Con Người Gần Mà Xa Trong Thời Đại Công Nghệ

Thứ ba - 22/10/2019 02:47

Con người là một hữu thể đi vào đời, mang trong mình tất cả những gì là yếu đuối của phận người muôn thưở để sống với đời. Chính trong cái yếu đuối đó như là một chất keo dính kết chặt mọi người lại với nhau để cùng kề vai gánh vác, tương trợ cho nhau. Không ai trong chúng ta dám tuyên bố mình không dính dáng gì đến những người xung quanh. Trái lại, mỗi người xuất hiện, đi ngang qua cuộc đời luôn thiết thân, ghi dấu ấn trong cuộc đời chúng ta. Chính trong cái tôi - cái anh - cái chúng ta là điều làm cho hữu thể người xuất hiện ra có giá trị tròn đầy hơn.

Thế nhưng, sống trong thời đại công nghệ, các mối tương quan thiết thân giữa người với người đang có một khung sắt chắn ngang, khiến con người tuy gần mà xa. Điều này chúng ta nghe tưởng chừng thật vô lý, một lời tuyên bố không có căn cứ. Nhiều người cho rằng, đúng hơn phải nói: ngang qua công nghệ, đã xích mọi người lại gần nhau hơn. Thế rồi, một dãy các tiện ích mà công nghệ mang lại cho con người được họ liệt kê ra: Hai người ở xa nửa vòng trái đất cũng có thể nhìn thấy nhau, một cú bấm gọi điện thoại là có thể nghe được giọng nói của những người thân yêu. Hay ta có thể mua được mọi thứ mà chẳng cần tốn công đi đến nơi mua sắm, chỉ cần một vài thông tin đơn giản mà ta thao tác trên “dế yêu” của mình là có tất cả. Nghe qua, chúng ta thấy thật tiện lợi và hữu dụng phải không? Nhưng đó chỉ là hai mặt của một vấn đề mà thôi. Chúng ta cùng đi khám phá phía sau cái mặt hào nhoáng đó là gì?

Ngày xưa, khi chiếc điện thoại chưa phát triển, mỗi khi nhớ nhà, nhớ những người thân thương, chúng ta thường dùng bút viết những bức thư với những lời trao gửi thật nồng ấm tình người. Mỗi nét chữ được viết cẩn thận với bao nỗi niềm nhung nhớ, mỗi câu văn được kết dệt nên bởi ngàn vạn yêu thương. Lắm lúc, bức thư đó là nước mắt, là trái tim, là nỗi niềm thẳm sâu mà người con muốn bày tỏ. Nó chẳng phải là một tờ giấy vô hồn nhưng gói trọn cả một cuộc đời. Cầm bức thư trên tay, người cha, người mẹ cảm nhận được cả một khung trời yêu thương mà người con dành cho mình. Những đớn đau, những nỗi niềm chua chát được người cha, người mẹ hóa mình vào làm một cùng người con, để cảm, để nếm, để chung chia, để thẩm thấu những đắng cay với người con. Trong thời đại công nghệ 4.0, ta tìm đâu ra những bức thư tay nữa. Thay vì những bức thư, là những cuộc điện thoại được gọi trong sự vội vã. Cuộc gọi đó có thể được gọi khi trên đường đi làm việc, trong những giây phút giải lao ngắn ngủi. Chính trong cái tranh thủ đó mà cuộc gọi chẳng có thể truyền tải được tình yêu, chẳng có thể bày tỏ được nỗi niềm muốn nói. Người làm cha mẹ muốn được nghe các con tâm sự nhiều hơn, muốn chỉ dạy, khuyên răn các con nhiều hơn nhưng điều đó dường như không thể, bởi cuộc gọi quá ngắn ngủi và vội vàng. Để rồi bao nhiêu nỗi niềm lại bị bỏ ngỏ. Và theo thời gian, cả người gọi lẫn người nghe chẳng có thể thẩm thấu về nhau, chẳng có thể cảm nếm được tình yêu mà đôi bên muốn bày tỏ.           .

Dường như công nghệ đang xen lấn quá nhiều vào cuộc sống của mỗi chúng ta. Trong gia đình, bữa cơm là nơi để mọi thành viên gặp gỡ nhau, trao cho nhau những lời yêu thương, thưởng thức những món ăn nghĩa tình. Nhưng điều đó đang bị xáo trộn và đổi thay. Trên bàn cơm của mỗi gia đình giờ đây không thể thiếu chiếc điện thoại, mỗi người một chiếc, một khung trời riêng không ai nói chuyện với ai, không ai cười đùa với nhau và cũng chẳng ai quan tâm gắp cho nhau một miếng thức ăn. Cùng chung mâm cơm, cùng chung một món ăn nhưng các thành viên chẳng có thể chung niềm vui nghĩa tình, chẳng có thể nhìn thấy nhau bởi chiếc điện thoại đã che đi khuôn mặt của những người thân đang hiện diện với mình. Bữa cơm được ăn trong vội vã, trầm lắng và đầy nhạt nhẽo. Sau bữa cơm, mỗi người lại trở về với khung trời riêng của mình. Cứ thế trôi đi, mỗi người tuy gần nhau về địa lý nhưng cái nghĩa ân tình xa nhau ngàn dặm.

Rồi trong cách giáo dục con cái cũng là điều chúng ta cần phải nói đến. Ngày xưa con cái mỗi khi khóc thường được bố mẹ nâng niu, bồng ẵm vào lòng, dỗ dành để con khỏi phải khóc. Chính cái bồng ẵm vào lòng đó, làm cho đứa con dù còn rất nhỏ nhưng cũng cảm nhận được một tình yêu lớn lao mà người mẹ dành cho mình. Và cũng trong cái nghĩa thiết đó, mà mối giây mẫu tử được đan quyện, nhiệm hiệp với nhau hơn. Nhưng ngày hôm nay, mỗi khi con khóc bố mẹ thay vì dỗ dành lại cho con chiếc điện thoại hay bật tivi lên cho con ngồi trước màn hình với mong ước là con sẽ hết khóc. Nhưng chúng ta không hay biết rằng, việc cho con cái sử dụng điện thoại hay xem tivi gây một ảnh hưởng rất xấu lên não bộ của con trẻ, gây ảnh hưởng nhiều đến mắt và rất nhiều những hậu quả khác nữa. Đó là những điều tiêu cực ảnh hưởng về mặt thể xác mà thôi. Điều tồi tề và đáng nói hơn hết chình là về mặt tình cảm, về mặt tình thân của con trẻ. Theo thời gian, con trẻ không cảm nhận được tình yêu của người mẹ, cảm thấy không được bao bọc chở che. Trái lại, con trẻ bị tê liệt về mặt cảm xúc, thay vào đó là một sự lệ thuộc vào chiếc điện thoại, và nó không cần gì ngoài chiếc điện thoại mà thôi.

Cuộc sống con người chúng ta không chỉ dừng lại ở đời sống thể xác, nhưng còn có đó một đời sống tinh thần mãnh liệt. Chính đời sống tinh thần mới mang lại cho con người ý nghĩa đích thị của cuộc sống, mở ra cho con người những chân trời mới. Con người cần mở ra với nhân loại để thông dự, kết thân, tương tác với nhau. Ngày hôm nay, chính trong các mối tương giao đang bị bẻ gãy bởi không thấu hiểu về nhau. Mà làm sao có thể thấu hiểu nhau được khi chúng ta không dành thời giờ cho nhau, không tương tác với nhau. Bạn bè rủ nhau ra quán cà phê để nói chuyện, thay vì nói chuyện với nhau thì mỗi người một chiếu điện thoại. Hai người ở gần nhau, thay vì nói chuyện trực tiếp họ lại sử dụng tin nhắn để nói chuyện với nhau. Tất cả đều có sự tham gia của công nghệ vào, và như thế đánh mất đi cái tình, cái nghĩa mà mỗi người có thể cảm nếm về nhau.

Hãy dừng lại đôi chút để gẫm về cuộc đời, ta sẽ thấy ta đang đắm chìm vào trong một thế giới ảo tinh vi tuyệt đẹp, nhưng đang giết chết chúng ta từng ngày mà chúng ta chẳng hề hay biết. Hãy sống mối tình nghĩa thiết, hãy xích lại gần nhau hơn trong các mối tương quan, để thấy cuộc đời còn có ý nghĩa. Hãy kê vai gánh vác và dìu tha nhân cùng đi trong cuộc đời, để cái tôi cái anh và cái chúng ta được tròn đầy trong mối tình anh em.

Hà Nguyễn, MF  

 

Nguồn tin: mfvietnam.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây