Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh

Nhân dịp trao đổi những lời chúc mừng năm mới, Tại đại sảnh Regia Thứ Năm, ngày 9 tháng 1 năm 2020

Thưa qúy vị

Qúy bà và qúy ông

Một năm mới đang mở ra trước mắt chúng ta; giống như tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh, nó làm chúng ta tràn ngập niềm vui và hy vọng. Tôi muốn nói chữ đó, chữ “hy vọng”, vì đây là một nhân đức chủ yếu đối với các Kitô hữu, để truyền cảm hứng cho cách chúng ta tiếp cận thời gian ở phía trước.



Chắc chắn, hy vọng phải thực tiễn. Nó đòi hỏi phải thừa nhận nhiều vấn đề rắc rối đang đặt ra cho thế giới của chúng ta và các thách đố đang lấp ló cuối chân trời. Nó đòi các vấn đề được gọi đúng tên và sự can đảm phải có để giải quyết chúng. Điều này thúc giục chúng ta nhớ rằng gia đình nhân loại của chúng ta bị thẹo và bị thương bởi hàng loạt các cuộc chiến ngày càng có tính tàn phá, những cuộc chiến này đặc biệt ảnh hưởng đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất [1]. Đáng buồn thay, năm mới dường như không được đánh dấu bằng các dấu hiệu đáng khích lệ, mà là bằng các căng thẳng và hành động bạo lực gia tăng.

Chính trong những tình huống này, chúng ta không thể buông hy vọng. Và hy vọng đòi lòng can đảm. Nó có nghĩa là thừa nhận sự ác, sự đau khổ và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng, và ngay cả những vấn đề phức tạp nhất cũng có thể và phải đương đầu và giải quyết. Vì hy vọng là một “nhân đức linh hứng cho chúng ta và giúp chúng ta tiến lên phía trước, ngay cả khi những chướng ngại vật dường như không thể vượt qua” [2].

Các Đại sứ thân mến, trong tinh thần này, hôm nay, tôi xin chào đón qúy vị và gửi đến Qúy vị những lời chúc tốt đẹp của tôi cho năm mới. Tôi cảm ơn một cách đặc biệt vị Niên Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp, vì những lời chào chúc thân ái của ông thay mặt Qúy vị. Tôi biết ơn tất cả các Qúy vị vì sự hiện diện vốn được đánh giá cao của Qúy vị và cho những nỗ lực hàng ngày của Qúy vị để củng cố các mối liên hệ hiện có giữa Tòa Thánh và các quốc gia khác nhau và các tổ chức quốc tế vì sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

Hòa bình và sự phát triển toàn diện của con người trên thực tế là mục tiêu chính của Tòa Thánh trong việc tham gia của mình vào lĩnh vực ngoại giao. Đây cũng là mục đích của công việc được thực hiện bởi Phủ Quốc Vụ Khanh và các bộ sở của Giáo triều Rôma, nhưng còn bởi các Đại diện Giáo hoàng, những người mà tôi cảm ơn vì lòng tận tụy trong việc họ thực hiện sứ mệnh hai mặt của họ là đại diện cho Giáo hoàng trước Giáo hội địa phương và trước chính phủ liên hệ của Qúy vị.

Về phương diện này, chúng ta có thể nghĩ đến các Hiệp định có tính chất tổng quát được ký kết và phê chuẩn trong năm qua với Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi yêu dấu, Burkina Faso và Ăng-gô-la, cũng như Hiệp định giữa Tòa thánh và Cộng hòa Ý về việc áp dụng Công ước Lisbon về việc công nhận bằng cấp liên quan đến giáo dục đại học ở khu vực châu Âu.

Cũng vậy, các chuyến thăm Tông du, ngoài việc là một phương tiện ưu tuyển để Người kế vị thánh Phêrô củng cố anh chị em của mình trong đức tin, còn là dịp để cổ vũ đối thoại ở các bình diện chính trị và tôn giáo. Năm 2019, tôi đã có cơ hội thực hiện một số chuyến viếng thăm quan trọng. Tôi muốn duyệt lại chúng với Qúy vị và sử dụng việc này như một cơ hội để xem xét sâu hơn về một số vấn đề quan yếu của thời điểm hiện tại.



Vào đầu năm ngoái, trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 ở Panama, tôi đã gặp những người trẻ tuổi từ năm châu lục, tràn đầy ước mơ và hy vọng, họ đã đến với nhau để cầu nguyện và nuôi dưỡng mong muốn được can dự vào việc xây dựng một thế giới nhân ái hơn [ 3]. Đó luôn là một niềm vui và một cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ các người trẻ tuổi. Họ là tương lai và là niềm hy vọng của các xã hội chúng ta, nhưng cũng là hiện tại của các xã hội này nữa.

Tuy nhiên, bi thảm thay, như chúng ta biết, không ít người lớn, trong đó có các thành viên khác nhau của hàng giáo sĩ, đã phải chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng đối với phẩm giá của người trẻ, của trẻ em và các thiếu niên, vi phạm sự vô tội và sự riêng tư của họ. Đây là những tội ác xúc phạm đến Thiên Chúa, gây ra thiệt hại về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân của chúng và làm hại cuộc sống của cả nhiều cộng đồng [4]. Sau cuộc họp của tôi tại Vatican vào tháng 2 năm ngoái với các đại diện của các giám mục thế giới, Tòa Thánh đã đổi mới cam kết của mình sẽ đưa ra ánh sáng các hành vi lạm dụng đã vi phạm và đảm bảo việc bảo vệ các vị thành niên qua một loạt các quy tắc để xử lý các trường hợp như vậy theo giáo luật và trong sự hợp tác với các chính quyền dân sự ở bình diện địa phương và quốc tế.

Vì tính nặng nề của tác hại gây ra, điều càng trở nên cấp thiết hơn là việc người lớn không được từ bỏ trách nhiệm giáo dục vốn là của riêng mình, trái lại phải thực hiện những trách nhiệm đó một cách nhiệt thành hơn nữa, để hướng dẫn các người trẻ đến sự trưởng thành về tinh thần, về nhân bản và xã hội.

Vì lý do này, tôi đã lên kế hoạch cho một biến cố toàn thế giới sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 5 sắp tới với chủ đề: Tái tạo Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục. Cuộc tập hợp này nhằm để “khơi dậy cam kết của chúng ta đối với và cùng với những người trẻ tuổi, làm mới lại niềm say mê của chúng ta về một nền giáo dục cởi mở và bao gồm hơn, trong đó có việc lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Chưa bao giờ lại có nhu cầu phải hợp nhất các nỗ lực của chúng ta trong một liên minh giáo dục rộng lớn, để đào tạo các cá nhân trưởng thành có khả năng vượt qua chia rẽ và đối kháng, và khôi phục mạng lưới liên hệ vì thiện ích của một nhân loại huynh đệ nhiều hơn [5].

Giống như sự thay đổi có tính thời đại mà chúng ta đang trải qua, mọi thay đổi đều kêu gọi phải có một diễn trình giáo dục và tạo ra một làng giáo dục có khả năng hình thành một mạng lưới liên hệ cởi mở và nhân bản [6]. Ngôi làng đó nên đặt con người ở trung tâm, bằng cách đầu tư một cách sáng tạo và đầy trách nhiệm vào các dự án dài hạn, đào tạo các cá nhân sẵn lòng hiến mình phục vụ cộng đồng.

Lúc đó, điều cần thiết là một viễn kiến giáo dục có thể bao gồm một loạt rộng rãi các trải nghiệm sống và diễn trình học hỏi, để giúp người trẻ, cả cá nhân lẫn tập thể, phát triển nhân cách của họ. Giáo dục không giới hạn trong các lớp học ở trường và đại học; chủ yếu được bảo đảm bằng cách củng cố và tăng cường quyền giáo dục hàng đầu của gia đình, và quyền của các Giáo hội và các cộng đồng xã hội trong việc hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình nuôi dạy con cái họ.

Giáo dục đòi phải bước vào cuộc đối thoại chân thành và chân thực với người trẻ. Họ là những người trước hết làm cho chúng ta nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải có sự liên đới giữa các thế hệ, điều, đáng buồn thay, đang rất thiếu trong những năm gần đây. Thực thế, ở nhiều nơi trên thế giới, hiện đang có xu hướng chỉ biết lưu tâm đến mình, lo bảo vệ các quyền và đặc quyền đã thủ đắc được, và nhìn thế giới trong một chân trời chật hẹp, đối xử với người già một cách thờ ơ và không còn chào đón trẻ sơ sinh. Sự lão hóa chung của dân số thế giới, đặc biệt ở phương Tây, là một điển hình đáng buồn và đầy biểu tượng của điều này.

Mặc dù không quên rằng người trẻ muốn nghe lời và nhìn gương sáng của người lớn, chúng ta cũng nên nhận thức rõ rằng bản thân họ có nhiều điều để cung ứng, nhờ vào lòng nhiệt tình và dấn thân của họ. Chưa nói đến lòng khao khát sự thật của họ, một điều luôn nhắc nhở chúng ta về sự kiện này: lòng hy vọng không phải là điều không tưởng và hòa bình luôn là điều tốt đẹp có thể đạt được.

Chúng ta đã thấy điều này trong cách nhiều người trẻ trở nên tích cực trong việc kêu gọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo chính trị đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta phải là mối quan tâm của mọi người chứ không phải là đối tượng của xung đột ý thức hệ giữa các quan điểm khác nhau về thực tại hoặc, ít hơn, giữa các thế hệ. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “khi tiếp xúc với thiên nhiên, các cá nhân tái khám phá được chiều kích riêng của họ; họ nhận ra rằng họ là các tạo vật nhưng đồng thời là những người duy nhất, ‘có khả năng biết Thiên Chúa’ vì tự thẩm cung, họ cởi mở đón nhận Đấng Vô hạn” [7]. Việc bảo vệ ngôi nhà đã được ban cho chúng ta bởi Đấng Tạo Hóa không thể bị làm ngơ hoặc giảm xuống thành một mối quan tâm chỉ của những người ưu tuyển. Các người trẻ nói với chúng ta rằng điều này không thể đúng, vì ở mọi bình diện, chúng ta đang được thách thức một cách khẩn cấp phải bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và “đem cả gia đình nhân loại lại với nhau để mưu tìm một sự phát triển bền vững và toàn diện” [8]. Chúng nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cấp thiết phải hoán cải sinh thái, một điều “phải được hiểu một cách toàn diện, như một biến đổi cách chúng ta tương quan với anh chị em của chúng ta, với các sinh vật khác, với sáng thế trong sự đa dạng phong phú của nó và với Đấng Tạo Dựng vốn là nguồn và gốc mọi sự sống” [9].

