Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao-lô

Thứ năm - 09/07/2020 08:24

Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao-lô

(dựa theo cuốn “Linh mục một vài năm sausuy gẫm về tác vụ linh mục”

 của ĐHY Carlo Maria Martini)

 

Dẫn nhập

Trong các bài sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau suy tư và chiêm niệm về đề tài “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”. Tuy là những bài suy niệm dành riêng cho linh mục, nhưng cũng hữu ích để canh tân đời sống thiêng liêng cho bất cứ ai muốn đọc và suy niệm.

 

Chúng ta cùng suy gẫm sách Công Vụ Tông Đồ, chương 20, câu 17-38. Đây là “di chúc mục vụ” của thánh Phao-lô. Trong bản văn trên, thánh Tông Đồ nói với các kỳ mục Ê-phê-sô về kinh nghiệm ngài đã trải qua trong 3 năm sống với họ: kinh nghiệm về con người, về đời sống linh mục và về mục vụ. Chúng ta tin rằng diễn từ Mi-lê-tô (năm 58) là một tổng hợp 20 năm tác vụ của thánh Phao-lô. Trong chương 20 này, ngài chỉ xem xét lại những gì đã hoàn thành trong thời gian ba năm ở Ê-phê-sô. Tuy nhiên, ba năm đó tượng trưng cho toàn bộ hoạt động tông đồ của ngài. Ba năm mục vụ tông đồ của thánh Phao-lô ở Ê-phê-sô cũng có thể tượng trưng cho thời gian làm việc tông đồ của mỗi người chúng ta. Thời gian đó có thể là 1-5 năm hoặc lâu hơn nữa. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho một giai đoạn mới.

 

Nhờ tìm hiểu và suy gẫm về “Di chúc mục vụ” của thánh Phaolô do ĐHY Martini triển khai trong cuốn: “Linh mục một vài năm sau…Suy gẫm về tác vụ linh mục”, chúng ta có thể “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”

 

    Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

DIỄN TỪ MI-LÊ-TÔ CỦA THÁNH PHAO-LÔ

(Cv 20, 17-38):

 

17 Từ Mi-lê-tô, ông sai người đi mời các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô. 18 Khi họ đến gặp ông, ông nói với họ:

"Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến A-xi-a, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. 19 Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái. 20 Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em ; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. 21 Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

 

22 "Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, 23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. 24 Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.

 

25 "Giờ đây tôi biết rằng : tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. 26 Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng : nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. 27 Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa.

 

 28 "Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.

 

29 "Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. 30 Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. 31 Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ.

 

32 "Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.

 

33 "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. 34 Chính anh em biết rõ : những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy : cho thì có phúc hơn là nhận."

 

36 Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. 37 Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. 38 Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.

 

BÀI MỘT

KHÍCH LỆ VÀ AN ỦI

 

"Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.

 

"Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến”.

 

Trong bài này, chúng ta sẽ suy niệm về toàn bộ diễn từ Mi-lê-tô. Chúng ta lưu ý đặc biệt tới hai từ: khích lệ và an ủi. Để hiểu hai từ này, chúng ta sẽ nói đến bối cảnh lịch sử và bối cảnh văn chương của diễn từ. Để kết thúc, chúng ta sẽ nói ngắn gọn về tình huống giáo hội hiện tại.

 

I. Bối cảnh lịch sử

Giống các tông đồ khác, thánh Phaolô có thói quen kết luận các sứ vụ tông đồ của mình bằng những lời khích lệ và an ủi. Khi chào từ biệt một cộng đoàn mà ngài đã rao giảng ở đó, ngài sẽ nói một bài về sự hiện diện của ngài giữa các tín hữu. Vì thế, ở Mi-lê-tô, ngài mới nói những lời khích lệ mà chúng ta đang suy niệm.

 

Thánh Phaolô có thói quen kéo dài những lời an ủi, có lễ quá mức cần thiết cho người nghe. Vì thế có lần, trước khi rời Troa vào ngày hôm sau, ngài đã kéo dài bài nói chuyện ở đó đến nửa đêm, đến nỗi một thiếu niên ngã từ cửa sổ trên lầu xuống đất vì ngủ gục. Tuy nhiên, thánh Phao-lô đã cứu sống nó (Cv 20,7-12). Thánh Luca nhấn mạnh đến sự kéo dài của bài nói chuyện. Từ đó, có thể suy ra là các diễn từ an ủi thường rất dài.

 

Kết luận: sau khi rao giảng Tin Mừng lần đầu, thánh Phao-lô từ biệt cộng đoàn, hoặc trở lại thăm cộng doàn, thì ngài dùng những lời an ủi, khích lệ để nâng đỡ và củng cố họ.

 

II. Bối cảnh văn chương

 

Bây giờ chúng ta tìm hiểu văn cảnh của diễn từ. Đây là một trong những bài nói chuyện khích lệ và an ủi dài nhất của thánh Phaolô. Đây cũng là những lời giã từ hay chào biệt lần cuối cùng; vì thế bản văn được gọi là “di chúc mục vụ” của thánh Phaolô. Trong Cựu ước, có những trang tương tự nói về di chúc của những người hấp hối. Truyền lại di chúc là phong tục rất phổ biến của cả nhân loại. Khi một người sắp bỏ một nơi rất thân yêu -nhất là khi ở ngưỡng cửa cái chết – người đó muốn ký thác kỷ niệm và ý muốn của mình cho những người ở lại. Ngày nay, xã hội chúng ta dè dặt hơn trong vấn đề này; tuy nhiên, trong nhiều gia đình, vẫn còn thói quen tụ họp con cái lại để ký thác cho chúng những lời khuyên nhủ, những lời cuối cùng phát xuất từ con tim của người sắp rời bỏ trần thế.

 

Ở đây, chỉ xin trích lời của Samuel: “Ông Sa-mu-en nói với toàn thể Ít-ra-en: "Tôi đã dẫn đầu anh em, từ lúc tôi còn trẻ cho đến hôm nay. Này tôi đây. Hãy cáo tội tôi trước mặt ĐỨC CHÚA và trước mặt vị Người đã xức dầu tấn phong: tôi đã lấy bò của ai, lấy lừa của ai? Tôi đã bóc lột ai, áp bức ai? Tôi đã nhận quà đút lót từ tay ai để nhắm mắt làm ngơ cho nó? Tôi sẽ trả lại cho anh em." Họ trả lời: "Ông đã không bóc lột chúng tôi, không áp bức chúng tôi, không lấy cái gì từ tay ai." Ông nói với họ: "Có ĐỨC CHÚA làm chứng trước mặt anh em, và có vị Người đã xức dầu tấn phong cũng làm chứng hôm nay, rằng anh em đã không tìm thấy gì nơi tay tôi." Họ trả lời: "Vâng, có Người làm chứng." (1 Sm 12, 1-5). Trong lời từ biệt các kỳ lão Ê-phê-sô, thánh Phaolô cũng nói ngài không tham lam tiền của, vàng bạc, áo quần của bất cứ ai (Cv 20, 33-34). Tô-bi-a cha cũng nói với Tô-bi-a con những lời cuối cùng như thế, và, nhất là, diễn văn từ biệt của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Gioan (Ga 13-17).

 

Bởi vậy, “di chúc mục vụ” của thánh Phaolô không phải là một bản văn biệt lập, nhưng gắn liền với văn chương của nhiều diễn văn từ biệt khác trong Kinh Thánh. Về phần mình, nhờ khơi gợi lại quá khứ bản thân, những khẳng định về sự chân thực trong đời sống, thánh Phaolô củng cố sợi dây liên kết ngài với các tín hữu và làm cho cộng đồng vững mạnh. Rõ ràng diễn từ của thánh Phaolô ở Mi-lê-tô vẫn luôn có giá trị với tất cả các linh mục và đáng được chúng ta đón nhận và học hỏi.

 

III. Bối cảnh giáo hội

 

Câu hỏi đặt ra là những lời khích lệ, an ủi của thánh Tông Đồ đối với các cộng đoàn ki-tô hữu đầu tiên có ý nghĩa gì? Những lời của thánh Phao-lô hiển nhiên cho thấy các tín hữu - cá nhân hay tập thể - đang trong tình thế bấp bênh, nhiều nguy cơ. Sách Công vụ tông đồ cho biết các thành phần trong Giáo Hội sơ khai dễ chia rẽ và đối nghịch nhau đến thế nào. Sự hiệp thông giữa các tín hữu thì mong manh, và nếu có thì không phải là không trải qua nhiều đau khổ, cay đắng và căng thẳng. Chắc chắn, các ki-tô hữu đã trải nghiệm một đời sống đức tin đặc biệt; đó là những giờ phút tuyệt vời. Tuy nhiên, nó không kéo dài bao lâu, và phải không ngừng củng cố sự hiệp thông. Chúng ta hãy nghĩ đến tình thế bấp bênh của chính linh mục chúng ta và các cộng đoàn ki-tô hữu ngày nay đang chìm ngập trong một thế giới ngoại giáo, phù phiếm, tiêu dùng và hưởng thụ, dửng dưng, khô khan hoặc cởi mở với mọi thứ tôn giáo, nhưng lại không sẵn sàng lắng nghe và đón nhận một sứ điệp nào.

 

IV. Những suy tư.

 

Còn chúng ta thì sao? Ngày nay, người ta nhấn mạnh đến tình trạng bấp bênh của các thế hệ hiện tại. Thanh thiếu niên, người lớn, và cả các linh mục - là những người rất nhiệt tâm và quảng đại, nhưng không bền lâu. Chúng ta mau mệt mỏi nên rất cần trợ giúp.

 

Suy tư thứ nhất: theo những gì thánh Phaolô nói, thì các ki-tô hữu đầu tiên thời ngài ở vào một tình thế bấp bênh, đầy nguy cơ. Nếu họ không yếu ớt, thánh Phaolô đã không cần thăm viếng họ lần nữa để an ủi và củng cố họ. Hoàn cảnh hiện tại của chúng ta cũng không hơn gì. Hoàn cảnh đó thế nào? Đâu là những bấp bênh, những nguy cơ?

 

Suy tư thứ hai: Đừng ngạc nhiên vì sự bấp bênh đủ loại và đừng tìm “vật tế thần”. Đừng lấy làm lạ khi những người trẻ sau một vài tháng đầy thiện chí, bỗng xì-tốp ngay khi gặp những khó khăn đầu tiên và đặt vấn đề dấn thân như vậy có còn cần hay không. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy những đôi vợ chồng trẻ cãi lộn vì những lý do không đâu và đòi ly dị. Điều quan trọng ở đây là tìm cách xử trí vấn đề bấp bênh và mong manh của con người.

 

Suy tư thứ ba: vì sự bấp bênh, mong manh, nên khơi gợi và kêu gọi sự dấn thân lần đầu thì không đủ. Cần không ngừng khích lệ và củng cố thanh thiếu niên, những đôi vợ chồng trẻ, những chiến sĩ nhiệt thành, các linh mục, nhất là các linh mục trong những năm đầu đời, vừa mới bắt đầu nhưng cũng mau chóng mệt mỏi vì gặp khó khăn và những thụ động của môi trường. Quan trọng là khích lệ những người đã lập các nhóm tông đồ, chia sẻ mà sau đó, lại đánh mất sự tin tưởng. Cũng vậy, đối với những bạn trẻ có sáng kiến đi thăm những người đau yếu và tật nguyền, nhưng không lâu sau, không còn thấy động lực thuở đầu. Cộng đoàn và con người làm thành cộng đoàn phải không ngừng được khích lệ. Và chính chúng ta cũng cần được khích lệ và củng cố bởi những người khác vì sự nhiệt thành của những ngày đầu chịu chức và niềm vui của một vài ngày tĩnh tâm có lẽ không đủ. Chúng ta hãy học với thánh Phaolô để “chín chắn” từng ngày, và ý thức sâu xa sự bấp bênh, mong manh của con người. Nhờ những khích lệ, cổ vũ, củng cố và an ủi, chúng ta sẽ tiến lên phía trước, nhưng không bao giờ có tham vọng là đã thúc đẩy mau lẹ tiến trình tâm sinh lý một cách giả tạo. Hãy tôn trọng thời gian và sự chậm trễ, hãy nhớ rằng các bậc cha ông và các tông đồ của chúng ta trong đức tin đã rảo qua cũng cùng một con đường và không bao giờ kinh sợ vì những tiến bộ rất chậm chạp của con người.

 

Kết

 

Cá nhân mỗi người chúng ta hãy suy niệm bản văn của thánh Phaolô để phân định điều chúng ta phải củng cố, để xem xét những bấp bênh riêng mà chúng ta gặp trong đời linh mục của chúng ta, nhất là các linh mục trong những năm đầu đời. Lưu ý đến những yếu đuối mà trước đây chúng ta không có, nhờ cơ cấu vững chắc của chủng viện nâng đỡ.

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Người công giáo chúng ta cần sự an ủi, khích lệ nào? Còn tôi, tôi cần được củng cố những điểm nào? Củng cố bởi Chúa, và bởi người khác?

2. Đâu là những lời an ủi tôi đang cần?

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây