Đang có những lo ngại liên quan đến tình trạng lạm dụng giải tội tập thể trực tuyến ở một số nơi trên thế giới.

Tại Phi Luật Tân, một giáo xứ ở phía Bắc thủ đô Manila đã hủy bỏ dự định “giải tội tập thể trực tuyến”. Giáo xứ Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm ở thành phố Quezon, Phi Luật Tân đã quảng bá sự kiện “giải tội tập thể” sẽ được livestream vào ngày 3 tháng Tư.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm giáo xứ đã tuyên bố rút lại và đưa ra một lời xin lỗi.

Trong tuyên bố, giáo xứ cho biết “Cha Nelson đã nhận lỗi. Việc xá giải tập thể không thể được thực hiện trực tuyến”.

Tuyên bố nói thêm:

“Hối nhân phải đích thân có mặt tại chỗ, nghĩa là vị linh mục ban phép xá giải và hối nhân, là người nhận ơn xá giải, phải hiện diện ở cùng một nơi”.

Tưởng cũng nên biết thêm, người Phi Luật Tân có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt nên nhiều giáo xứ được đặt tên theo các tước hiệu của Đức Mẹ. Giáo xứ chúng tôi vừa nêu tên tiếng Anh là Our Lady of the Miraculous Medal, Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm. Từ ngữ phổ biến hơn trong tiếng Việt là Đức Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ rảy phép lạ. Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm là hình ảnh Đức Mẹ trên một tấm huy chương có nguồn gốc từ việc thánh nữ Catarina Laboure được tường thuật là đã nhìn thấy Đức Maria và được chính Mẹ vẽ mẫu. Tấm huy chương thực sự được chế tác bởi thợ kim hoàn Adrien Vachette.

Giáo Hội Công Giáo Rôma cho rằng khi mang theo tấm huy chương này với đức tin và lòng sùng kính có thể mang lại những ân sủng đặc biệt thông qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria trong giờ lâm tử. Trong giai đoạn nguy hiểm này của thế giới, nhiều Giám Mục Phi Luật Tân, như Đức Cha Broderick Soncuaco Pabillo, Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Manila đã khuyến khích các tín hữu đeo huy chương này.

Theo Tòa Ân Giải Tối Cao, nơi có thẩm quyền về bí tích xưng tội và các vấn đề thuộc về ấn tín tòa giải tội, việc xá giải tập thể mà không có sự xưng tội riêng trước đó chỉ có thể được đưa ra khi nguy cơ tử vong gần kề, khi không có đủ thời gian để lắng nghe những lời xưng tội của từng hối nhân, hoặc khi có một nhu cầu nghiêm trọng.

Trong bối cảnh dịch bệnh coronavirus bùng phát và nhiều giáo phận trên toàn thế giới đình chỉ các Thánh lễ và các buổi xưng tội, Vatican đã làm rõ rằng nếu việc xá giải tập thể được thực hiện, thì phải được giám mục bản quyền chấp thuận, đồng thời hối nhân phải đích thân hiện diện.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao, đã minh xác vào ngày 19 tháng Ba rằng các linh mục thực hiện việc xá giải tập thể trong các trường hợp nhất định phải giải thích được các điều kiện dẫn đến việc ban phát bí tích này dưới hình thức đại trà như thế, và cũng phải đích thân có mặt trước những người đón nhận bí tích, ít nhất là hối nhân phải có thể nghe thấy giọng nói thực sự của vị linh mục.

Cha Pius Pietrzyk, OP, khoa trưởng khoa nghiên cứu mục vụ tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, nói với CNA hôm thứ Năm rằng “các bí tích phải là cuộc gặp gỡ giữa vị linh mục và người lãnh nhận bí tích”.

“Tương tự như thế, hối nhân không thể xưng tội với một linh mục qua điện thoại, điều này sẽ loại bỏ cuộc gặp gỡ giữa hối nhân với bí tích, việc xá giải tập thể trên mạng đã xóa bỏ sự hiệp nhất giữa linh mục và hối nhân, và do đó là không hợp lệ,” ngài nói.

Ngài nói thêm:

“Cái cách thể hiện ảo về bí tích này không phải là những gì Giáo hội hiểu về bí tích. Họ cần phải hiểu rằng những gì họ đang làm không phải là một bí tích.”

Ngoài ra, giáo luật về vấn đề này rất rõ ràng, “nếu việc xá giải tập thể được thực hiện, vị giám mục bản quyền phải đưa ra các chỉ dẫn cụ thể. Các giáo xứ phải xin phép Đức Giám Mục để có thể thực hiện việc xá giải tập thể.”

Một nhân viên giáo xứ tại Giáo xứ Đức Mẹ Mề Đay Huyền Nhiệm đã không thể xác nhận liệu việc hủy bỏ dự định xá giải tập thể có phải là kết quả của một sự can thiệp từ phía Đức Giám Mục không.

Một giáo xứ khác của Phi Luật Tân, giáo xứ Đức Mẹ Sầu Bi trong Giáo Phận Tarlac, tính đến thời điểm Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đưa ra tin này vẫn tiếp tục chương trình xá giải tập thể được dự trù phát trực tiếp cho người xem với sự cho phép rõ ràng của Đức Cha Enrique Macaraeg, Giám Mục Tarlac.

Giáo phận Tarlac và Đức Cha Enrique Macaraeg đã không trả lời yêu cầu của CNA trước thời gian CNA công bố tin này.

Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám mục Jakarta, được tường thuật đã chủ sự một chương trình xá giải tập thể trực tuyến vào hôm Thứ Hai 30 tháng Ba.
 
Source:Catholic News AgencyPhilippines parish cancels planned “online general absolution”