Sao lại đi tìm? Đăng lúc: Thứ bảy - 19/04/2014 09:37 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu - 02/08/2019 21:43
Phục sinh là một biến cố vô cùng trọng đại, đã được Phụng Vụ cử hành cách hết sức đặc biệt, với bốn mươi ngày Mùa Chay chuẩn bị, ba ngày cử hành thánh, và cách riêng đêm nay được gọi là đêm cực thánh, với việc long trọng công bố Tin Mừng Phục Sinh.
SAO LẠI ĐI TÌM (Lc 24,5)
 
ĐGM Giuse Vũ Duy Thống
         
         
Phục sinh là một biến cố vô cùng trọng đại, đã được Phụng Vụ cử hành cách hết sức đặc biệt, với bốn mươi ngày Mùa Chay chuẩn bị, ba ngày cử hành thánh, và cách riêng đêm nay được gọi là đêm cực thánh, với việc long trọng công bố Tin Mừng Phục Sinh.

Người ta chờ đợi, như thường được minh họa trong các bức vẽ truyền thống, là thấy cửa mồ thình lình mở tung ra, Đức Kitô xuất hiện trong ánh sáng chói lòa, giữa đoàn thiên sứ thổi loa loan báo. Nhưng không, biến cố ấy, như bài Phúc Âm hôm nay tường thuật, chỉ là một câu hỏi được đóng khung bằng nỗi sợ hãi nặng nề của các phụ nữ lúc mở đầu và của Phêrô hồi kết thúc. Còn Đức Kitô Phục Sinh thì người ta chằng thấy đâu. Câu hỏi ấy là: “Sao lại tìm một người sống từ trong cõi chết?”.
 
         
Câu hỏi ấy có ý nghĩa nào liên hệ đến Tin Mừng Phục Sinh? Trong Thánh lễ đêm nay, xin được cùng với cộng đoàn đi tìm lời giải đáp.
 
  1. Câu hỏi “Sao lại đi tìm?” là một lời gián tiếp công bố Tin Mừng Phục Sinh.
Thật vậy, bằng một hình ảnh biền ngẫu “sống – chết”, sứ thần đã khẳng định không úp mở rằng: Đức Kitô đã sống lại. Người là Thiên Chúa hằng sống, lẽ nào lại bị giam hãm trong ngục thất tử thần. Người là Thiên Chúa trời cao, làm sao có thể đi vào đất bụi. Người là Thiên Chúa tạo sinh, nên không thể bị ấn định bởi quy luật cát bụi vốn chỉ dành cho kiếp phận loài người thụ tạo. Nếu chết là “một cõi đi về” của con người thường tình, thì đi tìm Đức Kitô nơi nghĩa địa – chỗ người ta an táng Người, như các phụ nữ và Phêrô đã làm, dẫu đầy thiện chí và thành tâm, cũng là một việc “nhầm địa chỉ”. Đức Kitô là kẻ sống kìa! Người không có ở đó. Thảo nào, khi biết Người đã Phục Sinh, các phụ nữ và Phêrô đã bất ngờ sợ hãi.
Cách đây ba bữa, tại Nam Phi, trong một trận đá banh, khán giả đã chen chúc làm sập hàng rào đè chết hơn bốn mươi người. Sau đó, có một số người vì không thấy người thân của mình trở về, nên đành đi kiếm họ bằng cách lật xác xem mặt các nạn nhân. Theo dõi biến cố trên màn ảnh nhỏ, tôi thấy có nhiều người đã “nhầm địa chỉ” giống như bài Phúc Âm hôm nay: người nhà mình còn đang sống mà lại đi tìm họ giữa những kẻ xấu số. Trở lại trường hợp Đức Kitô: không thể thấy Người trong cõi chết vì Người đã sống lại rồi.
 
  1. Câu hỏi “Sao lại đi tìm?” cũng là một lời nhắc nhở niềm tin.
Phục Sinh là một biến cố gọi đến niềm tin và mở vào niềm tin. Kể từ Phục Sinh, người ta sẽ không thấy Đức Kitô bằng mắt thường nữa, nhưng sẽ gặp Người bằng ánh mắt đức tin. Bằng cách nhớ lại lời Người loan báo trước đây là: Người chết ba ngày rồi sẽ sống lại; bằng cách nhớ lại những việc Người làm trước đây là: ba lần Người cho kẻ chết được về lại cõi sống.
Nhưng sự thực đã không diễn ra đơn giản như vậy. Những người phụ nữ vẫn còn hốt hoảng, Phêrô cũng chẳng hơn gì. Kinh nghiệm về ngày Thứ Sáu Tử Nạn hãi hùng đã là tê liệt mọi cảm hứng đức tin. Vỡ mộng trắng tay, họ như những kẻ bể hụi phá sản chới với không biết bám víu vào đâu, ngoài việc vùi đầu trong thất vọng.
Vì thế, câu hỏi “tại sao?” của thiên sứ ở đây bỗng trở thành lời kêu gọi tỉnh thức là: đừng vô vọng kiếm tìm Đức Kitô trong cõi chết, Người không có ở đó, Người đã sống lại rồi; hãy thức tỉnh tìm Người trong cõi sống kìa; hay nói trắng ra là: đừng vì quá đau khổ thất vọng mà quên đi lời Chúa Kitô, để đi tìm Người ở những nơi Người không bao giờ có mặt. Người là Chúa của sự sống, bản tính của Người là hằng sống, địa chỉ của Người là cõi sống, gặp được Người là được sống.
 
  1. Câu hỏi “sao lại đi tìm?” còn là một lời kín đáo gửi đến mỗi người chúng ta để cảnh giác và thanh luyện niềm tin.
Là Kitô hữu tức là những người đã được thanh tẩy trong sự chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, đáng lẽ ta phải là những chứng nhân cho sự Phục Sinh, nhưng nhiều khi ta thường bị cám dỗ đi tìm Chúa ở những nơi Người thường không bao giờ có mặt. Trong nghi thức ta vẫn tuyên xưng Đức Kitô hằng sống, nhưng biết đâu trong lối sống cụ thể, ta lại đi tìm Người trong những vùng đất chết, những địa chỉ tử thần của những thứ đam mê không lành mạnh.

Tìm Người trong danh vọng theo kiểu “chiếu trên chiếu dưới” để hòng tiến thân bằng mọi giá ư? Không, Người chỉ có mặt trong nỗ lực hiến thân phục vụ quên mình.

Tìm Người trong giàu sang bất kể đến công bình bác ái, như mấy người trong vài vụ án buôn lậu ma túy mới đây ư? Không, Người chỉ có mặt nơi những tâm hồn giàu sang đức hạnh bất luận hôm nay họ đang nghèo hèn hay phú túc.

Tìm Người trong nếp sống dễ dãi buông thả theo kiểu thời thượng ư? Không, Người chỉ hiện diện trên Thập giá để mời gọi ta hãy Vượt qua thứ sáu Tử Nạn để đến với Chúa Nhật Phục Sinh hồng hào trong ơn thánh.
Nếu tin đủ, hãy dẹp bỏ thói quen vị kỷ để sống vị tha.

Nếu tin đúng, hãy sống nẻo đường mới thênh thang trong Đức Kitô Phục Sinh.
Và nếu tin thật, hãy hát lên câu Alleluia với những nốt nhạc tin yêu hy vọng.
 
Trích từ “ Hạt nắng vô tư”
 
 

Nguồn tin: gpphanthiet.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây