Ngày Của Cha

Chủ nhật - 16/06/2019 02:15

NGÀY CỦA CHA

 

Hàng năm tại Hoa Kỳ có lễ dành cho Mẹ (Mother’s Day) vào Chúa nhật tuần thứ 2 của tháng Năm và ngày dành cho Bố (Father’s Day) vào Chúa nhật tuần thứ 3 tháng Sáu.

Về lịch sử Father’s Day, một trong những người đầu tiên có sáng kiến để cử hành ngày Lễ dành cho Bố, đó là bà Sonora Louis Smart Dodd ở tiểu bang Washington. Bà đã suy nghĩ về ngày Lễ dành cho Bố, lúc bà ngồi lắng nghe lời giảng trong một buổi Lễ dành cho Mẹ vào năm 1909. Bà Sonora muốn có một ngày đặc biệt dành cho Bố mình, đó là ông William Jackson Smarth, một cựu chiến binh của cuộc nội chiến (Civil War), vợ của ông Smarth đã mất trong lúc bà lâm bồn hạ sanh người con thứ sáu của họ. Một mình đơn độc, ông Smarth đã nuôi đứa trẻ sơ sinh và năm người con của ông ở một trang trại hoang vu thuộc miền đông, tiểu bang Washington. Khi bà Sonora trưởng thành, bà cảm nhận sâu xa ơn hy sinh tận tụy một đời của Bố đã nuôi dưỡng một đàn con đơn thân, độc mã. Dưới mắt bà, người Bố là một tấm gương can đảm, vô vị kỷ và tràn đầy tình yêu thương. Vì thân phụ của bà Sonora sanh vào tháng Sáu, nên bà đã chọn ngày 19 tháng 6 năm 1910, để cử hành ngày Lễ dành cho Bố đầu tiên tại thành phố Spokane, thuộc tiểu bang Washington, Hoa Kỳ và ngày lễ này được mừng rộng rãi bắt đầu từ năm 1972. (x.http://yume.vn).

Ngày của Cha là một lễ hội để tôn vinh những người làm Cha trong gia đình. Đây là ngày nhắc nhớ sự hy sinh, vị tha, bao dung của những người Cha.

Trong ca khúc “Bông Hồng Dâng Cha”, tác giả Chúc Linh đã khắc họa hình ảnh một người Cha tuyệt đẹp: “ Lòng cha sâu lắng âm thầm. Tình cha núi cao nào hơn. Hùng vĩ che chắn cho con trước cơn bão tố…Cha là đuốc sáng, là thác rộng, là kim cương trong lửa rực muôn màu. Cha là đất nước, là tiếng sáo, là giọng hò cho con nụ cười. Cha là nghiêm khắc nhưng lại thiết tha mong con bằng người. Cha là bóng mát để che chở con suốt cả cuộc đời…Cha là trái tim cho con nhịp thở, là ánh sáng, là bầu trời, là sông biếc, là cánh gió nâng con đến tận trời cao…Cha là mãi mãi, là vô cùng, là cho đi không đòi lại bao giờ…”. Cha luôn luôn hy sinh, bảo vệ và chăm sóc cho đàn con mà không cần được đền đáp.

Thượng Đế đã làm ra một tác phẩm tuyệt vời. Đó là người đàn ông, người cha trong gia đình.

“Búp bê xinh được làm từ nhựa và quần áo. Máy chơi trò chơi điện tử được làm từ nhựa và điện. Kẹo ngon được làm từ đường và mùi thơm.

Còn Ba vĩ đại của mình được làm từ gì vậy kìa? Và đây là câu trả lời của Thượng Đế, Người làm ra Ba.

Dáng vóc của Ba được làm từ sự hiên ngang, hùng vĩ của dãy núi lớn.

Đôi tay nồng ấm của Ba được làm từ cái ấm áp của mặt trời mùa hè.

Tính cách của Ba được làm từ sự bình yên của biển cả, sự rộng rãi bao dung của thiên nhiên.

Trí thông minh của Ba được đúc kết từ sự khôn ngoan của nhiều thế hệ.

Kho tàng những truyện vui hóm hỉnh trong đầu Ba được làm từ những niềm vui của một buổi sáng mùa xuân.

Máu trong tim Ba là nước Sông Ngân nên lúc nào cũng sục sôi, rào rạc.

Còn một tí nước sông làm nên nước mắt của Ba, vì vậy khi Ba khóc, nước mắt mới chảy ngược vào tim.

Tất cả những vật liệu ấy làm ra một tác phẩm tuyệt vời, hoàn hảo. Tác phẩm ấy có tên là: Ba Vĩ Đại Của Mình.” (x.gpcantho.com).

Ca dao Việt Nam thường ví von:

Con có Cha như nhà có nóc

Con không Cha như nòng nọc đứt đuôi.

 

Còn Cha gót đỏ như son,

Đến khi Cha mất gót mẹ gót con đen sì

 

Con giống Cha là nhà có phúc.

Con không Cha như nhà không nóc.

Vai trò người cha thật quan trọng kiến tạo hạnh phúc đầm ấm cho mỗi gia đình. Để có gia đình hạnh phúc, yếu tố rất quan trọng là người chủ gia đình phải có là lòng độ lượng, bao dung, và tình yêu hy sinh.Có thể nói bản lĩnh, cách hành xử cao thượng, và sự quảng đại trong yêu thương của người đàn ông là nền tảng và là yếu tố đầu tiên cần thiết cho hạnh phúc của cả gia đình. Thiếu nó, gia đình khó có hạnh phúc.

Các nhà tâm lý học cho biết rằng: đứa trẻ cần đến sự nâng đỡ của người cha cũng như người người mẹ. Người cha tạo cho con cái hùng, cái nghiêm trang mực thước.Người mẹ ảnh hưởng trên cảm tình con cái về sự tế nhị, dịu dàng, bao dung. Vì thế đứa trẻ mồ côi cha thường sống uỷ mỵ, nhát đảm thiếu cương quyết và nghị lực. Đứa trẻ mồ côi mẹ thường mang tính cứng cỏi, cộc cằn, dể u buồn, thiếu tế nhị vui tươi. Trẻ thơ cần được giáo dục về đời sống tình cảm và lý trí. Tình cảm dễ ảnh hưởng nơi người mẹ. Lý trí thường nhờ cậy người cha. Do đó người Ý có lý khi nhận xét: Người mẹ yêu thương dịu dàng, người cha yêu thương khôn ngoan. Người Anh nhận xét chí lý: Khi còn thơ con cái bú mẹ, lúc lớn khôn chúng lại bú cha. Tục ngữ Việt Nam có câu: Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng.

Dành thời gian cho con

Nhân ngày của Cha, xin gởi đến câu chuyện của Lm Munachi Ezeogu như lời nhắn gởi cho các người Cha gia đình.

Một cậu bé đón cha mình đi làm về và hỏi: “Bố ơi! bố đi làm được bao nhiêu tiền một giờ?”. Ông bố rất ngạc nhiên và bảo: “Này con, ngay cả mẹ của con cũng chẳng biết, đừng quấy rầy bố vì bố đang mệt.” Cậu bé lại hỏi: “Bố cứ cho con biết, lương của bố mỗi giờ được bao nhiêu tiền?” Cuối cùng thì ông bố bảo rằng: “Mỗi giờ bố được hai mươi đồng”. Cậu bé liền hỏi: “Vậy bố cho con mượn mười đồng”. Ông bố tỏ vẻ giận và mắng con: “Thì ra đấy là lý do con muốn biết tiền lương của bố? Bây giờ đi ngủ đi và đừng quấy rầy bố nữa”. Đêm hôm ấy, ông bố nghĩ lại những điều đã nói với con mình và cảm thấy hối hận. Ông cho rằng có thể con mình đang cần tiền để mua món gì mà nó đang cần. Ông sang phòng của con mình và hỏi: “Con đã ngủ chưa?” Con ông đáp: “Con chưa ngủ”. Ông bố đưa tiền và bảo: “Đây là tiền con hỏi xin lúc nãy” Nó vui vẻ cám ơn bố, rồi lấy thêm tiền trong gối ra và nói: “ Con đã có đủ rồi! hai mươi đồng. Bây giờ bố bán cho con một giờ của bố.”.

Nhân ngày của Cha, chúng con tạ ơn Thiên Chúa đã cho con có Cha yêu thương, nuôi nấng, chở che. Cám ơn Cha vì những nhọc nhằn, vất vả để con được ấm no, hạnh phúc. Cám ơn Cha vì những lời dạy dỗ nghiêm khắc để con được trưởng thành.

Ơn cha hai tiếng yêu thương vô vàn,

Sẽ không phai tàn với bao năm trường...

Công cha, nghĩa mẹ, chẳng bao giờ con cái đền đáp được, chỉ biết ghi ơn suốt cuộc đời.

Câu chuyện gia đình: Ngày của Cha

Thiên Chúa là Cha

Thiên Chúa là Cha nhân hậu, từ bi, đầy lòng thương xót. Người chỉ muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Người không phải là Người Cha nghiêm khắc độc đoán, Người Cha dễ tính xuề xoà mà là Người Cha yêu thương, tha thứ. Một Người Cha chuẩn bị sẵn sàng quần áo, giày dép, nhẫn đeo tay và vỗ béo con bê chờ sẵn đứa con hoang đàng trở về và hơn thế nữa còn ra ngoài ngóng trông rồi vui sướng tiến về phía con đón nó vào lòng hôn lấy hôn để (Lc 15, 11-32). Lòng nhân hậu được tỏ bày khi tha thứ. Thánh Phaolô là người cảm nhận sâu xa lòng từ bi, nhân hậu, thứ tha ấy (2 Cr 3,7-11).

"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" (Ga 1,18). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha, một Thiên Chúa là Cha nhân hậu từ bi, đầy lòng xót thương, tha thứ và còn hơn thế nữa Chúa Giêsu là con đường độc nhất dẫn đến Cha "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 6). Mọi con đường cứu độ đều phải đi vào Con Đường Giêsu: "Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ" (Cv 4,12). Nhân loại được cứu độ nhờ Danh Đức Giêsu.

Câu chuyện gia đình: Ngày của Cha

Linh mục là "cha"

Lý do gọi linh mục là cha thật đơn sơ và tự nhiên: Linh mục là thừa tác viên các bí tích. Ngài nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội để ban bí tích và sự sống ơn thánh. Qua lời dạy bảo, một cách nào đó Linh mục cũng nuôi dưỡng người Kitô hữu trong đời sống thiêng liêng. Do đó Linh mục đóng vai trò người Cha đối với các tín hữu.

Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về sứ vụ và đời sống Linh mục đã nói về tương quan giữa Linh mục và giáo dân : Do bí tích thánh chức, các Linh mục Tân ước thi hành nhiệm vụ cao cả và cần thiết,đó là Cha và Thầy trong dân Chúa và cho dân Chúa.

Người tín hữu quen gọi các linh mục là cha. Tuy nhiên, đó không phải là danh xưng mang tính ẩn dụ hay màu sắc thi ca. Tư cách cha của linh mục là thật vì là sự tham dự vào tư cách Cha thần linh (1 Cr 4,15; Ep 3,15). Vì thế, tư cách cha của linh mục được thiết lập bởi tư cách làm Cha của Chúa Cha trên trời mang tính tổng thể, hoàn tất việc tự hiến. Với tư cách là cha, linh mục thực hành như lời thánh Phaolô đã dạy Titô: "Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Đó là những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền. Chớ gì đừng có ai coi thường anh" (Ti 2,1-3.15).

Thầy Giêsu đã dạy bài học quan trọng nhất cho các linh mục, lãnh đạo là để phục vụ. Vào Bữa Ăn Tối, sau khi rửa chân cho Nhóm Mười Hai, Ngài nói : “Anh em gọi Thầy là “Thầy” và là “Chúa”, điều đó phải lắm. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”. (Ga 13,13-15).

 

Lm.Giuse Nguyễn Hữu An

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây