Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Trung Quốc san bằng nhà thờ Công Giáo duy nhất tại một thành phố của tỉnh Thiểm Tây

Sáng 4 tháng Tư, trước những tiếng khóc nghẹn ngào của anh chị em giáo dân và những cái nhìn đầy kinh ngạc của người đi đường, bọn cầm quyền Trung Quốc đã san bằng ngôi nhà thờ duy nhất tại thành phố Tiền Dương thuộc tỉnh Thiểm Tây.

Giáo xứ Tiền Dương nằm ở một khu vực rất nghèo của tỉnh Thiểm Tây và là nơi sinh sống của khoảng 2,000 người Công Giáo, tất cả đều là nông dân. Ngôi nhà thờ gồm hai tầng. Tầng trên là nơi thờ phượng. Tầng dưới là nhà ở của các nữ tu và văn phòng nơi các nữ tu cung cấp các dịch vụ y tế, khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo.

Giáo phận Phượng Tường được chăm sóc bởi Đức Cha Luca Lý Kính Phong cho đến ngày ngài qua đời hôm 17 tháng 11, 2017 có một tính cách rất đặc biệt trong bối cảnh của Giáo Hội Trung Quốc: đó là giáo phận duy nhất mà cả các tín hữu lẫn giám mục đều không phải là thành viên của Hội Công Giáo Yêu nước. Từ ngày 17 tháng 11, 2017, Đức Cha Phêrô Lý Hội Nguyên 54 tuổi, Giám Mục Phó, lên thay vẫn giữ được truyền thống này.

Một số nhà quan sát cho rằng bạo lực đối với giáo xứ Tiền Dương là một cách để buộc giáo phận Phượng Tường phải áp dụng các quy định tôn giáo mới và buộc các giám mục và linh mục phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu nước.

Những người khác cho rằng bọn lãnh đạo tại thành phố Tiền Dương hiện nay gồm toàn những kẻ theo chủ nghĩa cộng sản cực đoan của Mao, coi “tôn giáo là một ảo mộng cần phải bị xóa bỏ”.

2. Sơ Eugenia Bonetti được giao viết các bài suy niệm Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colôsêô

Hôm thứ Sáu 5 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

“Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác việc biên soạn các bài suy niệm các chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Colôsêô cho nữ tu Eugenia Bonetti, thuộc dòng thừa sai Consolata, và là Chủ tịch Hiệp hội ‘Slaves no More’.

Sự đau khổ của nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người sẽ là chủ đề chính của các bài suy niệm.”

Sơ Eugenia Bonetti có bằng Thạc sĩ về Thần học và là thành viên của Liên hiệp các Bề trên Thượng cấp của Italia, phụ trách lãnh đạo công tác chống buôn người. Trong vai trò này, Sơ Bonetti phụ trách 250 nữ tu trên khắp thế giới, là những người làm việc để giúp các cô gái trẻ và các phụ nữ thoát khỏi những mạng lưới mại dâm.

Sơ Bonetti đã xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Not My Life”, trong đó sơ nói về công việc của mình ở Ý. Năm 2005, Sơ Bonetti tham gia một hội nghị do Tòa Thánh tài trợ để tìm hiểu cách thế Giáo Hội Công Giáo có thể chăm sóc mục vụ tốt hơn cho những phụ nữ bị ép làm gái mại dâm.

Sơ Bonetti được đưa vào danh sách mười người hàng đầu thế giới năm 2007 do tờ Inside the Vatican bình chọn.

Sơ Bonetti đã giành được Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế năm 2007 và giải thưởng Công dân Châu Âu năm 2013.

Theo chương trình, lúc 9 giờ 15 phút tối thứ Sáu Tuần thánh, 19 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Có khoảng 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.

Ban đầu, chính Đức Giáo Hoàng tự mình vác thập tự giá từ chặng này sang chặng khác, nhưng trong những năm cuối đời ngài, khi tuổi tác và bệnh tật hạn chế sức khoẻ của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã chủ sự buổi lễ từ một khán đài trên đồi Palatine. Chỉ vài ngày trước khi qua đời vào năm 2005, Đức Gioan Phaolô II đã theo dõi buổi đi đàng Thánh Giá từ nhà nguyện riêng của ngài trong khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin chủ sự toàn bộ buổi lễ.

Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.

3. Chính Thống Giáo tẩy chay chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bảo Gia Lợi

Trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc phiên khoáng đại hôm 3 tháng Tư, 2019, Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi hay còn gọi là Bungari cho biết Giáo Hội Chính Thống tại quốc gia này sẽ không tham dự vào bất kỳ Phụng Vụ hay cầu nguyện chung nào.

Thánh Hội Đồng nói rằng họ đã quyết định viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Anselmo Guido Pecorari, là Sứ thần Tòa thánh tại Bảo Gia Lợi, nói rằng vì lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Bảo Gia Lợi đã đến từ chính quyền quốc gia này, nên thật phù hợp là chính quyền phối hợp với Tòa Thánh trong các sự kiện liên quan đến chuyến thăm. Chính Thống Giáo tại Bảo Gia Lợi sẽ không tham gia vào các sự kiện đó.

Thánh Hội Đồng cho biết thêm là Đức Thượng Phụ Neofit và các thành viên của Thánh Hội Đồng đã chuẩn bị đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại trụ sở của Thánh Hội Đồng vào ngày 5 tháng 5, như được dự kiến trong chương trình dự thảo.

Tuyên bố nói thêm: “Một chuyến viếng thăm nhà thờ Alexander Nevsky là có thể, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ hình thức phụng vụ hoặc cầu nguyện chung, với các trang phục phụng vụ, đều không thể chấp nhận được, vì giáo luật không cho phép điều đó.”

“Cũng vì lý do này, sự tham gia của dàn hợp xướng của Đức Thượng Phụ trong các buổi lễ là không thể được.”

Thánh Hội Đồng cũng bác bỏ sự hiện diện của các vị đại diện cho Đức Thượng Phụ Neofit trong tất cả các sự kiện khác được hoạch định trong chương trình dự thảo do chính quyền Bảo Gia Lợi đề nghị.

Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa thánh cũng được thông báo rằng:

“Liên quan đến đề nghị của ngài xin phó tế Ivan Ivanov tham gia với tư cách là một thông dịch viên trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bảo Gia Lợi, Thánh Hội Đồng không ban phép việc này, ngoại trừ trong các chuyến viếng thăm trụ sở của Thánh Hội Đồng và Nhà thờ Chính Tòa Thánh Alexander Nevsky”.

Cuối cùng, tuyên bố nhấn mạnh rằng “Thánh Hội Đồng cũng không ban phép cho bất kỳ giáo sĩ Chính thống Bảo Gia Lợi nào tham gia vào tất cả các sự kiện khác trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Bảo Gia Lợi.”

4. Chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia

Theo dự trù, Ðức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Bảo Gia Lợi và Cộng hòa Bắc Macedonia từ ngày 5 đến 7 tháng 5 năm 2019. Đây là chuyến tông du thứ 29 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài Italia và là chuyến tông du thứ 4 của ngài trong năm 2019 này, sau Panama, Abu Dhabi, và Rabat.

Chúa Nhật 5 tháng 5

Sáng Chúa Nhật 5 tháng 5, lúc 7 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế của thủ đô Sofia vào lúc 10 giờ, theo giờ địa phương. Thủ tướng Boiko Borissov sẽ đón ngài tại phi trường và sau đó lễ nghi chính thức đón tiếp sẽ diễn ra tại khuôn viên phủ tổng thống.

Sau khi hội kiến với Tổng thống Roumen Radev, Ðức Thánh Cha sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Quảng trường Atanas Burov.

Kế đó, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm xã giao Ðức Thượng Phụ Neofit, là Giáo chủ Chính Thống Bảo Gia Lợi, cùng với Thánh Hội Đồng của Giáo Hội này trước khi đến cầu nguyện riêng trước ngai của hai thánh Cirillo và Metodio. Hai vị thánh này là bổn mạng các dân tộc Slave, tại Nhà thờ chính tòa thánh Alexander Nevsky của Tòa Thượng Phụ.

Buổi trưa, Đức Thánh Cha sẽ đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Nevsky.

Ban chiều, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo tại Quảng trường Knynaz Alexandar vào lúc 5 giờ chiều.

Thứ Hai 6 tháng 5

Sáng thứ Hai, 6 tháng 5 năm 2019, lúc 9 giờ rưỡi sáng, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến Rakovsky, là thị trấn có 17 ngàn dân cư ở mạn đông nam thủ đô Sofia, là vùng có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Bảo Gia Lợi.

Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm, và cho hàng trăm trẻ em sẽ được rước lễ lần đầu. Sau lễ, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục Bảo Gia Lợi tại tu viện Thánh Tâm của các nữ tu dòng Phan Sinh.

Buổi chiều, Ðức Thánh Cha sẽ gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky, trước khi đáp máy bay trở về thủ đô Sofia vào lúc 5 giờ chiều để chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình cùng với các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo tại Bảo Gia Lợi ở Quảng trường Nezavisimost. Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư Thánh Hội Đồng Chính Thống Giáo Bảo Gia Lợi bác bỏ khả năng họ sẽ đến tham dự buổi cầu nguyện đại kết này.

Thứ Ba 7 tháng 5

Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha sẽ giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia.

Skopje cách Sofia 174 km theo đường chim bay, và trễ hơn Sofia một giờ nên Đức Thánh Cha sẽ đến nơi vào lúc 8 giờ 15 phút giờ địa phương.

Tại đây, ngài sẽ gặp gỡ Tổng thống Gjorge Ivanov, Thủ tướng Zoran Zaev và chính quyền dân sự, cùng với ngoại giao đoàn tại Phủ Tổng thống.

Sau đó, Ðức Thánh Cha sẽ viếng đài kỷ niệm Mẹ Têrêsa Calcutta cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo địa phương, và gặp gỡ những người nghèo.

Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Macedonia, trước khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng.

Ban chiều cùng ngày, Ðức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ, trước khi có cuộc gặp gỡ các Linh Mục, các gia đình và nam nữ tu sĩ tại Nhà thờ Chính tòa Skopje.

Ðức Thánh Cha sẽ rời phi trường quốc tế thủ đô Bắc Macedonia lúc 6 giờ rưỡi chiều để trở về Roma. Theo dự kiến, ngài sẽ về đến phi trường Ciampino vào lúc 8 giờ rưỡi tối.

5. Đức Thánh Cha khích lệ các nhà báo: Hãy mạnh mẽ cổ vũ cho việc thông tin trung thực và tôn trọng phẩm giá con người

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm 4 tháng 5, trước phái đoàn các các nhà báo, và các nhà sản xuất các chương trình truyền hình Công Giáo, và Tin Lành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào ba điểm chính sau đây.

Đối thoại

Đức Thánh Cha đã ca ngợi điều mà ngài gọi là cuộc đối thoại sống động giữa các Giáo hội và giới truyền thông công cộng ở Đức. Ngài nói thêm rằng “cuộc đối thoại này mang lại sự hiểu biết, mở ra những chân trời và tạo ra không gian cho những trao đổi thông tin, ý kiến và phân tích tự do và cởi mở.”

Tường trình đúng thực tại

Điểm thứ hai trong diễn từ của Đức Thánh Cha liên quan đến việc tường trình đúng thực tại và ngài khuyến khích các thành viên trong phái đoàn nỗ lực đề cao việc thông tin trung thực thay vì các tin giả, những thực tại khách quan thay vì các tin đồn, các nghiên cứu chính xác thay vì những nội dung phỏng đoán.”

Nhân phẩm

Chuyển sang điểm thứ ba tập trung vào phẩm giá của con người, Đức Thánh Cha nhận xét rằng rằng “Trong khoảng một thời gian dài, chúng ta đã chứng kiến một biến chuyển đáng lo ngại trên thế giới: đó là sự thách thức quyền sống, đề cao an tử, bác bỏ công bằng xã hội, sự thiếu hòa nhập, vi phạm nhân phẩm và tự do lương tâm.”

Trong bối cảnh này, truyền thông công cộng có trách nhiệm giữ vững lập trường vì thiện ích và tự do quý giá của con người. Ngài nhấn mạnh rằng “Giáo Hội hỗ trợ anh chị em trong công tác phục vụ này, vì Giáo Hội được ủy thác một sứ mạng của Chúa Kitô Đấng đã đến giữa nhân loại để họ được sống và sống dồi dào.”

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha lưu ý rằng với tư cách là các nhà báo, họ phải đặt con người vào trung tâm của sự chú ý và ngài bày tỏ hy vọng rằng báo cáo của họ sẽ không bao giờ thiếu những câu chuyện, những tin tức đáng đề cập đến nhằm mang lại hy vọng cho mọi người.

6. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Cha Wilton Daniel Gregory làm Tổng Giám Mục Washington DC

Trong thông báo đưa ra hôm thứ Năm 4 tháng Tư, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức bổ nhiệm Đức Cha Wilton D. Gregory, hiện là Tổng Giám Mục Atlanta, làm Tổng Giám Mục thủ đô Washington DC.

Đức Tổng Giám Mục Wilton D. Gregory sinh ngày 7 tháng 12 năm 1947 tại Chicago. Sau khi học hết tiểu học ở Chicago, ngài vào tập viện Quigley. Ngài hoàn thành triết học tại Đại học Niles và thần học tại Chủng viện Saint Mary of the Lake ở Mundelein. Sau đó, ngài đạt được bằng Tiến sĩ Phụng vụ tại Đại Học Giáo hoàng Thánh Anselmo ở Rôma vào năm 1980.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 9 tháng 5 năm 1973 tại Tổng giáo phận Chicago.

Ngài đã từng giữ các vị trí sau: phó xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Glenview; Sinh viên tại Rôma; Giáo sư Phụng vụ tại Chủng viện Saint Mary of the Lake ở Mundelain, Thành viên Văn phòng Phụng vụ Tổng giáo phận và Trưởng ban Nghi lễ cho các Đức Hồng Y Cody và Bernardin.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Chicago vào ngày 18 tháng 10 năm 1983 và được tấn phong vào ngày 13 tháng 12 cùng năm.

Ngày 29 tháng 12 năm 1993, ngài được bổ nhiệm Giám Mục thứ bẩy của Belleville và chính thức nhận tòa vào ngày 10 tháng 2 năm 1994.

Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Atlanta vào ngày 9 tháng 12 năm 2004 và nhậm chức vào ngày 17 tháng 1 năm 2005. Ngài coi sóc tổng giáo phận này từ đó đến nay.

Trong Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ, ngài từng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thành viên của Ủy ban Hành pháp và Hành chính, Thành viên các Ủy ban Giáo lý Đức tin, Ủy ban Chính sách Quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân sự, Ủy ban về Thiên niên kỷ thứ ba 3. Nhẹ nhất là 10 năm tù. Nặng nhất là tù chung thân vì tham gia vào một kế hoạch đánh bom tự sát tại một nhà thờ ở thành phố Alexandria của Ai Cập. Bên cạnh đó, còn có các cáo buộc khác nữa, các quan chức tòa án cho biết như trên.

Chính quyền cho biết tại thời điểm bị bắt giữ các bị cáo đã bị tiêm nhiễm các ý tưởng của quân khủng bố Hồi Giáo IS và đã được đào tạo ở nước ngoài, cũng như tại Ai Cập.

20 trong số 30 bị cáo xuất hiện tại tòa án đã không phản ứng gì trước các bản án, và các luật sư đại diện cho họ cũng không đưa ra lời bình luận nào ngay lập tức. 10 người còn lại vẫn còn đang lẩn trốn và bị kết án vắng mặt.

Cuộc tấn công vào nhà thờ đã không diễn ra. Nhưng các Kitô hữu thiểu số đã phải đối mặt với một loạt các cuộc tấn công ở Alexandria và các khu vực khác của Ai Cập trong những năm gần đây.

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát vào các nhà thờ ở Alexandria và Tanta vào tháng 4 năm 2017 khiến 45 người thiệt mạng.

Các bị cáo cũng bị buộc tội lên kế hoạch đánh bom một cửa hàng rượu ở thành phố Damietta bên bờ Địa Trung Hải, bên cạnh đó còn có tội gia nhập một nhóm bất hợp pháp và sở hữu vũ khí và chất nổ.

18 người trong số họ đã bị tù chung thân, kéo dài ít nhất 25 năm ở Ai Cập; 8 người lãnh 15 năm tù; và 4 người đã bị kết án 10 năm. Chánh án Tòa án Hình sự Alexandria cho biết như trên.

Ai Cập đã đàn áp các nhóm Hồi giáo quá khích kể từ khi Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi lãnh đạo cuộc lật đổ quân sự năm 2013, bắt giam Tổng thống được bầu tự do đầu tiên, Mohamed Morsi, của nhóm Huynh đệ Hồi giáo.

7. Sau 15 tháng sống tại Medjugorje, Đặc sứ của Đức Thánh Cha nói gì?

Tờ Avvnire, nghĩa là Tương lai, là nhật báo của Hội Đồng Giám Mục Ý, đặt trụ sở ở thành phố Milan, với số phát hành lên đến hơn 100,000 ấn bản mỗi ngày. Trong số ra ngày thứ Năm 4 tháng Tư ký giả Vincenzo Varagona đã có cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser là Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Medjugorje mà người Việt thường gọi là Mễ Du.

“Medjugorje là dấu chỉ của một Giáo hội sống động,” Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser, người Ba Lan, cho tờ Avvnire biết như trên sau 15 tháng thay mặt cho Đức Thánh Cha tại đây. Ngài từng được bổ nhiệm tại Phi châu, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô gởi đến Medjugorje, một giáo xứ trong vùng Balkan được toàn thế giới biết đến sau các báo cáo cho rằng Đức Mẹ đã hiện ra bắt đầu từ ngày 26 tháng 6 năm 1981. Một số trong sáu người được tin là đã thấy Đức Mẹ hiện ra cho rằng Đức Mẹ vẫn tiếp tục hiện ra.

Đức Tổng Giám Mục Hoser đã dành cho tờ Avvnire cuộc phỏng vấn sau đây khi ngài vừa chấm dứt một bài giáo lý cho một nhóm rất đông những người hành hương Ý, trong “căn phòng màu vàng” rất rộng lớn, là nơi cũng được sử dụng để các tín hữu có thể theo dõi các nghi thức Phụng Vụ qua các màn ảnh truyền hình được đặt nơi đây, vì ngôi nhà thờ lớn đã trở nên không đủ chỗ.

Vincenzo Varagona: Khung cảnh trước mắt chúng ta là một ngôi “nhà thờ chính tòa” được mọc lên không thể giải thích được trong một vùng nông thôn không có người ở.

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Đó là một dấu chỉ tiên tri. Ngày nay khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới, từ 80 quốc gia. Mỗi năm chúng tôi tiếp gần ba triệu người.

Vincenzo Varagona: Đức Cha đánh giá thế nào về thực tại này?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi đánh giá trên ba bình diện. Thứ nhất là trên bình diện địa phương, giáo xứ; thứ hai là trên bình diện quốc tế, được nối kết với lịch sử của miền đất này, nơi có những người Croatia, Bosnia, Công Giáo, Hồi giáo, Chính thống; và thứ ba là bình diện toàn cầu, với các tín hữu đến từ mọi lục địa, đặc biệt là người trẻ.

Vincenzo Varagona: Trước những hiện tượng như thế này, luôn luôn có những ý kiến trái ngược được thảo luận một cách thẳng thắn, Đức Cha có ý kiến gì không?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Medjugorje không còn là một nơi bị “nghi ngờ”. Tôi được Đức Giáo Hoàng phái đến để đánh giá hoạt động mục vụ tại giáo xứ này, nơi lòng đạo đức bình dân rất mãnh liệt, được hình thành một mặt từ những hoạt động phụng tự truyền thống như đọc Kinh Mân Côi, chầu Thánh Thể, các cuộc hành hương, Đàng Thánh Giá; và mặt khác là các hoạt động đâm rễ trong các bí tích, ví dụ như bí tích Hòa giải.

Vincenzo Varagona: So với các kinh nghiệm Đức Cha đã trải qua ở các nơi khác, điều gì đánh động Đức Cha nhất ở đây?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Đây là một môi trường thích hợp cho im lặng và chiêm niệm. Bầu khí cầu nguyện lan tỏa không chỉ dọc theo Đàng Thánh Giá, mà còn trong “tam giác” được vẽ từ nhà thờ San Giacomo, đến ngọn đồi hiện ra và chấm dứt ở núi Krizevac. Trên đỉnh núi này từ năm 1933 đã có một cây thánh giá lớn màu trắng, được dựng lên nửa thế kỷ trước khi có các cuộc hiện ra, nghĩa là vào năm thứ 1,900 năm sau cái chết của Chúa Giêsu. Những điểm này là yếu tố cấu thành cuộc hành hương đến Medjugorje. Phần đông các tín hữu không đến đây vì các cuộc hiện ra. Bầu khí thinh lặng cầu nguyện với những giai điệu nhẹ nhàng của âm nhạc hài hòa là một phần của văn hóa này, trầm buồn, sâu lắng, nhưng đầy sự dịu dàng. Nhiều bản nhạc của cộng đoàn Taizé được dùng, tạo nên bầu khí thích hợp để suy gẫm, chiêm niệm, phân tích đời sống của mình và cuối cùng đối với nhiều người là hoán cải. Nhiều người chọn những giờ vào ban đêm để đi lên các đồi hiện ra và lên cả núi Thánh giá Krizevac.

Vincenzo Varagona: Mối quan hệ của Đức Cha với các “thị nhân” như thế nào, thưa Đức Cha?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi đã gặp tất cả. Lúc đầu tôi gặp bốn người, rồi hai người kia nữa. Mỗi người trong số họ có câu chuyện riêng, một gia đình riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải tham gia vào cuộc sống của giáo xứ.

Vincenzo Varagona: Công việc của Đức Cha tại đây như thế nào?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi chú trọng đặc biệt đến vấn đề củng cố đời sống tâm linh. Tất nhiên, không dễ để nói về điều đó với những người, mà lúc này lúc khác bằng các phương pháp khác nhau, tuyên bố rằng mình đã nhận được thông điệp của Đức Mẹ trong gần 40 năm qua. Tất cả chúng ta đều biết rằng tất cả mọi người, kể cả các giám mục, đều cần phải được liên tục củng cố đời sống tâm linh, trong bối cảnh cộng đồng thậm chí điều này còn cần hơn thế nữa. Đời sống tâm linh là một chiều kích cần phải được củng cố, với lòng kiên nhẫn.

Vincenzo Varagona: Đức Cha có thấy nguy cơ tập chú quá mức vào việc tôn sùng Đức Mẹ không?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Chắc chắn không. Lòng đạo đức bình dân nơi đây tập trung vào Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, nhưng đó vẫn là việc phụng tự có tính “Christocentric”, nghĩa là quy hướng về Chúa Kitô.

Vincenzo Varagona: Các căng thẳng với Giáo phận Mostar có giảm bớt không, thưa Đức Cha?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Đã có những hiểu lầm về chủ đề của các cuộc hiện ra, chúng tôi đã đặt ở trung tâm các mối quan hệ và trên hết là sự hợp tác trong lãnh vực mục vụ, kể từ đó các mối quan hệ đã phát triển không có nghi ngại nào nữa.

Vincenzo Varagona: Đức Cha nghĩ tương lai của Medjugorje sẽ như thế nào?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Thật không dễ để trả lời câu hỏi này. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng tôi có thể nói về những gì đã đạt được và đạt được ra sao. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc với 700 ơn gọi đời sống thánh hiến và linh mục, điều đó chắc chắn chỉ có thể có được khi bản sắc Kitô được củng cố, trong đó con người, qua Đức Maria, quay về với Chúa Kitô phục sinh. Đối với bất kỳ ai đến với nơi này, Medjugorje đưa ra hình ảnh của một Giáo hội vẫn sống động và đặc biệt là trẻ trung.

Vincenzo Varagona: Thưa Đức Cha, đâu là điều đánh động ngài nhất trong những tháng ngày sống ở đây?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Giáo xứ này là một giáo xứ nghèo, với một vài linh mục được làm giàu về mặt tâm linh nhờ có nhiều linh mục nước ngoài đi cùng với những người hành hương. Không chỉ có thế, chúng tôi còn có thêm nhân sự. Có một anh chàng người Úc, một người nghiện rượu, và nghiện cả ma túy. Tại đây, anh ta đã hoán cải và quyết định trở thành một linh mục. Tôi rất cảm động trước hàng dài những người đến với bí tích hòa giải. Có những người đến đây chỉ để xưng tội. Tôi có ấn tượng sâu sắc trước hàng ngàn gương hoán cải.

Vincenzo Varagona: Đức Cha có nghĩ là sự đột phá này cũng có thể đến từ sự công nhận Medjugorje như một giáo xứ trực thuộc Tòa Thánh?

Đức Tổng Giám Mục Hoser: Tôi không loại trừ điều này. Việc có một đặc sứ của Đức Thánh Cha tại đây đã được hoan nghênh, như một dấu chỉ của sự cởi mở đối với một biến cố tôn giáo có tầm mức quan trọng đến mức nơi đây đã trở thành một điểm tham chiếu quốc tế.