Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 8

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 8 là các gia đình có thể là những trường học phát triển con người thực sự.

Trong cuốn “Video của Đức Giáo Hoàng” vừa được công bố nhằm trình bày ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 8, Đức Phanxicô yêu cầu chúng ta định hướng ý định cầu nguyện của mình sao cho các gia đình trở thành nơi phát triển thực sự của con người. Theo Đức Thánh Cha, các gia đình là di sản tốt nhất mà chúng ta có thể để lại cho thế giới và tương lai.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các gia đình phải là nơi cầu nguyện. Cầu nguyện chung với nhau phải dành được một vị trí đặc biệt trong các gia đình. Chúng ta phải dành những nỗ lực xứng đáng để có thể “cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung với nhau”.

Đức Thánh Cha nói:

“Trong gia đình, chúng ta học được những điều sẽ ở lại với chúng ta trong suốt cuộc đời mình. Gia đình là nơi mà các giá trị của chúng ta được hình thành, và trên hết, đó là nơi đầu tiên chúng ta khám phá tình yêu thông qua cha mẹ và anh chị em của chúng ta, như một sự phản ánh của tình yêu Thiên Chúa. Yêu thương và được yêu thương khiến chúng ta trở nên nhân bản hơn và giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa. Chúa Giêsu đã mạc khải con đường này cho chúng ta. Chúng ta hãy sống tình yêu này trong gia đình của chúng ta, hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện.

Loại thế giới nào chúng ta muốn để lại cho tương lai?

Chúng ta hãy để lại cho hậu thế một thế giới với các gia đình.

Chúng ta hãy chăm sóc cho gia đình chúng ta, bởi vì gia đình là những trường học thực sự cho tương lai, là những không gian của tự do và những trung tâm của nhân loại.

Và chúng ta hãy dành một vị trí đặc biệt trong gia đình để cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện xin cho các gia đình, qua cuộc sống cầu nguyện và yêu thương, sẽ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết là ‘những trường học cho sự phát triển nhân bản đích thực’.

Cha Frédéric Fornos, linh mục Dòng Tên, giám đốc quốc tế của Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu theo ý Đức Giáo Hoàng (bao gồm Phong trào Giới trẻ Thánh Thể) nhấn mạnh rằng, chính là trong bối cảnh gia đình của chúng ta, qua những vui buồn, qua những chiến thắng và thất vọng, chúng ta lần đầu tiên học cách yêu thương và để cho mình được yêu thương. Gia đình là nơi chúng ta khám phá tình yêu và sự phục vụ, chia sẻ, đối thoại, tha thứ và hòa giải, thông qua cha mẹ và anh chị em, cũng như các thành viên khác trong gia đình. Yêu thương và được yêu thương khiến chúng ta trở nên nhân bản hơn và giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Mỗi gia đình đều khác nhau và phải vượt qua những thử thách rất lớn để phát triển và mang lại sức sống cho thế giới ngày nay.

Với ý cầu nguyện này, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc các gia đình sống một cuộc sống cầu nguyện và yêu thương nhằm ủng hộ sự phát triển nhân bản và siêu nhiên.

Trong nhiều lần và nhiều dịp khác nhau như trong các thánh lễ tại Santa Marta, Đức Thánh Cha kêu gọi các gia đình chú tâm vào những cuộc đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và học cách chấp nhận và tha thứ cho nhau.

Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo chống lại mối nguy hiểm từ chủ nghĩa cá nhân cực đoan, làm suy yếu mối quan hệ gia đình và cuối cùng coi mỗi thành viên trong gia đình là một đơn vị biệt lập, điều đó tạo ra nguy cơ không khoan dung và thù địch ngay trong gia đình. Nếu không có cuộc sống cầu nguyện chung với nhau, bao nhiêu rủi ro và bất hạnh đang chờ đón chúng ta trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Lòng Thương Xót còn làm được gì cho một tên khốn nạn như tôi

Một hôm, người ta đến báo cho thánh Phanxicô Salê (1567 – 1622) rằng: trong nhà giam có một kẻ bất hạnh bị kết án tử hình, và trong cơn phẫn nộ tuyệt vọng, anh ta từ chối mọi bí tích và phó linh hồn cho ma quỷ. Và không một phút chậm trễ, Đức Giám Mục Phanxicô Salê tức khắc chạy tới nhà giam.

Ngài âu yếm ôm hôn anh ta an ủi và cùng khóc với anh ta. Ngài giúp anh ta lấy lại lòng tin tưởng vào lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, ngài cũng cố gắng giúp anh ta biết chấp nhận cái chết bi thảm sắp tới để đền tội. Để chuẩn bị cho việc đền tội, anh ta cần phải xưng tội. Nhưng anh ta nói:

– Điều đó vô ích, vì tôi đã được dành cho Hỏa ngục rồi, và sẽ sớm làm mồi cho ma quỷ.

Đức Giám Mục Phanxicô Salê ôn tồn hỏi:

– Nhưng con của ta, con không thích làm mồi cho Thiên Chúa nhân từ và làm nạn nhân cho thập giá Đức Giêsu hơn sao?

– Tất nhiên là muốn, nhưng Thiên Chúa còn có thể làm gì cho một thằng khốn nạn như tôi?

– Chính là để cho những người như con mà Cha trên trời đã gởi Con Trai của Ngài xuống thế gian, và chính cho cả những người xấu xa hơn cả con nữa, như những tên đao phủ, như Giuđa phản Chúa, mà Đức Giêsu đã đổ máu Ngài ra.

Phạm nhân nói:

– Cha có bảo đảm với tôi rằng: tôi có thể trông nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa mà không cần đến một sự trâng tráo nào không?

– Trái lại, sẽ là một sự trâng tráo lớn khi không nghĩ rằng lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa có thể tha thứ mọi tội lỗi.

– Nhưng Thiên Chúa là Đấng công chính, Ngài sẽ kết tội tôi.

– Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, Ngài sẽ cứu con nếu con xin Ngài tha thứ với lòng ăn năn sám hối và khiêm nhường.

Động lòng bởi những lời nói tốt lành, tên phạm nhân đã xin xưng tội và kiên tâm đón nhận cái chết. Và anh đã sốt sắng lặp đi lặp lại lời cầu nguyện xuất phát từ tâm hồn tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa:

– Ôi Giêsu, con xin trao phó đời con trong tay Ngài, con tin tưởng vào Ngài.