Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Giáo Hội Năm Châu 10/06/2019: Giám Mục Mỹ bị tấn công tàn bạo trên các phương tiện truyền thông

1. Đức Cha Thomas Tobin: Người Công Giáo không được ủng hộ các cuộc diễn hành đồng tính

Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada nhận định cay đắng về bản án của Đức Hồng Y George Pell rằng:

“Thời này là thời đồng tính. Khi nói động đến người đồng tính, bạn phải cẩn thận uốn lưỡi không phải 77 lần 7 là 77 lần lũy thừa 7. Những thế lực tinh ra quỷ quái đã buộc Đức Hồng Y vào chính cái tội mà ngài chống đối gay gắt nhất.”

Trước thảm họa nhãn tiền của Đức Hồng Y Pell, vẫn có các Giám Mục trên thế giới không sợ. Đức Giám Mục Thomas Tobin của Providence, Rhode Island, Hoa Kỳ là một trong các vị ấy.

Bất chấp những trò ném đá hội đồng của hầu hết các phương tiện truyền thông tại Mỹ trong mấy ngày qua, Đức Giám Mục Thomas Tobin đã bảo vệ một tweet của ngài trong đó kêu gọi người Công Giáo không được ủng hộ các cuộc diễn hành đồng tính, và nói rằng những cuộc diễn hành như thế quảng bá một nền văn hóa trái với đức tin và đạo đức Công Giáo.

Đức Cha Thomas Tobin, là Giám mục Providence, Rhode Island, cho biết nghĩa vụ của ngài trước mặt Chúa là phải dạy bảo đức tin một cách rõ ràng về các vấn đề như vậy, và ngài sẽ tiếp tục làm như vậy bất kể những chống đối.

Ngài đã viết trên Twitter vào thứ Bảy rằng người Công Giáo không nên ủng hộ hay tham dự các cuộc diễn hành đồng tính vào tháng Sáu.

“Chúng đề cao một nền văn hóa và khuyến khích các hoạt động trái với đức tin và đạo đức Công Giáo,” ông nói thêm. “Chúng đặc biệt gây hại cho trẻ em.”

Tweet của ngài đã nhận được sự tấn công dữ dội trên các phương tiện truyền thông, lôi kéo các chỉ trích từ những người phò đồng tính khét tiếng như Mia Farrow và Patricia Arquette.

Hôm Chúa Nhật, Đức Cha đã đưa ra một tuyên bố tiếp theo nói rằng ngài lấy làm tiếc vì những bình luận của ngài đã biến thành một cuộc tranh cãi trong cộng đồng và gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những người đồng tính.

“Tôi cũng thừa nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ rộng rãi mà tôi đã nhận được về vấn đề này,” ngài nói thêm.

Đức cha Tobin nói thêm rằng ngài và Giáo Hội Công Giáo có sự tôn trọng và tình yêu dành cho những người đồng tính.

“Tuy nhiên, với tư cách là một Giám mục Công Giáo, nghĩa vụ của tôi trước mặt Chúa là dẫn dắt tín hữu được tôi chăm sóc và dạy bảo về đức tin, một cách rõ ràng và đầy lòng thương cảm, ngay cả trước những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đó là điều tôi luôn cố gắng thực hiện - về nhiều vấn đề khác nhau - và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi các vấn đề đương đại nảy sinh.”

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Cha Thomas Tobin

“Tôi rất tiếc rằng những bình luận của tôi ngày hôm qua về Tháng Tự hào đã trở nên gây tranh cãi trong cộng đồng của chúng ta và gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những người đồng tính. Đó chắc chắn không phải là ý định của tôi, nhưng tôi hiểu tại sao một số lớn các cá nhân đã cảm thấy bất bình. Tôi cũng thừa nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ rộng rãi mà tôi đã nhận được về vấn đề này.

Giáo Hội Công Giáo, cũng như tôi, có sự tôn trọng và tình yêu đối với những người đồng tính. Những cá nhân cảm thấy bị thu hút bởi đồng giới vẫn là những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Tuy nhiên, với tư cách là một Giám mục Công Giáo, nghĩa vụ của tôi trước mặt Chúa là dẫn dắt các tín hữu được giao phó chăm sóc và dạy bảo đức tin cho họ một cách rõ ràng và đầy lòng thương cảm, ngay cả trước những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đó là điều tôi luôn cố gắng thực hiện – về nhiều vấn đề khác nhau - và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi các vấn đề đương đại phát sinh.

Khi những người đồng tính tập hợp cho một cuộc biểu tình tối nay, tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ là một biến cố an toàn, tích cực cho tất cả mọi người. Khi họ tập hợp lại, tôi sẽ cầu nguyện cho sự tái sinh sự hiểu biết và lòng tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng rất đa dạng của chúng ta.”

Đức Cha Thomas Tobin

Giám mục Providence, Rhode Island.

2. Những chuyện bên lề trong chuyến tông du Lỗ Ma Ni của Đức Thánh Cha Phanxicô: Căn nhà lâu ngày cho chuyện Dracula hút máu

Claire Giangravè của tạp chí Crux cho rằng nghĩ tới vùng đông bắc Transylvania của Lỗ Ma ni, hình ảnh đầu tiên xuất hiện là những lâu đài phủ sương mờ, những căn nhà ma quái của Quận Công Dracula hút máu người.

Khung cảnh đầy điềm ấy không khác mấy so với bầu khí mục vụ ấm cúng chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm 2 tháng Sáu. Các xe do lừa kéo và các người địa phương vận y phục ngày lễ và truyền thống đã nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại Cánh Đồng Tự Do ở Blaj, Transylvania.

Trong khi chuyện hút máu dân gian chỉ là hư cấu, thì mảnh đất nhớp nhúa bùn của vùng Transylvania quả đã mục kích phần lớn các vụ đổ máu trong thật nhiều thế kỷ. Gần đây nhất, cộng đồng Kitô giáo bản địa của nó đã kinh qua bách hại cả dưới thời Quốc Xã lẫn dưới thời Cộng Sản.

Tại xứ sở bị chiến tranh và đổ máu làm cho tan hoang, Đức Phanxicô, trong Nghi Lễ Phong Chân Phúc cho 7 vị Giám Mục tử đạo, đã đọc một diễn từ cổ vũ nền văn hóa tự do và lòng thương xót, một nền văn hóa có khả năng đề kháng chủ nghĩa thực dân ý thức hệ vẫn còn đang đe dọa hủy diệt gia tài văn hóa của họ.

Ngài nói rằng “Các lãnh thổ này biết rõ con người phải chịu đau khổ như thế nào khi một ý thức hệ hay một chế độ nắm quyền, tự đặt mình thành quy tắc sống và đức tin của mọi người, làm giảm và thậm chí loại bỏ khả năng quyết định, tự do và không gian sáng tạo của họ”.

Ngài đơn cử “Các hình thức thực dân ý thức hệ làm mất giá trị con người, sự sống, hôn nhân và gia đình và trên hết, với các đề xuất có tính tha hoá cũng duy vô thần như các đề xuất trong dĩ vãng, gây hại các người trẻ tuổi và trẻ em của anh chị em, khiến họ không còn gốc rễ để từ đó có thể lớn lên”.

Ngài nói thêm: “bằng cách gieo rắc sợ hãi và chia rẽ, các tiếng nói đó đang chôn vùi những điều tốt đẹp nhất của các lãnh thổ này”.

Ngài nói như thế tại chính nơi, vào năm 1948, đảng Cộng Sản buộc cộng đồng Công Giáo Hy Lạp phải gia nhập Chính Thống Giáo đa số. Tại đây, ngài đã phong chân phúc cho 7 vị giám mục của giáo hội theo nghi lễ Đông Phương này, những vị đã từ khước việc từ bỏ đức tin dưới chế độ độc tài, một chế độ chỉ bị lật nhào vào năm 1989.

Ngài ca ngợi các vị: “Trước sự chống đối quyết liệt của chế độ, các ngài chứng tỏ một đức tin và tình yêu gương mẫu cho giáo dân của các ngài. Với lòng can đảm vĩ đại và sự dũng cảm nội tâm, các ngài đã thiết lập được niềm tín thác và tin tưởng vào Giáo hội yêu dấu của các ngài”.

Các mục tử, tử đạo vì đức tin này, đã tái chiếm hữu và truyền lại cho người Lỗmani, những điều mà chúng ta có thể tóm gọn trong hai từ ngữ: tự do và lòng thương xót”.

Tự do đã đành, nhưng thương xót ở chỗ nào? Đức Thánh Cha trích dẫn câu nói của một trong các vị này, Đức Cha Iuliu Hossu của Gherla, người được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong Hồng Y bí mật (in pectore) và việc này chỉ được công bố năm 1973, 3 năm sau khi ngài chết năm 1970 trong tư cách bị giam tại nhà từ khi được thả khỏi nhà tù năm 1955: “Thiên Chúa từng cảm thấy bóng tối của sự đau khổ này nên đã sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho mọi người hoán cải”. Không oán hận những người hành hạ mình chỉ một lòng tha thứ và cầu nguyện cho phần rỗi của họ.

Ngài cho rằng “Thái độ thương xót này đối với các người hành hạ các ngài là một sứ điệp tiên tri, vì ngày nay nó là một lời mời gọi mọi người chiến thắng hận thù bằng đức ái và tha thứ, bằng cách sống đức tin Kitô giáo một cách kiên định và can đảm”.

3. Câu chuyện Đức Giáo Hoàng xin lỗi người “Gypsies” vì nhiều người đã kỳ thị và cô lập họ

Cộng đồng thứ hai tại Lỗ Ma Ni cũng mang thân phận thiểu số bị trù dập, theo Giangravè của tạp chí Crux, là cộng đồng người Roma mà thông thường người ta vốn gọi là “Gypsies”.

Khi đến thăm họ, sau nghi lễ Phong thánh, tại khu Barbu Lăutaru ở phía bắc thành phố Blaj, nơi sắc dân này sinh sống đông đảo hơn cả, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng lòng ngài nặng chĩu “bởi nhiều kinh nghiệm kỳ thị, cô lập và đối xử tàn tệ” mà cộng đồng Gypsies từng phải chịu.

Điều đáng nói, theo ngài, là “lịch sử cho chúng ta hay cả các Kitô hữu, trong đó có người Công Giáo, không xa lạ gì với các tàn bạo này”. Nên, ngài nói với họ “tôi muốn xin lỗi anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ, nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa – và tôi xin sự tha thứ của anh chị em”.

Việc ngài đến thăm cộng đồng Gypsies ở Lỗ Ma Ni là một vòng tròn khép kín vì ngài từng gặp một phái đoàn Gypsies tại Nhà Trọ Thánh Marta, nơi ngài cư ngụ tại Vatican, trước khi lên đường qua Lỗ Ma Ni. Vòng tròn này cho thấy sự quan tâm của Đức Phanxicô đối với họ.

Con số của sắc dân này đông nhất tại Âu Châu, vào khoảng 2 triệu người. Và nền văn hóa du mục của họ, theo Giangravè, rất thích hợp để hội nhập các nét tôn giáo và ngôn ngữ của nước tiếp đón họ. Ở Lỗ Ma Ni, hơn 70% người Roma tự nhận mình theo Chính Thống Giáo, khoảng 7% theo Công Giáo và Thệ Phản. Thời Quốc xã, họ bị đầy đi lao động khổ sai. Hiện nay, họ bị buộc sống ở các khu ngoại vi thành phố với 95% tụ tập ở các khu thiếu thốn, nhiều khi không có điện và nước máy.

Xin lỗi rồi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục cộng đồng này chọn lựa giữa hòa giải và trả đũa. Ở đây, ngài nêu gương Chúa Kitô: “đường Chúa Giêsu... là đường đòi cố gắng, nhưng là đường dẫn tới hòa bình. Và nó băng qua tha thứ”.

Một phần gây trở ngại cho việc hội nhập là nỗi khó khăn của người Roma trong việc thích ứng với xã hội Tây Phương nhưng cũng vì sự kỳ thị chủng tộc và thiên kiến của người Tây Phương đối với họ. Như tục họ cưới vợ cưới chồng rất trẻ, lúc mới 11, 12 tuổi, đến nỗi họ được gọi là “dân con nít” (children people). Tại một số nước trong Liên Hiêp Âu Châu, trong đó có Lỗ Ma Ni, 42% người Roma chỉ học hết bậc tiểu học, 10% hoàn tất bậc trung học.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tìm thấy nhiều ưu điểm của họ đến nỗi ngài bảo “họ có vai trò lớn lao để thủ diễn” và họ đừng sợ chia sẻ vẻ đẹp và sự phong phú trong nền văn hóa của họ với thế giới, tức việc họ nhấn mạnh tới sự sống, gia đình, quan tâm đến người dễ bị thương tổn, kính trọng người cao niên và lòng hiếu khách.

4. Truyền thống các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm

Giám đốc biên tập hay người viết xã luận của Tòa Thánh, Andrea Tornielli, thì cho rằng khi xin lỗi cộng đồng Gypsies, Đức Phanxicô chỉ tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm.

Quả thế, ngay từ tháng 9 năm 1965, Đức Phaolô VI đã tỏ quan tâm đối với cộng đồng này khi cử hành thánh lễ tại Trại Roma Quốc Tế ở Pozezia. Dịp này, ngài nói với họ “anh chị em ở bên trong Giáo Hội; không ở bên lề, mà theo một nghĩa nào đó, ngay ở trung tâm, anh chị em ở ngay trung tâm Giáo Hội. Anh chị em ở trong trái tim của Giáo Hội vì anh chị em đơn độc”.

Dịp đó, Đức Phaolô VI cũng nhắc đến các lạm dụng, kỳ thị và bách hại chống lại người Gypsies, dù không tỏ lời xin lỗi; tuy nhiên, ngài vẫn là vị giáo hoàng đã khai mở thời đại tìm sự tha thứ từ các giáo hội Kitô giáo khác vì những trang sử đen tối của quá khứ.

Tornielli cho rằng chính Đức Gioan Phaolô II đã chuyên biệt đề cập đến việc xin lỗi, thực hiện trong lễ nghi thống hối nhân dịp Năm Thánh 2000 “Chúng ta hãy cầu xin để khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, Chúa và là Hoàn Bình của chúng ta, các Kitô hữu có khả năng ăn năn vì những ngôn từ và thái độ gây ra do kiêu căng, thù hận hay ý muốn thống trị người khác, ghét bỏ thành viên các tôn giáo khác và các nhóm yếu đuối nhất trong xã hội, như di dân và người du mục”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng biểu lộ sự quan tâm và hiểu biết đối với các cộng đồng này khi ngài tiếp đón đại diện khác nhau của người Roma và các sắc dân du mục khác: “bất hạnh thay, qua nhiều thế kỷ, anh chị em đã từng nếm mùi đắng đót của việc thiếu lòng hiếu khách và đôi khi, bị bách hại... Lương tâm Âu Châu không thể quên những đau khổ như thế! Ước mong sao dân tộc anh chị em không bao giờ là đối tượng của xách nhiễu, khước từ và khinh miệt nữa!”

5. Ðêm các đền thánh lần thứ nhất tại Ý.

Vào đêm ngày 01 cho đến rạng sáng ngày 02 tháng 06 năm 2019, hàng trăm đền thờ tại Ý đã tham gia sáng kiến “Ðêm các đền thánh” lần thứ nhất.

Cửa các đền thánh được mở và các ngọn đèn được thắp sáng, đón các tín hữu và du khách từ hoàng hôn cho đến nửa đêm, hoặc cho đến rạng sáng ngày hôm sau tại một số nơi.

Ðền thánh, trong đêm này, được xem là một nơi người ta được Lời Chúa chạm đến, là lời mời gọi phân định và mời gọi làm chứng và truyền giáo.

Văn phòng quốc gia về việc Mục vụ trong thời gian rảnh và mục vụ du lịch và thể thao của Hội đồng Giám mục Ý giải thích về sáng kiến này: “Mỗi đền thánh được yêu cầu thắp đèn ở cửa đền vào lúc 10 giờ đêm để có thể cùng hiệp thông với tất cả đền thánh ở Ý. Bắt đầu từ thời điểm này, đền thánh thực hiện các sáng kiến khác nhau, đã được nghĩ đến và lên chương trình. Mỗi đền thánh có thể lên kế hoạch kết thúc chương trình 'Ðêm các đền thánh' tùy theo điều kiện của mình. Các đền thánh nên tổ chức cuộc rước trước khi thắp sáng ngọn đền ở cửa đền”.

Ðây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức. Ðức cha Stefano Russo, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý nói: “Nó là cơ hội để làm sáng tỏ giá trị biểu tượng mạnh mẽ của các đền thánh đối với các cộng đoàn Kitô giáo và toàn thể nhân loại”. Ngài cũng nhắc lại lời Ðức Thánh Cha Phanxicô: “Các đền thành tại mỗi nơi trên toàn thế giới là dấu chỉ đặc biệt của đức tin đơn giản và khiêm nhường của các tín hữu, là nơi chúng ta cảm nghiệm các sâu sấc sự gần gũi của Thiên Chúa, sự dịu hiền của Mẹ Maria và sự đồng hành của các thánh: một kinh nghiệm thiêng liêng thật sự”.

Ðức cha khẳng định: “Dù cho khủng hoảng đức tin đang lan tràn trên thế giới hiện tại, những nơi này vẫn được coi là không gian thiêng liêng mà khách hành hương đến đó, để tìm một khoảnh khắc nghỉ ngơi, thinh lặng và chiêm niệm trong cuộc sống vội vã thường ngày, với nỗi nhớ về Thiên Chúa. Cầu xin rằng “Ðêm các đền thánh” là một cuộc gặp gỡ với những vấn đề của con người, để mang đến cho tất cả Tin mừng niềm vui, và cho Giáo hội một cơ hội để khám phá lại đền thánh được Thiên Chúa cư ngụ, nơi mà Người vẫn thực hiện những điều kỳ diệu”.

Ban tổ chức đã có những hướng dẫn cho sáng kiến này, từ chầu Thánh Thể đến xưng tội, từ những cuộc viếng thăm thần học nghệ thuật đến cầu nguyện cho ơn gọi, cho đến canh thức do giới trẻ, các nhạc sĩ, ca đoàn, thực hiện.

6. Vị linh mục hoán cải những tù nhân khét tiếng nhất ở nhà tù Challapalca.

Nhà tù Challapalca ở Peru bị xem như “hỏa ngục trần gian”, nơi giam giữ những tù nhân khét tiếng. Người ta sợ đến đó, lính canh phải hết sức để ý. Nhưng cha Gigi Ginami, một linh mục làm việc tại Roma, đã đến thăm và giúp cho nhiều tù nhân hoán cải, thay đổi cuộc sống. Cuốn sách “Angel” kể lại những cuộc hồi sinh thầm lặng nhưng cũng hêt sức kỳ diệu, nhờ sứ vụ của cha Ginami.

Từ hàng thập niên qua, Tòa Ân xá quốc tế đã tố cáo sự tàn bạo và sự xuống cấp của trại tù Challapalca. Nhà tù bị cô lập để ngăn cấm - cách chắc chắn - bất kỳ liên hệ nào với bên ngoài. Nhà tù được xây dựng từ năm 1996 đến 1997 để giam giữ 240 tù nhân nguy hiểm nhất của Peru: những kẻ giết người, buôn bán ma túy, những kẻ giết người hàng loạt. Bạo lực diễn ra ở đây không thể đếm nỗi.

Nhà tù Challapalca là một trung tâm cải huấn nằm ở tỉnh Tarata, vùng Tacna, miền nam Peru. Nằm ở độ cao 4,800 mét so với mực nước biển, nhà tù Challapalca trở thành trại giam có độ cao cao nhất ở Nam Mỹ. Nét đặc trưng của nhà tù này là nằm trong một khu vực khắc nghiệt, nằm trên các dãy núi không thể tiếp cận được, cách xa khỏi các khu dân cư, hầu như không có bất kỳ thông tin liên lạc nào và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Các điều kiện sinh sống tại nhà tù không xứng đáng với con người. Nước uống được chia theo phần; không có máy sưởi dù là về đêm nhiệt độ xuống âm 20 độ và ban ngày chỉ có 5 độ. Nơi đây thực là một hỏa ngục.

Nhưng chính ở trại tù trên cao đó, một linh mục trẻ người Ý, cha Gigi Ginami, làm việc trong giáo triều Roma, theo định kỳ, đến thăm các tù nhân (trong sự hoang mang lo lắng cách chung của chính quyền, vì hầu như không ai dám đi lên đó, mạo hiểm mạng sống của mình giữa những con người bị cô lập và tội phạm đó). Khi đức cha Ciro Quispe Lopez, Giám mục địa phương, nghe biết rằng có một linh mục từ Roma đã đến trại tù này và muốn tiếp tục trở lại đó để gặp gỡ các tù nhân, ngài đã không tin vào tai của mình. Ðức cha tự hỏi: Nhưng mà một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây, ở độ cao 4,600 mét như thế? Hoạt động nguy hiểm này đã được đức cha Quispe Lopez và chính cha Gigi Ginami thuật lại trong cuốn sách được đặt theo tên của một trong những tù nhân nguy hiểm nhất bị giam tại đó: Angel, và cũng là nhân vật chính của cuộc hoán cải gây sốc.

Ðức cha Quispe Lopez chia sẻ: “Sự căng thẳng ở Challapalca ở mức độ rất nguy hiểm. Mỗi ngày đều có cảnh báo liên tục. Nhiều người trong số các tù nhân bị giam giữ ở đó là những kẻ giết người hàng loạt hoặc trùm của các băng đảng hùng mạnh hoạt động trong các thành phố như Lima, Callao, Chlayo, Truillo, Piura”.

Cuốn sách Angelo đã được các giáo xứ ở Ý đón nhận và cha Gigi đã dùng số tiền thu được để tài trợ cho các dự án nhân đạo nhỏ ở những nơi khủng khiếp nhất trên hành tinh, những nơi Cha Gigi đến để mang lại một tia hy vọng. Ví dụ như tại một số vùng nghèo khổ cùng cực của Mêhicô, hay tại Châu Phi, nơi mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đang phát triển, hay tại Iraq, những giếng nước được xây dựng cho các cộng đoàn nhỏ.

Theo năm tháng, rất nhiều câu chuyện về những cuộc hồi sinh thầm lặng, có thể chỉ là những giọt nước trong đại dương, nhưng luôn luôn là điều gì đó rất quý giá đối với những ai từ lâu đã không còn hy vọng nữa.

Tại Vatican, nơi cha Gigi làm việc, ban đầu, cha bị xem như một người hơi khác thường nhưng rồi cha hoạt động năng nổ và cụ thể, nên họ để cha tiếp tục công việc của cha. Bù lại, danh sách những người được “tái sinh” mà cha Gigi đã thu thập được tại những nơi không thể tưởng tượng được trong 10 năm qua, đã được ghi nhận.

Cuộc hoán cải cuối cùng đã xảy ra tại Challapaca, nơi mà một Thánh lễ đã được cử hành trong nhà tù, tại hành lang của trại cải huấn, nơi các lính canh và tù nhân đã sống hòa bình với nhau trong 60 phút. Ðó là một kỷ lục. Ðức cha Quispe Lopez cho biết giây phút chúc bình an cũng thật an bình, như đang diễn ra tại một giáo xứ. Ðức cha nói: “Nó khiến tôi can đảm và cả tôi cũng đi đến ôm chào mỗi tù nhân và chúc bình an cho họ. Cha Gigi đã đến ngồi giữa các tù nhân mà không chút lo lắng bất an hay sợ hãi. Tôi tự hỏi: Ðiều gì đã khiến vị linh mục từ Vatican đến nơi này, với những tù nhân nguy hiểm nhất, những con người bị bỏ rơi? Tôi không thể tin vào mắt mình”.

Cha Gigi nói với các tù nhân bằng tiếng Tây Ban Nha: “Anh em đừng ngoái nhìn lại đàng sau; hãy nhìn về phía trước”.

Angel cũng ở trong số tù nhân này. Anh ta là một trong những tù nhân đáng sợ nhất ở nhà tù. Anh ta đã thực hiện hàng chục và hàng chục vụ giết người và một mạng lưới tham nhũng cho đến tận Bolivia. Angel bị giam ở nhà tù Challapalca từ năm 2012. Anh đã xin cha Gigi giải tội cho anh. Người lính gác không rời mắt khỏi Angel, theo lệnh chống bạo động, không bao giờ hết lo sợ rằng anh ta có thể làm hại vị linh mục.

Khi nhìn thấy Angel xưng tội, cả người lính gác cũng quỳ gối xuống ở một góc phòng giam và cởi bỏ mặt nạ xuống. Cha Gigi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ sát nhân. Cha nói với anh ta: “Angel, nếu anh thật sự muốn trở thành một con người mới và và đền bù tội ác mà anh đã gây ra, nếu anh có tiền, hãy sử dụng nó cho những người là nạn nhân của anh, xin lỗi họ, sống những năm ở trong nhà tù này và dâng những khó khăn vất vả cho những người anh đã giết và hành hạ. Sau đó, chúng ta hãy ôm chào nhau và cùng đọc kinh Kính Mừng Maria”.