1. Thượng nghị sĩ Eric Abetz nhận định: Black Lives Matter quan tâm đến việc thiết lập chủ nghĩa Marx hơn là chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.

Thượng nghị sĩ tự do Eric Abetz của tiểu bang Tasmania, Úc Đại Lợi nói rằng những người tổ chức các cuộc biểu tình của Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, quan tâm đến việc thành lập chủ nghĩa Marx hơn là chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.

Ông đã đưa ra nhận định trên sau khi một nhóm gồm 1000 người biểu tình BLM có ý định tập hợp cùng nhau tại Tòa thị chính Sydney vào ngày thứ ba 28 tháng 7, mặc dù chính quyền tiểu bang tìm cách năn nỉ họ đừng làm như thế vì sẽ gây ra một cơ hội lây lan COVID-19.

Ở cấp liên bang, Thủ tướng Scott Morrison đã kêu gọi những người biểu tình hãy tuân thủ luật pháp và không tập trung tại những đám đông lớn để làm chậm sự lây lan của COVID-19.

Thượng nghị sĩ Eric Abetz nói với Sky News Australia: “Những người tổ chức các cuộc biểu tình BLM đang cố tình thách thức các cơ quan y tế, luật pháp và các cơ quan bảo vệ trật tự, bởi vì những gì họ thực sự quan tâm không phải là loại bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc, là điều mà tất cả chúng ta đều đã lên án.”.

“Những gì họ đang làm là tìm cách tiêu diệt nền văn minh phương Tây, văn hóa của chúng ta và thay thế nó bằng một hệ tư tưởng Marxist.”

“Bất kỳ công dân nhạy cảm nào, bất kể họ cảm thấy thế nào về nạn phân biệt chủng tộc, nên ở nhà và phản kháng theo cách khác, và hãy nhớ những gì chúng ta đã làm trong Ngày ANZAC”.

“Chúng ta đã đứng trước cửa nhà, hoặc ở lề đường, và thể hiện tình đoàn kết và hỗ trợ cho các cựu chiến binh chúng ta theo cách không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng bào Úc nhưng vẫn đưa ra quan điểm sâu sắc vì lợi ích của các cựu chiến binh trong cộng đồng chúng ta”

Thượng nghị sĩ Abetz nói rằng sẽ không có gì thay đổi nếu các cuộc biểu tình được hoãn lại thậm chí hàng tuần lễ sau, hoặc được thực hiện theo một cách khác.

“Chắc chắn những người thực sự quan tâm đến vấn đề phân biệt chủng tộc có thể nhận ra rằng họ có thể bày tỏ sự ủng hộ và quan tâm của họ theo cách khác hơn là thách thức các cơ quan y tế và các cơ quan pháp luật và trật tự, ” ông nói.
 
Source:Sky News AustraliaOrganisers of Black Lives Matter protests are not 'genuinely interested in getting rid of racism'
7. Đức Hồng Y Christoph Schönborn buồn phiền trước làn sóng bỏ đạo tại Áo.

Trong một cuộc phỏng vấn với các tờ báo Công Giáo tại Áo, Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng Giám Mục thủ đô Vienna nói: “Có một hiện tượng ảnh hưởng đến Giáo hội trên toàn thế giới và đặc biệt là đối với chúng ta ở Áo: đó là hiện tượng những người âm thầm quay lưng lại với Giáo hội.”

Theo báo cáo của CNA Deutsch, tại Áo, số người rời khỏi Giáo hội đã tăng 14.9% vào năm 2019 so với năm trước. Tổng cộng có đến 67, 583 người giã từ Giáo Hội trong năm 2019. Con số này là 58, 807 người trong năm 2018.

Áo có dân số gần chín triệu người, với khoảng 4.98 triệu người Công Giáo.

Đức Hồng Y Schönborn nhận định rằng: “Đó là một phần của tự do tôn giáo. Chúng ta không phải là một cộng đồng bắt buộc. Đây là sự tự do mà Chúa ban cho chúng ta.”

Đức Hồng Y Schönborn đã từng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo từ năm 1998. Ngài được tái cử thêm một nhiệm kỳ sáu năm vào năm 2016, kết thúc vào năm 2022.

Nhưng sau sinh nhật lần thứ 75 của ngài vào tháng Giêng vừa qua, ngài đã đệ đơn từ chức chủ tịch. Cuộc bầu cử người kế nhiệm lẽ ra đã được tiến hành vào tháng 3 nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch coronavirus. Ngài tiếp tục giữ chức vụ này cho đến tháng 6, khi Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner của Salzburg được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Schönborn, là một tu sĩ dòng Đa Minh, xuất thân từ giới quý tộc Áo. Ngài đã đệ đơn từ chức tổng giám mục Vienna ngay cả trước sinh nhật thứ 75 của mình.

Hôm 21 tháng Giêng, Tổng giáo phận Vienna cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã bác đơn từ chức và yêu cầu Đức Hồng Y tiếp tục giữ nhiệm vụ này trong một thời gian không xác định.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y cũng đề cập đến những xung đột bên trong Giáo hội, và nói rằng đó chỉ là chuyện bình thường vì mọi người có lối sống khác nhau, thói quen văn hóa và tôn giáo đôi khi khác nhau về cơ bản.

Theo nhận định của ngài một sự chia rẽ chính thức trong Giáo hội là không thể xảy ra. Trong 50 năm qua, ngài đã nghe không biết bao nhiêu lần rằng Giáo hội đang trên bờ vực tách ra làm hai, nhưng điều đó không xảy ra vì lực lượng hiệp nhất luôn mạnh hơn.

 
Source:Catholic News AgencyCardinal Schönborn laments exodus of Austrian Catholics