Thiếu…

Thứ tư - 28/08/2019 21:03

Giữa vòng xoáy của thời đại hôm nay, tuy con người có một cuộc sống được xem như đầy đủ về vật chất và tinh thần, nhưng với bộ mặt đầy đủ ấy vẫn ẩn sau đó những miếng vá cuộc đời. Con người lại rơi vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc, bởi vì họ bị thiếu…

Từ khi tôi được đặt chân lên vùng đất truyền giáo, tôi mới cảm nhận cuộc sống như có một ngã rẽ khác nữa. Nó khác với những gì tôi đã nhìn thấy và biết được lâu nay. Đó là cuộc sống của người dân nơi đây đã luôn gắn liền với những cái thiếu.

Người ta không đủ ăn, không đủ mặc. Họ chỉ mong cơm ăn ngày ba bữa mà cũng không có. Hay những khi chỉ có cơm trắng chẳng có tí muối, ăn cho qua ngày mà người ta cũng vẫn cảm thấy ngon. Cái thiếu ở gần bên, nên đôi khi họ cũng không cảm thấy và đón nhận nó một cách bình thường.

Cái thiếu mà tôi nhìn thấy nơi họ lớn nhất đó là cái thiếu chữ. Với một xã hội phát triển, con người cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhất là người trẻ, họ tò mò, đòi hỏi, chạy theo những nhu cầu ảo của mình và ngày càng xa lánh trường học, mải miết theo những đam mê, hào nhoáng… Bên cạnh đó, cuộc sống chật vật lại là một phần làm cho họ không có đủ điều kiện để tiếp tục đến trường. Họ mặc cảm thấy mình nghèo xa với mọi người, thấp kém trong xã hội. Cũng chính cái nghèo ấy đã góp phần làm cho việc thiếu chữ càng nên trầm trọng hơn, vì họ không đủ điều kiện cho con cái đi học nữa. 

Cuộc sống của những đứa nhỏ cũng không bình an. Nó phải bon chen lo lắng cho cái ăn, cái mặc mà không còn sự hồn nhiên của trẻ thơ. Cái thiếu dẫn nó đi vào trong con đường khác với mọi đứa trẻ cùng trang lứa. Nó không được đến trường, thay vào đó là cắp giỏ đi vào các quán chợ, vào các con ngõ, khúc rẽ để kiếm những cái chai, cái lon người ta vứt bỏ ra đường hay bằng sự bố thí của người khác. Nó không được hạnh phúc được mặc áo quần sạch đẹp như các bạn nó khi đến trường. Buổi chiều về, các bạn nó lại đến các lớp học thêm, được đi dạo chơi tung tăng với bố mẹ trong công viên.

Cái thiếu đó không được bù đắp, nên đôi khi nó cảm thấy thua thiệt so với bạn bè, càng mang lấy sự mặc cảm không đủ kiến thức nên cũng không muốn đi học nữa. Chính điều đó lại càng đẩy nó ra thêm xa môi trường học đường. Bên cạnh nó cũng có những bạn bè không được đi học ngay từ nhỏ hay chỉ qua lớp một, hai, ba rồi cũng ở nhà theo mẹ lên rẫy hay đi ra ngoài kiếm sống bằng chính sức của mình.

Cuộc sống với biết bao nhiêu nét đẹp nhân văn và giá trị, cũng như con người luôn ước muốn cuộc sống mỗi ngày thêm văn minh. Song chính những thứ đó lại không được thế hệ trẻ tìm hiểu, học hỏi và hội nhập, nên dần bị tan biến và ngược lại, họ đã bị lôi kéo vào trong những vòng xoáy tệ nạn. Và như thế, họ lại càng rơi vào cái thiếu trầm trọng hơn nữa.

Tôi nhận thấy thực sự rằng mình không biết làm sao để có thể giúp cho họ nhận ra được những nét đẹp vốn có của cuộc sống này, để rồi họ có thể vượt lên chính bản thân mình mà phát triển và bù đắp lại cho những cái thiếu của họ, để họ có cuộc sống hạnh phúc như bao người.

Maria Hồng Dung (Kinh viện), FMI 

Nguồn tin: conducmevonhiem.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây