Lời người nghèo gặp khó

Thứ tư - 06/05/2020 08:15

Những tháng ngày khó khăn nhất đang dần qua. Tôi hòa cùng niềm hân hoan như ngày giải thoát, khoác lên mình niềm vui chan chứa và chỉ muốn ứa lệ sau bao lần gắng gượng ê chề. Tôi đâu hề dám than trời trách đời dù chỉ một lời.

Gần một tháng, tôi nhìn lại mà không ngờ gia đình mình đã vượt qua kiếp nạn mà không tin vợ con vẫn còn cười nói đùa vui. Số trời mang đại dịch đến với mọi người, mọi nhà, và cả gia đình tôi nữa. Nó thay đổi quá nhiều thứ xung quanh tôi. Đâu ngờ lại “quá nhanh quá nguy hiểm” đến thế. Các con lần lượt nghỉ học, quanh quẩn ở nhà, la cà ngoài ngõ, gõ ngày đếm buổi tới trường. Tụi trẻ đâu có lường thế sự chuyển lay, chúng đâu có hay tình hình thực tế. Chúng đã từng mừng hụt vì tin báo trở lại lớp rồi lại ngậm ngùi buồn tủi hụt hẫng khất lần. Ba chị em nhìn nhau thẫn thờ đợi chờ. Ai ngờ lại đến chuyện học online mà cái nghèo đâu có nổi một chiếc điện thoại xịn cái túng đâu dám mơ chiếc vi tính ngon. Thế là chị ba phải nại đến bạn nhờ đến cô để cố gắng hoàn tất buổi học hoàn thành bài kiểm tra. Đúng là méo mó có hơn không. Chúng nhớ trường nhớ bạn lắm chứ! Nhưng phải thư thả chờ mong, thong dong ngóng đợi. Ở nhà cả ngày, lũ trẻ cũng chỉ quẩn quanh lẩn thẩn trong cảnh chán trường, ngóng trông. Đâu chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng chịu cùng cảnh ngộ. Phu hồ, vé số, dọn cửa dọn nhà, thả mình dưới nắng nhặt cỏ thuê, lò mò từng cái chai cái lọ, bon bon trên đường chạy khách giao hàng, và hàng tá “việc nặng lương thấp” khác cứ dần thưa thớt, hớt hả chạy đi rồi cũng vơi cạn như thùng gạo ít ỏi góc nhà. Mọi đồ dùng trong nhà cứ không cánh mà bay, thay nhau bỏ trốn. Hình như tất cả những gì có thể kiểm ra tiền mua được gạo cứ dạo bước lặng lẽ rời đi. Vợ chồng tôi cùng chị hai cũng bắt đầu âu lo cho tương lai vì trước ngày lai rai cũng đủ cho sáu miệng ăn, ba đứa đi họ. Vậy mà giờ, tiền phải chắt chiu từng tờ, cảnh tình đâu ai ngờ tới, lòng tôi cũng chẳng hay. Chúng tôi tìm lối xoay sở đủ kiểu để tìm cách sống qua ngày qua tháng. Các bữa ăn chỉ phất phơ vài cọng rau vài miếng thịt, dần già cũng quay lại điệp khúc mì tôm, trứng tráng một thời. Ngao ngán tới mức chẳng nói thành lời không cất thành tiếng. Nhưng lũ trẻ nào đâu chịu nổi vì sáng mì tôm tối lại tôm với mì. Tôi cũng đâu còn nhiều lựa chọn để kịp thời ứng biến chút tiền ít ỏi nuôi cả gia đình. Tình hình mỗi ngày thêm khó khăn mỗi lúc thêm khốn đốn. Nhu cầu cơ bản thôi cũng hao tốn đủ điều dưới mái nhà nhỏ bé chật chội với sáu thành viên.

Thế nhưng, vợ tôi đâu vội thở than, chị hai nào dám trách ai. Bên họ, tôi cũng kiên nhẫn đợi chờ trong hy vọng xa xôi. Nghĩ cho cùng! Đâu chỉ một mình gia đình tôi chịu trận, đâu phải chí ba đứa nhà tôi không thể tới trường, đâu phải chúng tôi mới thất nghiệp, thiếu miếng ăn, không đủ ngày sống. Vẫn còn bao người phải chịu chung số phận, đang lâm tình thế thê lương cần thương cảm hơn nhiều. Ít ra gia đình tôi cũng còn chút gì đó để ăn, còn chút gì đó để sống. Nhờ thế, tôi đâu dám buông câu “chửi thề”, không hề than trách một tiếng vì người giàu hơn tôi, kẻ sang hơn mình. Đại dịch đã cướp đi công việc mưu sinh hằng ngày của tôi, đã đoạt mất từng ngày kiếm sống. Nó dần hút cạn tài sản giành dụm ít ỏi của gia đình, lần mò ăn vụng bữa ăn đạm bạc qua ngày của chúng tôi. Nó khiến lũ trẻ chán trường, đường phố vắng lặng, chặn bao đường sống, bồng ẵm bao kẻ ra đi. Nó khiến gia đình tôi khốn đốn trong bồn chồn lo sợ.

Nhưng tạ ơn Trời, cám ơn đời!

Đại dịch cho tôi biết vẫn còn nhiều người sống tốt, cống hiến hết mình, giúp đỡ người khác vì tình làng nghĩa xóm. Nhờ họ, tôi và gia đình đã cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Những kí gạo giao hòa bao ranh giới xa cách lâu nay, những món quà làm hòa những vết thương của sự lãnh đạm thờ ơ trên đời. Đồng bào tôi vẫn còn bao người tốt, dân tộc tôi vẫn còn nhiều người lành. Đại dịch cho tôi hiểu mình còn có một gia đình ấm êm hạnh phúc, có vợ hiền, có con ngoan. Có lẽ điều ấy còn quý giá hơn rất nhiều số tiền tôi kiếm được vợ con tôi làm ra. Chúng tôi đang cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Không dời nhau nửa bước, ủi an trước khổ đau, bầu bạn trong gian nan, hưởng an khi về nhà. Phận nghèo, chúng tôi hiểu cảnh mình biết số mình. Đời tôi đâu thuộc hạng “giàu sang phú quý”, vợ tôi đâu phải “bà hoàng”, con cái đâu là những “công tử tiểu thư”; nhưng tôi nào có thở than vì không có nhà cao cửa rộng, vợ tôi nào có oán trách vì không có những bộ áo quần lộng lẫy lung linh, không chút thì giờ điểm trang nhan sắc, hay không được đi chơi cuối tuần, thưởng thức những món ngon ở những nhà hàng sang trọng, con cái nào có tủi hờn vì không sánh tầm với các bạn đồng trang lứa, không có chút tiền tiêu vặt, không có xe riêng, điện thoại xịn, không được xài đồ chúng yêu ăn thứ chúng thích như bạn như bè. Số túng, chúng tôi vẫn yêu thương nhau, vợ chồng lam lũ, con cái bảo nhau học hành chăm chỉ. Chúng tôi sống trong nghèo trong túng đấy, nhưng mất khi đầu hàng mấy lúc chán trường sầu thương.

Đại dịch cho tôi thấu tình người ơn Trời, cái tình của những người sống lành ngoài kia, cái tình trong gia đình ấm êm, cái ươn tôi cảm nhận qua nghĩa cử cao quý, lối sống cao đẹp của họ, cái ơn dành cho chính tôi trong suốt mấy mươi năm đời người. Đời tôi nghèo, nhà tôi túng, và phải hứng chịu không ít lầm than; nhưng tôi cảm nhận rõ từng ngày lòng thương nơi từng người tôi gặp gỡ, cái phi thường lạ lùng của Trời trong đời. Đó chính là những lời mời gọi để tôi tiếp tục sống tốt hơn dù đời con khổ đau người còn nhiều gánh nặng, và hăng say kiên trì tìm kiếm hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Ở đời, dù sang dù nghèo, dù chủ hay tớ, dù quyền quý hay nghèo hèn, dù già hay trẻ, thì quan trọng vẫn là thấy hạnh phúc ở đâu và giữ gìn nó thế nào. Hạnh phúc ấy dâu đó quanh tôi ở ở miền xa xôi vô vọng?

Lyeur Nguyễn

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây