MẸ SẦU BI
Bài giảng tại TTTM TàPao, sáng 13.9.2014
ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi theo niên lịch phụng vụ công giáo hiện hành, chỉ ở một vị trí khiêm tốn, không thuộc bậc lễ trọng như nhiều lễ khác về Đức Maria, như lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời tháng trước hoặc như lễ Đức Mẹ Mân Côi Tháng Sáu; lại xem ra tùy phụ vào lễ Suy tôn Thánh giá vốn được kính trước đó một ngày, (lễ Suy tôn Thánh giá vào ngày 14.9; còn lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15.9); lại còn nữa mang lấy phong vị buồn thảm đúng với tên gọi “sầu bi”, tức là sâu thương bi lụy. Chả thế mà ở Việt Nam không thấy nhà thờ giáo xứ nào hay nhà dòng nào mang lấy tước hiện này. Chẳng phải nói đâu xa, trong cộng đoàn hành hương thánh 9 tại Tàpao đây, không biết có quý bà quý cô nào nhận Đức Mẹ Sầu Bi làm bổn mạng không? Chắc là không rồi. Vâng, bậc lễ thì khiêm tốn và tên gọi của lễ cũng không hấp dẫn gì, nhưng vị thế tinh thần của lễ lại hoàn toàn đảo ngược, để lại nhiều âm hưởng trong đời sống Kitô hữu.
1. Lễ khẳng định Đức Mẹ hiệp công trong ơn cứu độ của Chúa Kitô
Mô tả hoạt cảnh trên núi Canvê, phúc âm thứ tư chỉ phác lên một nét đơn giản: “đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…” (Ga 19,25); nhưng chỉ cần chừng đó thôi cũng đủ để nói lên vị thế của Đức Maria là luôn luôn hiện diện bên cạnh Chúa Giêsu, không phải trong dáng dấp của hoàng thái hậu ngồi bệ vệ trên ngai như trong các bộ phim tàu được chiếu trên TV, mà trong phong thái của một người mẹ hết lòng gắn bó với vận mệnh của con mình bất kể trong hoàn cảnh nào, và ở đây chính là lúc con chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Mẹ đứng kề bên Chúa Giêsu trong tình hiệp thông cao độ đến nỗi Con chịu đau đớn thân xác thế nào thì Mẹ cũng chịu đau khổ tâm hồn thế ấy: Xác Con chịu đóng đinh, lòng Mẹ chịu đinh đóng; trái tim Con bị lưỡi đòng của tên lính đâm thấu, lòng dạ Mẹ chịu gươm nhọn cụ Simêon năm nào tiên báo xuyên thấu. Mẹ đứng kiên cường bền gan chịu đựng, dẫu không đổ máu bên ngoài, nhưng bên trong cũng chịu găm nhấm bởi mọi vết thương như Chúa Giêsu phải chịu. Mẹ đứng trong thinh lặng nghe lời “xin vâng” được thể hiện đến cùng trong những gì xảy đến cho Chúa Giêsu và những gì xảy ra cho Mẹ. Xin cho ý Chúa nên trọn.
Như vậy dáng đứng của Mẹ trùng khớp với dáng đóng dinh của Chúa Giêsu trên thập giá, nên cũng là dáng đứng thông dự vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Giáo Hội lập nên lễ Đức Mẹ Sầu Bi sau lễ Suy tôn Thánh giá để một mặt nêu cao sự song đối của hai dáng đứng này, và mặt khác tôn vinh Mẹ trong nỗ lực hiệp công cứu đời. Mẹ Sầu Bi, Mẹ xin vâng; làm nên dáng đứng hiến dâng cứu đời.
2. Lễ minh định Kitô hữu là con cái của Đức Mẹ
Cùng với niềm tôn vinh đợm vẻ sầu bi ấy, tâm tình ngày lễ còn reo lên ở một cung bậc khác, vui hơn, được xem như hoa trái của chính ơn cứu độ, đó là mỗi Kitô hữu được có Mẹ Maria là Mẹ của mình. Hồng phúc này dựa vào lời thứ ba Chúa Giêsu phán ra từ trên thập giá, lời mang màu trăn trối của người sắp ra đi trao cho kẻ ở lại, và là lời cảm động nhất chứa tâm tình; Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho thánh Gioan đồng thời trối thánh Gioan cho Đức Mẹ (x.Ga 19,26), làm thành nền tảng việc yếu Đức Mẹ trong Giáo Hội và trở nên tiền đề cho việc sung kính Đức Maria trong đời kẻ tin. Thật vậy, hòa mình trong lời trăn trối này, mỗi Kitô hữu trước hết tin vào lời Chúa, nhận biết mình là môn đệ Chúa Giêsu, nên cũng thừa hưởng phúa âm của Gioan, “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”, để đón lấy Đức Maria làm mẹ trong cuộc đời mình; và hơn nữa nhờ bí tích Rửa Tội, trở thành Kitô hữu, thuộc về Chúa Kitô, nên chi thể của Chúa Kitô, là anh em với Chúa Kitô, mà Chúa Kitô là con Mẹ Maria, nên cũng hạnh phúc có Mẹ Maria là mẹ trong đời để yêu mến, nũng nịu, cậy trông, khấn nguyện.
Còn Mẹ Maria, nếu đã yêu thương gắn bó với vận mệnh của Chúa Kitô là Đầu thế nào, thì mẹ cũng yêu thương gắn bó với mọi Kitô hữu là thân mình của Chúa Kitô như thế. Quả là hạnh phúc trong gia đình lung linh lung linh của Chúa Kitô có Đức Mẹ là mẹ mọi người. Và như thế, lễ Đức Mẹ Sầu Bi bổng trở thành lễ vui mừng ta nhận biết mình là người một nhà và có họ “Maria” với nhau. Chúc mừng! Xa xôi nên gần gũi, xa lạ thành thân quen, xa cách nên kết liền.
3. Lễ mời gọi Kitô hữu rước Đức Mẹ về nhà mình
Nhưng niềm hạnh phúc có Mẹ trong đời không chỉ dừng lại nơi xác tín, mà nhất thiết còn phải thể hiện ra cuộc sống, từ quyết tâm yêu mến sống theo gương Mẹ cho đến vững tâm cậy tin nhờ Mẹ xót thương cứu giúp. Bài Phúc Âm kết thúc bằng câu ngắn hướng đến thực hành “kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,27). Giờ đó là giờ nào? Thưa, cách chung là giờ liên quan đến công cuộc cứu rỗi của Chúa Giêsu thực hiện trên thập giá, và cách riêng chính là giờ của lời trăn trối mở ra mẫu tính thiêng liêng phổ quát của Đức Maria cho hết thảy mọi người. Nếu thánh Gioan và Đức Mẹ đã liên kết trong tình mẫu tử từ giờ cứu độ và Gioan đã thực thi di ngôn thập giá bằng cách rước Mẹ về nhà, không chỉ để kính yêu phụng dưỡng những ngày dương thế thay Chúa Giêsu, mà còn khai triển gương sống của Mẹ trong cả cuộc đời, thì chúng ta cũng không khác gì hơn là từ nay chân thành rước Mẹ về nhà, nhiệt thành yêu mến Mẹ bằng cách tập sống như Mẹ, và dài hơi hơn hãy trung thành bắn bó với Mẹ qua nhịp điệu cầu nguyện bằng kinh Mân Côi hằng ngày.
Có thể đúc kết lối sống Kitô hữu trong tương quan với Mẹ Maria bằng ba chữ: với Mẹ, như Mẹ và nhờ Mẹ. Rước Mẹ về gia đình, ta hạnh phúc được sống với Mẹ như lời kinh “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, mẹ-con cùng nhau chia sẻ”; hơn nữa, có Mẹ kề bên như mẫu gương, ta gọt giũa đời sống trong ngoài chung riêng như Mẹ; và từng ngày vững lòng cậy trông nhờ Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho ta mọi ơn lành hồn xác.
Như vậy, lễ Đức Mẹ Sầu Bi không còn mang bộ mặt bi lụy nữa mà đã tự nhiên chuyển thành hoan hỷ: vì Đức Mẹ hiệp công vào ơn cứu độ của Chúa Kitô, để trở nên Mẹ của mọi người, và mời gọi rước Mẹ về nhà mình. Người tôi quen dọn về nhà mới được một năm, nhưng cứ bị quấy rối giấc ngủ hoài. Có người bảo dưới nền nhà có nắm mồ, phải đào tìm dời đi, nhưng đào hoài không thấy. Có kẻ mách phải xoay giường theo hương khác, nhưng xoay đủ chiều cũng không xong. Cuối cùng, cha xứ hỏi nhà đã có ảnh tượng Đức Mẹ chưa, anh mới sực nhớ đi thỉnh về cùng với cỗ tràng hạt để mỗi tối đọc ba kinh Kính Mừng trước khi ngủ. Và lạ lung làm sao, kể từ ngày đó, anh đã có giấc ngủ ngon. Nghe anh tâm sự, tôi nghĩ giá mỗi gia đình công giáo biết rước Đức Mẹ về nhà và thành tâm sống với Mẹ và nhờ Mẹ, thì chắc chắn không chỉ có giấc ngủ bình an mà còn có nhiều thứ lớn hơn nữa.
“Tàpao lễ Mẹ Sầu Bi,
Lòng ấm lại, hết nghĩ suy lệ nhòa.
Lời xưa Thánh giá hiểu ra,
Con xin đón Mẹ về nhà tin yêu”