Tin Chúa xót thương hay mong đợi phép lạ?

Thứ tư - 30/01/2019 18:33
Tin Chúa xót thương hay mong đợi phép lạ?
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN
 
 
Năm C

Suy niệm Tin Mừng Lc 4:21-30
 
 
Giữa lời tuyên bố của Đức Giê-su và sự mong đợi của cử tọa tại hội đường Na-da-rét, quả có một khoảng cách quá lớn: trong khi Người mời gọi các cử tọa đặt niềm tin nơi Người là hiện thân của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa (đối với người Do Thái thì thần khí chính là sức mạnh của Đức Chúa) đang loan báo cho họ một Tin Mừng tha thứ, trả tự do, làm sáng mắt và ban hồng ân, thì các đồng hương chỉ mong chờ Người cho họ chứng kiến một trong số các sự lạ mà họ đã nghe Người từng thi thố tại các nơi khác. Họ tự cho mình cái quyền đòi buộc Người làm điều đó, đơn giản vì họ là đồng hương của Người, vì họ quá quen biết Người…; thế rồi họ cảm thấy bị súc phạm ghê gớm khi Người từ chối đáp ứng nguyện vọng của họ, một chỉ đơn thuần mời gọi họ hãy đặt trọn niềm tin nơi Người; “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà quí vị vừa nghe”.
Đặt trọn niềm tin nơi ‘Thiên Chúa yêu thương’ phải được coi như tâm điểm của Tin Mừng; tin có nghĩa là dù chưa thấy hay không thấy, nhưng đã dám đặt cược trọn cuộc sống mình vào một Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Dấu chứng duy nhất và bảo chứng vững chắc nhất cho niềm tin này chính là: con người Đức Giê-su Ki-tô; “Phúc thay những ai không thấy mà tin!” (Ga 20:27). Nơi con người Đức Giê-su, môn đệ Gio-an hay Phao-lô (và mỗi Ki-tô hữu chúng ta), nhờ đức tin, ‘đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến’ tình yêu Thiên Chúa. Nơi Người, ‘Thiên Chúa yêu thương’ đã rõ mồn một, đã hoàn toàn ứng nghiệm và là một hiện thực không thể chối cãi. Thế thì còn cần gì phải có một bằng chứng nào khác, nhất là khi ta đã có bằng chứng vững chắc nhất là cái chết và phục sinh của Đức Ki-tô Giê-su! Bằng chứng này hơn hẳn những phép lạ, dấu lạ hay bất cứ một ân huệ nào đó Người ban cho. Phao-lô đã không đưa ra bất cứ một sự kiện cụ thể nào để chứng minh rằng Thiên Chúa yêu thương mình, cho dầu những sự kiện lạ xảy ra trong đời ông không phải là hiếm. Gioan cũng vậy, ông cảm thấy Thầy Giê-su yêu thương mình mà không nêu rõ một ân huệ đặc biệt nào đã nhận được. Qua Thập Giá Đức Ki-tô các ông tin chắc như đinh đóng cột rằng: ‘Thiên Chúa yêu thương’, và niềm tin này không gì có thể chuyển lay; “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô…, đấng yêu thương tôi và phó mộp mình cho tôi”.
Vậy mà các đồng hương Na-da-rét đòi được tận mắt chứng kiến một dấu lạ hay một phép lạ! Sau này, sẽ có nhiều người Do Thái khác cũng đòi điều tương tự, như điều kiện để họ tin vào Đức Giê-su; không may là nhiều Ki-tô hữu chúng ta cũng thường đòi được tận mắt chứng kiến phép lạ. Họ đòi niềm tin và cậy trông của họ phải dựa trên bằng chứng cụ thể, được kiểm chứng bằng phép lạ nhãn tiền xảy ra cho chính họ theo cách thức mà họ công nhận là phi thường… Và chỉ như thế họ mới bị thuyết phục và tin chắc rằng: Chúa quả thật yêu thương mình; còn nếu không cầu được ước thấy điều họ cầu khẩn, họ đâm ra hoài nghi về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.
Một lần kia, tôi viếng thăm đền thờ Consolata, một địa điểm hành hương danh tiếng của thành phố Torino, Italia. Trên vách tường khu hậu trường ngôi đền, theo thói quen bên đó, người ta trưng bày các bức vẽ do chính các thụ nhân phác họa lại các phép lạ mà họ đã nhận được. Thôi thì đủ thứ: thiên tai, chiến tranh, tai nạn đủ loại, bệnh tật… Đột nhiên có một ai đó thì thầm sau lưng tôi: “Mình có được gì đâu!” Tôi ngoái lại hỏi chuyện và được biết đứa con gái rượu của ông mới thiệt mạng sau một vụ tai nạn. Trong thời gian nó nằm bệnh viện, ông đã cầu nguyện, đã xin khấn mọi nơi…, thế mà nó vẫn chết; ông đâm ra chán nản: tại sao người khác được mà mình lại không? Tôi thành thật thương cảm với ông nhưng, biết sao được: vì điều đó xẩy ra không chỉ cho riêng ông. Tuy nhiên cái thiếu ở đây chính là niềm tin của ông chưa đặt trên câu khảng định chắc nịch của Đức Giê-su ngày nào: “hôm nay đã ứng nghiệm”.
Nhiều Ki-tô hữu chúng ta, trong số đó có thể có cả tôi nữa, đôi khi cũng đã từng hành sử như thế: nhận được một phép lạ vẫn hấp dẫn hơn cả việc rước Thánh Thể, được ơn Chúa soi sáng còn quan trọng hơn cả nhận được chính Người! Đối với những người như thế: ‘hôm nay vẫn chưa ứng nghiệm’, và họ nghĩ rằng mình còn phải chờ đợi dài dài hơn nữa. Họ được nói cho biết là Thiên Chúa yêu thương, nhưng còn mong chờ một dấu lạ, một ân huệ cụ thể để xác định điều đó thực sự ứng nghiệm cho mình. Phúc Âm đã viết quá nhiều về các phép lạ Chúa làm, nhưng có lẽ chính điều đó lại làm cho một số Ki-tô hữu bị lung lạc trong niềm tin chăng: họ chờ đợi phép lạ, hơn là tín thác vào ơn cứu độ đã được thông ban qua Thập Giá và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
 
Lạy Chúa, xin cho con được ơn huệ vĩ đại nhất là không bao giờ mất niềm tin vào “Thiên Chúa xót thương”. Xin cho con không bao giờ tách mình ra khỏi Đức Ki-tô Giê-su, bảo chứng vững chắc nhất bảo đảm ‘Lời đó đã được ứng nghiệm’ cho riêng con. Ngay cả khi con không được chứng kiến dấu lạ, hay liên tục gặp phải các thử thách gian truân tư bề, xin vẫn duy trì nơi con niềm xác tín không hề lay chuyển rằng: ‘Thiên Chúa hằng yêu thương tôi’. Nhất là trong giờ phút được coi là bất hạnh nhất của cuộc đời: giờ chết, xin cho con vẫn đặt trọn niềm tin nơi Giê-su Ki- tô, Cứu Chúa của con. A-men

 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty sdb


 
 
 

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây