Gần và Xa

Thứ bảy - 21/03/2020 23:05

Miền Tây trong ký ức trong trẻo của tôi là một sáng mùa hạ; sóng rẽ nước thành một đường thẳng dài, đi sâu vào các kênh rạch chằng chịt để thu mẻ cá sau đêm mưa dài. Hôm đó, chúng tôi thu được mẻ cá lớn đến chục ký cá rô, cá lóc, lươn, ếch… những ngày ở đó là những ngày trời cao xanh thoáng đãng, đồng bằng đang độ thu hoạch, sen trải dài hàng cây số nơi con đường chúng tôi đi qua. Đồng Tháp Mười- một huyện nhỏ của tỉnh Đồng Tháp là nơi tôi dừng chân sau hành trình về miền Tây của tôi.

Tôi nghĩ về vùng đất này khi mà nền công nghiệp đang dần lấn sâu vào lũy tre làng ở quê tôi; tôi tin chắc rằng, với địa hình như này thì vùng đất này còn đẹp mãi. Cuộc sống ở đây hoà cùng thiên nhiên; không có đường nhựa, không có những cuộn khói bốc lên khi chiều về của những ngành công nghiệp nặng như nơi tôi ở.
Nơi tôi sống đôi khi thiên nhiên bị đốt cháy và bị lãng quên, và đôi khi Mẹ thiên nhiên cũng khiến cho con người phải giật mình. Có lẽ như điều tôi nghiệm thấy lúc này!
Lúc đó tôi đã ước mình có thể ở đây: sáng trồng rau, chiều nuôi cá, tối về lại tụ tập lai rai với mấy ông hàng xóm nghêu ngao hát bôlero… Người miền Tây- họ sống gắn bó và đồng điệu cùng thiên nhiên, cây cỏ, họ hồn nhiên và vô tư như sông nước Cửu Long vậy!

Đêm đầu tiên chúng tôi nhậu đến gần sáng, trên bàn nhậu có ít rượu, vài ba quả ổi, quả khế, còn có cả món rau muống leo hàng rào chấm muối ớt nữa!(về sau tôi bị nghiện món này) trên bàn nhậu hôm đó có ít cá lóc nướng, anh họ tôi vỗ vai tôi: “phần ngon nhất cho chú em này” sau đó cười hề hà nhâm nhi phần đuôi cá còn lại. Phần mà “ngon nhất” đó là phần ruột cá còn dính ít máu! Đó là một trải nghiệm đầu đời của tôi mà đến bây giờ thi thoảng ăn cá tôi vẫn còn ngửi thấy cái mùi đó. Người dân ở đây tận dụng lợi thế sông nước và phát triển nghề chài lưới, theo tôi thấy họ khá là ổn định và ăn nên làm ra.
Miền Tây phát triển hài hòa tự nhiên bởi đặc trưng của dòng sông Mekong và không dễ để xây đường sá. Họ dường như bị cô lập nên cuộc sống của mỗi vùng lại phát triển một cách độc lập. Tôi đi từ làng hoa Cái Mơn (Bến Tre) vòng vèo kênh rạch đò ghe mãi mới vào được đồng sen Tháp Mười, và từ Đồng Tháp Mười lại phải nổi trôi thêm một đoạn rất dài nữa mới tới đích, một chặng đường rất thú vị và nên thơ bởi khung cảnh sông nước êm đềm.

Miền Tây đẹp vậy đấy, ai đi rồi sẽ hiểu, sẽ thương và sẽ yêu nhiều hơn. Đặc biệt khi có người thân của bạn ở đó; vả chăng nếu không có, thì ở đó đâu cũng là người thân của bạn.
Tôi thường giới thiệu cho bạn bè tôi, nếu có cơ hội nên đến với miền Tây một lần trong đời.
Rồi sông cạn nước, ghe đậu ngay trước những mảng đất khô trước nhà!

Anh chị họ của tôi lần lượt bỏ làng đi Sài Gòn bốc vác, làm thuê làm mướn chạy vạy cho bọn trẻ ăn học. Họ chờ mùa nước nổi để tiếp tục về với quê hương về với con cái nhưng họ vẫn cứ chờ mãi mà không thấy thiên nhiên hồi âm. Những tiếng thở dài vì mưu sinh khiến cho cuộc nói chuyện qua điện thoại của chúng tôi có phần nặng nề hơn. Rồi thanh niên, thiếu niên bắt đầu rời quê lên thành phố lập thân, lập nghiệp nhiều hơn để một miền Tây ở lại vật vã như cá lóc mắc cạn.
Cứ độ thời gian tôi lại thấy có những tin không hay cho miền Tây, khi thì mất mùa, khi thì nông sản mất giá.
Thật buồn khi biết rằng khí hậu dần thay đổi đang ảnh hưởng trực tiếp đến quê hương miền Tây, tôi chợt nghĩ: “Trong tương lai chắc chắn sẽ chỉ nghiêm trọng hơn mà thôi. Rồi ai lo, ai sẽ lo cho bọn trẻ, cho vẻ đẹp, cho văn hóa miền Tây đây?”
Ở đó họ chỉ biết là hạn hán, xâm nhập mặn vào sông vì nước biển dâng cao thôi. Họ nào có để ý đến nguyên nhân sâu xa gì đâu, vì họ còn phải lo nhiều thứ khác, họ không có thời gian để làm những điều đó.

Tôi viết những dòng này khi gần đây báo đài đưa tin dồn dập về một miền Tây trước hạn mặn lịch sử. Tôi biết, miền Tây không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng những con người ở đó xem tôi như là gia đình của họ, họ đã sẻ chia với tôi và giờ đây tôi hướng về họ nhiều hơn. Bến Tre là địa phương đầu tiên trong 13 tỉnh, thành miền Tây ban bố tình trạng khẩn cấp, mức độ rủi ro thiên tai hạn hán, nước biển xâm nhập từ đầu năm nay.

Kênh rạch trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, con lộ đan nhỏ ở xóm ven biển vào mỗi chiều tấp nập người dân xếp hàng chờ hứng nước ngọt là những hình ảnh đau lòng tôi thấy được từ những video, clip qua mạng internet mấy ngày qua, và tôi tin chắc họ đang “rất khát”!

“Cơn khát” của miền Tây đúng vào dịp ngày Nước Thế giới 22/3: “Nước và Biến đổi khí hậu”, kịch bản hạn mặn khốc liệt từng được các chuyên gia dự báo từ giữa năm ngoái và bây giờ trước mắt mỗi người, hơn hai mươi triệu dân vùng sông nước”chết khát” khi hạn mặn đang càn quét khắp nơi. Vùng ĐBSCL đang chịu những ngày thiếu nước cho sinh hoạt trong khi nước mặn đang lấn sâu vào đất liền với các kỷ lục thế kỷ. Đó có là điều mà chúng ta với tư cách là một công dân sinh sống trên mảnh đất này nên nhìn nhận và nghĩ tới.

Tôi viết vội những dòng này khi đêm về, nhìn lại tấm lịch để bàn lại một ngày nữa trôi qua. Tháng tới là tháng 4 rồi, chẳng mấy chốc nữa lại hết một năm nữa. Đời người như chiếc đồng hồ cát, càng ngày càng ngắn dần rồi, sống thêm một ngày cũng là đến gần hơn cái chết một ngày. Mà ngẫm lại đời tôi thì chưa làm được gì có ý nghĩa cả!
Cuốn lịch dòng Tên để bàn trước mặt, đập vào mắt tôi là hình ảnh bàn tay khum lại và một sự sống đang nảy nở. Tôi chợt nghĩ: “phải chăng đó là hình ảnh chúng ta cùng chung tay chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, và cần hành động thiết thực hơn nữa trong việc giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng một cuộc sống xanh quanh ta”.

Trong một nghiên cứu của mạng lưới Thời tiết Thế giới (The Weather Network) đã cảnh báo rằng lớp băng vĩnh cữu đang nhanh chóng tan dần và có khả năng giải phóng virus và vi khuẩn cổ đã bị mắc kẹt trong hàng chục đến hàng trăm ngàn năm. Và có hơn 30 loại virus đã được phát hiện trong một tảng băng từ xa nằm ở Trung Á và hàng chục loại Virus này không được biết đến trong khoa học hiện đại. Những phát hiện đáng chú ý đến từ một nghiên cứu được thực hiện bởi một số nhà nghiên cứu quốc tế đã đi du lịch trên tảng băng Guliya để khám phá các loại Virus cổ xưa.

Nhiều vi khuẩn được tìm thấy trong các mẫu là bệnh tâm thần, có nghĩa là chúng phát triển và sinh sản ở nhiệt độ thấp từ −20 ° c đến 10 ° c và được tìm thấy ở một số khu vực trên Trái Đất bị lạnh vĩnh viễn, chẳng hạn như biển sâu, sông băng và những tảng băng.  Họ đang lo ngại khi các vỉa băng này tan ra, virus sẽ phát tán theo dòng nước đi khắp nơi, kết hợp với chủng virus mới hiện nay, có thể tạo ra những dịch bệnh khốc liệt và khó khống chế hơn.
Nếu đặt một giả thuyết rằng, chủng vi-rút corona (COVID-19) được phát tán bởi cách thức đó thì tôi tin chắc rằng tôi và các bạn đều là một trong những nguyên cớ gây ra đại dịch này.

Ai đó nói rằng, nếu như bạn không thức giấc, một ngày nào đó cuộc sống sẽ đánh thức bạn, bằng một đòn thật đau. Và tôi thấy điều đó đúng.

Tôi và bạn, cùng tất cả mọi người đang phải hứng chịu cơn đau đó.
Khi chưa có thể làm gì thì tôi sau khi viết xong những dòng này. Tôi sẽ gấp máy lại và tôi sẽ lên nói chuyện và cầu nguyện cùng Chúa tôi, và tôi cũng cầu nguyện cho miền Tây của tôi, những người thân yêu và đất nước của tôi. Bởi tôi tin, tôi cũng như tất cả mọi người: “Với một cử chỉ thánh thiện thôi, dù nhỏ nhoi nhưng nó cũng có sức cứu rỗi cả thế giới”. Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành và ban bình an cho chúng ta trong hành trình cuộc đời nhiều giông bão. Amen

que diêm ([email protected])

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây