TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 10/2016
TRÁI THANH LONG
Anh chị em thân mến,
Mỗi lần gặp mặt trong những dịp mục vụ đó đây, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, thích gọi tôi là “Giám Mục thanh long”, vì trong chuyến viếng thăm mục vụ Giáo phận Phan Thiết năm nào, ngài đã quan sát tường tận cây thanh long qua các giai đoạn tăng trưởng, nhất là đã được thưởng thức hương vị của trái cây này, để rồi sau đó đưa vào trong bài giảng như một minh họa cho hành trình đức tin. Một cách trực tiếp, cách gọi tên này thật thân thiện, nhưng cách gián tiếp lại thúc đẩy tôi quan tâm nhiều hơn đến cây thanh long trên vùng đất Giáo phận, nhất là đến đời sống đức tin của các tín hữu gắn bó với loại cây kinh tế này. Thanh long, tên gọi gợi lên hương vị thanh thoát, nhưng ẩn hiện bên trong cũng có những số phận long đong của người trồng loại cây đậm tính nhiệt đới này.
1. Từ việc đối phó thường xuyên với sâu bệnh...
Không biết từ bao giờ dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã phân bố các trụ cây ngay hàng thẳng lối, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch, nhưng lại biết rất rõ rằng muốn có vụ mùa bội thu, mùa thuận cũng như mùa nghịch, người trồng phải bỏ ra khá nhiều công sức vun chăm, từ bón phân đúng lượng, phun thuốc đúng liều, đến thắp đèn đúng hạn và tưới nước đúng kỳ. Cứ để tự nhiên, trái thanh long khó có thể phát triển đồng đều về kích cỡ và chất lượng. Chính vì thế, cần có sự can thiệp tích cực của con người, từ khâu ngắt bỏ nụ yếu ớt để nhường sức cho những nụ khỏe mạnh hơn, qua việc vuốt tai để trái được cân đối, đến việc tạo dáng cho trái được no tròn đẹp mắt. Nhiều người cho biết: trồng thanh long là một quy trình vừa mang tính kỹ thuật vừa mang tính mỹ thuật. Kỹ thuật có thể truyền đạt qua kinh nghiệm, nhưng mỹ thuật chỉ có thể cảm thụ bằng con tim.
Trồng thanh long sợ nhất là bị sâu rầy bệnh tật, vì thế người trồng thường hớt tỉa cành, nhổ râu hoa, tránh sâu rầy leo lên phá hại; hoặc chăm sóc trái, tránh mọi tác nhân làm xấu đi dáng vẻ và chất lượng sản phẩm. Được biết hiện nay người trồng đang vất vả chống chọi với bệnh đốm trắng do nấm Neoscytalidium Dimidiatum gây ra trên cành và trái thanh long, lúc đầu chỉ là các vết lõm màu trắng, sau đó nổi lên thành những đốm vàng, cuối cùng chuyển sang nâu làm cho thân và trái trở nên sần sùi xấu xí, ảnh hưởng đến năng xuất và chất lượng vụ mùa. Vì sự chuyển đổi sắc mầu này, người trồng gọi đây là “nấm tắc kè”. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt vào mùa mưa khi độ ẩm tăng cao. Trong tình hình này, phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh vườn cây được xem là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, bắt chước tiền nhân năm xưa biết phối hợp lao động và ngửa mặt kêu xin “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”, người trồng cây hãy nỗ lực làm việc và vững dạ cậy trông, như có giáo xứ đã thành công bằng việc vệ sinh cho cây, bổ sung phân vi sinh cho đất và chung lời kinh cho mùa màng trước tòa Đức Mẹ: “Cúi xin Mẹ khứng chở che: tẩy sạch sẽ nấm tắc kè”.
2. ... Đến việc đối phó với quy trình xuất khẩu ...
Số phận trái thanh long khi còn ở trên cành long đong là thế: vươn lên nhờ trụ cột, khỏe mạnh nhờ bàn tay chăm sóc của người trồng, từ khi trổ nụ đơm bông cho đến ngày kết trái lớn lên về thể trọng và vóc dáng, sẵn sàng lìa cành cho vụ mùa chờ đợi. Nhưng từ khi tham gia thị trường xuất khẩu, trái thanh long còn biết đến nhiều nỗi truân chuyên khác do đường xa, phương tiện vận chuyển già nua và nhất là bàn tay lông lá của các thương lái vẽ chuyện vẽ đường. Đã có thời ồn ào chuyện thâu gom hoa thanh long khiến nhà vườn hoang mang không biết nên bán hoa hay đợi đến mùa bán trái. Có lúc giá đang rớt thê thảm thì vườn cây đồng loạt vào mùa, và cũng có khi giá lên ngất ngưởng mà trái cây lại chẳng có để bán ra. Vẫn biết thanh long được ghi nhận là trái cây làm thay đổi bộ mặt tỉnh Bình Thuận, cả về phương diện địa lý lẫn phương diện kinh tế, như nhiều khu vực thuộc Hàm Thuận Nam đã được phủ xanh toàn bộ ban ngày và thắp sáng đẹp mắt ban đêm. Dọc theo quốc lộ, nhiều nếp nhà mới khang trang mọc lên bên vườn thanh long xanh xanh mút mắt. Và theo cách nói của báo chí, cũng có cả một thế hệ “quý tử thanh long” với loạt xe đời mới mỗi dịp cuối tuần ngang dọc trên khắp nẻo đường.
Báo chí mới đây còn nêu lên nghi vấn “Thương lái Trung Quốc thao túng thanh long Bình Thuận” khiến Sở Công Thương tỉnh phải cho kiểm tra, xác minh diễn biến tình hình. Theo báo cáo sau đó thì sự hiện diện của tổ chức và cá nhân người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc đang hoạt động mua bán thanh long trên địa bàn tỉnh là có thật, dù chưa đến mức thao túng. Người Trung Quốc qua Việt Nam bằng con đường du lịch, tham quan, núp bóng doanh nghiệp trong tỉnh, thuê lại nhà xưởng để tổ chức kiểm tra chất lượng, thu mua và đóng gói hàng sang Trung Quốc. Trước hiện tượng này, Đoàn liên ngành tỉnh đã xử lý một số tổ chức, cá nhân kinh doanh trái phép và xử phạt một số lao động khác vi phạm hành chính. Rõ ràng đường đi của trái thanh long còn lắm nhiêu khê. Chừng nào nhà vườn chưa biết đến một tổ chức chung lo bảo vệ chất lượng sản phẩm, đàm phán giá cả và xếp đặt lộ trình đến với người tiêu dùng đúng với luật pháp và hợp với thị trường, thì đường đi của trái thanh long còn tiếp tục chịu cảnh long đong giữa chốn chợ đời. Bệnh nấm tắc kè trên trái thanh long thì còn có thể chữa lành, chứ bệnh ấy một khi đã lây sang cách cư xử của thương lái thì chỉ còn cách duy nhất là “bó tay chấm com”.
3. ... Để hình thành cung cách sống đức tin
Về mặt kinh tế, khi trái thanh long đến tay người tiêu dùng, khép lại vòng quay mua bán với “tiền trao cháo múc”, thì cũng là lúc nhà vườn bước vào vòng quay khác: làm vệ sinh vườn và bồi dưỡng cây đợi chờ mùa mới. Gieo trong nước mắt, gặt giữa hân hoan; đi buồn lặng lẽ, về vang tiếng cười. Những long đong của cây trái và người trồng đã được bù đắp. Và thế là đẹp cho một quy trình. Nhưng về mặt niềm tin, tín hữu trồng thanh long còn lưu ý đến khía cạnh đạo đức trong khi làm việc nữa.
