Năm Thánh 60 Năm Đức Mẹ Tàpao - Bài Giáo Lý Số 2

Thứ năm - 14/02/2019 03:56
CHIÊM NGẮM ĐỨC MẸ THÔNG ƠN THIÊN CHÚA

Công bố Tin Mừng Luca 1,26-38 (Sứ thần truyền tin cho Đức Maria).


PDF



Vào tháng thứ sáu, Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ vào chào rằng:  “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà.”  Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.  Thiên thần liền thưa:  “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa.  Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu.  Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người.  Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận.”  Nhưng Maria thưa với thiên thần:  “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”  Thiên Thần thưa:  “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà.  Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa.  Và này, Êlisabéth chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được.”
Maria liền thưa:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Và Thiên thần cáo biệt bà.


Kính thưa cộng đoàn hành hương,
Hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Maria với tước hiệu ĐỨC MẸ THÔNG ƠN THIÊN CHÚA hay MẸ ĐẦY ÂN PHÚC, MẸ MUÔN ƠN. Mẹ đầy ơn nên Mẹ mới có thể thông ơn Thiên Chúa cho chúng ta. Tất cả những gì Mẹ có đều là hồng ân Thiên Chúa ban và Thiên Chúa ban hồng ân ấy cho Mẹ không chỉ vì bản thân của Mẹ nhưng còn vì chúng ta là những người con của Người và cũng là con cái của Mẹ. Vậy đâu là hồng ân lớn nhất Thiên Chúa đã ban cho Mẹ và hồng ân ấy đem lại những gì cho Mẹ cũng như cho mỗi người chúng ta. Mẹ đã đón nhận và làm cho hồng ân ấy lớn lên trong cuộc đời của Mẹ ra sao? Mẹ đã thông ban và dạy chúng ta đón nhận hồng ân như thế nào?

Để chiêm ngắm Đức Maria với tước hiệu cao quý ĐỨC MẸ THÔNG ƠN THIÊN CHÚA, tôi xin mượn một sự tích trong cuộc đời của tổ phụ Abraham.
Ông Abraham có một người cháu tên là Lót, người gọi ông bằng bác. Ông yêu thương và nuôi dạy Lót như con của mình. Chẳng bao lâu ông Lót cũng trở nên giầu có chẳng kém gì bác của mình. Một cuộc tranh chấp đã xảy ra giữa những đầy tớ của ông Abraham và những đầy tớ của ông Lót. Để giữ sự hòa thuận giữa hai bác cháu, ông Abraham đề nghị ông Lót nên xa ông bằng cách chọn bất cứ vùng đất nào phía trước mặt, ông sẽ chọn phần còn lại. Lẽ ra ông Lót phải nhường cho bác chọn trước, đằng này ông đã chọn phần tốt nhất, vùng sông Gio-đan trù phú vì chỗ nào cũng có nước, còn ông Abraham thì ở lại đất Ca-na-an. Thế là bác cháu chia tay nhau (x. St 13,1-13).

Vì miền sông Gio-đan trù phú, nên các vương hầu trong vùng tìm cách để chiếm lĩnh nó. Họ chia thành hai phe và đánh nhau. Kết cuộc, vùng sông Gio-đan rơi vào tay của vua Kê-đô-lao-mê và liên minh của ông, còn vua Xơ-đôm và liên minh của ông thua trận nên mất hết tài sản và lương thực. Bản thân vua Xơ-đôm cũng bị rơi xuống giếng khi chạy trốn. Ông Lót và cả nhà bị bắt cùng với tài sản của ông. Được tin cháu bị bắt, ông Abraham đã huy động hơn 300 tôi tớ trong nhà đi cứu ông Lót, cho dù trước đó, vì lợi ích của mình, ông Lót đã ứng xử không tốt đối với ông. Nhà Abraham đã thắng trận và đưa cả nhà ông Lót cũng như tài sản về. Ông còn cứu được cả vua Xơ-đôm nữa.

Trong khi ông Lót chẳng ngỏ được một lời cảm ơn nào, thì Vua Xơ-đôm đã ra đón và nói cùng ông Abraham rằng: “Người thì xin ông cho lại tôi, còn tài sản thì ông cứ lấy”. Ông Abraham giơ tay lên Thiên Chúa mà thề: “Dù một sợi chỉ, một quai dép của vua, bất cứ cái gì của vua tôi cũng không lấy. Ông sẽ không có thể nói: ‘Tôi đã làm giầu cho ông Abraham”. Xác quyết của ông Abraham quả là tuyệt vời! Bất cứ cái gì của vua tôi cũng không lấy, kẻo vua lại bảo tôi giầu có là nhờ vua, chớ không phải nhờ Thiên Chúa của tôi! Ông Abraham giầu có là nhờ Thiên Chúa của ông, chứ không nhờ ai khác, và tất cả những gì ông có đều là hồng ân Thiên Chúa ban. Phải chăng nhờ xác tín như thế mà ông Abraham đã ra tay cứu giúp, bao dung và độ lượng với cả vua Xơ-đôm và ông Lót, người cháu đã từng ứng xử không hay đối với ông (x. St 14,1-24).

Kính mừng Maria đầy ơn phúc và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ

Nếu như ông Abraham bảo mình giầu có nhờ Thiên Chúa, thì Đức Maria còn giầu có gấp bội bởi Mẹ là đấng đầy ơnn phúc vì có Chúa ở cùng. Chúa ở cùng Mẹ ngay khi Mẹ được tượng thai trong lòng bà Anna, nghĩa là Mẹ được sinh ra trong ân nghĩa của Thiên Chúa, được vô nhiễm nguyên tội. Nhờ đó, Mẹ có thể cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu là nguồn mọi ân phúc, như chúng ta vẫn xưng tụng: “Kính mừng Maria đầy ân phúc, Chúa ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”.

Nếu như ông Abraham có thể nhường cho ông Lót miền sông Gio-đan trù phú và hoàn lại cho vua Xơ-đôm mọi tài sản đã mất vì bại trận, thì Đức Maria có thể ban cho chúng ta Đức Giêsu, con lòng Mẹ gồm phúc lạ; để rồi “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16), đặc biệt “những ơn mà chúng ta đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng” (Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật Thường niên VII). Mẹ thông ơn Thiên Chúa trước hết vì Mẹ đầy ơn phúc của Người; kế đến vì Mẹ đã ban cho chúng ta nguồn mọi ơn phúc là Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Vì thế, Đức Maria thực sự xứng đáng với tước hiệu ĐỨC MẸ THÔNG ƠN THIÊN CHÚA. 

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con

Đức Maria đã ban Đức Giêsu cho chúng ta, để làm cho chúng ta “được sống, được vui, được cậy” như chúng ta vẫn nguyện xin trong Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà. Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.”

Kinh Lạy Nữ Vương hay Kinh Salve Regina được thầy dòng Bênêđictô tên là Hermann der Lahme (+ 1054),  thuộc tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức, soạn thảo bằng tiếng latinh. Thầy Herman có nhiều tài năng thiên phú, nhưng bị tàn tật ngay từ hồi niên thiếu, đến độ không thể tự làm những điều căn bản cho đời sống hằng ngày, nên thầy phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng cũng như của những người khác và trở nên gánh nặng cho họ.

Dù nhà Dòng rất kính trọng và yêu mến Thầy cũng như sẵn sàng giúp Thầy sống trọn vẹn ơn gọi và phát triển tài năng Chúa ban, nhưng Thầy vẫn nặng lòng, vẫn phiền muộn và cô đơn. Trong hoàn cảnh ấy, Thầy suy đi nghĩ lại lời Sứ thần chào Đức Maria trong Kinh Kính Mừng và soạn ra Kinh Lạy Nữ Vương để chúc tụng và khẩn cầu Đức Maria cho mình được sống, được vui, được cậy. Thầy xin Mẹ đồng hành và hướng dẫn mình đặt trọn niềm tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa tình yêu, ngay khi còn mang trong mình hậu quả của nguyên tội là đau khổ, bệnh tật, yêu đuối về cả thể xác lẫn tinh thần.
Kinh Lạy Nữ Vương không những giúp cho thầy Hermann mà còn giúp cho các tín hữu “được sống, được vui, được cậy”. Nó đã  trở thành lời kinh của Giáo Hội và gợi hứng cho biết bao nhạc sĩ danh tiếng, từ thời Trung Cổ cho đến cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy…[1] sáng tác nên những bài thánh ca tuyệt vời.

Khi suy niệm lời kinh này, Đức Cha Bùi Tuần, nguyên Giám mục giáo phận Long Xuyên, nghiệm thấy Đức Maria đã ban Đức Giêsu cho chúng ta, để Người làm cho tất cả chúng ta “được sống, được vui, được cậy”. Chính Đức Giêsu đã làm cho Mẹ “được sống, được vui, được cậy”, cho dù phải xin vâng, rồi cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, cho dù phải nuôi dưỡng và dạy dỗ Người trong 30 năm ẩn dật tại Nadarét hoặc bước theo Đức Giê trong cuộc sống công khai cũng như trong cuộc vượt qua của Người, cho đến khi đứng dưới chân thập giá và ôm lấy xác con đầy thương tích trong đêm tối hãi hùng.    
 Theo Đức Cha Gioan Baotixita, ngoài Đức Maria, không ai có thể dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Đấng đã cứu vớt sự sống, niềm vui và hy vọng của chúng ta. Giả như chúng ta có lạc mất Đức Giêsu, thì Mẹ vẫn là người duy nhất có thể giúp chúng ta trở về, để luôn biết sống trọn vẹn Tin Mừng là chính Đức Kitô, ngay hôm nay và trong lúc này.
Vẫn theo ngài, sự sống, niềm vui và hy vọng mà Đức Giêsu đem lại cho chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, nhiều khi không đến với chúng ta vội vã ồn ào, nhưng đến một cách bất ngờ qua những người nghèo khổ, bệnh tật, vô danh. Sự sống, niềm vui và hy vọng ấy sẽ ở lại trong mỗi người chúng ta, khi chúng ta bắt chước Mẹ âm thầm giữ kỹ các kỷ niệm trong lòng để suy gẫm (x. Lc 2,51). Xin Mẹ cho chúng ta biết sống, biết vui, biết hy vọng theo gương Mẹ. Sống một cách bình thường mà không tầm thường, vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng con[2].

                                                                          Tàpao, ngày 12/2/2019
                                                                       Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

 
 
[2] x. Gm. Bùi Tuần, Ðức Mẹ nhân lành giúp tôi vui sống, đăng trong CGvDT, ngày 7/10/2016, http://www.cgvdt.vn/dgm-bui-tuan/uc-me-nhan-lanh-giup-toi-vui-song_a3872.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây