Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn Dấu Chỉ Của Lòng Thương Xót

Thứ ba - 06/08/2019 05:49

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Lý, SVD

Một trong những nhiệm vụ của tu sĩ Ngôi Lời được nhắc đến trong Hiến pháp Dòng Ngôi Lời số 102 là ra đi thành lập các cộng đoàn mới, đồng thời tăng triển và hiệp thông chúng với nhau và với Giáo Hội hoàn vũ. Tu sĩ Ngôi Lời trở nên như trung gian, như cầu nối liên kết các cộng đoàn dân Chúa lại với nhau. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người trung gian đó phải có một kinh nghiệm thật sâu sắc về vấn đề hiệp thông ngay từ chính cộng đoàn mà họ đang sống.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông thư gửi tất cả các người thánh hiến, đã nói rằng: Sống hiện tại với niềm đam mê có nghĩa là trở nên các “chuyên viên của tình hiệp thông” bằng cách trở nên “một mẫu gương cụ thể về đời sống cộng đoàn” khi mà vẫn còn đầy dẫy những bất đồng chống đối nhau giữa các xã hội và các nền văn hóa.[1] Điều kiện thiết yếu phải có để trở nên các chuyên viên của tình hiệp thông đó là chúng ta biết hiệp thông chính mình với anh em, và hơn nữa biết hiệp thông các anh em lại với nhau.

Chúng ta phải làm gì để có thể tạo lập được tình hiệp thông trong cộng đoàn hiện tại của mình? Như Thiên Chúa đã dùng Lòng Thương Xót của Người để giao hòa con người với Thiên Chúa, thì con người, theo tôi nghĩ, cũng cần dùng lòng thương xót để có thể hiệp thông chính mình với người khác và người khác với nhau. Thiết nghĩ, điều đầu tiên mà chúng ta cần có đó là sự khiêm nhường. Chúng ta cần phải khiêm nhường để nhận ra rằng chính mình cũng còn ngổn ngang những lầm lỗi cần được sửa chữa. Là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những khiếm khuyết nơi mình. Một tu sĩ nhận ra mình yếu đuối và là một tội nhân không làm mờ nhạt đi lời chứng rằng người ấy được mời gọi để cho đi, chính xác hơn người ấy còn làm mạnh mẽ thêm cho lời chứng; và điều này có ích cho mọi người.[2]

Khi có thể nhận ra được những khiếm khuyết của mình, người ta sẽ dễ dàng thông cảm cho những khiếm khuyết của người anh em hơn. Anh em của tôi cũng là con người, họ cũng không khác gì tôi. Họ cũng đang cố gắng để hoàn thiện mình mỗi ngày. Tuy nhiên, khả năng hoàn thiện của mỗi người có thể sẽ khác nhau. Có người rất dễ dàng từ bỏ một tật xấu, nhưng có người lại phải vật lộn với mình mà vẫn chưa từ bỏ được. Chúng ta không nên ghét họ nhưng thay vào đó chúng ta cần biết thông cảm hơn cho họ vì những yếu đuối mà họ phải chịu.

Sự cảm thông sẽ trở nên thật ý nghĩa nếu chúng ta dám tiến xa thêm một bước nữa, đó là tha thứ. Nhìn lại cuộc đời của mình, tôi thấy mình cứ loay hoay mãi với vòng xoay: phạm tội – đau khổ – trở về. Vòng xoay này dường như cứ lặp đi lặp lại nơi tôi. Có những khi tôi cảm thấy thực sự đau khổ với lỗi lầm mình đã phạm, và đã thầm hứa với Chúa là sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Thế nhưng, tôi vẫn cứ “chứng nào tật nấy”. Phải công nhận rằng, tôi đã không biết “mệt mỏi” khi phạm tội. Tuy nhiên, để đáp lại “nỗ lực” đó của tôi, Thiên Chúa vẫn không bao giờ mỏi mệt tha thứ cho tôi. Nếu Thiên Chúa đã không ngần ngại trao ban trọn vẹn lòng thương xót của Người cho con người, thì đến lượt mình, chúng ta không thể dùng lòng thương xót mà tha thứ cho những lỗi lầm nhỏ bé của anh em hay sao? Sự tha thứ không làm mất đi của ta bất cứ điều gì, nhưng lại đem đến cho ta thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Đời sống huynh đệ của chúng ta cũng trở nên đậm đà, gắn kết hơn.

Bước qua được giai đoạn tha thứ đầy khó khăn, chúng ta cần thực hiện được bước cuối cùng nữa để có thể trở nên các “chuyên viên thực sự của tình hiệp thông” là giúp đỡ người khác để cùng nhau hoàn thiện. Là con người, chúng ta vẫn luôn luôn yếu đuối và tội lỗi. Tự bản thân mình, chúng ta không thể thay đổi được những thói hư tật xấu của mình. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể thay đổi chúng ta. Những người xung quanh chúng ta chính là những trợ lý đắc lực mà Thiên Chúa gửi đến để đồng hành với chúng ta. Tôi được người khác đồng hành, nhưng chính tôi cũng là người đồng hành với người khác. Tôi tốt ở điểm này, nhưng người khác lại tốt hơn tôi ở điểm khác. Chúng ta sống với nhau là để cùng bổ túc cho những khiếm khuyết của nhau. Khi biết ý thức giúp đỡ người khác trở nên tốt hơn, tự khắc chúng ta cũng sẽ biết phải thay đổi những khiếm khuyết của mình.

Cộng đoàn tu trì vẫn được người khác nghĩ tới như là những cộng đoàn chuẩn mực. Nơi đó quy tụ những con người đặc biệt được Thiên Chúa “kén chọn” để phục vụ cho dân của Người. Khi mà xã hội đang ngày càng phức tạp vì những xung đột đấu đá lẫn nhau, cộng đoàn tu trì được xem như là mẫu gương để người khác noi theo. Những người tu sĩ được mời gọi sống khiêm nhường, cảm thông, tha thứ và giúp đỡ nhau để xây dựng tình hiệp thông ngay từ chính cộng đoàn của mình trước khi có thể ra đi xây dựng tình hiệp thông cho người khác.

[1] Tông thư của ĐTC Phanxicô gửi tất cả các người thánh hiến dịp cử hành năm của đời sống thánh hiến, mục tiêu thứ hai.

[2] ĐTC Phanxicô, Đại hội lần thứ 82 của Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền Dòng nam, 2013.

Nguồn tin: ngoiloivn.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây