Nguyên văn Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tham dự viên Hội Nghị của Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp

Thứ sáu - 15/02/2019 18:38
Nguyên văn Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các tham dự viên Hội Nghị của Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp



Thưa Ông chủ tịch Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp,
Thưa các Nguyên thủ quốc gia,
Thưa Ông Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý,
Thưa Bộ trưởng,
Thưa các Đại biểu và Đại diện thường trực của các quốc gia thành viên,
Thưa quý bà qúy ông:

Tôi đã vui sướng chấp nhận lời mời mà ông đã gửi cho tôi, Thưa ông Chủ tịch, thay mặt cho Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp, dự lễ khai mạc phiên họp thứ bốn mươi hai của Hội đồng quản trị của Tổ chức liên chính phủ này.

Sự hiện diện của tôi nhằm mục đích mang đến đây những mong muốn và nhu cầu của vô số anh em chúng ta đang chịu đựng trên thế giới. Tôi ước chúng ta có thể nhìn vào khuôn mặt của họ mà không đỏ mặt, vì cuối cùng lời kêu gọi của họ đã được nghe và mối quan tâm của họ được giải quyết. Họ sống trong những tình huống bấp bênh: không khí bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, sông ngòi bị ô nhiễm, đất bị axit hóa; họ không có đủ nước cho bản thân hoặc mùa màng của họ; cơ sở hạ tầng về vệ sinh của họ rất thiếu thốn, nhà cửa của họ khan hiếm và có khuyết điểm.

Và những tình huống này tiếp tục ở một thời điểm khi, mặt khác, xã hội của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kiến thức khác. Điều này có nghĩa là chúng ta đang đối diện với một xã hội có khả năng thúc đẩy các mục đích tốt đẹp của nó; và cuộc chiến chống lại đói khát cũng sẽ chiến thắng, nếu nó được thực hiện nghiêm túc. Việc quyết tâm trong cuộc chiến này là điều tối quan trọng, để chúng ta có thể nghe - không như một khẩu hiệu mà như một sự thật – “Nạn đói không có hiện tại hay tương lai. Chỉ có quá khứ”. Để có việc này, cần có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự và những người sở hữu tài nguyên. Trách nhiệm không thể trốn tránh, được truyền từ người này sang người khác, mà là phải được đảm nhận để đưa ra các giải pháp cụ thể và có thực chất. Đây là những giải pháp cụ thể và có thực chất mà chúng ta phải truyền từ người này sang người khác.

Tòa Thánh luôn khuyến khích những nỗ lực của các cơ quan quốc tế để giải quyết vấn đề nghèo đói. Trước đây vào tháng 12 năm 1964, Thánh Phaolô VI đã yêu cầu ở Bombay và sau đó nhắc lại trong các trường hợp khác, phải thành lập một Quỹ Hoàn cầu để chống đói nghèo và tạo động lực quyết định cho sự phát triển toàn diện các khu vực trở thành nghèo khó nhất của nhân loại (xem Diễn văn với các tham dự viên Hội nghị Thế giới về Thực phẩm, ngày 9 tháng 11 năm 1974). Và kể từ đó, những người kế nhiệm của ngài đã tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy các sáng kiến tương tự, trong đó một trong các điển hình đáng chú ý nhất chính là Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp.

Phiên họp thứ 42 này của Hội đồng quản trị Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp tiếp tục theo luận lý học này và có trước nó là một công trình hấp dẫn và quan trọng: tạo ra những khả thể chưa từng có, để xua tan mọi do dự và đưa vào từng thị trấn các điều kiện để đương đầu với những nhu cầu gây khốn cho nó. Cộng đồng quốc tế từng soạn thảo Nghị trình Phát triển Bền vững 2030 cần phải thực hiện các bước tiếp theo để đạt được 17 mục tiêu đã cấu thành ra nó. Về phương diện này, sự đóng góp của Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp là rất chủ yếu để có thể hoàn thành hai mục tiêu đầu tiên của Nghị trình, những mục tiêu liên quan đến xóa bỏ cảnh nghèo, đấu tranh chống đói và cổ vũ chủ quyền lương thực. Và không điều nào trong số này có thể làm được nếu không đạt được sự phát triển ở nông thôn, một sự phát triển đã được nói đến từ lâu nhưng đã không thành hiện thực. Và thật nghịch lý khi một phần lớn trong số hơn 820 triệu người bị đói và suy dinh dưỡng trên thế giới sống ở nông thôn, và - điều này thật nghịch lý - đang tham gia vào việc sản xuất lương thực và nông nghiệp. Ngoài ra, cuộc di cư từ nông thôn đến thành phố là một xu hướng hoàn cầu mà chúng ta không thể làm ngơ trong các cân nhắc của chúng ta.

Do đó, việc phát triển địa phương có giá trị ngay trong chính nó chứ không phải vì các mục tiêu khác. Mục đích là để đảm bảo rằng mỗi con người và mỗi cộng đồng có thể thể hiện đầy đủ các năng lực của chính họ, do đó sống một cuộc sống của con người xứng đáng với cái tên đó. Điều cần thiết là phải giúp thể hiện điều này, không phải từ trên xuống, mà với họ và vì họ - “Pour et avec” (vì và với), như Ông chủ tịch nói.

Tôi thúc giục những người có trách nhiệm trong các quốc gia và các tổ chức liên chính phủ, cũng như những người có thể đóng góp từ các khu vực công và tư, phát triển các kênh cần thiết để các biện pháp phù hợp có thể được thực hiện tại các vùng nông thôn trên trái đất, để họ có thể là các kiến trúc sư có trách nhiệm trong việc sản xuất và tiến bộ của nó.

Các vấn đề đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến số phận của nhiều anh em của chúng ta trong thời điểm hiện tại không thể được giải quyết theo cách cô lập, họa hoằn hoặc phù du. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta phải kết hợp lực lượng, đạt cho được sự đồng thuận, tăng cường các dây nối kết. Các thách thức hiện tại rất khó hiểu và phức tạp đến mức đôi khi chúng ta không thể tiếp tục đối đầu với chúng, với các giải pháp khẩn cấp. Cần phải cung cấp tác lực (agency) trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, mà không coi họ chỉ là những người nhận viện trợ đơn thuần mà cuối cùng có thể tạo ra sự lệ thuộc. Một khi người ta đã quen với sự lệ thuộc, thì không còn phát triển nữa. Mục đích là luôn phải khẳng định tính trung tâm của con người nhân bản, hãy nhớ rằng “ các diễn trình mới đang lên khuôn không thể luôn phù hợp với các khuôn khổ nhập cảng từ bên ngoài; cần phải dựa vào chính nền văn hóa địa phương” (Thông Điệp Laudato si’, 144), một nền văn hóa luôn luôn độc đáo. Và theo nghĩa này, cũng như trường hợp mới xảy ra trong những năm gần đây, Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp đã đạt được kết quả tốt hơn nhờ việc tản quyền lớn hơn, cổ vũ sự hợp tác bắc-nam, đa dạng hóa các nguồn tài trợ và phương thức hành động, và cổ vũ hành động dựa trên bằng chứng và đồng thời tạo ra kiến thức. Tôi khuyến khích qúy vị một cách thân ái tiếp tục đi trên con đường này, con đường khiêm tốn, nhưng đúng đắn. Một con đường luôn luôn dẫn đến việc cải thiện điều kiện sống của những người thiếu thốn nhất.

Cuối cùng, tôi chia sẻ một số suy nghĩ chuyên biệt hơn liên quan đến chủ đề “Đổi mới và sáng nghiệp nông thôn”, một chủ đề hướng dẫn phiên họp này của Hội đồng quản trị Qũy Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp. Cần đánh cuộc cho sự đổi mới, khả năng sáng nghiệp (entrepreneurship), tác lực của các tác nhân địa phương và hiệu năng của các diễn trình sản xuất để đạt được biến đổi nông thôn, hầu xóa bỏ tận gốc sự suy dinh dưỡng và phát triển môi trường nông thôn một cách bền vững. Và trong bối cảnh này, cần phải cổ vũ một “nền khoa học có lương tâm” và đặt kỹ thuật thực sự phục vụ người nghèo. Mặt khác, các kỹ thuật mới không nên tương phản với các nền văn hóa địa phương và kiến thức truyền thống, mà nên bổ sung và hành động đồng bộ với chúng.

Tôi khuyến khích tất cả qúy vị có mặt ở đây và những người thường xuyên làm việc trong Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế để công việc, các nỗ lực và bàn luận của qúy vị có thể có lợi cho những người bị bác bỏ - trong nền văn hóa vứt bỏ này - và có lợi ích cho các nạn nhân của sự thờ ơ và ích kỷ; nhờ vậy chúng ta có thể đạt được việc đánh bại hoàn toàn nạn đói và một vụ mùa bội thu của công lý và thịnh vượng. Cảm ơn qúy vị.

Tác giả: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic.com

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây