Phòng Báo Chí Tòa Thánh xác nhận Đức Thánh Cha đã trải qua xét nghiệm coronavirus và cho kết quả âm tính

Lần đầu tiên Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã chính thức xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không nhiễm coronavirus và việc thử nghiệm gần đây của 170 nhân viên Tòa Thánh cho thấy chỉ có một trường hợp mới nhiễm bệnh.

Điều này đưa tổng số trường hợp coronavirus liên quan đến quốc gia Thành Vatican lên tới sáu trường hợp.

“Tôi có thể xác nhận rằng cả Đức Thánh Cha và các cộng tác viên gần nhất của ngài đều cho kết quả âm tính trong các xét nghiệm”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh tuyên bố.

Sáu trường hợp dương tính bao gồm một linh mục sống trong cùng nhà trọ Santa Martha với Đức Thánh Cha Phanxicô. “Vị linh mục này làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bị cách ly ngay khi ngài trình bày các triệu chứng của coronavirus,” ông Bruni nói.

Vị linh mục mà ông Bruni đề cập đến là Đức Ông Gianluca Pezzoli, 58 tuổi.

Cuộc sống của Đức Giáo Hoàng hiện nay bị giới hạn trong một vài không gian: vào buổi sáng, ngài cử hành thánh lễ một mình trong nhà nguyện với ba thư ký và ăn trưa một mình trong phòng. Ngài vẫn tiếp khách nhưng rất hạn chế và tham dự các cuộc họp trong Dinh Tông Tòa, chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và trình bày bài giáo lý cho buổi tiếp kiến chung hàng tuần giờ đây được truyền hình từ thư viện của Dinh Tông Tòa.

Con số 21 triệu tài khoản điện thoại bị đóng lại cho thấy bao nhiêu người đã chết trong dịch bệnh tại Hoa Lục

Như chúng tôi loan tin, trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 17 tháng Hai, ngay tại Bắc Kinh, hai nhà sinh vật học Tiểu Ba Đào và Tiểu Lôi đã khăng khăng bác bỏ các giải thích chính thức được phổ biến trên các phương tiện truyền thông nhà nước cho rằng dịch coronavirus đã phát sinh từ một chợ cá của Vũ Hán, và nói rằng dịch bệnh này thực ra phát sinh từ các phòng thí nghiệm ở thành phố này.

Hiện nay, Bắc Kinh đã cho những người bên ngoài vào Vũ Hán, nhưng dự trù đến ngày 8 tháng Tư mới cho những người từ Vũ Hán đi ra.

Trên mạng Vi Bác, hay còn gọi là Weibo, hai nhà sinh vật học này cho biết họ đã xin vào Vũ Hán để điều tra lấy thêm bằng chứng trước khi chợ Vũ Hán được san bằng nhưng bị chặn lại. Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Lý Trạch Hoa một người dẫn chương trình truyền hì21nh CCTV đã đến Vũ Hán với tư cách phóng viên tự do để báo cáo về dịch bệnh, đã bị bắt và tới nay vẫn không có tin tức nào về anh ta. Hai nhà báo khác cũng đã biến mất ở Vũ Hán là Phương Bân và Trần Thu Thực.

Số người thiệt mạng ở Trung Quốc do đại dịch coronavirus chủng mới có thể cao hơn rất nhiều so với con số chính thức mà chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố.

Tờ The Epoch Times, nghĩa là Thời báo Đại Kỷ Nguyên, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã đăng một báo cáo của ký giả Jennifer Zeng, trong đó cô trích thuật các phúc trình chính thức của Trung Quốc xuất bản hàng tháng. Phúc trình được công bố hôm 19 tháng 3, cho thấy số người tại Trung Quốc dùng điện thoại di động đã giảm từ 1 tỷ 600 triệu 957 ngàn người xuống còn 1 tỷ 579 triệu 927 ngàn người vào tháng 2 năm 2020; tức là có hơn 21 triệu tài khoản điện thoại không còn được dùng nữa.

Trong những tháng trước năm 2020, số lượng điện thoại di động không ngừng gia tăng.

Theo ký giả Jennifer Zeng, điện thoại di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở Trung Quốc do mức độ kỹ thuật số hóa rất cao để nhà nước có thể kiểm soát mọi lãnh vực của đời sống công dân.

Vào ngày 1 tháng 12 năm 2019, Trung Quốc đã thực hiện công tác quét khuôn mặt để xác nhận danh tính của những người bắt buộc phảỉ đăng ký số điện thoại. Tờ báo này trích dẫn dữ liệu hoạt động của cả ba công ty điện thoại di động Trung Quốc, cho thấy những trương mục điện thoại di động đều liên tục tăng cho đến tháng 12 năm 2019 nhưng đã giảm mạnh kể từ khi dịch coronavirus chủng mới bùng phát.

Hãng China Mobile, hãng cung cấp dịch vụ lớn nhất quốc gia này, nơi nắm giữ khoảng 60% thị trường điện thoại di động Trung Quốc, đã kiếm thêm được 3 triệu 732 ngàn trương mục vào tháng 12 năm 2019 sau khi luật quét khuôn mặt được ban hành, nhưng họ lại mất 862 ngàn vào tháng 1 năm 2020 và 7 triệu 254 ngàn vào tháng 2 năm 2020.

Tương tự, China Telecom, công ty lớn thứ hai, nơi nắm giữ khoảng 21% thị trường, đã tăng 1 triệu 18 ngàn người sử dụng vào tháng 12 năm 2019, nhưng đã mất 430 ngàn người sử dụng trong tháng Giêng và 5 triệu 600 ngàn người trong tháng 2 vừa qua.

Tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên, kể từ ngày 10 tháng 2, phần lớn sinh viên Trung Quốc đã tham gia các lớp học trực tuyến với số điện thoại di động vì các trường học đều đóng cửa. Như thế, số điện thoại di động lẽ ra phải tăng mới đúng.

Tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên cho rằng nếu chỉ có 10 phần trăm trương mục sử dụng điện thoại di động bị đóng do thiệt mạng vì coronavirus, số người chết đã lên đến ít nhất 2 triệu người.

So sánh với tình hình dịch bệnh ở Ý cũng cho thấy số người chết ở Trung Quốc đã được che đậy một cách trầm trọng. Tỷ lệ tử vong ở Ý cho đến nay là 9% trong khi ở Trung Quốc, nơi số người bị nhiễm vi khuẩn lớn hơn Ý, điều kiện y tế thấp kém hơn lại chỉ có 4%.

Mọi sinh hoạt tại tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của cơn bão dịch coronavirus dường như lại trái ngược với con số tử vong được báo cáo ở Trung Quốc. Bảy nhà quàn ở thành phố Vũ Hán được báo là phải thiêu xác 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần từ hồi cuối tháng Giêng. Tỉnh Hồ Bắc đã phải sử dụng 40 lò hỏa táng di động, mỗi lò có khả năng đốt năm tấn chất thải y tế và thi thể mỗi ngày, kể từ ngày 16 tháng Hai.

“Sự che đậy và quản lý sai lầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho phép vi khuẩn lây lan khắp Trung Quốc và tạo ra một đại dịch toàn cầu”, Tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên kết luận.

Ngoài ra, theo tờ Wall Street Journal, Bà Ngụy Qúy Hiền, người bán tôm tươi tại chợ hải sản Vũ Hán được cho là nạn nhân số Zero của dịch bệnh coronavirus của thế giới đã nói với phóng viên tờ Tài Tân phát hành tại Trung Quốc rằng số người lây lan và tử vong tại đây đã không lớn lao như thế nếu nhà cầm quyền Trung Quốc sớm cảnh báo và có hành động thích ứng.

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người đang sợ hãi và mất lòng tin vì dịch bệnh coronavirus

Lúc 7 sáng thứ Hai 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người đang bị đè bẹp bởi nỗi sợ gây ra từ dịch bệnh coronavirus, những người đang mất lòng tin vì dịch bệnh coronavirus. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho nhiều người thất bại trước dịch bệnh này và vẫn còn sợ hãi vì đại dịch. Xin Chúa giúp họ có sức mạnh để đối phó vì thiện ích của xã hội và toàn thể cộng đồng.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài liên quan đến bài đáp ca trích từ Thánh Vịnh 23 và áp dụng trong trường hợp hai người phụ nữ được trình bày trong Bài đọc Một và trong bài Phúc Âm trong ngày, là bà Susanna và người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Cả Susanna và người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình đều trải qua sự hiện diện của Chúa trong thung lũng tối tăm. Bà Susanna vô tội đã bị cáo gian, còn người phụ nữ kia đã phạm tội. Cả hai đã có một bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu của họ.

Các giáo phụ đã nhìn thấy một hình ảnh của Giáo hội trong những người phụ nữ này: đó là những con cái Chúa thánh thiện nhưng tội lỗi. Cả hai phụ nữ đều tuyệt vọng. Nhưng bà Susanna tin tưởng vào Chúa.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha đã bình luận về hai nhóm người đàn ông hiện diện trong những biến cố này. Cả hai nhóm đều có vị trí trong Giáo Hội. Nhóm các thẩm phán, và nhóm các thầy thông luật. Những người lên án bà Susanna là những kẻ băng hoại; còn những người lên án người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình là những kẻ đạo đức giả.

Một người phụ nữ đã rơi vào tay những kẻ đạo đức giả, còn người kia rơi vào tay những kẻ băng hoại. Họ không có lối thoát nào. Cả hai người phụ nữ đang ở trong một thung lũng bóng tối, hướng đến cái chết. Người đầu tiên, là bà Susanna rõ ràng đã giao phó mạng sống mình cho Chúa và Chúa đã can thiệp. Người thứ hai biết cô ấy là kẻ có tội. Cô xấu hổ trước tất cả mọi người. Tin Mừng không nói ra, nhưng chắc chắn cô đang cầu nguyện bên trong tâm hồn, cầu mong có ai đó giúp đỡ.

Cả hai trường hợp đều nhận được sự can thiệp của Chúa. Ngài biện hộ cho Susanna và tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình.

Chúa lên án những kẻ băng hoại, Ngài cũng giúp những kẻ đạo đức giả biết hoán cải. Nhưng Ngài không tha thứ cho những kẻ băng hoại, đơn giản vì kẻ băng hoại không có khả năng xin tha thứ. Họ tự mãn, họ tiêu diệt và tiếp tục khai thác mọi người. Họ coi mình đứng ở vị trí của Chúa.

Chúa đáp lại lời cầu xin của những người phụ nữ. Ngài giải thoát Susanna khỏi những kẻ băng hoại. Với người đàn bà ngoại tình, Ngài nói “Tôi cũng không lên án chị đâu. Hãy đi, và đừng phạm tội nữa”.

Trong trường hợp của Susanna, dân chúng ca ngợi Chúa. Những người có mặt cùng với Chúa Giêsu và người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình đã học được bài học về Lòng Thương Xót Chúa. Đây là những bài học mà tất cả chúng ta cần phải học bởi vì mỗi người trong chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình, những tội lỗi cá nhân của riêng mình. Nếu chúng ta không nhận ra tội lỗi của chính mình, thì chúng ta là kẻ băng hoại.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy nhìn vào Chúa, Đấng thực thi công lý, nhưng cũng là Đấng vô cùng thương xót, mỗi người chúng ta, khi nhìn thấy Chúa Giêsu đã hành động như thế nào trong những trường hợp này, hãy giao phó cho lòng thương xót của Chúa và cầu nguyện, hãy tin vào lòng thương xót của Chúa, hãy xin Chúa tha thứ, vì Chúa “dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. Lạy Chúa, dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.”


Source:Vatican NewsPope at Mass: ‘We pray for those who remain in fear’

Source:The epoch times
21 Million Fewer Cellphone Users in China May Suggest a High CCP Virus Death Toll

Source:Catholic News Agency
Vatican does coronavirus testing, says Pope Francis does not have virus