Thứ Tư tuần 8 thường niên. – Thánh Philipphê Nêri, linh mục.

Thứ ba - 25/05/2021 08:03

Thứ Tư tuần 8 thường niên. – Thánh Philipphê Nêri, linh mục. Lễ nhớ.

"Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp".

 

* Sinh năm 1515 tại Phirenxê, thánh nhân đến Rôma và dấn thân lo cho thanh thiếu niên. Người đi vào con đường trọn lành và lập một hội chuyên phục vụ người nghèo. Lãnh chức linh mục năm 1551, người lập Dòng Ô-ra-toa, chuyên lo cầu nguyện và làm việc bác ái trong giới thanh thiếu niên, các bệnh nhân, các tù nhân. Nét nổi bật trong đời của thánh nhân là người yêu thương tha nhân cách thiết thực, đơn sơ và vui vẻ. Người qua đời năm 1595.

 

Lời Chúa: Mc 10, 32-45

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: "Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại".

Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người đáp: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".

Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan.

Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".

 

 

Suy Niệm 1: Không được như vậy

Suy niệm :

Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu

chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.

Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,

đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.

Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.

Khi đang trên đường lên Giêrusalem,

Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba

về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).

Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,

vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.

Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:

“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”

Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:

“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).

Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.

Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,

nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống

và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).

Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,

Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.

Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,

thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.

“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).

Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.

Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.

Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).

Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.

Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).

Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.

Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.

Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.

Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.

Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 - 53,12)

Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).

Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.

Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.

Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.

Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ ?

Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,

nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực ?

Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,

là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.

 

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: PHỤC HỒI VINH QUANG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bị ngoại bang xâm lấn. Mất nước. Nô lệ. Nhục nhã. Người Do thái nhớ lại thời huy hoàng. Được Chúa phù trợ. Ngẩng đầu hiên ngang trước các cường quốc. Vì thế họ nài xin Chúa hãy trở lại. Hãy tái diến những kỳ công thuở xa xưa. Hãy phục hồi dân Chúa. Để cho mọi người nhận biết và tôn thờ Chúa. “Xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác. Các chi tộc Gia-cóp, nguyện chúa thương quy tụ cả về. Xin thương trả lại phần gia sản, như Chúa đã cho họ thuở ban đầu…Xin làm cho khắp cả Xi-on vang lời tường thuật những kỳ công của Chúa, và làm cho thánh điện, được rực rỡ ánh vinh quang của Ngài.. Và mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa, là Thiên Chúa muôn thuở muôn đời” (năm lẻ).

Thiên Chúa đáp lời. Gửi Con Một từ trời xuống cứu độ con người. Nhưng không phải bằng bạo quyền thống trị theo thói người đời. Như hai anh em nhà Dê-bê-đê lầm tưởng. Nhưng bằng khiêm nhường phục vụ. Đến hi sinh mạng sống. Như Chúa dạy dỗ các tông đồ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Con đường của Chúa là con đường khiêm nhường. Hạ mình để phục hồi anh em. Chịu chết để cứu sống anh em. Chịu nhục nhã để anh em được vinh quang. Vì thế Chúa quả quyết lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Điều đó khiên các môn đệ kinh hoàng. Nhưng đó mới là con đường vinh quang. Chúa được vinh quang. Và Chúa phục hồi ta trong vinh quang.

Vì thế thánh Phê-rô khuyên nhủ chúng ta. Trước hết phải nhận biết sự thật. Chúng ta được phục hồi không phải do thế lực trần gian. Nhưng do bửu huyết của Chúa Giê-su. Chúa đi vào con đường khiêm nhường phục vụ. Chịu chết rồi phục sinh. Đó là niềm hi vọng của chúng ta. Nếu đã biết sự thật. Ta hãy thanh luyện tâm hồn khỏi các thế lực trần gian. Hãy biết khiêm nhường phục vụ lẫn nhau. Yêu thương nhau: “Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (năm hẵn).

 

Suy Niệm 3: Tiên báo cuộc tử nạn

Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Yêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết".

Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.

Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.

Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thập giá Chúa Kitô, Tin Mừng của ta

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào mặt Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại.” (Mc. 10, 33-34)

Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu lại loan báo cho Nhóm Mười Hai, cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Đây là lần loan báo thứ ba và cũng là dài hơn cả. Câu trả lời của các môn đệ xác nhận các ông đã quen cả rồi, ngay cả không còn sững sờ về điều tiên tri này nữa. Các ông vẫn bận tâm muốn biết mình sẽ có được địa vị nào trong cái vương quốc trần gian, mà theo các ông ước đoán, thì Thầy của họ sẽ gặp phải đau khổ và phải chết.

Khi thuận lợi và khi không thuận lợi

Chẳng lạ gì một sứ điệp phải loan báo đi mà lại mang vẻ ít hấp dẫn như vậy, gặp phải và luôn luôn sẽ gặp phải sự không hiểu; bao giờ sứ điệp ấy cũng vẫn sẽ là dấu hiệu bị người đời chống đối; phần chúng ta cho đến tận cùng thời gian sẽ bị cám dỗ muốn quên đi hay lẩn tránh sứ điệp ấy. Mầu nhiệm ấy, sứ điệp ấy vừa khó sống, lại vừa khó loan đi và ở mọi thời sẽ là đối tượng tầm thường cho bộ máy tuyên truyền nhắm vào. Tuy nhiên chính đó lại là nét đặc trưng của chúng ta. Nếu ta đánh mất đi thì còn gì để nói cũng như còn gì khôn ngoan hơn để dạy.

Hạnh phúc, công bình, chính trực chúng ta đâu có độc quyền. Nhưng “sự điên rồ của thập giá, nguồn tràn chảy ơn phục sinh” mới thật sự là của chúng ta. Khi ta loan báo điều gì khác không phải là “Đức Giêsu chịu đóng đinh, đã sống lại từ cõi chết”, ta đua tranh với những người giầu lòng nhân ái yêu thương, những bậc hiền nhân quân tử, và những vị ân nhân của nhân loại, điều đó tốt, nhưng không biện minh được cho hiện hữu cuộc đời Kitô hữu của ta. Không có ta, người ta vẫn có thể sống hạnh phúc và chính trực. Nhưng nếu ta không sống và loan đi sứ điệp của ta bằng một tình yêu nhưng không, tự do chấp nhận hiến thân, chết không chỉ cho bạn hữu mình mà còn cho cả những ai xa lạ, thù địch thì người ta sẽ không bao giờ hiểu biết được tình yêu sâu thẳm khôn lường của Thiên Chúa là thế nào.

Chẳng ai đã trông thấy Thiên Chúa bao giờ, mà chỉ thông qua những dấu chỉ, những bí tích mà con người được tiếp xúc với Người. Chỉ có một dấu chỉ tương xứng với một Thiên Chúa yêu thương chính là Đức Giêsu chết vì yêu thương, chính là những Kitô hữu nối gót Người, nhờ Người, và trong Người góp phần làm cho cái mầu nhiệm của một tình yêu đã làm nên những việc lạ lung của Thiên Chúa được trải dài đến thiên thu bất tận. Phúc âm không phải là công bố một hiệp ước xã hội đã được soạn thảo cách khoa học, nhưng là việc của Thánh Thần ngự trị trong Vương quốc tình yêu điên dại tuyệt vời, xâm nhập trái tim con người vậy.

 

Suy Niệm 5: QUA SỰ CHẾT MỚI ĐẾN VINH QUANG (Mc 10, 32-45)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể ví như nước thủy triều dâng. Tại sao thế? Thưa! Vì Đức Giêsu đang tiến dần đến cái chết của Ngài. Ngài tiến gần cả về địa lý lẫn thời gian cũng như khung cảnh bề ngoài.

Về mặt địa lý, Ngài đang lên gần đến thành Giêrusalem;

Về thời gian, đây là thời điểm thuận lợi để những người Pharisêu, Kinh Sư và những kẻ không ưa Ngài dễ dàng thực hiện ý định giết Ngài;

Về tâm lý, việc Ngài giảng dạy hấp dẫn và những việc Ngài làm thu hút dân chúng, nên người ta không ngớt lời khen ngợi, đây là dịp châm ngòi cho sự ghen tương sẵn có nơi giới lãnh đạo Dothái.

Vì thế, Ngài đã loan báo lần cuối cùng về số phận của Người Tôi Trung: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.

Chết là quy luật không thể bỏ qua cho những ai muốn sống. Không có sự chết, không có phục sinh. Nhưng điều quan trọng là chết như thế nào và làm sao phải chết? Đây mới là điều cốt lõi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu, đó là vì yêu thương mà không chịu xã hội mua chuộc; không chấp nhận sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen mà đánh mất tinh thần vâng phục cũng như sứ vụ cứu rỗi nhân loại... Vì thế, Đức Giêsu đã chấp nhận chết vì yêu, vì sứ vụ.

Mỗi người Kitô hữu cần phải xác định rõ quy luật tất yếu này là: nếu ta thuộc về Đức Kitô, ấy là chúng ta chấp nhận đi cùng Ngài để lội ngược dòng. Khi lội ngược dòng như thế, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thù nghịch, khinh khi, và ngay cả mạng sống.

Như Đức Giêsu, chúng ta chỉ có được sự sống viên mãn khi chấp nhận quy luật ngược đời như vậy mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, tin và theo Chúa thật không dễ! Nhưng xin cho con hiểu rằng, vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ có được nơi những tâm hồn trung thành đến cùng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Anh em có thể uống chén mà Thầy uống không? – SN song ngữ 26.5.2021

 
 

 

Wednesday (May 26): “Are you able to drink the cup that I drink?”

 

Scripture: Mark 10:32-45

32 And they were on the road, going up to Jerusalem, and Jesus was walking ahead of them; and they were amazed, and those who followed were afraid. And taking the twelve again, he began to tell them what was to happen to him, 33 saying, “Behold, we are going up to Jerusalem; and the Son of man will be delivered to the chief priests and the scribes, and they will condemn him to death, and deliver him to the Gentiles; 34 and they will mock him, and spit upon him, and scourge him, and kill him; and after three days he will rise.” 35 And James and John, the sons of Zebedee, came forward to him, and said to him, “Teacher, we want you to do for us whatever we ask of you.” 36 And he said to them, “What do you want me to do for you?” 37 And they said to him, “Grant us to sit, one at your right hand and one at your left, in your glory.” 38 But Jesus said to them, “You do not know what you are asking. Are you able to drink the cup that I drink, or to be baptized with the baptism with which I am baptized?” 39 And they said to him, “We are able.” And Jesus said to them, “The cup that I drink you will drink; and with the baptism with which I am baptized, you will be baptized; 40 but to sit at my right hand or at my left is not mine to grant, but it is for those for whom it has been prepared.” 41 And when the ten heard it, they began to be indignant at James and John. 42 And Jesus called them to him and said to them, “You know that those who are supposed to rule over the Gentiles lord it over them, and their great men exercise authority over them. 43 But it shall not be so among you; but whoever would be great among you must be your servant, 44 and whoever would be first among you must be slave of all. 45 For the Son of man also came not to be served but to serve, and to give his life as a ransom for many.”

 

Thứ Tư  26-5          Anh em có thể uống chén mà Thầy uống không?

 

Mc 10,32-45

32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:33 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”36 Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? “37 Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”38 Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? “39 Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

 

Meditation: 

Was Jesus a pessimist or a stark realist? On three different occasions, the Gospels record that Jesus predicted he would endure great suffering through betrayal, rejection, and the punishment of a cruel death. The Jews resorted to stoning and the Romans to crucifixion – the most painful and humiliating death they could devise for criminals they wanted to eliminate. No wonder the apostles were greatly distressed at such a prediction! If Jesus their Master were put to death, then they would likely receive the same treatment by their enemies. 

 

Why did the Messiah have to suffer and die for us?

Jesus called himself the “Son of Man” because this was a common Jewish title for the Messiah. Why must the Messiah be rejected and killed? Did not God promise that his Anointed One would deliver his people from their oppression and establish a kingdom of peace and justice? The prophet Isaiah had foretold that it was God’s will that the “Suffering Servant” make atonement for sins through his suffering and death (Isaiah 53:5-12). Jesus paid the price for our redemption with his blood. Slavery to sin is to want the wrong things and to be in bondage to destructive desires. The ransom Jesus paid sets us free from the worst tyranny possible – the tyranny of sin and the fear of death. Jesus’ victory did not end with death but triumphed over the tomb. Jesus defeated the powers of death through his resurrection. Do you want the greatest freedom possible, the freedom to live as God truly meant us to live as his sons and daughters?

Jesus weds authority with sacrificial love and service

Jesus did the unthinkable! He wedded authority with selfless service and with loving sacrifice. Authority without sacrificial love is brutish and self-serving. Jesus also used stark language to explain what kind of sacrifice he had in mind. His disciples must drink his cup if they expect to reign with him in his kingdom. The cup he had in mind was a bitter one involving crucifixion. What kind of cup does the Lord have in mind for us? For some disciples, such a cup entails physical suffering and the painful struggle of martyrdom. But for many, it entails the long routine of the Christian life, with all its daily sacrifices, disappointments, setbacks, struggles, and temptations. 

Through death, to self, we serve and reign with Christ

A follower of Jesus must be ready to lay down his or her life in martyrdom and be ready to lay it down each and every day in the little and big sacrifices required. An early church father summed up Jesus’ teaching with the expression: to serve is to reign with Christ. We share in God’s reign by laying down our lives in humble service as Jesus did for our sake. Are you willing to lay down your life and to serve others as Jesus did?

“Lord Jesus, your death brought life and freedom. Make me a servant of your love, that I may seek to serve rather than be served.”

 

Suy niệm:  

 

Ðức Giêsu có phải là người bi quan hay là người hoàn toàn duy thực không? Vào ba thời điểm khác nhau, các Tin mừng kể lại rằng Ðức Giêsu tiên đoán Người sẽ chịu đau khổ lớn lao qua sự phản bội, chống đối, và hình phạt của cái chết dã man. Người Do thái thường sử dụng hình phạt ném đá, còn người Rôma thì đóng đinh, cái chết đau đớn và nhục nhã nhất họ dành cho các tội nhân mà họ muốn tiêu diệt. Không trách được các tông đồ đã bị sốc mạnh trước lời tiên đoán như thế! Nếu Ðức Giêsu, Thầy của họ bị người ta giết chết, thì kẻ thù của họ chắc hẳn cũng đối xử với họ như vậy.

Tại sao Đấng Messia phải chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta?

Ðức Giêsu tự xưng mình là “Con Người” bởi vì đây là một danh xưng quen thuộc của người Do thái dành cho Đấng Mêsia. Tại sao Đấng Mêsia phải bị chống đối và giết chết? Chẳng phải Thiên Chúa đã hứa rằng Đấng được xức dầu tấn phong sẽ giải thoát dân Người khỏi mọi áp bức và thiết lập một vương quốc an bình và công chính đó sao? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo rằng Thiên Chúa muốn “Người tôi tớ đau khổ” đền tội cho loài người qua sự đau khổ và cái chết của Người (Is 53,5-12). Ðức Giêsu đã trả giá cho sự cứu chuộc chúng ta bằng chính máu của Người. Nô lệ cho tội lỗi là muốn làm những điều xấu xa sai trái, và bị lệ thuộc vào những ước muốn tiêu cực. Cái giá Ðức Giêsu phải trả giải thoát chúng ta khỏi quyền lực ghê gớm nhất, quyền lực của tội lỗi và sự sợ hãi cái chết. Chiến thắng của Ðức Giêsu không kết thúc với cái chết, nhưng chiến thắng trên ngôi mộ. Ðức Giêsu đã đánh bại các quyền lực của sự chết qua sự phục sinh của Người. Bạn có muốn sự tự do hoàn toàn, sự tự do để sống như những người con của Thiên Chúa mà Chúa hằng mong đợi không?

Đức Giêsu kết hợp uy quyền với tình yêu hy sinh và sự phục vụ

Ðức Giêsu đã làm điều rất ấn tượng! Người kết hợp quyền hành với sự phục vụ vô vị lợi và sự hy sinh yêu thương. Quyền hành mà không có tình yêu hy sinh là sự tàn bạo và tự phục vụ mình. Ðức Giêsu cũng sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để giải thích sự hy sinh nào Người muốn nói tới. Các môn đệ phải uống chén của Người, nếu họ muốn được ngự trị với Người trong nước Trời. Chén mà Người nói tới là chén đắng trong cuộc khổ nạn. Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta loại chén nào? Đối với một số môn đệ, một chén như thế đòi hỏi sự đau khổ thể lý và cuộc chiến tử đạo đau đớn. Nhưng đối với hầu hết, nó đòi hỏi việc bổn phận hằng ngày trong cuộc đời dài của người tín hữu, với tất cả sự hy sinh hằng ngày, những thất vọng, những vấp ngã, những cố gắng, và những cám dỗ.

Qua sự chết đi cho chính mình, chúng ta phục vụ và ngự trị với Đức Kitô

Người môn đệ phải sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình trong sự tử đạo, và hy sinh nó mỗi ngày trong những hy sinh lớn nhỏ đòi buộc. Một giáo phụ thời sơ khai tóm tắt việc giảng dạy của Ðức Giêsu với câu nói: Phục vụ là ngự trị với Đức Kitô. Chúng ta chia sẻ trong sự ngự trị của Thiên Chúa bằng cách hy sinh mạng sống mình trong việc phục vụ âm thầm như Ðức Giêsu đã làm vì chúng ta. Bạn có sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình và phục vụ người khác như Ðức Giêsu đã làm không?

Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa mang lại sự sống và sự tự do. Xin làm cho con nên người tôi tớ tình yêu của Chúa, để con có thể tìm kiếm sự phục vụ hơn là được phục vụ.

 

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

 

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay có thể phân ba đoạn, có tương quan đối xứng như sau :

(A) Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 32-34)

(B) Tham vọng làm lớn (c. 35-40)

(A’) Ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua : trao ban sự sống, diễn tả tình yêu đến cùng, làm nên căn tính thần linh (c. 41-45)

Vấn đề trung tâm của bài Tin Mừng là “tham vọng làm lớn” (B), như chính Đức Giê-su làm rõ năng động thầm kín này, đang hoành hành nơi các môn đệ (c. 42-43); tham vọng này không chỉ có nơi hai môn đệ Gia-cô-bê và Gioan, nhưng cả mười môn đệ còn lại, vì các ông “tức tối” với hai môn đệ này; và tham vọng này không chỉ lộ ra một lần, nhưng nhiều lần (x. Mc 9, 30-37).

Được đặt ở giữa lời của Đức Giê-su nói về mầu nhiệm Vượt Qua và ý nghĩa của mầu nhiệm này (A và A’), tham vọng làm lớn vừa cho thấy sự tương phản tuyệt đối với mầu nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta nhận ra rằng, tham vọng này chỉ có thể được vượt qua bằng mầu nhiệm Vượt Qua mà thôi; nghĩa là bằng hành trình hiểu biết, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô trên con đường của Ngài.

1. Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 17-19)

Để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của câu chuyện, chúng ta cần khởi đi từ lời của Đức Giê-su nói riêng với các môn đệ về những gì sắp xẩy ra cho mình. Đó là lần thứ ba và cũng là lần cuối Đức Giêsu nói về cuộc thương khó và phục sinh của Người ; và lần này, Ngài nói rất chi tiết về cuộc thương khó : « Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người ». Như thế, chính Ngài cũng nhận ra từ từ con đường mình phải đi và điều gì sẽ xẩy ra trên đường.

Qua lời loan báo này, chúng ta thấy rất rõ rằng, cuộc thương khó (passion) của Đức Giê-su là hành động (action) của con người : các thượng tế và kinh sư lên án xử tử Đức Giê-su ; họ nộp Ngài cho dân ngoại, dân ngoại nhạo báng, khạc nhổ, đánh đòn và giết chết Người. Nhưng rốt cuộc, cũng không phải hoàn toàn là hành động của con người, bởi vì chính Xa-tan hành động nơi những con người cụ thể (x. Ga 13, 27 và Lc 23, 34). Nhưng tại sao Thiên Chúa, nơi Đức Giê-su, có sự chọn lựa điên rồ, là để mình chịu sỉ nhục đến như thế ? Là sỉ nhục và điên rồ đối với con người và cả các môn đệ nữa, vì các ông lúc nào cũng sợ hãi và kinh hoàng khi nghe nói về thương khó (x. Mc 8, 32 ; 9, 32 và 10, 32), nhưng đối với Thiên Chúa, đó lại là sức mạnh và khôn ngoan. Bởi vì, nơi Đức Giê-su, khi Thiên Chúa để cho Sự Dữ, hành động nơi những con người cụ thể, phô bày thân thể của Người trên thập giá ngất cao, thì chính Người phô bày bộ mặt thật của Sự Dữ.

– Phô bày, để mọi người nhận ra ở khắp nơi, ngang qua thân thể nát tan của Người, Sự Dữ và tội lỗi dẫn đến sự chết ; và Người không chỉ phô bày nhưng còn chiến thắng, không phải bằng sức mạnh, nhưng bằng sự hiền lành.

– Phô bày, nhưng Người không lên án, nhưng tha thứ và chữa lành loài người chúng ta. Bởi vì, Thiên Chúa không thể tha thứ cho chúng ta, mà không giải thoát khỏi Sự Dữ. Và để giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, Người phô bày bộ mặt thật của Sự Dữ cho chúng ta nhìn thấy. Một bộ mặt hoàn toàn không phù hợp với lòng ước ao và căn tính đích thật của chúng ta, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa.
– Và đồng thời nơi Thập Giá, Người bày tỏ (cũng là một cách phô bày) khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Thập Giá là hệ quả tất yếu của cách thức Đức Giê-su sống căn tính thần linh của mình ở giữa loài người chúng ta.
Tất cả là để, như chính Đức Giê-su mặc khải : « phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người ».

2. Tham vọng làm lớn

Hai anh em Gia-cô-bê và Gioan đến xin với Đức Giê-su : « Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang ». Như thế, dường như đối với hai môn đệ, việc đi theo Đức Giêsu là một con đường, một cách thức để có được vinh quang, ngang qua việc ngồi bên cạnh Đức Ki-tô vinh quang. Khi đó, người ta sẽ có quyền bính ! Và khi có quyền bính, thì sẽ có tất cả.

Một đàng Đức Giê-su đang hướng tới con đường Thập Giá để trở nên nhỏ bé, để tự xóa mình đi, để dâng hiến và phục vụ ; đàng khác, nơi các môn đệ, lại tồn tại một tham vọng làm lớn, và điều này tất yếu kéo theo sự ganh tị, tranh chấp và loại trừ. Có lẽ chúng ta không có « tham vọng làm lớn » như thế, nhưng chắc chắn, chúng ta có những vấn đề khác đi ngược với con đường Thập Giá của Đức Ki-tô. Chúng ta được mời gọi ở lại với Đức Ki-tô và có tương quan thiết thân với Ngài, ngang qua việc không ngừng chiêm ngắm Ngài trong các Tin Mừng, để hiểu sâu xa, thấm nhuần và yêu mến con đường Thập Giá của Ngài.

Đức Giêsu không quan tâm đến điều họ xin, thậm chí Ngài cũng không có quyền, hay ít nhất, quyền bính không thuộc về lẽ sống của Ngài. Ngài chỉ quan tâm đến chén Ngài sắp uống. Chắc chắn, hai môn đệ chưa hình dung ra hết được chén Đức Giê-su sắp uống là chén nào, nên trả lời nhanh nhẹn : « Thưa uống được ». Đúng là Ngài sẽ có quyền bính, sau khi đi đến cùng con đường Thập Giá và được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Nhưng cách thi hành quyền bính của Ngài không phải là cách thức của con người : « thủ lãnh thế gian thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền cai quản dân ». Bởi vì quyền bính của Đức Giêsu là quyền bính của ánh sáng, của sự thật và của sự sống ; và ánh sáng, sự thật và sự sống được diễn tả tốt nhất bởi sự hiền lành, tương quan phục vụ, bởi hy sinh, bởi dâng hiến và trao ban tất cả.

3. Ý nghĩa mầu nhiệm Vượt Qua : hiến mạng sống

Khi nghe hai môn đệ kia xin với Đức Giê-su như vậy, mười môn đệ khác tỏ ra tức tối ; điều này có nghĩa là, các ông có cùng một tham vọng. Trong bài Tin Mừng này, chỉ trong vài chữ, Lời Chúa cho chúng ta nhận ra lòng ham muốn quyền bính, tham vọng làm lớn tác hại như thế nào trong tương quan với Chúa và với nhau.

Nhưng Đức Giêsu thật kiên nhẫn khi đối diện vấn đề rất nghiêm trọng này nơi các môn đệ : « Đức Giêsu gọi các ông lại và nói ». Ngài nêu ra một cách thức thi hành quyền bính giữa các môn đệ hoàn toàn ngược hẳn với cách thức bình thường : « ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người ». Và Đức Giêsu không nêu ra một nguyên tắc xuông, nhưng Ngài luôn luôn nói điều Ngài sống : « Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. »

* * *

Như thế, Đức Giê-su không đến để sống cái gì quá siêu nhân hay ngoại nhân, Ngài đến sống và sống đến cùng con đường của « hạt lúa mì », vốn nói lên « qui luật muôn đời của sự sống », để qua đó, Ngài thông truyền cho chúng ta niềm xác tín, con đường Vượt Qua là con đường của sự sống, của niềm vui, của hạnh phúc trong sự hiệp thông trọn vẹn và mãi mãi với Chúa và với nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây