Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, khởi sự Tuần Thánh, là tuần lễ quan trọng nhất trong Phụng Vụ Công Giáo.

Ngày Chúa Nhật Lễ Lá này cũng là ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34 được cử hành ở cấp giáo phận.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, Chúa Nhật Lễ Lá còn được gọi là Chúa Nhật Thương Khó.

Tên đầu tiên xuất phát từ sự kiện trong ngày Chúa Nhật này chúng ta tưởng niệm Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem và đám đông dân chúng cầm những cành lá reo hò chào đón Người (Ga 12:13).

Tên thứ hai là do trong ngày Chúa Nhật này chúng ta nghe lại bài tường thuật về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

Tài liệu chính về việc cử hành các ngày lễ trong Tuần Thánh và lễ Phục sinh, có tên là Paschales Solemnitatis, cho biết như sau:

Theo phong tục từ ngàn xưa, Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem, được cử hành với một đám rước long trọng, trong đó cáctín hữu bắt chước những người Do Thái xưa cầm các nhành lá chào đón Chúa trong khi tung hô “Hosanna”.

Đức Bênêđíctô XVI giải thích từ ngữ này như sau:

Ban đầu từ này có ý nghĩa là một lời kêu cứu khẩn cấp. Hosanna có nghĩa là: Hãy đến trợ giúp chúng tôi! Các tư tế lặp lại lời hô này một cách tha thiết vào ngày thứ bảy của Lễ Lều, trong khi đi bảy lần xung quanh bàn thờ tế lễ, như một lời cầu nguyện khẩn cấp để cầu xin cho có mưa.

Nhưng khi Lễ Lều dần dần thay đổi từ một lễ cầu xin thành một lễ ngợi khen tán tụng Chúa, thì tiếng kêu cứu khi xưa cũng biến thành tiếng hò reo tưng bừng trong mừng rỡ hân hoan.

Vào thời Chúa Giêsu, từ này cũng mang âm hưởng mong chờ Đấng Messia. Trong lời tung hô Hosanna, chúng ta tìm thấy một biểu hiện của những cảm xúc phức tạp của những người Do Thái chào đón Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài: Họ vui mừng ca ngợi Thiên Chúa với niềm hy vọng rằng giờ của Đấng Thiên Sai đã đến, và đồng thời mong mỏi rằng vương quyền David và qua đó vương quyền của Thiên Chúa đối với dân Israel sẽ được tái lập.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trước sự hiện diện của khoảng 50 ngàn tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa sau đó.

Các cành lá dừa các bạn trẻ cầm trong cuộc rước lá do các Cộng đoàn Con đường Tân dự tòng trao tặng; còn các cây và cành ô liu trang trí bàn thờ và Quảng trường thánh Phêrô do miền Puglie nam Italia tặng. Sau cùng 2 ngàn cành lá dừa màu vàng được kết bện rất nghệ thuật, do các chính quyền ở thành phố San Remo và Bordighera và một số tổ chức khác ở miền Liguria trao tặng theo một truyền thống có từ thế kỷ 16. Các cành lá này được Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục, kinh sĩ đoàn Đền thờ Thánh Phêrô và đoàn giúp lễ và một số người khác cầm trong tay.

Đồng tế với Đức Thánh Cha và tham dự cuộc rước lá có 30 Hồng Y và 50 Giám Mục. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa thánh, còn có ca đoàn và ban nhạc của giáo phận Roma và ca đoàn Mẹ Giáo Hội.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các bạn trẻ của giáo phận Rôma và đoàn đồng tế từ bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô đang tiến ra quảng trường Thánh Phêrô với những nhành lá trên tay. Các vị hướng về tháp bút ở giữa quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha sẽ làm phép các cành lá.

Một phó tế đang kính cẩn rước sách Phúc Âm.

Sau lời chào Phụng Vụ, Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi cộng đoàn như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo Hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc thương khó và Phục Sinh của Ðức Ki-tô. Ðể chuẩn bị Tuần Thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ tình thương và cơm áo cho nhau.

Chúa Nhật lễ lá hôm nay là ngày kỷ niệm Ðấng Cứu Thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm tin mà hăng hái bước theo Người. Xin Người ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.

Rồi Đức Thánh Cha thinh lặng rảy nước thánh trên lá.

Tin Mừng Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mác-cô.

“Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa.”

Khi Ðức Giêsu và các môn đệ đi gần tới thành Giê-ru-sa-lem, lúc sắp vào làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi cây Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó về đây. Nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?” thì cứ nói là: “Thầy có việc cần dùng, rồi sẽ trả về ngay”. Hai môn đệ ấy ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. Mấy người đứng đó hỏi: “các ông cởi lừa người ta ra làm gì vậy?” Hai ông trả lời như Ðức Giêsu đã dặn. Và họ để cho đi. Hai ông dắt con lừa về cho Ðức Giêsu, trải áo choàng của mình lên lưng nó, và Ðức Giêsu cỡi lên. Nhiều người trải áo xuống mặt đường, môt số khác lại chặt cành chặt lá ngoài đồng rải lên lối đi. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Ða-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô Chúa trên các tầng trời!”

Ðó là lời Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau bài Tin Mừng, cuộc rước lá đã bắt đầu. Đoàn rước hướng về lễ đài chính được đặt trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô như ta vẫn thường thấy trong các thánh lễ đại trào do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Trong khi quý vị và anh chị em theo dõi cuộc rước này, chúng tôi cũng muốn trình bày với quý vị và anh chị em một luận điểm thú vị được tìm thấy trong cuốn “Jesus of Nazareth” – nghĩa là “Chúa Giêsu thành Nadarét” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Có phải chính đám đông đã từng hoan hô Chúa Giêsu khi Ngài vào thành Giêrusalem cũng chỉ là những người đòi đóng đinh Ngài chỉ vài ngày sau đó hay không?

Đức Bênêđíctô XVI lập luận rằng không phải như thế. Ngài viết.

Tất cả ba Tin Mừng Nhất Lãm, cũng như Tin Mừng theo Thánh Thánh Gioan, đều nói rất rõ rằng cảnh chào đón Chúa Giêsu như Đấng Messia đã diễn ra khi Ngài vào thành Giêrusalem và những người tham gia trong đoàn rước này không phải là cư dân của thành Giêrusalem, mà là những đám đông đi theo Chúa Giêsu và vào Thành Thánh với Ngài.

Điểm này được thể hiện rõ nhất trong trình thuật của Thánh Matthêu, thông qua đoạn văn ngay sau việc dân chúng tung hô Hosanna, Hoan hô con vua David: “Khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: ‘Ông này là ai vậy?’ Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy.” (Mt 21: 10-11)

Mọi người đã nghe nói về nhà tiên tri từ Nazareth, nhưng Ngài dường như không có bất kỳ tầm quan trọng nào đối với dân thành Giêrusalem và người dân ở đó không biết Ngài.

Đám đông tỏ lòng tôn kính với Chúa Giêsu tại cửa ngõ vào thành phố, do đó, không phải là đám đông mà sau đó đã đòi đóng đinh Ngài.


Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đang xông hương bàn thờ chính. Ngài cúi chào Đức Mẹ được đặt bên phải lễ đài và xông hương bàn thờ này.

Trong lời chào đầu lễ Đức Thánh Cha mời gọi cộng đoàn như sau.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng cứu chuộc loài người phải sống kiếp phàm nhân và chịu khổ hình thập giá để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh đang hát phần đáp ca.

Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

1. Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.

2. Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.

3. Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm... Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.

4. Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!”

Bài Ðọc II:

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ba phó tế đang tiến lên trước Đức Thánh Cha xin ngài ban phép lành cho họ để họ xứng đáng công bố Lời Chúa. Trong khi đó ca đoàn hát những lời sau:

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Trong bài giảng, sau bài Thương Khó, Đức Thánh Cha nói:

Những lời tung hô đầy hân hoan khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, đã được tiếp nối với sự sỉ nhục của Ngài. Tiếng reo hò lễ hội được nối tiếp bằng sự tra tấn tàn bạo. Mầu nhiệm hai mặt này đồng hành với chúng ta hàng năm khi chúng ta bước vào Tuần Thánh, như được phản ảnh trong hai khoảnh khắc đặc thù cho buổi lễ hôm nay: đó là cuộc rước lá khởi đầu và sau đó là việc tuyên đọc long trọng bài Thương Khó.

Được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và để có thể nhận được ân sủng mà chúng ta đã cầu xin trong lời cầu nguyện mở đầu, chúng ta hãy tiến vào diễn biến này, hãy dõi theo trong đức tin gương khiêm nhường của Đấng Cứu Độ chúng ta, hãy chú ý đến bài học về sự đau khổ kiên nhẫn của Ngài, để có thể chia sẻ chiến thắng của Ngài trên quyền lực của sự ác.

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách đối diện với những giây phút khó khăn và những cám dỗ quỷ quyệt nhất bằng cách giữ gìn trong tâm hồn chúng ta một sự bình yên không phải là sự thờ ơ không màng thế sự hay một sự trầm tĩnh siêu phàm, nhưng là sự phó thác cậy trông mọi sự cho Chúa Cha và cho thánh ý cứu độ luôn trao ban sự sống và lòng thương xót của Người. Chúa chỉ cho chúng ta thấy sự phó thác này bằng cách từ khước, tại mọi thời điểm trong sứ vụ nơi dương thế của Ngài, cám dỗ muốn làm mọi việc theo cách riêng của mình mà không hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Từ kinh nghiệm trong bốn mươi ngày của Ngài trên sa mạc cho đến đỉnh điểm của Cuộc Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã từ khước cám dỗ này bằng sự tin tưởng vâng lời của Người nơi Chúa Cha.

Hôm nay cũng vậy, khi tiến vào Giêrusalem, Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy đường lối này. Vì trong sự kiện đó, ma quỷ, hoàng tử của thế gian này, có một lá bài lật ngửa trên tay áo nó: đó là lá bài của chủ nghĩa vênh vang chiến thắng. Tuy nhiên, Chúa đã đáp lại bằng cách giữ vững đường lối riêng của Ngài, đường lối khiêm nhường.

Chủ nghĩa vênh vang chiến thắng cố gắng đạt được mục tiêu bằng các con đường tắt và các thỏa hiệp sai trái. Nó muốn nhảy lên xe ngựa của người thắng trận. Nó sống bằng những cử chỉ và lời nói không được trui rèn trong thử thách của thập giá; nó phát triển bằng cách nhìn người khác và liên tục đánh giá họ thấp kém, ham muốn, thất bại.. . Một hình thức tinh tế của chủ nghĩa vênh vang chiến thắng là tinh thần thế gian trong tâm linh, tiêu biểu cho mối nguy hiểm lớn nhất, cho cám dỗ quỷ quyệt nhất đang đe dọa Giáo hội (De Lubac). Chúa Giêsu đã phá hủy chủ nghĩa vênh vang chiến thắng bằng cuộc Thương Khó của Ngài.

Chúa thực sự vui mừng với mọi người, với những người trẻ tuổi đã hô vang tên Ngài và tuyên dương Ngài là Vua và là Đấng Thiên Sai. Trái tim Ngài vui mừng trước nhiệt tình và sự phấn khích của người nghèo Israel. Ngài quá vui đến nỗi khi những người Pharisêu yêu cầu Ngài quở trách các môn đệ vì những lời tung hô chói tai của họ, Ngài đã trả lời: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” ( Lc 19,40). Khiêm tốn không có nghĩa là chối bỏ hiện thực: Chúa Giêsu thực sự là Đấng Thiên Sai, là Vua.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, trái tim của Chúa Giêsu đang di chuyển trên một con đường khác, trên con đường thiêng liêng mà chỉ mình Người và Cha trên trời biết mà thôi: đó là con đường dẫn từ “địa vị Thiên Chúa” đến “địa vị của một người tôi tớ”, con đường tự hạ mình phát sinh từ “sự vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” ( Phil 2: 6-8). Ngài biết rằng chiến thắng thực sự liên quan đến việc có chỗ trong lòng mình cho Chúa và rằng con đường duy nhất để làm điều đó là tự trút bỏ chính mình, tự hủy chính mình, im lặng, cầu nguyện, và chấp nhận sự sỉ nhục. Không có sự thương lượng với thập giá: hoặc là ta chấp nhận nó hoặc là ta từ chối nó. Khi tự hạ mình, Chúa Giêsu muốn mở ra cho chúng ta con đường đức tin và đi trước chúng ta trên con đường đó.

Người đầu tiên đi theo Ngài trên con đường đó là mẹ Ngài, Đức Maria, môn đệ đầu tiên của Chúa. Đức Trinh Nữ Maria và các thánh phải chịu nhiều đau khổ khi đi trên con đường đức tin và vâng phục thánh ý Chúa. Đáp lại với đức tin trước những sự kiện khắc nghiệt và đau đớn của cuộc sống dẫn đến một “sự nặng nề đặc biệt nơi con tim” (x. Redeemoris Mater, 17). Đó là đêm đen đức tin. Tuy nhiên, chỉ từ đêm đó, chúng ta mới thấy bình minh của sự phục sinh ló dạng. Dưới chân thập giá, Đức Maria lại nghĩ thêm một lần nữa những lời mà thiên thần đã nói về Con Mẹ: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”( Lc 1: 32-33). Trên đồi Golgotha, Đức Maria phải đối mặt với một sự phủ nhận hoàn toàn lời hứa đó: Con Mẹ đang hấp hối trên thập tự giá như một tên tội phạm. Bằng cách này, chủ nghĩa vênh vang chiến thắng, bị phá hủy bởi sự tự hạ mình của Chúa Giêsu, cũng bị phá hủy tương tự như thế trong trái tim của Mẹ Ngài. Cả hai đều giữ im lặng.

Theo bước chân của Đức Maria, vô số những người nam nữ thánh thiện đã theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và vâng lời này. Hôm nay, Ngày Giới trẻ Thế giới, tôi muốn đề cập đến tất cả những vị thánh trẻ tuổi đó, đặc biệt là các vị thánh “bên cạnh nhà” chúng ta, mà chỉ Chúa biết; và đôi khi Ngài thích làm chúng ta ngạc nhiên với các vị này. Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ khi thể hiện sự nhiệt tình của các bạn đối với Chúa Giêsu, hãy hét lên rằng Ngài vẫn sống và Ngài là cuộc sống của các bạn. Tuy nhiên, đồng thời, đừng ngại đi theo Ngài trên con đường thập giá. Khi các bạn nghe rằng Ngài đang yêu cầu các bạn từ bỏ chính mình, để cho mình bị tước mất mọi thứ an ninh, và giao phó hoàn toàn bản thân cho Cha của chúng ta trên thiên đàng, thì hãy vui mừng và hân hoan! Các bạn đang trên con đường đến Nước Thiên Chúa.

Những tiếng tung hô hân hoan và sự tra tấn tàn bạo; sự im lặng của Chúa Giêsu trong suốt Cuộc Khổ Nạn của Người gây ấn tượng vô cùng sâu sắc. Chúa cũng đã vượt qua được cám dỗ đáp trả, cám dỗ hành động như một “siêu sao”. Trong những khoảnh khắc của bóng tối và đại nạn, chúng ta cần giữ im lặng, cần tìm can đảm để không nói, miễn là sự im lặng của chúng ta hiền lành và không đầy giận dữ. Sự hiền lành của im lặng sẽ khiến chúng ta dường như yếu đuối hơn, khiêm tốn hơn. Khi đó, ma quỷ sẽ thu hết can đảm và chường mặt ra. Chúng ta phải chống lại nó trong im lặng, giữ vững quan điểm của mình, nhưng với thái độ giống như Chúa Giêsu. Ngài biết rằng trận chiến là giữa Thiên Chúa và hoàng tử của thế gian, và điều quan trọng không phải là đặt tay lên thanh kiếm mà phải là vững vàng trong đức tin. Đó là giờ của Chúa. Đến giờ Chúa đến để chiến đấu, chúng ta phải lui xuống nhường lại cho Chúa hành động. Nơi an toàn của chúng ta sẽ là ở dưới lớp áo của Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Trong khi chúng ta chờ đợi Chúa đến và làm dịu các cơn bão (x Mt 4: 37-41), bằng các chứng tá thầm lặng trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể trả lời cho chính mình và bất cứ “ai chất vấn về niềm hy vọng của [chúng ta]” (1 Pr 3:15). Điều này sẽ giúp chúng ta vượt qua được những căng thẳng thiêng liêng giữa ký ức về những lời đã được phán hứa, và những đau khổ hiện nay trên thập giá, và hy vọng về sự phục sinh.


Source:Libreria Editrice Vaticana CELEBRATION OF PALM SUNDAY OF THE PASSION OF THE LORD HOMILY OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS St Peter's Square 34th World Youth Day Sunday, 14 April 2019