Trước hết, hãy nhớ rằng con người được trao quyền làm chủ thiên nhiên, nhưng đồng thời có nghĩa vụ phải giữ gìn thiên nhiên hài hòa và làm cho nó ngày thêm phát triển (x. St 1, 16-30). Như thế có nghĩa là sau mỗi vụ mùa, người trồng thanh long phải nghĩ tới việc hồi dưỡng đất đai ruộng vườn, vừa nhắm đến vụ mùa sắp tới vừa thực thi lẽ công bình đối với thiên nhiên, và thông qua đó, đối với Thiên Chúa. Trong ý nghĩa này, Để cho ruộng vườn cằn cỗi là thiếu bổn phận đối với đất đai hôm nay và thiếu trách nhiệm đối với thế hệ tương lai. Không phải vô tình mà người Mỹ có ngày lễ Thanksgiving vào Thứ Năm tuần thứ tư trong tháng 11, mà là họ chủ ý dành thời gian cuối năm để tạ ơn trời đất, thiên nhiên và Thiên Chúa, đã ban cho mưa thuận gió hòa, đất đai mầu mỡ, mùa màng bội thu. Vẫn biết lao động đích thực chẳng bao giờ nhàn hạ, nhưng dù khó nhọc, ta hãy hãnh diện sống lấy tâm tình tạ ơn như thế. Sau đó, người trồng thanh long cũng ghi nhận trong tư cách là người lao động công giáo, mình cần được nghỉ ngơi. Đây là quyền lợi chính đáng cũng như là nghĩa vụ đúng đắn. Sau những tháng ngày vất vả với ruộng vườn, người ta được bồi bổ sức khỏe thể xác và linh hồn để hạnh phúc trong việc làm, nhất nữa được làm việc trong tình thương của Thiên Chúa và trong vòng tay đầm ấm của Giáo Hội. “Làm bởi bay, ban bởi Ta”. Chân lý ấy chẳng bao giờ sai, khi tín hữu biết kết hợp hài hòa giữa nỗ lực và cậy trông, để trúng mùa không kênh kiệu và nếu như gặp thất bát cũng tin tưởng để bắt đầu lại. Thất bại là mẹ thành công. Cuối cùng, trong tư cách là giáo dân trong các giáo xứ, anh chị em đừng bao giờ quên bổn phận thánh hóa ngày Chúa Nhật, bao gồm việc tham dự thánh lễ và kiêng việc xác như quy định. Nếu không được ăn uống một ngày, người ta cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của mình thế nào, thì việc bỏ lễ ngày Chúa Nhật cũng phải trở thành nỗi lo cho đức tin của mình như vậy.
Ngoài ra, qua phản ảnh của các cha quản xứ, được biết anh chị em trồng thanh long những năm gần đây được mùa, đã làm lại nhà cửa khang trang và đóng góp rộng rãi cho các công trình xây dựng Nhà Chúa, cũng như cho các công việc chung của Giáo Phận. Xin chúc mừng và cám ơn anh chị em. Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót chúc lành cho tất cả.
Anh chị em thân mến,
Cùng trái thanh long đối phó với dịch đốm trắng và cùng người trồng vất vả trên đường xuất khẩu, Tháng Mười đã khơi lên trong chúng ta tâm tình cảm tạ, cậy tin. Số phận của trái thanh long còn lắm long đong và số phận người trồng xem ra cũng bấp bênh không kém, nhưng sứ mệnh của người tín hữu dấn thân trong lãnh vực cây trồng này luôn luôn được nêu cao và tỏa sáng, như ngọn đèn được thắp lên và đặt trên giá, cho mọi người nhận ra ơn trên và sống niềm tạ ơn trong mọi sinh hoạt cuộc đời. Hơn nữa, Tháng Mười đúng nghĩa chính là Tháng Mân Côi kính dâng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Bổn Mạng Giáo phận, chúng ta hãy sốt sắng dâng lên Mẹ những chuỗi kinh “hồn nhiên như chính cuộc đời”, để từ trên cao “Mẹ thương nhận, xuống ơn trời xót thương”.
+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết