Hôm 23 tháng 8, tờ The Week đã công bố một tiểu luận về cuộc chiến chống tôn giáo của bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cuộc đàn áp bắt đầu khi nào?

Việc đàn áp tôn giáo đã bắt đầu gia tăng trên khắp Trung Quốc kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013. Cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Hồi giáo thiểu số ở khu vực tây bắc Tân Cương - nơi các đền thờ Hồi giáo và các trường dạy đạo Hồi ( gọi là madrasas) hiện đang bị phá bỏ, và hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo - đã làm dấy lên sự phẫn nộ khắp thế giới. Nhưng cuộc tấn công vào đức tin của Đảng Cộng sản không chỉ giới hạn với Hồi giáo. Nhà chức trách đã lợi dụng sự phân tâm của thế giới trong đại dịch coronavirus để xúc tiến chiến dịch chống lại Thiên Chúa Giáo vẫn đang diễn ra.

Đảng Cộng sản, vốn theo chủ nghĩa vô thần, xem việc tuân theo bất kỳ tín ngưỡng nào, đặc biệt là những tín ngưỡng có nguồn gốc từ nước ngoài như Thiên Chúa Giáo và Hồi giáo, là mối đe dọa đối với sự thống trị của họ. Vì vậy, họ Tập đã bắt tay vào việc “Hán hóa” việc giữ đạo, ra lệnh cho những vị lãnh đạo Hồi giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo phải tích hợp tư tưởng cộng sản vào hệ thống tín ngưỡng của họ. Đảng muốn mọi người phải “Kính Chúa, yêu nước” theo lời Nhĩ Quyền (You Quan - 你权), người đứng đầu cơ quan giám sát các vấn đề tôn giáo và dân tộc tại Trung Quốc. Quá trình Hán hóa đã dẫn đến nạn hàng ngàn nhà thờ và đền thờ Hồi giáo bị đóng cửa và san bằng; những nơi còn sót lại phải treo cờ Trung Quốc.

Các tín hữu Kitô giữ đạo như thế nào ở Trung Quốc?

Trong nhiều thập niên, những giáo hữu Công Giáo và Tin lành tại Trung Quốc đã bị chia rẽ làm hai phe, có những người theo phe các giáo hội do nhà nước công nhận - trong đó các giáo sĩ được bổ nhiệm bởi Bắc Kinh - lại có những người theo phe gọi là giáo hội hầm trú. Có khoảng một nửa trong số 12 triệu người Công Giáo ở Trung Quốc thờ phượng Chúa với giáo hội hầm trú, vẫn trung thành với Vatican. Để cố gắng hàn gắn tình trạng ly khai đó, Bắc Kinh và Vatican đã đạt được một thỏa thuận vào năm 2018, cho phép nhà cầm quyền Trung Quốc quyền đề bạt các giám mục mới và ngược lại, Đức Giáo Hoàng có quyền chấp thuận hoặc phủ quyết đề nghị của họ. Bắc Kinh đã khai thác thỏa thuận đó bằng cách từ chối đề nghị một nửa số giám mục trong 98 giáo phận của Trung Quốc, đồng thời gây áp lực buộc các linh mục phải tuân thủ các quy định của đảng, viện lý do hiệp ước với Vatican có nghĩa là Đức Giáo Hoàng đòi buộc họ phải làm như vậy. Những tượng ảnh Đức Trinh Nữ Maria đã được thay thế bằng các bức chân dung của Tập Cận Bình, và các linh mục bị buộc phải trích dẫn những câu nói của họ Tập trong các bài giảng của mình.

Còn giáo hội Tin lành thì sao?

Giáo hội Tin lành là tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc, và điều đó đặc biệt đáng lo ngại đối với Tập Cận Bình. Giáo hội này được đăng ký với nhà nước, Phong trào Yêu Nước Tam Tự (三自爱国运动), tuyên bố có khoảng 39 triệu tín đồ. Nhưng ít nhất 40 triệu người khác được cho là đang giữ đạo với các “giáo hội hầm trú tại gia” - đẩy tỷ lệ người Trung Quốc theo đạo Tin lành lên gần 6%, tương đương với số thành viên của Đảng Cộng sản. Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát tín ngưỡng. Các cửa hàng sách trực tuyến đã bị cấm bán Kinh thánh trong khi nhà cầm quyền chuẩn bị cho dịch một ấn bản tiếng Quan thoại mới mà một số người lo ngại sẽ bỏ sót toàn bộ nhiều chương sách. Nhiều mục sư đã được lệnh phải tham dự các khóa đào tạo do chính phủ tài trợ. Họ được thông báo rằng ở Trung Quốc, “nhà nước lãnh đạo và giáo hội phải tuân theo.” Hàng ngàn hội thánh ngầm đã bị đóng cửa. Tại những nơi vẫn còn mở, các biểu tượng về đức tin đã bị thanh trừng, với những thánh giá và Kinh thánh bị đốt cháy. Những camera nhận dạng khuôn mặt đã được lắp đặt để chính quyền có thể theo dõi và quấy rối những tín hữu, cũng là chiến thuật đi tiên phong trong việc chống lại các Phật tử ở khu tự trị Tây Tạng thuộc Trung Quốc.

Điều gì đã xảy ra ở Tây Tạng?

Phật giáo Tây Tạng đã bị Bắc Kinh nhắm đến trong nhiều thập niên vì đây là trung tâm cột trụ của bản sắc Tây Tạng. Sự đàn áp này càng gia tăng dưới thời Tập Cận Bình. Hàng chục ngàn đảng viên đã được điều động đến các chùa chiền và làng mạc theo một sáng kiến tiếp cận cộng đồng nhằm thay thế một chương trình giám sát. Và kể từ năm 2016, đã có đến 17 ngàn tăng ni Phật giáo bị đuổi khỏi hai học viện đào tạo trọng yếu và bị đưa đến các trung tâm giáo hóa, nơi theo phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, họ bị đánh đập và chích bằng roi điện. Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo, 陈全国) ủy viên Bộ Chính trị, người giám sát cuộc đàn áp Tây Tạng, đã được cử đến Tân Cương vào năm 2016 để sử dụng cùng một kế sách chống lại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Âu Mạch Vinh (Omer Kanat, 欧麦荣) người đứng đầu Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết những người bị giam giữ bị ép buộc phải tuyên bố “không có Chúa, chỉ có Đảng Cộng sản”.

Các nhóm tôn giáo khác có bị đàn áp không?

Người A Huy (Hui, 阿辉) một dân tộc thiểu số theo đạo Hồi với khoảng 10 triệu người ở miền trung Trung Quốc, hiện đang chịu chung số phận với người Duy Ngô Nhĩ. Các đền thờ Hồi giáo của họ đang bị hán hóa, tước bỏ các mái vòm và tháp nhọn, việc kêu gọi cầu nguyện bị cấm. Nhiều người A Huy lo sợ rằng các trại tập trung có thể là chuyện xảy ra tiếp theo. Tín ngưỡng duy nhất còn tương đối tự do là Phật giáo Trung Quốc, được coi là tín ngưỡng bản địa. Tuy nhiên, nó cũng đang bị ép buộc phải phục vụ đảng: Năm 2018, Thiếu Lâm Tự - nơi khai sinh ra bộ môn võ thuật- đã buộc phải treo quốc kỳ Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử 1, 500 năm của chùa.

Hoa Kỳ đã phản ứng như thế nào?

Chính quyền Trump đã trừng phạt hàng chục công ty và cơ quan chính phủ có liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Vào tháng trước, ông Trần và ba cán bộ hàng đầu khác (của Trung Quốc) đã phải chịu các lệnh trừng phạt theo Đạo Luật Magnitsky Toàn Cầu, tài sản của họ ở Mỹ bị phong toả, còn các công ty Mỹ bị cấm kinh doanh với họ. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Hoa Kỳ sẽ không đứng khoanh tay nhìn khi Đảng Cộng sản cố xóa bỏ “văn hóa và tín ngưỡng Hồi giáo” của người Duy Ngô Nhĩ. Cô Karrie Koesel, chuyên gia về tôn giáo ở Trung Quốc, nói rằng áp lực từ bên ngoài khó có thể làm thay đổi chính sách của Trung Quốc. Cô nói “Nhà nước Trung Quốc coi tôn giáo là một mối đe dọa hiện hữu.”

Xoá bỏ Pháp Luân Công

Chính phủ Trung Quốc đã xác định “năm chất độc” đe dọa sự cai trị của họ, đó là: các nhà hoạt động dân chủ, người quốc gia Đài Loan, người bất đồng chính kiến ở Tây Tạng, người ly khai Duy Ngô Nhĩ, và Pháp Luân Công - một môn học tâm linh kết hợp giữa khí công cổ truyền với triết học Thời Đại Mới New Age.

Được thành lập vào năm 1992 ở đông bắc Trung Quốc bởi cựu nghệ sĩ kèn đồng Lý Hồng Chí. Pháp Luân Công ((Phép Bánh Xe - hay Dharmacakra theo tiếng Phạn) hứa hẹn sự cứu rỗi cho những ai nghiên cứu các văn bản của Sư phụ họ Lý và thực hành một chế độ vận động thể xác nhẹ nhàng. Lý tiên sinh đã thu hút được khoảng 70 triệu tín đồ trong vòng vài năm, mức độ nổi tiếng đã khiến Đảng Cộng sản phải lo lắng. Họ đã cấm đoán Pháp Luân Công vào năm 1999, gán cho phong trào này là một “tà giáo” và bắt giam hàng chục ngàn tín đồ. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, đã có hàng ngàn người đã bị giết và lấy nội tạng cho việc cấy ghép. Các học viên Pháp Luân Công phải chạy trốn đến Hồng Kông để có thể tự do tập luyện, họ lo sợ rằng một luật an ninh mới từng được Bắc Kinh áp đặt lên thành phố giờ có thể được sử dụng để chống lại họ. Cô Ingrid Ngô, phát ngôn viên Pháp Luân Công nói: “Đó là một con dao treo lơ lửng trên đầu chúng tôi”.


Source:The WeekChina's war on religion