thế không? Chúa không trả lời mà bảo họ về thuật lại cho Gioan những việc các ông xem thấy Người đang làm: người mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe và người nghèo được nghe giảng Tin Mừng.Tức là Chúa trả lời cách gián tiếp: Người là Đấng Cứu Thế, là Đấng Thiên Sai.

Người Do thái chờ đợi một Đấng Cứu Thế quyền phép, để giải phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại xâm và làm bá chủ thế giới. Nhưng Chúa Cứu Thế không đến  để làm việc đó, Người đến để phục vụ, để chữa lành người bệnh tật, để cứu vớt những kẻ lầm lạc tội lỗi.

2. Chúng ta cần hiểu rõ lý do tại sao ông Gioan đang bị giam trong ngục lại sai hai môn đệ đến phỏng vấn Đức Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến không”? Chúng ta thấy có hai lý do khiến cho Gioan làm như thế:

- Một đàng ông có ý đánh tan tính ghen tỵ và mối hoài nghi của các môn đệ của ông về thân thế Đức Giêsu, vì họ đang tôn trọng ông hơn Đức Giêsu.

- Đàng khác, Gioan muốn cho môn đệ mình có dịp tiếp xúc trực tiếp với Đức Giêsu để có dịp nghe giảng giải và chứng kiến những việc Đức Giêsu đang làm mà tin nhận Người là Đấng Cứu Thế đã đến.

3. Còn một lý do nữa mà ông Gioan sai hai môn đệ đến chất vấn Đức Giêsu: Ở trong tù, Gioan nghe biết những hoạt động của Đức Giêsu: một mặt ông nghĩ Ngài chính là Messia mà ông loan báo là sắp đến. Nhưng mặt khác, ông hơi nghi ngờ, bởi vì theo ông thì Đấng Messia theo như tiên tri Isaia đã phác họa là một quan tòa xét xử, trừng trị kẻ ác, thế mà ông chưa thấy Đức Giêsu xét xử và trừng trị ai cả. Vì thế ông sai môn đệ đến hỏi, xin Đức Giêsu nói rõ Ngài có phải là Đấng Messia phải đến hay không.

4. Đức Giêsu có thái độ nào trước cuộc phỏng vấn đó? Ngài không trả lời trực tiếp mà chỉ bảo họ về thuật lại cho Gioan những việc Ngài đang làm: cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Bởi vì thời đó, ai cũng tin khi nào Đấng Cứu Thế đến, thì Người sẽ làm nhiều phép lạ, nay Đức Giêsu muốn cho môn đệ Gioan biết chính Người là Đấng ấy, nên Người đã làm nhiều phép lạ để cho họ mắt thấy tai nghe. Rồi Người bảo họ về đưa tin cho Gioan. Nhắn bảo như vậy, Đức Giêsu muốn nói với Gioan hãy căn cứ vào việc Người làm phép lạ để giác ngộ cho các môn đệ của ông tin vào Người là Đấng Cứu Thế.

5. Hình ảnh Đấng Cứu Thế ngày xưa và ngày nay. Ngày xưa khi Chúa Cứu Thế Giáng sinh, các luật sĩ, vua Hêrôđê và cả dân thành Giêrusalem đã không nhận ra Người, vì họ đã quan niệm Đấng Cứu Thế là Đấng uy phong và phải sinh ra ở nơi lầu son gác tía, chứ không phải ở chuồng bò.

Vì Chứu Cứu Thế xuất hiện trong cung cách như thế, nên chúng ta ngày nay phải hết sức tỉnh táo mới khỏi đón hụt mất Chúa Cứu Thế. Bởi vì, vẫn như ngày nào, Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta; không ồn ào giữa hàng ngũ người tùy tùng hầu hạ kiểu vua chúa phong kiến ngày xưa, mà Người ẩn mình trong thân phận con người nghèo đói, ốm đau, bệnh tật.

6. Ngày nay phải rao giảng về một Đấng Cứu Thế như thế nào?

Chính Gioan Tẩy giả mà còn nuôi một hình ảnh một Đấng Messia uy quyền xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống hồ chúng ta. Vâng, xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v... của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo hội của chúng ta hơn.

Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế: Người muốn Thiên Chúa mà Người trình bầy cho mọi người là một Thiên Chúa hiền lành, nhân từ, yêu thương, tha thứ. Người muốn cho người ta thấy Người là Đấng cứu nhân độ thế, giầu lòng thương xót hơn là một Đấng oai hùng  hiển hách.

7. Truyện: Ông có phải là Chúa Giêsu không?

Một thương gia kia đang dự buổi họp tổng kết. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng bữa ăn ban tối. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định.

Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu bé.

Rồi mọi người đều lên được xe buýt, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ. Ông thấy cậu bé đang vất vả tìm từng trái táo để lượm lại. Thì ra cậu bé mù.

Tội nghiệp quá, ông giúp cậu bé lượm lại từng quả táo cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo hỏi với theo: “Ông có phải là Chúa Giêsu không”?

Mùa Vọng nói với ta về việc Đức Giêsu đã đến. Ước gì ta đừng chờ đợi một đấng nào khác Người, cũng đừng khinh thường những giáo huấn của Người, nhưng hãy sống hoán cải, khiêm tốn phục vụ mọi người như chính Chúa vậy.

 

Suy Niệm 9: Đợi một Đấng Messia khác?

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Vâng! Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi trong đầu hình ảnh về một Đấng Messia đầy uy quyền sẵn sàng xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo Hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo Hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v. của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta hơn.

Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế: Thiên Chúa mà Ngài trình bày cho mọi người là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ. Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng cứu Nhân Độ Thế giàu lòng yêu thương. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.

Nói một cách cụ thể hơn, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn Giáo Hội lên, chúng ta hãy cho người ta thấy rằng, chúng ta và Giáo Hội chúng ta đang tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khoẻ, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v. Chúng ta có thể làm những việc đó qua dời sống của chúng ta.

 Một nhà truyền giáo, lần đầu tiên đến Trung Hoa, giảng về Chúa Giêsu cho một nhóm dân bản địa. Khi ngài kết thúc, một người nói:

- Phải, chúng tôi đã biết ngài. Ngài đã sống ở đây.

Nghe thế, nhà truyền giáo liền nói:

- Không, Đức Giêsu sống ở nước khác, cách đây gần 2000 năm rồi.

Nhưng những người đó vẫn khăng khăng bảo:

- Chúng tôi đã thấy Chúa. Chúa đã sống trong làng này. Chúng tôi biết Ngài.

Rồi ông dẫn nhà truyền giáo đến nghĩa trang và chỉ cho nhà truyền giáo thấy ngôi mộ của một nhà truyền giáo khác, đã từng sống với họ, phục vụ họ và cuối cùng, an giấc nơi cộng đoàn của họ.

Mẹ Têrêsa đã có lần nói: “Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng không phải để bạn giữ lấy và khoá kỹ, nhưng để bạn cho đi.”

Chính mẹ là người đã cho thế giới thấy rõ hình ảnh về Đấng Messia luôn quan tâm đến việc cứu giúp những kẻ khốn khổ. Tiếc thay là mẹ Têrêsa không còn nữa! Thế giới thì vẫn luôn cần có những người như mẹ. Ước gì Chúa ban cho Giáo Hội những Têrêsa Calcutta khác. Và ước gì mỗi người chúng ta cũng là một Têrêsa Calcutta cho thế giới hôm nay.

2. “Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác?” (Lc 7,20) 

Ngày xưa, Gioan đã sai môn đệ ông hỏi Chúa như thế. Ngày hôm nay, có lẽ cũng có nhiều người muốn hỏi Giáo Hội như vậy? Hay là chúng tôi còn phải đợi một Giáo Hội khác?

Vâng, nếu Giáo Hội hôm nay không là một Giáo Hội cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay Kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người mong đợi ở tôi và người ta sẽ đi tìm một người khác.

Trong quyển tự thuật Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh, người ta được biết: Trong những ngày còn là sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc Kinh Thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thật đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.

Mahatma Gandhi xác tín rằng, Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và để đón nhận vài lời chỉ dẫn, ông đã phải thất vọng. Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng đã chặn ông lại và nói với ông rằng, nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu mà dự.

Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và từ đó trở đi ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.

Thế là Chúa mất đi một tín đồ nhiệt thành. Người ta nói rằng, nếu hôm đó ông được đối xử một cách nhân từ và rộng lượng thì ngày nay cả nước Ấn Độ có lẽ đã được biết Chúa.

Nhưng tiếc thay! Đã quá muộn.

Chúng ta xin cho chúng ta biết sống một cuộc sống như Chúa để thành chứng nhân cho Chúa trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa xin cho chúng con trở thành những cánh tay nối dài của Chúa. Amen.
 

Let justice descend, O heaven – Suy niệm song ngữ theo WAU, ngày 15.12.2021

Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ
Nguồn: The Word Among Us – November, 2021

Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính (Is 45, 8)

 Khi dân Israel trở về quê nhà sau khi bị lưu đày ở Babylon, nhiều người trong số họ đã mang vết thương lòng vì bị giam cầm. Đúng vậy, công lý cuối cùng đã tuôn đỗ xuống khi tình trạng giam cầm của họ kết thúc giống như bài đọc một của ngày hôm nay mô tả về điều đó – nhưng nhiều người đã tê liệt trước sự thật rằng Thiên Chúa vẫn muốn làm việc trong cuộc sống của họ. Giống như bất kỳ ai thoát ra khỏi hoàn cảnh đau thương, họ phải vật lộn với những ký ức tổn thương, cảm giác tội lỗi hoặc không xứng đáng, và lo lắng về tương lai.

Và vì vậy, nhà tiên tri, khi thấy dân chúng thất vọng như thế nào, đã kêu lên: “Đất hãy mở ra cho ơn cứu rỗi nảy sinh!” (Is 45, 8). Thiên Chúa đang tuôn đổ công lý, lòng thương xót, ân sủng của Ngài! Hãy mở rộng tâm hồn và đón nhận nó! Chào mừng “cơn mưa dịu dàng” của Ngài, với sức mạnh chữa lành, vào tâm hồn bạn! (45, 8).

Trước kia thế nào thì ngày nay cũng vậy. Công lý của Thiên Chúa không ngừng mưa xuống trên những người công chính và những người bất chính, và Ngài không ngừng thúc giục chúng ta đón nhận nó (Mt 5, 45). Vào mọi thời điểm trong ngày, mọi người trên trái đất đều có thể nghe thấy lời kêu gọi của Ngài: “Hãy hướng về Ta để được bình an” (Is 45, 22). Tiếng kêu gọi của Ngài dành cho những bệnh nhân ung thư trong bệnh viện, người tử tù, người phụ nữ bị suy yếu sau khi sinh và hai vợ chồng đang chật vật kiếm sống. Nó cũng dành cho một doanh nhân trong một thỏa thuận mờ ám, một người lính sợ hãi ngoài tiền tuyến, một người chồng ngỗ ngược bị bắt vì ngoại tình, và một thiếu niên bị ma túy cám dỗ. Không có một người nào mà Thiên Chúa không muốn chữa lành, giải cứu, an ủi, củng cố hoặc hướng dẫn.

Hãy để chân lý này, giống như chính công lý của Thiên Chúa, thấm sâu vào tâm hồn bạn. Hãy để nó mang lại cho bạn hy vọng đối với những người bạn quen biết, những người đang đau khổ theo bất kỳ cách nào. Hãy để nó ban cho bạn sự tự tin khi bạn trình bày nhu cầu của họ trước mặt Chúa trong lời cầu nguyện. Bằng mọi cách, hãy tiếp tục cầu xin Thiên Chúa chữa lành hoặc bảo vệ họ hoặc đưa họ đến sự hoán cải. Nhưng hãy cầu nguyện thật nhiều để họ mở lòng ra với Chúa và đón nhận ân sủng của Ngài.

Và trong lúc đó, bạn cũng hãy cầu xin Chúa giúp bạn mở rộng tâm hồn mình với Ngài nữa. Vì có rất nhiều ân sủng mà Ngài muốn ban cho bạn!

Lạy Chúa, xin cho công lý của Chúa đi vào tâm hồn mỗi người ngày hôm nay!

***

DAILY MEDITATION: ISAIAH 45:6-8, 18, 21-25

Let justice descend, O heavens, . . . like gentle rain. (Isaiah 45:8)

When the people of Israel returned home after their exile in Babylon, many of them bore the wounds of their captivity. Yes, justice had finally descended when their captivity came to an end—just as today’s first reading describes it—but many were numb to the fact that God still wanted to work in their lives. Like anyone coming out of a traumatic situation, they struggled with wounded memories, feelings of guilt or unworthiness, and anxiety over the future.

And so the prophet, seeing how dispirited the people were, cried out, “Let the earth open and salvation bud forth!” (Isaiah 45:8). God is pouring out his justice, his mercy, his grace! Open your hearts and receive it! Welcome his “gentle rain,” with its power to heal, into your souls! (45:8).

As it was back then, so it is today. God’s justice is constantly raining down on the just and the unjust alike, and he is constantly urging us to receive it (Matthew 5:45). At every moment of every day, every person on earth can hear his call: “Turn to me and be safe” (Isaiah 45:22). His cry goes out to the cancer patient in the hospital, the inmate on death row, the woman with postpartum depression, and the couple struggling to make ends meet. It goes out to the businessperson in the midst of a shady deal, the frightened soldier on the front lines, the wayward husband caught in infidelity, and the teenager tempted by drugs. There is not a single person whom God doesn’t want to heal, deliver, comfort, strengthen, or guide.

Let this truth, like God’s justice itself, sink into your heart. Let it give you hope for the people you know who are suffering in any way. Let it give you confidence as you lay their needs before the Lord in prayer. By all means, keep asking God to heal them or protect them or bring them to conversion. But pray just as much for them to open their hearts to the Lord and receive his grace.

And while you’re at it, ask the Lord to help you open your heart to him as well. There’s no end to the grace he wants to give you!

“Lord, let your justice find its way into every person’s heart today!”

The poor receive good news – Suy niệm song ngữ Anh – Việt ngày 15.12.2021
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Wednesday (December 15)
 “The blind see, the lame walk, the poor receive good news”

Scripture: Luke 7:18-23

18 The disciples of John told him of all these things.19 And John, calling to him two of his disciples, sent them to the Lord, saying, “Are you he who is to come, or shall we look for another?” 20 And when the men had come to him, they said, “John the Baptist has sent us to you, saying, `Are you he who is to come, or shall we look for  another?'” 21 In that hour he cured many of diseases and plagues and evil spirits, and on many that were blind he bestowed sight. 22 And he answered them, “Go and tell John what you have seen and heard: the blind receive their sight, the lame walk, lepers are cleansed, and the deaf hear, the dead are raised up, the poor have good news preached  to them. 23 And blessed is he who takes no offense at me.”

 

Thứ Tư ngày 15-12
“Người mù nhìn thấy, người què đi được, người nghèo nhận được Tin mừng”

Lc 7,18-23

18 Môn đệ của ông Gio-an báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gio-an liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại,19 sai họ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? “20 Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: “Thầy có thật là “Đấng phải đến” không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? “21 Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy.22 Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng,23 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Meditation: How can we know that Jesus is who he claims to be, the Son of God, the promised Messiah, and Savior of the world? Is our faith a blind leap we must take without certainty or proof? John the Baptist sent his disciples to question Jesus about his claim to be God’s anointed Messiah. Did John have doubts about Jesus and his claim to divinity? Not likely, since John had earlier revealed Jesus’ mission at the River Jordan when he exclaimed, Behold the Lamb of God who takes away the sins of the world (John 1:29). 

 

John saw from a distance what Jesus would accomplish through his atoning sacrifice on the cross – our redemption from bondage to sin, condemnation, and death, and our adoption as sons and daughters of God and citizens of the kingdom of heaven. John very likely sent his disciples to Jesus because he wanted them to hear and see firsthand for themselves the signs and proof that the Messiah had indeed come in the person of Jesus who was sent by the Father in heaven and anointed by the Spirit at the River Jordan.

The Messiah performs the signs of God’s kingdom power

The miracles which Jesus performed and the message he proclaimed about the coming of God’s kingdom in his person was a direct fulfillment of what the prophets had foretold many centuries before (see Isaiah 29:18-19; 35:5-6; 61:1). Isaiah had prophesied that the Messiah would come in the power of the Holy Spirit to bring freedom and new life for all who were oppressed by afflictions, infirmities, sin and guilt, and demonic spirits (see Isaiah 61:1-2). 

Jesus came in the power of God’s kingdom to release those bound up by sin, fear, and hopelessness. His miracles and exorcisms are direct signs of God’s power and presence and they confirm that the Father has sent his only begotten Son to be our Messiah (which means the Anointed One) and Savior. 

 

Through Jesus’ atoning death on the cross and through the power of his resurrection we receive the first-fruits of God’s kingdom – the forgiveness of our sins, adoption as sons and daughters of God, new life in the Holy Spirit, and the promise that we will be raised to everlasting life with God in his kingdom. The Gospel is “good news” for all who receive it and believe in the Lord Jesus Christ. Do you know and witness to others the joy and good news of the Gospel of Jesus Christ?

“Lord Jesus, you are the fulfillment of all our hopes and desires.Set my heart aflame with the fire of your love and with the power of the Holy Spirit that I may boldly witness the joy of the Gospel and serve your kingdom wherever you place me.”

Suy niệm: Làm cách nào bạn biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng mà Người tuyên bố, là Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia, và là Đấng cứu thế? Đức tin của bạn có phải là hành động liều lĩnh mà chúng ta phải đón nhận mà không cần sự chắc chắn hay bằng chứng không? Gioan Tẩy giả đã sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu về lời chứng thực của Người là Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Có phải Gioan nghi ngờ về Đức Giêsu và lời tuyên bố của Người về Thiên tính không? Không bao giờ, vì Gioan đã tỏ lộ sứ mạng của Đức Giêsu ở sông Giođan khi ông tuyên bố, đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian (Ga 1,29).

Gioan đã thấy trước những gì Đức Giêsu sẽ hoàn tất ngang qua cái chết của Người trên thập giá – sự cứu thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho tội lỗi và sự chết, và được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, và trở thành những công dân nước Trời. Thực ra, Gioan sai các môn đệ đến với Đức Giêsu bởi vì ông muốn chính họ nghe và thấy trực tiếp những dấu chỉ và bằng chứng rằng Đấng Mêsia đã thực sự đến trong con người của Đức Giêsu Kitô, Đấng được Cha trên trời sai đến và được Thần Khí tấn phong ở sông Giođan.

Đấng Mesia làm các phép lạ về quyền năng vương quốc của Thiên Chúa

Các phép lạ Đức Giêsu đã làm và sứ điệp của Người tuyên bố về vương quốc sắp đến của Thiên Chúa nơi bản thân Người là sự hoàn thành trực tiếp những điều các ngôn sứ đã tiên báo nhiều thế kỷ trước (Is 29,18-19; 35,5-6; 61,1). Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng Đấng Mêsia sẽ đến trong quyền năng của Chúa Thánh Thần để đem tự do và sự sống mới cho tất cả những ai bị giam cầm bởi đau khổ, bệnh tật, tội lỗi và ma quỷ (Is 61,1-2).

Đức Giêsu đến trong quyền năng vương quốc của Thiên Chúa để giải thoát những ai bị trói buộc bởi tội lỗi, sợ hãi, và tuyệt vọng. Các phép lạ và trừ quỷ của Người là những dấu chỉ trực tiếp của quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng xác nhận rằng Cha đã sai Con một yêu dấu đến làm Đấng Mesia (nghĩa là Đấng được tấn phong) và Đấng cứu thế.

Ngang qua cái chết đền tội của Đức Giêsu trên thập giá và qua quyền năng phục sinh của Người, chúng ta đón nhận những hoa trái đầu mùa vương quốc của Thiên Chúa – sự tha thứ tội lỗi, ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa, sự sống mới trong Chúa Thánh Thần, và lời hứa rằng chúng ta sẽ sống lại cho sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa trong vương quốc của Người. Tin mừng là “Tin vui” cho tất cả những ai đón nhận nó và tin vào Chúa Giêsu Kitô. Bạn có biết và làm chứng cho người khác niềm vui và Tin mừng của Đức Giêsu Kitô không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự hoàn thành tất cả những hy vọng và ước muốn của chúng con. Xin nhóm lên trong lòng con ngọn lửa tình yêu của Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần để con có thể can đảm làm chứng cho niềm vui Tin mừng và phục vụ cho vương quốc của Chúa bất kỳ ở đâu Chúa muốn con tới.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây