Phụng vụ thống hối của các linh mục giáo phận Roma

Thứ sáu - 28/02/2020 09:48

Văn Yên, SJ - Vatican News

Đức Thánh Cha nhắc đến ba điều “đánh cắp đi niềm vui của ơn gọi” mà ngài gọi tên là “sự cay đắng”. Ngài nhắc rằng “với tư cách là linh mục, chúng ta không được kêu gọi để trở thành những người toàn năng nhưng là những tội nhân được tha thứ và sai đi.”

Có ba nguyên nhân dẫn đến “sự cay đắng”, trước tiên là vấn đề với đức tin, kế đến là vấn đề với Giám mục, và cuối cùng là vấn đề giữa những linh mục.

Về vấn đề đức tin, Đức Thánh Cha nhắc đến kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus: “Chúng tôi đã từng nghĩ rằng Ngài là”. Một hy vọng bị thất vọng là gốc rễ gây nên sự cay đắng của họ. Nhưng ngài đặt câu hỏi: Chúa đã làm chúng ta thất vọng hay chúng ta đã đổi hy vọng thành kỳ vọng của chúng ta?

Ngài phân biệt hy vọng và kỳ vọng. Kỳ vọng nảy sinh khi chúng ta dành cả cuộc đời để cứu mạng mình và chúng ta là điểm tham chiếu. Còn hy vọng là điều xuất phát từ con tim khi bạn quyết định không tự vệ nữa. Khi tôi nhận ra những hạn chế của mình, và rằng không phải mọi thứ tôi đều có thể khởi đầu và kết thúc, do đó tôi nhận ra tầm quan trọng của việc tin tưởng. Hy vọng không phải là cố tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn, nhưng là mọi thứ xảy ra đều có ý nghĩa trong ánh sáng Phục sinh.

Về điều này, ngài khẳng định rằng: Cay đắng không phải là lỗi và nó phải được chấp nhận. Nó có thể là một cơ hội tuyệt vời, có thể một nỗi buồn dẫn chúng ta đến với Chúa.

Về nguyên nhân thứ hai là vấn đề với giám mục, ngài nói: “Có nhiều cay đắng trong cuộc đời linh mục đến từ những thiếu sót của các Mục tử. Tất cả chúng ta đều kinh nghiệm về những giới hạn và thiếu sót của mình. Chúng ta phải đối mặt với những tình huống mà chúng ta nhận ra rằng mình chưa chuẩn bị đủ...” Về điều này Đức Thánh Cha đề cập đến hai lý do nghiêm trọng, đó là tính độc đoán và “sự ngang bằng”. Tính độc đoán không để cho mình chấp nhận ý kiến của người khác, từ đó phá vỡ sự hiệp thông. Tuy nhiên, cần nhớ rằng sự hiệp thông của các linh mục với giám mục không phải là vấn đề của dân chủ, mà là của tình phụ tử. Về “sự ngang bằng” thì có một cám dỗ mà các mục tử hay mắc phải là tạo nên những phe phái, “của mình”, “những người gần mình” để tạo ảnh hưởng. Thánh Biển Đức khuyên, “sự chăm sóc thực sự thì nằm ở sự ngang bằng nhưng không đồng phục.”

Nguyên nhân thứ ba của sự cay đắng là vấn đề giữa các linh mục. Điều đáng buồn về những vụ lạm dụng tình dục và tiền bạc đã làm cho các tương quan giữa các linh mục không còn bền chặt. Người ta quên mất mình đang là “giáo hội chiến đấu”. Hiền thê của Chúa Kitô là và vẫn là một cánh đồng trong đó có cả lúa lẫn cỏ lùng. Ai không sống hiện thực này của Tin Mừng thì sẽ cảm thấy cay đắng vô cùng. Ngược lại, nếu chấp nhận thực tại này của cánh đồng thì nẩy sinh tình hiệp thông.

Bài huấn dụ kết thúc với câu chuyện của dân Israel đi trong sa mạc. Đi trong sa mạc 3 ngày, đến Mara, dân khát nước nhưng không uống được vì đắng. Đứng trước sự phản kháng của dân, Môsê đã cầu xin Chúa và nước trở nên ngọt trở lại. Các mục tử cần mang lời cầu xin của dân để xin Thiên Chúa biến đổi sự cay đắng của mình thành dòng nước ngọt cho dân Chúa.

Phụng vụ thống hối được tiếp tục với việc cầu nguyện cá nhân và xưng tội. Ngày thống hối của các linh mục Roma là một truyền thống được thực hiện trong Mùa Chay tại nhà thờ chính toà với sự hiện diện của đa số các linh mục giáo phận Roma. (CSR_1148_2020)

Nguồn tin: www.vaticannews.va

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây