Sau khi nhiều giáo phận Công Giáo trên thế giới đình chỉ các thánh lễ, thậm chí nhiều nơi còn đóng cửa các nhà thờ; và Chính Thống Giáo Constantinople cũng đã chọn một giải pháp tương tự, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Nga đã chỉ trích đường lối này là “cách hành động thực dụng của những kẻ không có chút hy vọng nào”. Tuy nhiên, đến nay ngài cũng đã phải chọn giải pháp này. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và anh chị em bản tường trình của Vatican News về trường hợp 6 nữ tu trong cùng tu viện thiệt mạng vì coronavirus, và các sơ còn lại đang trong tình trạng nghiêm trọng

Đó là những tin chính chúng tôi sẽ trình bày trong chương trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi các tin quan trọng liên quan đến tình hình Giáo Hội và thế giới trước đại họa coronavirus.

Tính cho đến chiều Thứ Ba 31 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức chóng mặt với 37,814 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 785,712 người.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 3,164 người, trong tổng số 164,248 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Số người chết tại Hoa Kỳ có thể lên rất cao trong những ngày tới vì 3,512 người đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân lý Tỏ tường cho biết, trên đồi Summit ở tiểu bang New Jersey, trong những ngày này đã rất sống động với âm thanh may vá. Các nữ tu dòng Đa Minh tại Tu viện Đức Mẹ Mân Côi đã dùng kim chỉ để giúp chống lại sự lây lan của coronavirus. Nhiệm vụ của chị là làm các mặt nạ cho các nhân viên y tế như quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này.

Với sự thiếu hụt mặt nạ cho các nhân viên y tế trên toàn quốc, các cơ quan và bệnh viện đang tìm kiếm sự hỗ trợ của công chúng.

Theo báo Người Việt online, từ Phoenix, tiểu bang Arizona, đến Tacoma, Washington, và đến California có những phụ nữ Việt Nam biết lợi dụng thời gian rảnh rỗi hiện nay để kêu gọi các đồng nghiệp, bạn bè, thân nhân phụ giúp họ trong việc tình nguyện bỏ thời giờ, tiền bạc và công sức ra mua vật liệu để may hàng ngàn chiếc khẩu trang bằng vải cột giây thun, đóng hộp rồi chất sẵn ở nhà chờ nhân viên y tế đến lấy đi. Được biết, trong số những thiện nguyện viên này có cả một bà cụ 92 tuổi và cậu bé 8 tuổi. Có nghĩa là công việc này không hạn định tuổi tác, miễn còn sáng mắt và biết sử dụng chiếc kéo cho đúng cách!

Tính đến chiều thứ Ba 31 tháng Ba, số người chết vì coronavirus tại Ý đã lên đến 11,591 người, và 101,739 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Tình trạng tại Ý hiện nay rất nguy hiểm với 3,981 người đang trong tình trạng nguy kịch. Các bệnh viện thiếu giường nằm, và các máy thở.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Ý đã phối hợp với tổng giáo phận Milan để biến phòng khám đa khoa Fiera di Milano do tổng giáo phận điều hành thành bệnh viện chuyên điều trị các bệnh nhân nhiễm coronavirus. Phòng khám sẽ chính thức hoạt động vào tuần tới. Tuy nhiên, hôm thứ Hai 30 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Mario Delpini đã đến làm phép và chúc phúc cho công việc này. Ngài nói:

“Chúng tôi ca ngợi cách kết hợp giữa chính quyền và Giáo Hội nhằm phục vụ tốt cho mọi người. Cách hợp tác đó hoan nghênh sự đóng góp của mọi người vì thiện ích chung”. Giám đốc bệnh viện là ông Marco Giachetti cho biết “Chúng tôi đang thiếu các bác sĩ nhưng việc tuyển dụng bác sĩ và y tá đang được Cục Bảo vệ dân sự hỗ trợ.”

Ông nói thêm:

“Tuần tới chúng tôi mới chính thức hoạt động nhưng ngay ngày mai, chúng tôi có 24 bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt ngay lập tức sẽ được chuyển từ các bệnh viện chung quanh đến.”

Trước con số tử vong ngày càng cao, nhiều nhà thờ trong các giáo phận phía Bắc Italia đã có sáng kiến đổ chuông một ngày 3 lần vào các giờ đọc kinh Truyền Tin, tức là 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, và 6 giờ chiều.

Ngay sau khi các tiếng chuông kết thúc, trên sân thượng nhìn ra một quảng trường hoang vắng Navona, ở Rôma, tay đàn guitar Jacopo Mastrangelo đánh lên khúc nhạc “C'era una volta in America”, nghĩa là “Ngày xửa ngày xưa ở Mỹ” của bậc thầy âm nhạc Ennio Morricone. Khúc nhạc buồn thật thê lương này nhắc mọi người nhớ đến những người đã chết vì virus Tầu quá độc địa này, các bệnh nhân nhiễm virus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong một cử chỉ cao thượng thể hiện tình liên đới với nước Ý đang lâm nạn, tổng thống Nga Vladimir Putin đã gởi khẩn cấp các phẩm vật y tế và một số y tá, bác sĩ quân y trong quân đội Nga sang giúp Italia như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Tử vong tại Tây Ban Nha đến nay đã tăng lên đến là 7,716 người, trong tổng số 87,956 trường hợp nhiễm bệnh. Số trường hợp nghiêm trọng tại Tây Ban Nha hiện nay là cao nhất thế giới với 5,231 người đang chống trả với cái chết trong các điều kiện y tế khá bi đát. Chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Hai, số người chết tại Tây Ban Nha là 913 người.

Trong một diễn biến thật bi hài, chính phủ của Thủ tướng Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội đang ráo riết đổ lỗi tình trạng trầm trọng hiện nay là do các dụng cụ xét nghiệm mua của Tầu.

Theo các quảng cáo rầm rộ của Trung Quốc, nhiều nước tin là người Tầu có kinh nghiệm về coronavirus trong mấy tháng qua, và có những khả năng nhất định liên quan đến coronavirus. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã phát hiện ra những bộ xét nghiệm coronavirus mang nhãn hiệu Thâm Quyến BioEasy mà họ đã mua của Trung Quốc chỉ có thể phát hiện được 30% các trường hợp dương tính với coronavirus. Những người trong số 70% còn lại sau khi được xác nhận âm tính đã lang thang khắp đó đây lây nhiễm cho người khác, không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn cả ở nước ngoài. Tây Ban Nha cũng đã đặt mua đến 5 triệu rưỡi bộ xét nghiệm nhanh bằng que thử trong vòm họng của Trung Quốc. Bây giờ đành phải quăng vào thùng rác vì độ tin cậy quá thấp.

Trước diễn biến này Hoà Lan, Cộng Hoà Czech, Ukraine, và Thổ Nhĩ Kỳ đang đua nhau trả lại hàng loạt những bộ xét nghiệm Thâm Quyến BioEasy.

Bộ Y tế Hòa Lan hôm thứ Bảy 28 tháng 3 cũng cho biết trên đài truyền hình quốc gia NOS rằng họ đã yêu cầu các bệnh viện của mình trả lại khoảng 600,000 khẩu trang cho Trung Quốc vì chúng có chất lượng quá thấp.

Tại Đức, số trường hợp tử vong đã lên đến 645 người trong số 66,885 trường hợp nhiễm bệnh.

Tại Köln, hôm 29 tháng Ba, Đức Hồng Y Rainer Woelki đã dùng một chủng viện làm nhà trọ cho những người vô gia cư. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục cho biết: “Tất cả các chủng sinh đang theo học đã được cho về nhà vì tình trạng dịch bệnh hiện nay. Ngôi nhà này của Chúa cần phải mở rộng vòng tay đón những người vô gia cư.”

Hiện nay tại Đức, do tình trạng dịch bệnh, nhiều người lâm vào tình trạng vô gia cư vì rất khó mướn nhà. Các du học sinh Trung Quốc là một thí dụ điển hình. Một nữ sinh viên Trung Quốc đến từ Thành Đô sống ở Berlin đã được chủ nhà của cô, là nữ diễn viên người Đức, Gabrielle Scharnitzky, đuổi ra khỏi nhà. Scharnitzky bảo vệ hành động của mình, nói rằng “Tôi phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm thực sự có thể xảy ra bởi một người trở về từ khu vực bị nhiễm virus, cứ ra vào nhà tôi thế này sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của tôi và sức khỏe của các khách đến thăm tôi”. Trước đó, nữ sinh này đã thông báo cho Scharnitzky về ý định về thăm Trung Quốc vào dịp Tết Canh Tí, nhưng cuối cùng cô không đi. Dù vậy, cô vẫn bị đuổi ra khỏi nhà.

Sáu nữ tu trong cùng tu viện thiệt mạng vì coronavirus, các sơ khác trong tình trạng nghiêm trọng

Sáu nữ tu trong một tu viện miền bắc Ý đã chết vì coronavirus, và chín nữ tu khác đang được điều trị trong bệnh viện sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19. Theo các phương tiện truyền thông Ý. Coronavirus đang lan nhanh trong một số tu viện ở Ý.

Nhà Mẹ của Dòng Các Nữ Tử Bác ái Truyền giáo ở Tortona, Ý đã rơi vào tình cảnh thật đau buồn khi một nửa trong số 40 nữ tu thử nghiệm dương tính với COVID-19 vào đầu tháng này.

Các nữ tu được tin là đã nhiễm bệnh trong khi phục vụ trong các công việc bác ái của các sơ.

“Nhiều lần với tư cách là các Nữ Tử Bác ái Truyền giáo, chúng tôi đã đặt ra cho mình mục tiêu là chia sẻ cuộc sống của những người nghèo và những người rốt cùng, là những anh chị em sống rất bấp bênh của chúng ta,” Sơ Gabriella Perazzi nói với Vatican News.

“Tại thời điểm này, chúng tôi chia sẻ cuộc sống của nhiều người, những người trên khắp nước Ý và trên toàn thế giới, trải nghiệm sự mong manh của cuộc sống này khi đối mặt với những gì đang xảy ra và làm đảo lộn cuộc sống của các gia đình, các cộng đồng tu trì. Tôi tin rằng Chúa kêu gọi chúng ta hôm nay phục vụ ở đây, trong sự bấp bênh này.”

19 nữ tu trong tu viện đã được đưa đến bệnh viện vào ngày 12 tháng Ba, các nữ tu còn lại đã bị cách ly ở một nơi cư trú khác.

Sơ Gabriella và một Sơ khác vẫn ở lại Nhà Mẹ để chăm sóc sáu nữ tu chưa nhiễm coronavirus, nhưng bị các vấn đề sức khỏe khác.

“Chúng tôi ở lại vì những chị em này cần sự giúp đỡ và nhà mẹ của chúng tôi dành cho chúng tôi một loại nhà nghỉ hưu nơi chị em đến ở sau một cuộc đời phục vụ.”

Nhà mẹ ở Tortona có mối liên hệ chặt chẽ với người sáng lập nhà dòng, là Thánh Luigi Orione, sinh năm 1872 và qua đời năm 1940. Ngài cũng là đấng sáng lập Dòng Nam Tử của Chúa Kitô,, dành riêng cho việc chăm sóc người già, những người tàn tật và những ai có hoàn cảnh khó khăn.

Tờ báo La Stampa của Ý ngày 27 tháng 3 đưa tin rằng trong số 19 nữ tu phải vào bệnh viện, 6 chị qua đời, 9 chị vẫn còn trong bệnh viện Tortona và 4 chị đã được xuất viện nhưng phải cách ly triệt để.

Coronavirus có thể lây lan rất nhanh trong các tu viện vì cuộc sống đoàn.

Như chúng tôi đã loan tin, trong một diễn biến đáng buồn, ít nhất 59 nữ tu trong hai tu viện tại Rôma đã thử nghiệm dương tính với coronavirus.

Theo hãng tin ANSA của Ý, tại Grottaferrata, một vùng ngoại ô của Rome, cộng đồng Các Nữ Tử của Thánh Camillo có 50 nữ tu. Cho đến nay đã có 40 sơ xét nghiệm dương tính với coronavirus, một sơ đã phải vào bệnh viện. Cộng đồng Các Nữ Tử của Thánh Camillo chuyên chăm sóc cho các bệnh nhân.

Các nữ tu Thiên Thần Nhỏ của Thánh Phaolô, có một tu viện ở Rôma, gồm 21 sơ. Đến nay đã có 19 sơ xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Một dòng truyền giáo của các linh mục ở Parma, thường gọi là các Cha Truyền giáo Xavêriô, đã chứng kiến 16 linh mục và tu sĩ chết từ ngày 29 tháng Hai đến nay.

Các linh mục và tu sĩ Xavêriô thiệt mạng trước đây đã từng làm truyền giáo ở Brazil, Indonesia, Rwanda, Congo, Sierra Leone và Bangladesh.

Tờ Avvenire nghĩa là Tương Lai của Hội Đồng Giám Mục Ý cho biết : trong số 11,591 người thiệt mạng vì coronavirus ở Ý, có ít nhất 79 linh mục triều.

Đức Thượng Phụ Kirill đã tuyên bố đóng cửa các nhà thờ, đình chỉ các thánh lễ

Theo sau một sắc lệnh của chính phủ Ý đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo công cộng trên khắp nước Ý, tối Chúa Nhật 8 tháng Ba, Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã công bố đình chỉ các Thánh lễ và các phụng vụ khác dành cho công chúng.

Hôm 12 tháng Ba, Đức Hồng Y De Donatis lại đi xa hơn một bước nữa, và tuyên bố thêm rằng tất cả các nhà thờ sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 3 tháng Tư, ngay cả cầu nguyện riêng cũng không được.

Trước các diễn biến này, trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Tass của Nga, Đức Thượng Phụ Kirill cho rằng đó là “cách hành động thực dụng của những kẻ không có chút hy vọng nào”.

Hôm 20 tháng Ba, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng đã ra lệnh đình chỉ các Phụng vụ Thánh của Chính Thống Giáo trên thế giới. Đức Thượng Phụ Kirill cũng đã lặp lại quan điểm này và nói rằng Chính Thống Giáo Nga sẽ vẫn tiếp tục cử hành các Phụng Vụ trong mùa Đại Chay của Chính Thống Giáo.

Tuy nhiên, hôm Chúa Nhật 29 tháng Ba, Đức Thượng Phụ Kirill đã phải thay đổi lập trường.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm Chúa Nhật, Đức Thượng Phụ Kirill khuyên các tín hữu không nên đến nhà thờ, vì tình trạng dịch bệnh coronavirus. Ngài cũng khuyên họ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sức khỏe của chính quyền.

Cho đến sáng ngày thứ Ba 31 tháng Ba, Nga đã có 1,836 trường hợp nhiễm bệnh trong đó 9 người đã chết. Tuy nhiên, may mắn là trong 1,836 trường hợp nhiễm bệnh chỉ có 8 trường hợp là nghiêm trọng phải vào bệnh viện. 66 trường hợp được xác nhận đã bình phục hoàn toàn.

Nhiều giáo sĩ và giáo dân Chính thống giáo Nga coi sự thay đổi lập trường này của Đức Thượng Phụ Kirill là sự đầu hàng trước “nỗi ám ảnh của những kẻ vô thần”.

Để biện minh cho quyết định của ngài, Đức Thượng Phụ đã trích dẫn một tấm gương về một ẩn sĩ từ thời cổ đại. Ngài nói trong thánh lễ tại Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế tại thủ đô Mạc Tư Khoa rằng:

“Tôi sẽ không bao giờ ra lệnh như thế nếu tôi không nhớ đến tấm gương tuyệt vời và thánh thiện của Thánh Nữ Maria người Ai Cập.”

Thánh nhân là một ẩn sĩ sống ở thế kỷ thứ 4 “trong 47 năm giữa sa mạc trong sự cô lập tuyệt đối, và ăn chay nhiệm nhặt”. Ngài được các Giáo hội Chính thống và Coplic tôn kính đặc biệt. “Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng tuyên bố một lời thề anh hùng là không rời khỏi nhà mình, giống như vị thánh vẫn ở trong sa mạc, cho dù với giá phải trả là chết vì khát”.

Đức Thượng Phụ Kirill nói rằng mối đe dọa của đại dịch là “rất nghiêm trọng” và đang lây lan nhanh tại Nga. “Vào thời điểm này, các công dân Nga có thể chưa nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình, tuy nhiên điều này là hiển nhiên khi nhìn vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới,” ngài nói.

Tại St. Petersburg, Thống đốc Aleksandr Beglov đã ra lệnh cấm các cuộc tụ tập tại các nơi thờ phượng cho đến ngày 5 tháng Tư, bất chấp sự phản đối từ các linh mục Chính thống địa phương đã kháng cáo viện dẫn luật tự do lương tâm, và thờ phượng.

Cha Georgij Mitrofanov, là giáo sư lịch sử và thần học tại Học viện Thần học St. Petersburg, đã giải thích sự miễn cưỡng của các tín hữu và giáo sĩ đối với các chỉ dẫn của chính quyền là vì mức độ tin cậy thấp mà dân chúng có đối với nhà cầm quyền.

“Quyền lực nhà nước luôn thờ ơ với nhu cầu của mọi người, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây” - Cha Georgij giải thích với Đài phát thanh Svoboda - “Họ luôn nói dối chúng ta, và ngay cả ngày nay họ vẫn tiếp tục nói dối, điều này là hiển nhiên. Các quan chức chỉ lo cho quyền lợi của mình chứ không phải của người dân, và do đó họ sẵn sàng truyền bá bất kỳ lời nói dối nào, nếu điều đó là nhằm bảo vệ chính họ. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của chúng ta với tình hình ở Ý và ở nhiều quốc gia khác: chính quyền của chúng ta biết cách nói dối hay lắm.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin có biệt tài chữa coronavirus

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết một trong những tin tức ngoạn mục nhất lưu hành trên các phương tiện truyền thông Nga trong những ngày này liên quan đến “sự chữa lành kỳ diệu” của một chàng trai trẻ tại bệnh viện Kransarka. Anh Dmitrij Garkavi, là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình trẻ tại bệnh viện Sechenov ở Mạc Tư Khoa. Ví các triệu chứng sốt cao, khó thở và ho nhiều, ngày 19 tháng Ba, anh bị đưa vào khoa truyền nhiễm của bệnh viện Kransarka, là một bệnh viện ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, dành cho các bệnh nhân coronavirus.

Hôm 24 tháng 3, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm những bệnh nhân trong đó có Garkavi, hỏi xem mọi thứ có ổn không và họ có hài lòng với việc điều trị y tế tại đây không. Sau cuộc gặp gỡ này, Garkavi bắt đầu lành bệnh đột ngột, theo lời kể của bác sĩ Andrej Volna, bạn của Garkavi, cũng là một bác sĩ chấn thương chỉnh hình tại Mạc Tư Khoa. Bác sĩ này nói trong một bài đăng trên Facebook rằng không thể chữa lành bệnh viêm phổi nhanh như vậy. Tuy nhiên, trong cùng ngày Garkavi đã bác bỏ những diễn giải kỳ diệu về sự phục hồi của mình, và cho biết anh ta đang tiếp tục quá trình điều trị và chờ đợi xét nghiệm thứ ba đối với coronavirus.

Thủ tướng Mikhail Mishustin, đang đề xuất áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất trên toàn quốc, theo bước của Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobjanin, là người đã quyết định kiểm soát tất cả người dân Mạc Tư Khoa thông qua điện thoại thông minh. Nhà lãnh đạo thủ đô này đang nổi lên như một nhân vật có thẩm quyền nhất trong số các nhà lãnh đạo chính trị có khả năng thay cho ông Putin.