Đáng buồn thay, sự cấp bách của việc hoán cải sinh thái này dường như chưa được nền chính trị quốc tế nắm vững, vì tại nơi này, việc đáp ứng các nan đề do các vấn đề hoàn cầu nêu ra như biến đổi khí hậu vẫn còn rất yếu và là một nguồn gây lo ngại nghiêm trọng. Hội nghị thứ 25 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP25), được tổ chức tại Madrid vào tháng 12 năm ngoái, làm dấy lên nhiều mối lo ngại nghiêm trọng về ý chí của cộng đồng quốc tế để đương đầu với sự khôn ngoan và hiệu quả của hiện tượng hoàn cầu nóng lên, một việc đòi phải có đáp ứng tập thể có khả năng đặt thiện ích chung lên trên lợi ích đặc thù.



Các xem xét trên khiến chúng ta chú ý tới Châu Mỹ Latinh trở lại, và đặc biệt là Phiên Đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục Vùng Amazon, được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm ngoái. Thượng hội đồng, trong yếu tính, là một sự kiện giáo hội, được thúc đẩy bởi ước muốn lắng nghe các hy vọng và thách đố của Giáo hội tại toàn vùng Amazon và mở ra những nẻo đường mới để loan báo Tin Mừng cho dân Chúa, nhất là cho các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, phiên họp của Thượng Hội Đồng không thể không thảo luận cả các vấn đề khác, bắt đầu với hệ sinh thái toàn diện. Những vấn đề này ảnh hưởng đến cuộc sống của khu vực đó, rất rộng lớn và quan trọng đối với toàn thế giới, bởi vì rừng nhiệt đới Amazon là ‘trái tim sinh học’ đối với trái đất ngày càng bị đe dọa” [10].

Ngoài tình hình ở khu vực Amazon, một nguyên nhân khác gây lo ngại là sự lan tràn các cuộc khủng hoảng chính trị ở một số ngày càng tăng các quốc gia của lục địa Mỹ, kèm theo các căng thẳng và các hình thức bạo lực không quen thuộc làm gia trọng các xung đột xã hội và gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội và nhân đạo. Việc phân cực lớn hơn này không giúp giải quyết các vấn đề thực chất và cấp bách của công dân, đặc biệt những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, bạo lực cũng không thể, người ta không có lý do nào có thể sử dụng bạo lực như một biện pháp để xử lý các vấn đề chính trị và xã hội. Ở đây, trong khung cảnh này, tôi muốn đề cập đến Venezuela cách riêng, để các cố gắng tìm kiếm giải pháp sẽ tiếp tục.

Nói chung, các cuộc xung đột của khu vực Châu Mỹ, bất chấp nguồn gốc khác nhau, đều có liên hệ với nhau bởi các hình thức bất bình đẳng, bất công sâu xa và tham nhũng đặc hữu, cũng như các hình thức nghèo đói khác nhau xúc phạm đến nhân phẩm. Do đó, cần có các nhà lãnh đạo chính trị biết làm việc cần mẫn để thiết lập lại nền văn hóa đối thoại vì thiện ích chung, củng cố các định chế dân chủ và cổ vũ việc thượng tôn pháp luật, như một biện pháp chống lại các khuynh hướng phản dân chủ, dân túy và cực đoan.

Trong hành trình thứ hai trong năm 2019 của tôi, tôi đã đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chuyến thăm đầu tiên của một Người kế vị Phêrô đến Bán đảo Ả Rập. Tại Abu Dhabi, tôi đã cùng Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, ký kết Văn kiện về tình huynh đệ nhân bản vì hòa bình thế giới và chung sống. Đây là một bản văn quan trọng, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, và cùng tồn tại hòa bình trong các xã hội ngày càng đa sắc tộc và đa văn hóa. Trong khi lên án mạnh mẽ việc sử dụng tên của Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, đày ải, khủng bố và áp bức [11], Tài liệu nhắc lại tầm quan trọng của khái niệm quyền công dân, “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó tất cả đều được hưởng công lý” [12]. Điều này đòi phải tôn trọng tự do tôn giáo và quyết tâm bác bỏ việc sử dụng thuật ngữ đầy kỳ thị “các nhóm thiểu số”, một thuật ngữ vốn gây ra cảm giác cô lập và mặc cảm tự ti, và dọn đường cho thù nghịch và bất hòa, kỳ thị giữa các công dân trên cơ sở thống thuộc tôn giáo của họ [ 13]. Để đạt mục tiêu này, điều đặc biệt quan trọng là huấn luyện các thế hệ tương lai trong cuộc đối thoại liên tôn, vốn là con đường chính để nhận thức nhiều hơn, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên của các tôn giáo khác nhau.

Hòa bình và hy vọng cũng là tâm điểm của chuyến thăm Ma-rốc của tôi, nơi, với Đức vua Muhammed VI, tôi đã ký một lời kêu gọi chung về Giêrusalem, để công nhận đặc tính độc đáo và thánh thiêng của Jerusalem / Al-Quds Acharif, và sâu sắc quan tâm đến ý nghĩa tâm linh và ơn gọi đặc biệt của nó như là một thành phố của hòa bình [14]. Và từ Giêrusalem, một thành phố thân yêu đối với tín hữu của ba tôn giáo độc thần, một thành phố được kêu gọi trở thành nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng và chung sống hòa bình, nơi tôn trọng và đối thoại lẫn nhau được vun sới [15], tôi không thể không quay về toàn bộ Thánh địa và nhắc lại nhu cầu cấp thiết để toàn bộ cộng đồng quốc tế tái xác nhận, một cách can đảm và chân thành, và tôn trọng luật pháp quốc tế, cam kết của mình trong việc hỗ trợ tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Một sự tham gia kiên trì và hữu hiệu hơn về phần cộng đồng quốc tế là điều cấp bách nhất ở nhiều phần khác của khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông. Tôi nghĩ đặc biệt đến bức màn im lặng có nguy cơ phủ lên cuộc chiến từng tàn phá Syria trong suốt thập niên qua. Điều bắt buộc là phải đưa ra các giải pháp phù hợp và có tầm nhìn xa có khả năng tạo điều kiện cho người dân Syria yêu dấu, vốn kiệt sức vì chiến tranh, giành lại hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước. Tòa Thánh ủng hộ mọi sáng kiến nhằm đặt nền móng cho việc giải quyết cuộc xung đột, và một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với Jordan và Lebanon vì đã nghinh đón và nhận trách nhiệm, với nhiều hy sinh đáng kể, đối với hàng triệu người tị nạn Syria. Đáng buồn thay, ngoài những khó khăn gây ra bởi sự nghinh đón này, các yếu tố bất trắc kinh tế và chính trị khác, ở Lebanon và các quốc gia khác, đang gây ra căng thẳng trong dân chúng, gây nguy hiểm cho sự ổn định mong manh của Trung Đông.

Đặc biệt đáng lo ngại là các tín hiệu đến từ toàn bộ khu vực tiếp theo việc gia tăng các căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ, có nguy cơ trước hết ảnh hưởng đến diễn trình tái thiết dần dần ở Iraq, cũng như đặt cơ sở cho một cuộc xung đột lớn hơn mà tất cả chúng ta đều muốn tránh khỏi. Do đó, tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi rằng mọi bên liên hệ nên tránh việc leo thang cuộc xung đột và “duy trì ngọn lửa đối thoại và tự kiềm chế” [16] trong việc hoàn toàn tôn trọng luật pháp quốc tế.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Yemen, nơi đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây giữa sự thờ ơ chung của cộng đồng quốc tế, và hướng về Libya, trong nhiều năm đã trải qua một tình huống xung đột, bị làm cho trầm trọng hơn do sự đột nhập của các nhóm cực đoan và do sự tăng cường bạo lực hơn nữa trong những ngày gần đây. Tình hình đó cung cấp mảnh đất màu mỡ cho tai họa bóc lột và buôn bán người, được thực hiện bởi những người vô lương tâm chuyên khai thác sự nghèo đói và đau khổ của những tình huống xung đột hoặc nghèo đói cùng cực mau qua này. Trong số những người vừa kể, nhiều người trở thành con mồi của các tổ chức tội phạm thực sự, chúng giam cầm họ trong những điều kiện vô nhân đạo và làm mất phẩm giá họ, bắt họ chịu tra tấn, bạo lực tình dục và các hình thức tống tiền.

Tổng quát hơn, cần lưu ý rằng nhiều ngàn người trên thế giới của chúng ta đang đưa ra các yêu cầu hợp pháp xin tạm trú, và có những nhu cầu nhân đạo có thể kiểm chứng được và nhu cầu bảo vệ chưa được nhận diện thỏa đáng. Nhiều người đang liều mạng sống của họ trong những chuyến đi đầy nguy hiểm bằng đường bộ và nhất là bằng đường biển. Thật đau đớn khi phải thừa nhận rằng Biển Địa Trung Hải tiếp tục là một nghĩa trang rộng lớn [17]. Do đó, ngày càng cấp bách để mọi quốc gia chấp nhận trách nhiệm tìm ra các giải pháp lâu dài.

Về phần mình, Tòa Thánh rất hy vọng nhìn thấy các nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm chia sẻ gánh nặng tái định cư cho người tị nạn, đặc biệt những người chạy trốn các trường hợp nhân đạo khẩn cấp, và cung cấp cho họ một nơi an toàn để sống, được giáo dục và có khả năng có việc làm và đoàn tụ với gia đình của họ.

Các Đại sứ thân mến,

Trong các chuyến đi của tôi trong năm vừa qua, tôi cũng đã có thể đến thăm ba quốc gia Đông Âu, đầu tiên là Bulgaria và Bắc Macedonia, và sau đó là Romania. Ba quốc gia khác nhau, nhưng được liên kết bởi sự kiện: trong nhiều thế kỷ, họ vốn là cầu nối giữa Đông và Tây, và là ngã tư của các nền văn hóa, sắc tộc và nền văn minh đa dạng. Khi tôi đến thăm họ, tôi được một lần nữa trải nghiệm tầm quan trọng của đối thoại và nền văn hóa gặp gỡ trong việc tạo ra các xã hội hòa bình, trong đó mỗi cá nhân có thể tự do phát biểu bản sắc sắc tộc và tôn giáo của mình.

Vẫn còn trong bối cảnh châu Âu, tôi muốn khẳng định lại tầm quan trọng của việc hỗ trợ đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế như là một biện pháp giải quyết “các cuộc xung đột đóng băng” vẫn tồn tại trên lục địa, một số trong đó đã kéo dài hàng thập niên nay và đòi phải có một giải pháp, bắt đầu với các tình huống liên quan đến phía tây dẫy Balkan và miền nam dẫy Caucasus, bao gồm Georgia. Trong khung cảnh này, tôi cũng muốn bày tỏ sự khích lệ của Tòa Thánh đối với các cuộc đàm phán để thống nhất đảo Síp, một điều sẽ gia tăng sự hợp tác khu vực và thúc đẩy sự ổn định của toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Tôi cũng bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với các nỗ lực đã đưa ra nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và chấm dứt đau khổ của người dân.

Đối thoại – chứ không phải vũ khí - là cách thiết yếu để giải quyết các tranh chấp. Về phương diện này và trong khung cảnh này, tôi muốn ghi nhận sự đóng góp, thí dụ, ở Ukraine, của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đặc biệt trong năm nay, năm đánh dấu kỷ niệm bốn mươi lăm năm Đạo luật Helsinki Cuối cùng. Đạo luật này đã kết thúc Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (CSCE), được khởi xướng vào năm 1973 để cổ vũ sự lắng dịu và hợp tác giữa các quốc gia Tây và Đông Âu, vào thời điểm lục địa còn bị chia cắt bởi Bức màn sắt. Đạo luật Cuối cùng là một giai đoạn quan trọng trong một diễn trình bắt đầu sau Thế Chiến hai, một diễn trình coi đồng thuận và đối thoại như công cụ chính để giải quyết các cuộc xung đột.

Các nền tảng của diễn trình hội nhập châu Âu đã được đặt ở Tây Âu vào năm 1949 với việc thành lập Hội đồng châu Âu và việc thông qua Công ước châu Âu về nhân quyền sau đó. Công ước này nhìn thấy một trụ cột thiết yếu trong Tuyên bố ngày 9 tháng 5 năm 1950 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Robert Schuman. Ông Schuman tuyên bố rằng “hòa bình không thể được bảo đảm ngoại trừ bằng cách đưa ra các cố gắng sáng tạo tương xứng với những nguy cơ đe dọa nó”. Những người sáng lập ra châu Âu hiện đại nhận ra rằng chỉ nhờ một diễn trình tiệm tiến chia sẻ các lý tưởng và tài nguyên, lục địa này mới có thể phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh và những chia rẽ mới nảy sinh sau đó.

Tòa Thánh đã rất quan tâm theo dõi dự án châu Âu từ những năm đầu tiên của nó; năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm sự hiện diện của Toà Thánh như một Quan sát viên cạnh Hội đồng Châu Âu và việc thiết lập liên hệ ngoại giao với các Cộng đồng Châu Âu khi đó. Tòa Thánh vốn tìm cách nhấn mạnh lý tưởng của một diễn trình tăng trưởng bao gồm lấy cảm hứng từ tinh thần tham gia và liên đới, có khả năng biến châu Âu thành một mô hình nghinh đón và bình đẳng xã hội được hướng dẫn bởi các giá trị chung có tính nền tảng. Dự án châu Âu tiếp tục là sự bảo đảm căn bản cho việc phát triển đối với những ai vốn chia sẻ từ lâu và là cơ hội cho hòa bình, sau những xung đột và thương tích đầy sóng gió, cho những quốc gia nào vốn mong muốn tham gia vào đó.

Do đó, châu Âu không nên đánh mất cảm thức liên đới mà trong nhiều thế kỷ từng làm nó nổi bật, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử. Mong sao nó không đánh mất tinh thần đó, một tinh thần vốn tìm thấy nguồn gốc của nó, trong số những nguồn khác, trong lòng hiếu thảo (pietas) La Mã và trong đức ái (caritas) Kitô giáo vốn định hình tinh thần của các dân tộc châu Âu. Vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà ở Paris cho thấy ngay cả những thứ dường như quá vững chắc cũng có thể dễ tan vỡ và dễ dàng bị phá hủy. Thiệt hại cho một tòa nhà không những chỉ quý giá đối với người Công Giáo mà còn quan trọng đối với toàn bộ nước Pháp và toàn bộ nhân loại, đã làm sống lại câu hỏi về các giá trị lịch sử và văn hóa của Châu Âu, và nguồn gốc sâu xa hơn của nó. Trong các tình huống nơi thiếu khung giá trị, người ta thấy việc nhận diện các yếu tố chia rẽ dễ dàng hơn việc nhận diện các yếu tố đoàn kết.

Lễ kỷ niệm năm thứ ba mươi ngày Bức tường Berlin sụp đổ nhắc nhở chúng ta về một trong những biểu tượng đau đớn nhất của Lịch sử lục địa gần đây và khiến chúng ta nhận ra một lần nữa việc dựng lên các rào cản dễ dàng biết bao. Bức tường Berlin vẫn là biểu tượng của một nền văn hóa chia rẽ khiến mọi người xa lánh nhau và mở đường cho chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Chúng ta thấy điều này ngày càng nhiều trong các ngôn từ thù hận nhan nhản trên internet và trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thay vì những bức tường thù hận, chúng ta thích những cây cầu hòa giải và đoàn kết hơn; thay vì những gì làm ra xa cách, chúng ta thích những gì thu hút mọi người lại gần nhau hơn. Vì chúng ta biết rằng, như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđíctô XV đã viết cách đây một trăm năm, “không thể có hòa bình ổn định... nếu không có hòa giải dựa trên tình bác ái hỗ tương như một phương tiện để dập tắt hận thù và xua đuổi thù hận” [18].

Các Đại sứ thân mến,

Tôi đã có thể nhìn thấy các dấu hiệu hòa bình và hòa giải trong chuyến thăm châu Phi của tôi, nơi niềm vui hết sức rõ rệt nơi những người cảm thấy là một phần của một dân tộc và cùng nhau đối diện với những thách thức hàng ngày của cuộc sống trong tinh thần chia sẻ. Tôi đã trải nghiệm niềm hy vọng cụ thể dưới hình thức nhiều biến cố đáng khích lệ, bắt đầu với những tiến bộ hơn nữa đạt được ở Mozambique trước ngày ký kết việc dứt khoát chấm dứt chiến sự ngày 1 tháng 8 năm 2019.



Ở Madagascar, tôi đã thấy người ta có thể tạo được an ninh như thế nào tại một nơi trước đây vốn có sự bất ổn, thấy được niềm hy vọng thay vì tâm trạng không thể tránh khỏi, thấy được các dấu hiệu của sự sống ở một nơi có nhiều chết chóc và hủy diệt được công bố [19]. Điều thiết yếu trong phương diện này là các gia đình và cảm thức cộng đồng, những điều có thể giúp sự tăng trưởng của niềm tin tưởng căn bản vốn là gốc rễ của mọi mối liên hệ nhân bản. Ở Mauritius, tôi quan sát “cách các tôn giáo khác nhau, dù tôn trọng bản sắc chuyên biệt của mình, vẫn cùng tay trong tay đóng góp cho sự hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của cuộc sống chống lại mọi loại chủ nghĩa giản lược” [20]. Tôi tin tưởng rằng sự nhiệt tình, rất hiển hiện ở mọi thời điểm trong chuyến hành trình của tôi, sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các hành động chấp nhận cụ thể và các dự án có khả năng cổ vũ công bằng xã hội và tránh các biểu hiện loại trừ.

Mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến các phần khác của lục địa, thật đau lòng khi chứng kiến, đặc biệt ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Nigeria, các tình tiết bạo lực liên tục chống lại những người vô tội, trong đó, nhiều Kitô hữu bị bách hại và sát hại vì trung thành với Tin Mừng. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia này nhằm loại bỏ đại họa khủng bố đang gây ra ngày càng nhiều đổ máu ở khắp nhiều vùng châu Phi, cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Trước những biến cố này, chúng ta cần thực hiện các chiến lược thiết thực không những chỉ nhằm tăng cường an ninh, mà còn giảm nghèo, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ nhân đạo, và cổ vũ việc cai trị tốt và dân quyền. Đây là những trụ cột của sự phát triển xã hội đích thực.

Tương tự như vậy, cần phải khuyến khích các sáng kiến nhằm cổ vũ tình huynh đệ trong mọi nhóm văn hóa, sắc tộc và tôn giáo địa phương, đặc biệt ở vùng Sừng châu Phi, ở Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi bạo lực vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở phía đông của nước này. Các tình huống xung đột và khủng hoảng nhân đạo, bị làm cho trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đang gia tăng số lượng người phải di tản và ảnh hưởng đến những người vốn đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Nhiều quốc gia trải qua những tình huống này đang thiếu các cơ cấu thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu của người di tản.

Về phương diện này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thật đáng buồn, vẫn chưa có một đáp ứng quốc tế nhất quán để giúp giải quyết hiện tượng di tản nội bộ. Điều này phần lớn do thiếu một định nghĩa được quốc tế đồng ý, vì hiện tượng này diễn ra trong biên giới quốc gia. Kết quả là những người phải di tản trong nước không phải lúc nào cũng nhận được sự bảo vệ mà họ đáng được, và phải phụ thuộc vào chính sách và khả năng đáp ứng của các quốc gia nơi họ cư ngụ.

Gần đây, Hội Đồng cấp cao của Liên hiệp quốc về Việc Di Tản Nội bộ đã bắt đầu hoạt động, hội đồng mà tôi hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý và hỗ trợ khắp thế giới cho những người di tản, trong khi đưa ra các kế hoạch và dự án cụ thể.

Về phương diện này, tôi cũng nghĩ đến Sudan, với niềm hy vọng mãnh liệt rằng các công dân của họ sẽ có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng, và hợp tác trong việc tăng trưởng kinh tế và dân chủ của đất nước. Tôi cũng nghĩ tới Cộng hòa Trung Phi, nơi một thỏa thuận hoàn cầu được ký kết vào tháng 2 năm ngoái để chấm dứt hơn 5 năm nội chiến. Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Nam Sudan, nơi tôi hy vọng có thể đến thăm trong năm nay. Tháng Tư vừa qua, tôi đã dành một ngày tĩnh tâm cho đất nước này, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo của nó và với sự đóng góp được đánh giá cao của Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, và Mục sư John Chalmers, cựu điều hành viên của Giáo hội Trưởng lão Scotland. Tôi tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị sẽ theo đuổi đối thoại để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.



Hành trình cuối cùng của tôi trong năm vừa kết thúc là đến Đông Á. Ở Thái Lan, tôi đã có thể chứng kiến sự hòa hợp đặc trưng của nhiều nhóm sắc tộc của đất nước, với những nền triết lý, văn hóa và tôn giáo đa dạng của họ. Điều này nói lên một thách thức đáng kể trong bối cảnh hoàn cầu hóa hiện nay, nơi mà các khác biệt có xu hướng được dần dần san bằng và được chủ yếu xem xét về mặt kinh tế và tài chính, với nguy cơ xóa bỏ các đặc điểm khác biệt của các dân tộc khác nhau.

Cuối cùng, ở Nhật Bản, tôi đã trải qua một cách thấm thía nỗi đau và nỗi kinh hoàng mà con người chúng ta có khả năng gây ra cho nhau [21]. Khi nghe những lời chứng của một số Hibakusha, những người sống sót sau những quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, tôi thấy rõ rằng hòa bình đích thực không thể được xây dựng dựa trên mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn loài người bằng vũ khí hạch nhân. Hibakusha “vẫn giữ ngọn lửa của lương tâm tập thể, làm chứng cho các thế hệ kế tiếp về nỗi kinh hoàng của những gì đã xảy ra vào tháng 8 năm 1945 và những đau khổ không thể kể xiết vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Lời chứng của họ đã đánh thức và lưu giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm nhân loại có thể trỗi dậy chống mọi thèm khát thống trị và hủy diệt” [22], đặc biệt là lòng thèm khát được thúc đẩy bởi việc sở hữu các thiết bị có khả năng hủy diệt như các vũ khí hạch nhân. Những vũ khí này không những chỉ nuôi dưỡng bầu không khí sợ hãi, nghi ngờ và thù địch; chúng còn phá hủy hy vọng. Việc sử dụng chúng là vô luân, “một tội ác không những chỉ chống lại nhân phẩm mà còn chống lại bất cứ tương lai khả hữu nào đối với ngôi nhà chung của chúng ta” [23].

Một thế giới “không có vũ khí hạch nhân là điều có thể có và cần thiết” [24]. Đã đến lúc để các nhà lãnh đạo chính trị nhận ra rằng một thế giới an toàn hơn sẽ xuất hiện không phải nhờ sự sở hữu có tính răn đe các phương tiện hủy diệt hàng loạt mạnh mẽ, mà nhờ những nỗ lực kiên nhẫn của những người đàn ông và đàn bà có thiện chí, những người, trong các lĩnh vực riêng của họ, tân tụy một cách cụ thể trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, liên đới và tôn trọng lẫn nhau.

Năm 2020 cung cấp một cơ hội quan trọng về phương diện này, kể từ Hội nghị lần thứ mười Duyệt xét Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạch nhân sẽ được tổ chức tại New York vào ngày 27 tháng 4 đến 22 tháng 5 tới. Hy vọng sống động của tôi là cộng đồng quốc tế sau đó sẽ xoay sở để đạt được sự đồng thuận có tính kết luận và chủ động về các cách thức thực thi công cụ pháp lý quốc tế này, một điều tự cho thấy đã trở nên quan trọng hơn trong các thời kỳ giống như thời kỳ của chúng ta.

Khi kết thúc bài duyệt lại các nơi tôi đã ghé thăm trong năm qua, các suy nghĩ của tôi hướng đặc biệt về một quốc gia tôi chưa đến thăm, đó là nước Úc, đang bị tấn công nặng nề trong những tháng gần đây bởi những đám cháy dai dẳng đã ảnh hưởng đến cả các khu vực khác ở Châu Đại Dương. Tôi muốn bảo đảm với người dân Úc sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi, đặc biệt với các nạn nhân và tất cả những người trong khu vực bị tàn phá bởi hỏa hoạn.

Thưa qúy vị, quý bà và qúy ông,

Năm nay, cộng đồng quốc tế kỷ niệm năm thứ bảy mươi lăm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Sau những thảm kịch đã xảy ra sau hai cuộc chiến tranh thế giới, ngày 26 tháng 4 năm 1945, bốn mươi sáu quốc gia đã ký Hiến chương Liên hiệp quốc và thiết lập một hình thức hợp tác đa phương mới. Bốn mục tiêu của Tổ chức, được quy định ở Điều 1 của Hiến chương, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay. Chúng ta có thể nói rằng các cố gắng của Liên Hiệp Quốc trong bảy mươi lăm năm qua phần lớn đã thành công, nhất là trong cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác. Các nguyên tắc nền tảng của Tổ chức - mong muốn hòa bình, theo đuổi công lý, tôn trọng phẩm giá con người, hợp tác và hỗ trợ nhân đạo - thể hiện khát vọng chính đáng của tinh thần con người và cấu tạo ra các lý tưởng nên trở thành nền tảng cho các mối liên hệ quốc tế.

Trong năm kỷ niệm này, chúng ta mong muốn tái khẳng định quyết tâm của toàn bộ gia đình nhân loại sẽ làm việc vì thiện ích chung như một tiêu chuẩn cho hành động đạo đức và là mục tiêu truyền cảm hứng cho mỗi quốc gia hợp tác để bảo đảm sự tồn tại và an ninh hòa bình của mọi quốc gia khác, trong tinh thần tôn trọng phẩm giá bình đẳng và tình liên đới hữu hiệu, và trong một hệ thống pháp lý dựa trên công lý và theo đuổi các thỏa hiệp chính đáng [25].

Điều này sẽ hữu hiệu hơn bao lâu các cố gắng được thực hiện để vượt qua cách tiếp cận gián tiếp vốn được sử dụng trong ngôn ngữ và hành vi của các cơ quan quốc tế, nhằm tìm cách liên kết các quyền căn bản vào các tình huống ngẫu nhiên. Cách tiếp cận như vậy quên mất điều này: các quyền này có cơ sở nội tại ngay trong bản chất con người. Bất cứ khi nào từ vựng của các tổ chức quốc tế mất đi cơ sở khách quan rõ ràng, người ta có nguy cơ cổ vũ sự xa lánh hơn là sáp lại gần giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế, với cuộc khủng hoảng tiếp theo đối với hệ thống đa phương, hiện đang, buồn thay, rất hiển hiện đối với mọi người. Trong bối cảnh này, rõ ràng cần phải, một lần nữa, tiến tới cuộc cải cách tổng thể hệ thống đa phương, bắt đầu với hệ thống Liên Hiệp Quốc, một hệ thống sẽ làm cho nó trở thành hữu hiệu hơn, có tính đến một cách thích đáng bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Các Đại sứ thân mến,

Lúc kết thúc những suy tư này, tôi muốn đề cập đến hai ngày kỷ niệm khác sẽ diễn ra trong năm nay, dù dường như không liên quan gì đến cuộc gặp gỡ hôm nay. Đầu tiên là lễ kỷ niệm năm trăm năm ngày qua đời của Raphael [Raffaello Sanzio], nhà nghệ sĩ vĩ đại quê ở Urbino, người đã chết ở Rome vào ngày 6 tháng 4 năm 1520. Raphael để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại hết sức đẹp đẽ. Giống như một thiên tài nghệ sĩ có thể pha trộn các nguyên liệu thô và màu sắc và âm thanh khác nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ngoại giao cũng thế, được yêu cầu phải hài hòa các đặc điểm khác biệt của các dân tộc và quốc gia khác nhau để xây dựng một thế giới công lý và hòa bình. Đây thực sự là kiệt tác tuyệt đẹp mà tất cả chúng ta muốn có thể chiêm ngưỡng.

Raphael là một nhân vật quan trọng thời Phục hưng, một thời đại làm phong phú toàn nhân loại. Đó là một thời đại có những vấn đề riêng của nó, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng. Khi nhắc tới nhà nghệ sĩ kiệt xuất này, tôi muốn gửi lời chào thân ái đến người dân Ý, với niềm hy vọng kiểu cầu nguyện rằng họ sẽ khám phá lại tinh thần cởi mở đối với tương lai vốn điển hình hóa thời Phục hưng và làm cho bán đảo này trở nên đẹp đẽ và phong phú về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa.

Một trong những chủ đề yêu thích của Raphael, là Đức Trinh Nữ Maria. Với ngài, ông đã dành nhiều bức tranh mà, ngày nay, ta có thể chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng khắp thế giới. Đối với Giáo Hội Công Giáo, năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ bảy mươi ngày công bố việc Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria. Nhìn lên Đức Maria, tôi muốn nói một lời đặc biệt với mọi phụ nữ, hai mươi lăm năm sau Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ tư của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995. Tôi hy vọng rằng vai trò vô giá của phụ nữ trong xã hội có thể ngày càng được thừa nhận trên toàn thế giới và mọi hình thức bất công, kỳ thị và bạo lực chống lại phụ nữ đi đến hồi kết liễu. “Mọi hình thức bạo lực đối với một người phụ nữ là một sự phạm thượng đối với Thiên Chúa” [26]. Các hành vi bạo lực và bóc lột nhắm vào phụ nữ không chỉ đơn thuần sai lầm; chúng còn là các tội ác phá hủy sự hài hòa, thi ca và vẻ đẹp mà Chúa đã muốn ban cho thế giới [27].

Việc Mông Triệu của Đức Maria cũng mời gọi chúng ta nhìn về phía trước, tới việc hoàn thành cuộc hành trình trần thế của chúng ta, tới ngày khi công lý và hòa bình sẽ được thiết lập lại hoàn toàn. Lúc đó, mong sao chúng ta cảm thấy được khuyến khích làm việc siêng năng, qua chính sách ngoại giao vốn là sự đóng góp không hoàn hảo của con người chúng ta nhưng luôn có giá trị, để đẩy nhanh việc hoàn thành khát vọng hòa bình này, vì biết rằng mục tiêu này có thể đạt được. Khẳng định lại cam kết này, tôi xin lặp lại với tất cả Qúy vị, các Đại sứ thân yêu và các vị khách quý, và cho các quốc gia của Qúy vị, những lời chúc thân ái tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới giàu hy vọng và mọi phước lành.

Xin cảm ơn Qúy vị!





[1] Xem Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 1.

[2] Ibid.

[3] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ các nhà chức trách, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội, Panama, ngày 24 tháng 1 năm 2019.

[4] Tự sắc Vox Estis Lux Mundi, ngày 7 tháng 5 năm 2019.

[5] Thông điệp nhân ngày ra mắt Hiệp ước Hoàn cầu về giáo dục, ngày 12 tháng 9 năm 2019.

[6] ibid

[7] Kinh Truyền tin, Les Combes, 17 tháng 7 năm 2005.

[8] Thông điệp Laudato Si , ngày 24 tháng 5 năm 2015, 13.

[9] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 4.

[10] Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục cho khu vực Amazon, “Amazon: Những nẻo đường mới cho Giáo Hội và cho nền sinh thái toàn diện” 2,.

[11] Văn kiện về tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019.

[12] Ibid.

[13] ibid

[14] Lời Kêu gọi của Đức vua Mohammed VI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Jerusalem / Al Quds, Thành phố Thánh và một nơi gặp gỡ, Rabat, ngày 30 tháng 3 năm 2019.

[15] ibid

[16] Kinh Truyền tin, ngày 5 tháng 1 năm 2020.

[17] Diễn văn với Nghị viện châu Âu, Strasbourg, ngày 25 tháng 11 năm 2014.

[18] Đức Bênêđictô XV, Thông điệp Pacem, Dei Munus Pulcherrimum, 23/5/1920.

[19] Xem Lễ Chào mừng tại Thành phố Hữu nghị Akamasoa, Antananarivo, ngày 8 tháng 9 năm 2019.

[20] Xem Diễn văn với các Nhà cầm quyền, đại diện xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn, Port Louis, ngày 9 tháng 9 năm 2019.

[21] Xem Diễn văn về vũ khí hạch nhân, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[22] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 2.

[23] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình, Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[24] Diễn văn về vũ khí hạch nhân, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[25] Xem Đức Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11 tháng 4 năm 1963, 98 [ed. Carlen].

[26] Bài giảng Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa bình Thế giới 2020, ngày 1 tháng 1 năm 2020.

[27] Xem La donna è l’armonia del mondo. Suy niệm trong thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Domus Sanctae Marthae, ngày 9 tháng 2 năm 2017.