Thứ Tư tuần 7 Phục Sinh.

Thứ ba - 18/05/2021 07:38

Thứ Tư tuần 7 Phục Sinh.

“Để chúng được nên một như Ta”.

 

Lời Chúa: Ga 17, 11b-19

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

 

 

SUY NIỆM 1: Xin Cha gìn giữ họ

Suy niệm:

Chúng ta đang sống trong một thế giới tự nhận là khoa học kỹ thuật,

trong đó dường như Thiên Chúa vắng mặt,

và Quỷ dữ, Ác thần, Satan cũng không có chỗ.

Thật ra, cả Thiên Chúa lẫn Satan đều có mặt trong thế giới này.

Con người sống trong thế giới là chịu sự lôi kéo của cả hai.

Khi dâng lời cầu nguyện lúc sắp trở về với Cha,

Đức Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ

đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian.

Chính vì thế Ngài khẩn khoản xin Cha gìn giữ họ khỏi Ác thần (c. 15).

“Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (c. 12).

Gìn giữ các môn đệ là việc Đức Giêsu đã làm trong suốt sứ vụ,

và Ngài đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa.

Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên.

Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình,

và trong cuộc chiến đấu này, Ngài đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11).

Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ các môn đệ (c. 11b),

là đoàn chiên của Cha mà Cha đã ban cho Ngài chăm sóc.

Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (c. 11b),

nên Cha có khả năng làm cho các môn đệ nên thánh.

Thánh thiện là thuộc tính của Thiên Chúa Cha,

nhưng Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69),

và Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26).

Thánh thiện là nét chung của Ba Ngôi, tách biệt Ba Ngôi khỏi thế giới,

dù thế giới vẫn là đối tượng để Ba Ngôi luôn cùng nhau hướng về.

Ba Ngôi vẫn muốn chia sẻ sự thánh thiện của mình cho thế giới.

“Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44).

Đức Giêsu xin Cha thánh hóa các môn đệ (c. 17),

nhờ Thánh Thần mà Cha sắp ban xuống trên họ.

Làm cho các môn đệ nên thánh chính là tách biệt họ ra khỏi thế gian,

với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó.

Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa,

để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (c. 16).

Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (c. 15),

và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm.

Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (c.18).

Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến,

phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.

“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).

Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.

Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,

ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,

xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: NIỀM VUI TRỌN VẸN

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha. Tình yêu luôn khát khao kết hợp. Kết hợp tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc đem đến niềm vui. Nay Chúa hết thời hạn ở trần gian để trở về cùng Chúa Cha. Nên Chúa tràn đầy niềm vui, Đó là niềm vui trọn vẹn.

Vì yêu thương, Chúa muốn các môn đệ được tham dự vào tình yêu đó. Được hòa nhập trong tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi. Được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Tuy nhiên còn có khó khăn vì các môn đệ còn ở trần gian. Vì thế phải sống tất cả những mâu thuẫn của ơn gọi. Phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Phải thuộc về Thiên Chúa nhưng còn phải chịu xa cách Người. Phải làm chứng về Nước Trời cho trần gian. Phải sống đời siêu nhiên trong tự nhiên. Phải yêu mến nhưng lại phải dứt bỏ trần gian. Đó là những nghịch lý. Hóa giải và vượt qua những nghịch lý đó là nhiệm vụ của người môn đệ.

Chính Chúa Giêsu đã trải qua những khó khăn đó với tất cả những cám dỗ, những thử thách, những đau khổ. Chúa đã phải chiến đấu với chính mình đến toát mồ hôi máu ra. Nên Chúa cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ môn đệ để tuy sống giữa thế gian nhưng họ không bị nô lệ cho ác thần.

Và Chúa xin Chúa Cha thánh hóa môn đệ bằng Lời Chân Lý. Lời Chân Lý vạch ra những giả trá của thế gian. Lời Chân Lý dẫn đưa đến sự thật và sự sống. Chính Chúa Giêsu đã dùng Lời Chân Lý mà chống lại lời giả trá của ma quỉ trong ba cuộc cám dỗ. Và Chúa làm gương cho các môn đệ khi tự hiến thân mình khi hoàn toàn dứt khoát từ chối trần gian. Chỉ sống theo thánh ý Chúa Cha.

Thánh Phao-lô là một môn đệ gương mẫu đã thực hành lời Chúa dạy. Ngài cảnh báo các kỳ mục Ê-phê-sô về sự giả trá và chia rẽ xuất phát từ chính nội bộ. Đó chính là thế gian với những lời lẽ giả trá. Phao-lô thuộc về Chúa nên từ chối thế gian. Không ham mê của cải danh vọng chức quyền thế gian. Trái lại ngài làm chứng cho Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát và cho đi. Và ngài hiến dâng đoàn chiên cho Thiên Chúa, cho lời ân sủng của Thiên Chúa. Phao-lô làm gương tự hiến mình để mọi người thấy chỉ có Chúa là sự sống, là sự thật và là hạnh phúc. Chỉ nơi Chúa niềm vui mới trọn vẹn.

 

SUY NIỆM 3: Xin Cha gìn giữ họ.

Có một câu truyện tưởng tượng như sau:

Khi Chúa Giêsu về Trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:

- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng?

Chúa Giêsu trả lời:

- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.

Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:

- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?

Chúa Giêsu đáp:

- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.

Điều gì đã khiến Chúa Giêsu tin tưởng vào sự trung tín của các môn đệ, dù gặp gian truân thử thách? Chúng ta có thể tìm được câu giải đáp trong bài Tin mừng hôm nay.

Thật thế, dù chỉ là một nhóm nhỏ, các môn đệ đã là đối tượng được Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm. Suốt thời gian chung sống, Chúa Giêsu đã gìn giữ họ để không một ai trong bọn họ hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm Lời Kinh thánh. Giờ đây, sắp lìa bỏ họ để về cùng Cha, Ngài không che dấu nỗi lo sợ của Ngài. Ngài đã xin Cha gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha, nghĩa là được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ đó các môn đệ có đủ sức mạnh để thắng vượt mọi khó khăn trở ngại.

Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở lại thế gian và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hoá trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã sai Ngài. Và để có thể chu toàn sứ mệnh đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ. Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ và cùng chiến đấu với họ.

Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và quan tâm săn sóc của Chúa, để ngay giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Đức Kitô và Kitô hữu.

Chúng ta cùng tên: Kitô hữu và Kitô, chúng ta đã được xức dầu bởi Thiên Chúa, nghĩa là được chọn trao cho một sứ mệnh. Hôm nay, lời Đức Giêsu soi sáng cho ta hiểu rõ hơn về sự đồng căn tính và đồng sứ mệnh giữa Người và chúng ta.

Đây: Đức Giêsu đã liên kết chúng ta với Người, với công trình của Người: “Để họ nên một như chúng ta là một”, “Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian”, “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian”, “Con thánh hiến chính mình Con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”. Chỗ khác chúng ta cũng thấy những câu tương đồng như thế: Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em”, “Người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”, “Họ đã giữ lời Thầy, họ cũng giữ lời anh em”.

Những điều quả quyết này của Đức Giêsu ném chúng ta vào trung tâm sức sống và sứ mệnh của Người. Chúng ta cần nghiêm chỉnh đón nhận lời của thánh Phao-lô: “Anh em là thân thể của Đức Kitô”. Đức Kitô là đầu, anh em là chi thể của thân thể Người.

Như thế, chúng ta cùng một đường đi như đầu tiếp với thân thể, cùng một hướng đích và một chỉ huy. Chúng ta còn phải cùng sống vâng phục và sẵn sàng như Chúa Con đối với Chúa Cha. Hơn nữa chúng ta còn chia sẻ mọi gần gũi của Đức Kitô với Thiên Chúa. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô, nói cách khác, thân thể của Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Chúng ta cùng tên, cùng gốc, chúng ta cần chia sẻ cùng đà tiến triển.

Khi ý thức được đồng căn tính, đồng sứ mệnh rồi, lúc đó một đòi hỏi khẩn thiết xuất hiện thúc đẩy chúng ta phải hiến con người mình, thể diện mình cho Đức Kitô. Chúng ta phải có trách nhiệm đáp lại cho những ai hát câu: “Tôi đi tìm dung nhan Chúa …”. Một câu hỏi đang đè nặng trên chúng ta: “Anh em là thân thể của Đức Kitô, anh em là máu huyết của Đức Kitô, anh em là sự vui mừng, tình yêu và hòa bình của Đức Kitô: vậy anh em đã làm gì để nên giống Người?

LP.

 

SUY NIỆM 5: Thánh hiến

Mục đích sứ mạng của Chúa Giêsu là mạc khải chương trình cứu độ của Chúa Cha và nhất là để làm vinh danh Cha, vì thế, tất cả những gì Ngài làm đều nhằm vào mục đích làm sáng danh Chúa Cha. Trước giờ phút chịu khổ nạn trên thập giá và trước sự hiện diện của các môn đệ, Chúa Giêsu đã hướng về Chúa Cha cầu nguyện: “Lạy Cha chí thánh, xin giữ gìn các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con để họ nên một như chúng ta”. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lời cầu nguyện của Ngài cho nhân loại luôn được hiệp nhất với Chúa Cha trong Chúa Con và cùng với Chúa Thánh Linh và kết hợp với tất cả những ai là thành phần chi thể của mình Chúa. Chúa Giêsu đã tuân phục thánh ý Chúa Cha mặc dù đứng trước cám dỗ từ chối vác lấy thập giá. Ngài múc lấy sức mạnh từ Chúa Cha và lấy sự vâng phục Chúa Cha làm sự vinh hiển của mình.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng vác lấy thập giá mà theo Ngài bất cứ lúc nào Ngài mời gọi chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Linh để sống như các môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu cũng cầu xin Chúa Cha thánh hóa và thánh hiến các môn đệ trong sự thật và trong sự thánh thiện của Chúa Cha. Chân lý của Thiên Chúa giải thoát chúng ta ra khỏi sự tối tăm của trí óc và sự thống trị của tội lỗi, nó mang đến cho chúng ta sự tốt lành, tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh là cội nguồn và là Ðấng ban tất cả sự thánh thiện, nếu chúng ta mở rộng cánh cửa tâm hồn để Chúa Thánh Linh bước vào cuộc đời ta và để Ngài tác động, soi sáng và lèo lái chúng ta, thì Ngài sẽ biến đổi chúng ta bằng ngọn lửa thanh tẩy để chúng ta trở nên giống như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến”. Chúa Giêsu đã tự thánh hiến Ngài như của hy lễ hoàn tất sứ mạng đã được Chúa Cha giao phó và Ngài cũng giao phó sứ mạng đó cho các môn đệ.

Sự thánh hiến của Chúa Giêsu chính là sự khổ nạn của Ngài trên thập giá để qua đó đem tất cả nhân tính của Ngài vào trong sự thánh thiện của Chúa Cha. Sự thánh hiến là sự đổi mới trong Chúa Thánh Linh, bởi vì khi chúng ta mở rộng trái tim để đón nhận sự thánh thiện của Ngài, có nghĩa là chúng ta mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Linh tác động lên trên cuộc đời của chúng ta. Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện đã hướng về Chúa Thánh Linh để qua Ngài mà Chúa tự dâng hiến mình như của hy lễ toàn thiêu. Qua sự thánh hiến của Chúa Giêsu, Chúa Cha cũng thánh hiến toàn thể nhân loại cũng cùng một thể thức, để chúng ta cũng biết đặt mình dưới sức tác động của Chúa Thánh Linh, để Ngài giúp chúng ta bảo tồn đức tin và trung thành với ơn gọi và sứ mạng của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống hiệp nhất và biết yêu thương lẫn nhau. Xin hãy thánh hóa chúng con trong chân lý và hướng dẫn chúng con qua Chúa Thánh Linh để chúng con luôn trung thành theo chân Chúa đến bất cứ nơi nào mà Chúa muốn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: ĐƯỢC THÁNH HIẾN ĐỂ TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN (Ga 17, 11b-19)

Câu chuyện ảo tưởng, tham vọng của Ađam và Evà khi nghe theo lời dụ dỗ và lừa phỉnh của Ma Quỷ trong Vườn Địa Đàng khi xưa vẫn được lập lại nơi nhiều người trong xã hội hôm nay, nhất là giới trẻ.

Thật vậy, ngày nay, nhiều người không thể, không biết hoặc đôi khi không nhận ra, nhưng vẫn vui vẻ lựa chọn những chân lý nửa vời, để rồi tin, sống và đi theo. Họ luôn có khái niệm “tạm” cho nhiều tình huống.

Hôm nay, Đức Giêsu cầu xin cho các môn đệ của mình được thánh hiến, tức là được “tách ra” để thuộc trọn về Chúa Cha như Đức Giêsu đã thuộc về Người. Thuộc về Chúa Cha, tức là thuộc về Chân Lý. Thuộc về Chúa Cha cũng là phó thác, tin tưởng vào tình thương của Người. Thuộc về Chúa Cha cũng là vâng nghe lời Đức Giêsu dạy dỗ.

Như vậy người môn đệ được hiện hữu giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Giữa sự ác, lọc lừa, nhưng không thuộc về chúng, mà ngược lại, các ông phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng.

Quả thật, các môn đệ đã sẵn sàng làm chứng cho chân lý Tin Mừng như lời Đức Giêsu đã phán: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16, 26).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn nhắc cho mỗi chúng ta hãy nhớ đến Bí tích Thánh Tẩy ta đã lãnh nhận. Khi thuộc về Chúa qua Bí tích này, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và trở nên môn đệ của Người. Trở nên môn đệ cũng có nghĩa là trở nên chứng nhân. Vì thế, chúng ta không thể không làm chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Làm chứng cho Chúa, tức là từ bỏ Ma Quỷ và mọi việc, mọi sự sang trọng của chúng. Làm chứng cho Chúa cũng có nghĩa là đi ngược với những điều bất chính mà con người ngày nay bày ra.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ bằng sự thật, bằng Lời của Người, thì xin cũng thánh hóa chúng con để chúng con được thuộc trọn về Cha để chúng con trở nên giống Cha dù vẫn sống giữa thế gian tội lỗi. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7Ơn gọi của con là sống giữa đời

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ còn ở lại trong thế gian. Chỉ cần ta trung thành với Chúa Giêsu, còn ngoài ra, ta cứ an tâm phó thác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay qủa thực có một sức khích lệ an ủi con rất nhiều. Khó có một trang phúc âm nào cho con dễ cảm nếm được mối tình nồng thắm của Chúa bằng Lời Chúa hôm nay. Chúa về với Chúa Cha, nhưng Chúa không bỏ mặc chúng con. Chúa không quên chúng con, trái lại, Chúa còn lo cho tương lai của các tông đồ và lo cho số phận của chúng con còn ở lại trần gian.

Thân phận của người môn đệ Chúa ở giữa thế gian quả là một nghịch lý. Con ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống ở giữa đời nhưng không được sống hoàn toàn như người đời. Không giống thế gian nên con bị thế gian ghét bỏ. Không về hùa với thế gian nên con bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian nên con phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ chạy theo thế gian. Nhưng lạy Chúa, dù gian nan đau khổ, con vẫn tin tưởng phó thác nơi Chúa và trung thành bước theo Chúa. Trái tim con đã thuộc về Chúa, con tin rằng tình yêu và ơn thánh của Chúa sẽ gìn giữ con và giúp con chiến thắng.

Chính vì thế mà con không chạy trốn thế gian. Chúa đã muốn để con ở lại thế gian và sai con vào thế gian. Ơn gọi của con là sống giữa đời, thấm nhập vào thế gian, để phục vụ nhân loại và làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp con đưa tinh thần Phúc âm vào mọi sinh hoạt của cuộc sống. Xin Chúa gìn giữ con trong chân lý của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Ðể chúng được nên một như Ta”.

 

SUY NIỆM 7: Hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tháng Giêng năm 2003, tôi đến Rôma kinh thành muôn thuở để họp tại trụ sở Trung ương Dòng, dành những thời gian rảnh, chúng tôi viếng các Đền thờ Mẹ… Tại đền thánh Phêrô, chúng tôi kính viếng lăng mộ của ngài cùng với các Đấng kế vị. Bất ngờ dịp đó chúng tôi được chiêm ngưỡng xác Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị mục tử được gọi là Giáo hoàng nhân lành. Đức Gioan XXIII, được phong Chân phước ngày 3/09/2000. Xác được đặt ngay phía dưới một bàn thờ trong đền thờ Thánh Phêrô cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện nhân dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II, Công đồng chung do Ngài loan báo triệu tập. Thi hài ngài được đặt trong hòm kính, với khuôn mặt nguyên vẹn hồng hào như đang ngủ. Công đồng Vaticanô II được gọi là Công đồng Đại Kết vì hướng hiệp nhất của Giáo hội. Tôi nhớ về lời phát biểu của ngài về Đại kết: “Các anh em tín hữu Kitô khác đều là anh em với chúng ta họ chỉ hết là anh em khi họ hết học kinh Lạy Cha…”. Đức Gioan XXIII, vị Giáo hoàng có những nỗ lực phi thường để đối thoại với các tín hữu Kitô để tìm con đường hiệp nhất. Tôi còn nhớ đọc một câu chuyện về Ngài khi trên giường bệnh và giờ hấp hối miệng ngài luôn khẩn nguyện: “Xin cho họ hiệp nhất”.

Suy niệm

Trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ và những người theo Ngài: Những thử thách, có cả những người môn đệ rời bỏ Ngài, sự chia rẽ của các đồ đệ, của các người tin vào Ngài… có cả người rời bỏ niềm tin. Ngài cất lời cầu nguyện khẩn thiết đến Chúa Cha, cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11b). Lời cầu nguyện chung cho thế gian mà Chúa Kitô trong tư cách là linh mục, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nhưng lời cầu nguyện này dành đặc biệt riêng cho các môn đệ mà thánh Clément d’Alexandrie suy niệm: “Tất cả chúng ta tham dự vào chung một tấm bánh thánh và tất cả chúng ta nhận cùng một dấu thánh được Thánh Thần thánh hiến. Chính vì thế những môn đệ phải trở nên một thân thể và tham dự vào chỉ một và cùng Thần Khí cho một tinh thần hiệp nhất được thực hiện viên mãn, hoàn thành... Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ Ngài thực hiện cùng một sự đồng tâm không thể bị phá hủy, trong một hòa hợp tuyệt vời” (Commentaire de l'évangile selon saint Gioan, XI 9). Hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô luôn là dấu chỉ và là sứ giả xây dựng sự hiệp nhất và bình an cho thế giới mà Chúa Giêsu ước muốn khi khẩn cầu Chúa Cha.

Không chỉ sự chia rẽ nơi thế giới, người tin vào Chúa Kitô sẽ gặp và đứng trước những khó khăn sống niềm tin. Những người đón nhận Tin Mừng sống theo Tin Mừng gột rửa trong tình yêu của Chúa Kitô, họ sống trong Thần Khí và thực thi yêu thương bác ái, công lý (x. 1Ga 3,13-19). Chính vì thế người tin coi cuộc sống của họ khác với sự chọn lựa của thế gian: Quyền lực, tiền tài, danh vọng. Quyền lực của bóng tối, của thế gian muốn thổi tắt những ngọn đèn đang đốt sáng xua bóng tối. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và các người tin vào Ngài luôn kiên cường đứng vững với niềm tin. Luôn là chứng nhân công lý của tình yêu giữa thử thách trăm bề. Sự kiên vững sống niềm tin của người môn đệ Chúa Kitô như những ngọn hải đăng giữa đêm đen của thế gian đầy hận thù, của chia rẽ.

Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ cho những người tin vào Ngài luôn được Chúa Cha đoái thương: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga17,17). Sự thật là trong cung lòng của Thiên Chúa, tình yêu luôn tuôn trào cho con người và cho thế giới luôn được thực hiện: Thiên Chúa yêu thương nhân loại và Ngài luôn thúc đẩy nhân loại được hòa giải với nội tâm chia rẽ do tội lỗi. Lời hứa bình an và hiệp nhất được chính Con Một Ngài thực hiện qua mầu nhiệm của sự chết: Chết cho tội và phục sinh sống với sức sống mới.

Lời cầu nguyện được xuất phát từ trái tim Đức Kitô, một trái tim dâng hiến yêu thương nhân loại khi cho họ chính sự sống khi trên thập giá, đổ ra giọt máu cuối cùng (x. Ga 19,34) mà Bossuet đã suy ngẫm: “Tư thế của trái tim Ngài và những lời kêu cầu mà Ngài đã cầu xin với Chúa Cha, theo Ngài trong cuộc khổ nạn cho đến khi Ngài chết, đó là linh hồn, của lễ dâng hiến toàn thiêu” (La Cène; II° partie, 33° jour).

Lời cầu nguyện linh mục của Chúa Giêsu luôn dành cho chúng ta với những thực tế mà chúng ta đang sống. Với Chúa Kitô, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của thế giới, của Giáo hội, của chính chúng ta.

Ý lực sống:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

 Anh em được sống vui vầy bên nhau”. (Tv 133,1).

 

SUY NIỆM 8: Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm cán bộ nồng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ Chúa Giêsu hôm nay là các Giám mục, Linh mục và tu sĩ. Chúa cầu nguyện với ba ý chính:

- Gìn giữ các môn đệ trong đức tin.

- Che chở các ông khỏi thế gian hư đốn.

- Tác thánh các ông theo sự thật.

Thánh hiến các ông qua bí tích Truyền Chức.

2. “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ...”

Trong lời mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cất lời cầu xin cùng Cha Ngài hãy gìn giữ các môn đệ mà Cha đã trao cho Ngài. Vì thế trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ và những người theo Ngài: những thử thách, có cả những môn đệ rời bỏ Ngài, sự chia rẽ của các đồ đệ, của các người tin Ngài... có cả người rời bỏ niềm tin. Ngài cất lời cầu xin khẩn thiết đến Chúa Cha, cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”. Chúa Giêsu luôn tin tưởng các môn đệ sẽ trung thành thi hành sứ mạng của các ông.

Có một câu truyện tưởng tượng như sau: Khi Chúa Giêsu về trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:

- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng?

Chúa Giêsu trả lời:

- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.

Thiên thần Gabriel giật mình sửng sốt:

- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?

Chúa Giêsu đáp:

- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.

3. Trong lời cầu nguyện cho các môn đệ, chúng ta thấy, Chúa Giêsu không cầu xin Chúa Cha miễn cho các môn đệ khỏi những đau khổ gian truân khi họ thi hành sứ mạng tông đồ. Bởi vì Ngài biết thế nào họ cũng sẽ gặp căm thù, ghen ghét, hành hạ, thử thách, cực khổ. Nhưng Ngài chỉ xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi bị nhiễm lây tội lỗi và sống trong sự thật của lời Ngài. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ của Ngài, để trong lúc sống giữa đời, họ vẫn giữ được sự thánh thiện nguyên tuyền.

4. Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở thế gian và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hóa trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã sai Ngài. Và để có thề chu toàn sứ mạng đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ. Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ và cùng chiến đấu với họ. Ngài đặt nhiều tin tưởng vào họ trong mọi gian nan thử thách.

5. Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và sự quan tâm săn sóc của Chúa, để giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.

Về phía chúng ta, chúng ta hãy sống thánh giữa đời, nghĩa là chúng ta phải sống như sen giữa bùn lầy, ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta phải sống như men trong bột, như muối ướp cá, như những chiếc đèn trên cao soi sáng cho mọi người.

6. Truyện: Ảnh hưởng của gương sáng.

Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau  trong cuốn tự thuật mang tựa đề: “Từ ách nô lệ đi lên” của ông: “Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.

Cách đây ít lâu một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại Công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều dèm pha, đay nghiến từ người chồng do việc bà trở lại đạo. Có lần cha xứ hỏi bà: “Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì”? Bà đáp: “Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn, khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn; khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng được  chứng tỏ cho ông thấy khi con trở lại đạo, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn”.

Một thời gian sau, ông xin trở lại đạo Công giáo, không phải vì lời giảng của cha xứ nhưng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.

 

Được thánh hiến trong sự thật của Thiên Chúa – SN song ngữ 19.5.2021

 

 

Wednesday (May 19): “Consecrated in God’s truth”

 

Scripture: John 17:11-19
11 And now I am no more in the world, but they are in the world, and I am coming to you. Holy Father, keep them in your name, which you have given me, that they may be one, even as we are one. 12 While I was with them, I kept them in your name, which you have given me; I have guarded them, and none of them is lost but the son of perdition, that the scripture might be fulfilled. 13 But now I am coming to you; and these things I speak in the world, that they may have my joy fulfilled in themselves. 14 I have given them your word; and the world has hated them because they are not of the world, even as I am not of the world. 15 I do not pray that you should take them out of the world, but that you should keep them from the evil one. 16 They are not of the world, even as I am not of the world.17 Sanctify them in the truth; your word is the truth. 18 As you did send me into the world, so I have sent them into the world. 19 And for their sake, I consecrate myself, that they also may be consecrated in truth.

Thứ Tư 19-5 Được thánh hiến trong sự thật của Thiên Chúa

 

Ga 17,11-19
11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Meditation:

Do you know why God created you – what purpose and mission he has entrusted to you? Jesus’ aim and the mission were to glorify his heavenly Father. All he said and did give glory to his Father. On the eve of his sacrifice on the cross and in the presence of his disciples, Jesus made his high priestly prayer: “Holy Father, keep them in your name that they may be one as we are one”. Jesus prayed for the unity of his disciples and for all who would believe in him. Jesus’ prayer for his people is that we are united with God the Father in his Son and through his Holy Spirit and be joined together, in unity with all who are members of Christ’s body.

A mission of love to make us one

What motivated Jesus to lay down his life on the cross as the atoning sacrifice for the sin of the world? It was love – love for his Father in heaven and love for each and every one of us who are made in the image and likeness of God. Jesus was sent into the world by his Father for a purpose and that purpose was a mission of love to free us from slavery to sin, Satan, fear, death, and hopelessness. Jesus saw glory in the cross rather than shame. Obedience to his Father’s will was his glory. Jesus kept his Father’s word even when tempted to forgo the cross. Jesus did not rely on his own human resources and strength to accomplish his Father’s will. He trusted in his Father to give him strength, courage, and perseverance in the face of opposition, trials, and temptation.

 

God created us for a purpose and a mission

We also must take up our cross and follow the Lord Jesus wherever he may call us. He will give us the strength and power of the Holy Spirit to live as his disciples. John Henry Newman (1801-1890) wrote: “God has created me to do him some definite service; he has committed some work to me which he has not committed to another. I have my mission – I may never know it in this life, but I shall be told it in the next. I am a link in a chain, a bond of connection between persons. He has not created me for anything. Therefore, I will trust him. Whatever, wherever I am. I cannot be thrown away.” Do you trust in God and in his call and purpose for your life?

Consecrated in truth and holiness

Jesus prayed that his disciples would be sanctified and consecrated in God’s truth and holiness. The scriptural word for consecration comes from the same Hebrew word which means holy or set apart for God. This word also means to be equipped with the qualities of mind and heart and character for such a task or service.

Just as Jesus was called by the Father to serve in holiness and truth, so we, too, are called and equipped for the task of serving God in the world as his ambassadors. God’s truth frees us from ignorance and the deception of sin. It reveals to us God’s goodness, love, and wisdom. And it gives us a thirst for God’s holiness. The Holy Spirit is the source and giver of all holiness. As we allow the Holy Spirit to work in our lives, he transforms us by his purifying fire and changes us into the likeness of Christ. Is your life consecrated to God?

 

Lord Jesus, take my life and make it wholly pleasing to you. Sanctify me in your truth and guide me by your Holy Spirit that I may follow you faithfully wherever you lead.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết tại sao Thiên Chúa tạo dựng nên bạn không – mục đích hay sứ mệnh Người đã trao cho bạn? Mục đích và sứ mệnh của Ðức Giêsu là làm vinh danh Cha trên trời. Tất cả những gì Người nói và làm đều mang lại vinh quang cho Cha Người. Vào tối hôm hy tế của mình trên thập giá và trước sự hiện diện của các môn đệ, Ðức Giêsu đã dâng lên lời cầu nguyện thượng tế của mình: “Lạy Cha rất thánh, xin gìn giữ họ trong danh Cha, để họ có thể nên một như chúng ta là một”. Ðức Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các môn đệ và cho tất cả những ai sẽ tin vào Người. Lời cầu nguyện của Ðức Giêsu cho mọi người là chớ gì chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha, trong Chúa Con, và nhờ Chúa Thánh Thần, và liên kết với nhau, trong sự hiệp nhất với tất cả các thành phần thân thể của Đức Kitô

Sứ mạng tình yêu để làm cho chúng ta nên một

Ðiều gì đã thúc đẩy Ðức Giêsu hiến cuộc sống mình trên thập giá như của lễ đền tội cho thế gian? Chính là tình yêu – tình yêu dành cho Cha trên trời và tình yêu dành cho mỗi người và mọi người chúng ta, những kẻ đã được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Ðức Giêsu đã được Cha sai đến thế gian vì một mục đích và mục đích đó là sứ mạng của tình yêu để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ cho tội lỗi, Satan, sợ hãi, cái chết, và tuyệt vọng. Ðức Giêsu đã nhìn thấy vinh quang trong thập giá hơn là sự xấu hổ. Sự vâng phục ý Cha là vinh quang của Người. Ðức Giêsu đã giữ lời của Cha thậm chí khi bị cám dỗ để bỏ thập giá. Ðức Giêsu đã không dựa vào những phương thế và sức mạnh của loài người để chu toàn ý Cha. Người đã tin cậy vào Cha ban cho Người sức mạnh, lòng can đảm, và sự bền đỗ trong sự đối diện với chống đối, những thử thách, và cám dỗ.

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho một mục đích và một sứ mạng

Chúng ta cũng phải mang lấy thánh giá của mình và bước theo Chúa Giêsu bất cứ nơi đâu Người có thể kêu gọi chúng ta. Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần để sống như các môn đệ. John Henry Newman (1801-1890) đã viết: “Thiên Chúa đã dựng nên tôi để làm cho Người một vài sự phục vụ cụ thể; Người đã ủy thác một số việc cho tôi mà Người đã không giao cho người khác. Tôi có sứ mạng của mình – tôi có thể không bao giờ biết được nó trong cuộc đời này, nhưng tôi sẽ biết được nó ở đời sau. Tôi là một mắc xích trong sợi dây xích, một chỗ nối giữa những con người. Người đã không dựng nên tôi một cách vô nghĩa. Do đó, tôi sẽ tin cậy vào Người. Dù tôi là gì, và dù tôi ở đâu. Tôi không thể bị bỏ rơi.” Bạn có tin cậy vào Thiên Chúa và tiếng mời gọi của Người cho cuộc đời bạn không?

Được thánh hiến trong sự thật và thánh thiện

Ðức Giêsu đã cầu nguyện để các môn đệ sẽ được thánh hiến nhờ sự thật và sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Hạn từ Kinh thánh cho thánh hiến giống hạn từ tiếng Dothái có nghĩa là thánh thiêng hay dành riêng cho Thiên Chúa. Hạn từ này cũng có nghĩa là được trang bị với những phẩm chất của tâm, trí, bản tính cho một công việc hay một chức vụ nào đó.

Giống như Ðức Giêsu được kêu gọi bởi Cha để phục vụ trong sự thánh thiện và sự thật, chúng ta cũng vậy, được kêu gọi và trang bị cho công việc phụng sự Thiên Chúa trong thế gian với tư cách là các đại sứ. Sự thật của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự ngu dốt và lừa dối của tội lỗi. Nó bày tỏ cho chúng ta biết sự tốt lành, tình yêu, và khôn ngoan của Thiên Chúa. Và nó cũng đem lại cho chúng ta sự khao khát sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là nguồn mạch và Đấng ban phát tất cả sự thánh thiện. Khi chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời mình, Người sẽ biến đổi chúng ta nhờ ngọn lửa thanh tẩy và thay đổi chúng ta nên giống Đức Kitô. Cuộc đời của bạn có được thánh hiến cho Thiên Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận cuộc đời con, và làm cho nó nên hoàn toàn vui lòng Chúa. Xin thánh hóa con trong sự thật và hướng dẫn con nhờ Thánh Thần của Chúa để con có thể trung thành đi theo Chúa bất cứ nơi nào Chúa dắt con đi.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Ơn gọi trở nên một, như Thiên Chúa Ba Ngôi là một

Trong lời nguyện của Người, được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, Đức Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài được nên một, nghĩa là được hiệp nhất; và khuôn mẫu của sự hiệp nhất, chính là sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế, chính trong mức độ chúng ta trở nên một, chúng ta trở nên giống Thiên Chúa Ba Ngôi.

  • Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (c. 11b)
  • Và bài trong Tin Mừng ngày mai, lòng ước ao của Đức Giê-su cho các môn đệ được trở nên một càng lan rộng và mạnh mẽ hơn: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta”; “phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”; và “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một.”

2. Loài người được Thiên Chúa dựng nên là một

Tuy nhiên ơn gọi trở nên một không phải ở bên ngoài, ở xa xôi hay ở trên cao đối với con người, bởi vì loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là được dựng nên là một như Thiên Chúa là một. Thực vậy:

“Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại” (St 1, 21); “Thiên Chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại”(c. 24); và “Thiên Chúa làm ra dã thú tùy theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (c. 25).

Qua những câu chúng ta vừa trích dẫn, toàn thể loài vật, trên trời, dưới đất và trong biển cả đều được tạo dựng theo những “loại” khác nhau. Lời Chúa lập đi lập lại sự đa phức về loài của thế giới loài vật (7 lần), chính là để làm cho chúng ta nhận ra sự ưu việt của con người, và sự ưu việt của con người chính là ơn huệ hiệp nhất: con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là con người được dựng nên không giống như thế giới loài vật, gồm vô số các loài khác nhau, nhưng được Thiên Chúa dựng nên là một, là hiệp nhất, giống như Thiên Chúa Ba Ngôi là một, là hiệp nhất. Như thế, con người có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa mà các loài khác không có; và ở một mức độ nào đó, đó là tương quan cha-con: “Adam con Thiên Chúa” (Lc 3, 38). Thiên Chúa là một; loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cũng là một; thay vì là “đa” như loài vật.

Nhưng “là một” cũng là ơn gọi của con người. Một ơn gọi khó thực hiện biết bao, bởi vì chúng ta đã để cho Ác Thần, cho Thú Tính chi phối và thống trị; và hậu quả tất yếu sẽ là phân tán, chia rẽ và loại trừ lẫn nhau. Chính vì thế Đức Giêsu đã cầu nguyện: “xin cho chúng nên một, như chúng ta là một”. Chúng ta có một khuôn mẫu hoàn hảo, để sống căn tính của mình, đó là Ðức Giêsu-Kitô.

3. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người”

Nghe lời nguyện của Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha, chúng ta nhận ra rằng, Đức Giê-su làm tất cả mọi sự, trao ban tất cả mọi sự, tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì Ngài là, tất cả những gì Ngài nhận được từ Thiên Chúa Cha, chính là để cho các môn đệ trở nên một. Điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng, chúng ta không thể tự mình trở nên một được, nhưng chỉ có thể để cho Chúa làm cho chúng ta nên một mà thôi. Nghĩa là:

  • Để cho Đức Giê-su giữ gìn chúng ta trong Danh của Chúa Cha.
  • Để cho Ngài canh giữ chúng ta khỏi Ác thần.
  • Để cho Ngài truyền đạt cho chúng ta Lời Thiên Chúa; và Lời Thiên Chúa là Sự Thật có sức mạnh thánh hiến chúng ta.

Và Đức Giê-su còn làm hơn thế nữa: “Con xin thánh hiến chính mình con”. Trong bầu khí của bữa tiệc ly, Ngài thánh hiến chính mình, có nghĩa là Ngài yêu mến những người thuộc về Ngài đến cùng: “Anh em hãy rửa chân cho nhau như thầy rửa chân cho anh em”; “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”; và “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”

Trong những ngày chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy mở lòng ra, dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự đến, để Ngài làm cho thành sự ước ao của Thiên Chúa, và cũng là ước ao cháy bỏng của Đức Ki-tô, đó là:

Chúng ta được trở nên một, như Thiên Chúa là một.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây