Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ Bẩy mùng 1 tháng Sáu là thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc.

Lúc 9g30 sáng thứ Bẩy, 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau.

Đến nơi lúc 10:10, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Sumuleu-Ciuc, rồi từ đó di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Sumuleu-Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Công Giáo theo nghi thức Latinh ở Rumani là thành viên của một sắc dân thiểu số Hung Gia Lợi. Họ không phải là những di dân. Tổ tiên họ vẫn ở đó từ trước nhưng các cuộc chiến tranh, bản đồ được vẽ lại, nên giờ đây họ thấy mình là người Rumani. Đó là một cộng đồng nhỏ được bao quanh bởi các Kitô hữu Chính thống ở một trong những xã hội sùng đạo tôn giáo nhất Châu Âu. Người Công Giáo sống chủ yếu trong các khu vực đồng bằng ở phía đông của khu vực Transylvania. Người ta có cảm giác rằng những khu vực này là những cái nôi hay một thành trì của Công Giáo. Có một truyền thuyết được phổ biến rộng rãi là Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trước một nhóm người Công Giáo đang bảo vệ khu vực này chống lại một đội quân Tin lành xâm lược. Một cuộc hành hương hàng năm đến địa điểm Đức Mẹ hiện ra này giúp củng cố ý thức rằng đây là một thành trì của Công Giáo ở Đông Nam Âu Châu.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, Rumani có 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận, một giáo phận Công Giáo Đông phương, và một giáo hạt tòng nhân cho người Armenia.

Tổng số người Công Giáo là 1,453,000, được chăm sóc mục vụ bởi 2006 linh mục trong 1,892 giáo xứ. Bên cạnh đó, còn có 1,141 nữ tu. Giáo Hội sở hữu 15 bệnh viện, 34 viện dưỡng lão và các nhà chăm sóc cho người khuyết tật và một số lớn trường trung học và tiểu học. Giáo Hội cũng có cả một trường Đại Học.

Rumani có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Miguel Maury Buendía, 63 tuổi, người Ý.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: (Bản dịch của Vũ Văn An)

Anh chị em thân mến, với niềm vui và tạ ơn Chúa, hôm nay, tôi tham gia cùng anh chị em tại đền Thánh Mẫu yêu dấu này, rất giàu lịch sử và đức tin. Chúng ta đến đây như con cái đến gặp Mẹ của chúng ta và nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em. Các đền thánh giống như các “bí tích” của Giáo hội, một giáo hội vốn là bệnh viện dã chiến: chúng giữ cho ký ức của dân trung thành của Chúa, những người, giữa cơn hoạn nạn, vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn nước hằng sống, luôn làm mới lại niềm hy vọng của chúng ta. Chúng là những nơi của lễ hội và cử hành, của nước mắt và khẩn cầu. Chúng ta đến dưới chân Mẹ, ít lời thôi, để Mẹ nhìn ngắm chúng ta, và với cái nhìn đó, dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14: 6).

Chúng ta đến đây vì một lý do: chúng ta là những người hành hương. Ở đây, hàng năm, vào Thứ Bảy trước Lễ Ngũ Tuần, anh chị em đến hành hương để tôn trọng lời thề hứa của tổ tiên anh chị em, và để củng cố đức tin của anh chị em vào Thiên Chúa và lòng sùng kính của anh chị em đối với Đức Mẹ, trước bức tượng gỗ vĩ đại của Mẹ. Chuyến hành hương hàng năm này là một phần của di sản Transylvania, nhưng đồng thời nó cũng tôn vinh các truyền thống tôn giáo của Lỗ ma ni và Hung gia lợi. Tín hữu của các tín phái khác cũng tham gia vào nó, và do đó nó là biểu hiệu của đối thoại, hợp nhất và huynh đệ. Nó mời gọi chúng ta tái khám phá việc làm chứng cho đức tin sống động và cuộc sống tràn đầy hy vọng.

Đi hành hương là nhận ra rằng chúng ta đang trên đường trở về nhà như một dân tộc. Cũng để nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc. Một dân tộc mà sự giàu có được nhìn thấy trên vô số khuôn mặt, vô số nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Dân thánh và trung tín của Thiên Chúa, trong kết hợp với Đức Maria, tiến trên đường hành hương miệng ca hát lòng thương xót của Chúa. Tại Cana miền Galilê, Đức Maria đã can thiệp với Chúa Giêsu để Người thực hiện phép lạ đầu tiên của Người; trong mọi đền thánh, Mẹ trông chừng chúng ta cầu bầu không những với Con của ngài mà còn với mỗi người chúng ta, xin cho chúng ta đừng để mình bị cướp mất tình yêu huynh đệ của mình bởi những tiếng nói và vết thương chuyên khích động chia rẽ và phân mảnh. Không được quên hoặc bác bỏ các tình huống phức tạp và đầy phiền muộn của quá khứ, nhưng chúng cũng không được gây trở ngại hay làm cớ cản trở ý chí của chúng ta muốn sống với nhau như anh chị em.

Đi hành hương là cảm thấy được kêu gọi và bắt buộc cùng làm cuộc hành trình với nhau, xin Chúa ban ơn thay đổi các oán giận và bất tín trong quá khứ và hiện tại thành các cơ hội mới để hiệp thông. Điều đó có nghĩa phải để lại phía sau sự an toàn và thoải mái của chúng ta và lên đường đến một vùng đất mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Đi hành hương có nghĩa là dám khám phá và thông đạt “bí nhiệm” sống chung với nhau, và không ngại hòa nhập, ôm hôn và hỗ trợ lẫn nhau. Đi hành hương là tham dự vào biển người phần nào hỗn độn đó, một biển người có thể đem lại cho chúng ta trải nghiệm đích thực của tình huynh đệ, là trở nên thành phần của một đoàn lữ hành có thể cùng nhau, trong liên đới, tạo ra lịch sử (x. Evangelii Gaudium, 87).

Đi hành hương là không nhìn quá nhiều vào điều đáng lẽ đã xảy ra (nhưng đã không xẩy ra), nhưng nhìn vào mọi điều đang chờ đợi chúng ta và không thể bị trì hoãn lâu hơn nữa. Đó là tin vào Chúa, Đấng đang đến và thậm chí lúc này đang ở giữa chúng ta, linh hứng và tạo ra tình liên đới, tình huynh đệ và mong muốn sự tốt lành, sự thật và công lý (x. Evangelii Gaudium, 71). Đi hành hương là cam kết bảo đảm rằng những người tụt hậu của hôm qua có thể trở thành những người chủ động của ngày mai, và những người chủ động của hôm nay không trở thành những người tụt hậu của ngày mai. Và anh chị em thân mến, điều này đòi hỏi một kỹ năng nào đó, nghệ thuật biết dệt các sợi chỉ của tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay, để nói với nhau: Mẹ dạy chúng ta dệt tương lai!

Là những người hành hương đến đền thánh này, chúng ta hướng mắt nhìn ngắm Đức Maria và mầu nhiệm Thiên Chúa kén chọn. Bằng cách nói tiếng xin vâng đối với sứ điệp của thiên thần, Đức Maria - một phụ nữ trẻ ở Nadarét, một thị trấn nhỏ ở Galilê bên rìa của Đế quốc Rôma và của chính Israel - đã khởi động cuộc cách mạng dịu dàng (x. Evangelii Gaudium, 88). Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa kén chọn: Người nhìn những kẻ thấp hèn và làm bối rối người quyền thế; Người khuyến khích và linh hứng để chúng ta nói xin vâng, như Đức Maria, và dấn bước lên đường hòa giải.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên: Chúa không làm thất vọng những người chấp nhận rủi ro. Vậy, chúng ta hãy lên đường lữ hành, và lữ hành với nhau. Chúng ta hãy chấp nhận mạo hiểm và để Tin Mừng trở thành chất men thấm vào mọi điều và làm cho các dân tộc chúng ta tràn đầy niềm vui cứu rỗi, trong hợp nhất và tình huynh đệ