Nghề nghiệp là gì?

Thứ bảy - 09/05/2020 00:22

Tại sao từ xưa đến nay chúng ta vẫn thường nghe người ta nói hai từ “nghề nghiệp”? Tại sao chữ nghề phải gắn cùng chữ nghiệp? Vậy, nghề là gì và nghiệp là gì? Theo blog timviec365.com, 1). Nghề là một công việc được thực hiện thường xuyên. Nó ổn định để đem lại nguồn thu nhập cho một người trong một khoảng thời gian nào đó. Tất nhiên nghề không chỉ dùng để kiếm tiền duy trì cuộc sống mà thông qua nghề, chúng ta có thể bộc lộ những phẩm chất, năng lực và đóng góp những giá trị cho xã hội. Trong quá trình hành nghề, chúng ta sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi các kiến thức và kĩ năng. Những điều này giúp chúng ta ngày một hoàn thiện hơn trong việc tạo nên những sản phẩm khác nhau, để từ đó đem lại lợi ích cho cộng đồng. Một nghề có thể bao gồm nhiều chuyên môn khác nhau. Ví dụ, nghề giáo viên: bạn có thể có thêm chuyên môn về xã hội, tâm lý, nghệ thuật … 2). Nghiệp: trong nhà Phật, nghiệp được xem như là hệ quả của một việc nào đó, là “số phận” của nghề. Người ta cũng xác định nó là đam mê, là đích phải đạt đến bằng mọi cách, thường nó được lựa chọn gắn bó lâu dài và mong muốn cống hiến vì lợi ích của xã hội (https://timviec365.com/blog/nghe-nghiep-la-gi-new634.html). Tóm lại, nghề nghiệp là công việc được làm với đam mê, được theo đuổi bằng tất cả năng lực và trí lực. Nó được xem như là một phần tất yếu của cuộc sống, giúp con người tồn tại và mang lại lợi ích chung. Ngoài ra, theo nghĩa thiêng liêng, nghề nghiệp có thể hiểu đó là một ơn gọi. Vì thế, khi khai báo lý lịch đến mục nghề nghiệp, ta thường viết: “tu sĩ”.

Để hiểu rõ hơn từ nghề nghiệp, người viết xin đưa ra hai sự việc vừa xảy ra cùng lúc sáng nay. Tôi có thói quen 15 phút thể dục trước Thánh lễ, trong khi tảo bộ quanh sân nhà dòng các sơ Thánh Benedictine, tôi chợt nhìn thấy xa xa dưới khóm trúc có một “đống vải bẩn thỉu”. Sao hôm nay họ để nó ở đó để làm gì nhỉ? Tò mò, tôi lại gần… Chúa ơi, một con người da bọc xương đang cuộn tròn nằm ngủ! Vừa sợ, vừa thương…tôi chạy lại báo đội bảo vệ của nhà dòng. Họ đã tới. Đó là một thanh niên nghèo trạc ngoài 20 tuổi, tối qua, anh ta đã nhảy rào vào để tìm ăn và ngủ. Vì quanh đó có những cây xoài ngọt trĩu cành. Ngay lúc đó, chuông nhà thờ cũng rung lên, vừa bước vào nhà nguyện…Chúa ơi, một rừng hoa vàng sặc sỡ trên cung thánh. Nhìn qua phía Thánh Thể, tôi thấy hàng chữ mừng Kim Khánh (60 năm) sơ Mary John Mananjan, OSB với câu Lời Chúa “Well done, a Good and Faithful Servant!” (Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! (Mt 25,23)). Sơ Mary John được mệnh danh là “người nữ quyền lực”.

Sơ là một nhà văn, đã xuất bản gần 100 cuốn sách, đặc biệt với nội dung xoay quanh chủ đề “tiếng nói của nữ tu trong xã hội bất công”. Hầu như cả nước Phi đều biết sơ qua cái tên và sự đấu tranh cho công bằng xã hội. Dù đã 88 tuổi nhưng sơ vẫn còn mạnh mẽ, sắc sảo trong phát ngôn. Các nhà báo, truyền thông thường hay đến phỏng vấn khi xã hội có những điều bất công xảy ra. Cách đây 3 ngày, sơ đã không ngại lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ việc chính phủ Phi cắt đài ABS-CBN, một hoạt động văn hoá gắn bó lâu đời trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Phi. Sơ đã từng là Mẹ Bề trên tổng quyền trong suốt 12 năm. Hôm nay, sơ quỳ trước Mẹ Bề trên đương nhiệm để lặp lại lời khấn, và hát một cách xác tín với giọng rung rung của tuổi già “tôi đã tìm thấy Đấng tôi yêu mến, tôi thuộc về Người và Người là của tôi” (I have found my Beloved God. I belong to Him and He is mine!). Thật khác nhau giữa hai con người. Người thanh niên nghèo, cái nghề của anh ta là ăn xin và cái nghiệp là lang thang và nghèo đói. Sơ Mary John, tu sĩ là nghề và đấu tranh cho công bình xã hội là cái nghiệp nổi bật.

Trở lại định nghĩa nghề nghiệp là một ơn gọi, Hội Thánh trình bày: “Đời sống tận hiến qua việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Đức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới Đức Ái hoàn thiện trong việc phục vụ Nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời.” (GL.đ.573, 1). Như vậy, người tu sĩ một khi được thánh hiến, họ sẽ thay đổi lối nhìn và lối hành động của mình, bởi vì lối sống của người ấy đã đi vào một “thế giới mới” – Thế giới của Thần Khí là Đấng dường như luôn có những đường lối làm cho họ luôn ngỡ ngàng. Vì thế, ơn gọi hệ tại ở việc “sống theo tác động của Thánh Thần” hơn là “làm việc này việc kia”. Người được thánh hiến dựa vào Tin Mừng để thực hiện sứ mạng của mình. Điều quan trọng đối với người ấy là phát huy tính năng động của sự thánh hiến một cách trường kỳ. Tính năng động này đòi hỏi một thái độ biện phân tinh thần thường xuyên để giữ mình thường xuyên bén nhạy với tình yêu của Chúa, cũng như để làm chứng cho Nước Chúa trong việc thực thi Đức Mến dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nếu người tu sĩ hiểu như thế, thì ơn gọi sẽ đặt họ vào trong một thái độ đầy yêu sách: hướng đến “LÀ” thay vì “LÀM”. Vì thế, không ngừng biện phân tiếng gọi của Thần Khí là một bổn phận hết sức cần thiết. Sự biện phân đó chỉ được thực hiện qua cầu nguyện và trong cầu nguyện. Thật đúng khi một ai đó đã nói, “nghề chính của tu sĩ là cầu nguyện.” Cái nghiệp của “nghề cầu nguyện” đó là làm cho họ nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã tuyển chọn họ, thánh hiến họ và sai họ đi.

Manila 8/5/2020

Nt. M. Madalena Thuần Lương, FMI

Hits: 75

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây