TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 9/2016 Đăng lúc: Thứ sáu - 26/08/2016 22:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu - 02/08/2019 21:51
Tâm Tình Mục Tử Tháng Chín cũng muốn chia sẻ với anh chị em đôi điều về lãnh vực du lịch, theo hướng “tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội”.
TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 9/2016
DU LỊCH

Anh chị em thân mến,
Kể từ năm 1979, khi Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO, United Nations World Tourism Organization) chọn ngày 27 tháng 9 hằng năm làm ngày Du lịch Thế giới, thì Tòa Thánh đã tích cực hưởng ứng và tham gia, vì nhận ra tầm quan trọng của lãnh vực du lịch trong công cuộc loan báo Tin Mừng, cả về cơ may lẫn thách thức. Năm nay vào dịp này, Hội Đồng Tòa Thánh về “Mục vụ cho người di dân” đã phổ biến một sứ điệp họa lại chủ đề “Du lịch cho mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng” của UNWTO. Đây là một văn bản liên quan tới mọi tín hữu, và cách nào đó, tới người công giáo trong Giáo phận Phan Thiết, vì cả Giáo phận nằm gọn trong tỉnh Bình Thuận, là tỉnh có tiềm năng về mặt du lịch. Từ mối liên quan này, Tâm Tình Mục Tử Tháng Chín cũng muốn chia sẻ với anh chị em đôi điều về lãnh vực du lịch, theo hướng “tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội”.

1.      Trong tư cách là khách du lịch
Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, kinh tế và việc nâng cao nhận thức văn hóa, du lịch đã trở thành một hoạt động phổ biến cho mọi người và là một sinh hoạt bình thường trong xã hội, làm cho đời sống ngày thêm phong phú hơn và cũng lý thú hơn. Đối với nhiều quốc gia, du lịch là ngành mũi nhọn, chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong thu nhập kinh tế quốc dân, góp phần làm phát triển đất nước và làm rạng danh quê hương xứ sở. Về mặt nhân văn, du lịch còn là phương tiện thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Là khách du lịch, ai cũng mong muốn có được một trải nghiệm mang tính tổng thể. Việc thăm các viện bảo tàng hay các di tích văn hóa có thể giúp cho mong muốn kia trở thành hiện thực. Các hoạt động như thi đấu thể thao, thám hiểm và chăm sóc sức khỏe; hay các sinh hoạt giải trí như âm nhạc, khiêu vũ và lễ hội đều góp phần làm giàu kiến thức và kinh nghiệm cho du khách ở bất cứ độ tuổi nào.
Với phương tiện giao thông và kỹ thuật truyền thông ngày càng thuận lợi, đầu thế kỷ 21, lượng khách du lịch là người Việt Nam mỗi năm mỗi gia tăng. Từ đó, các loại hình du lịch cũng được khai triển một cách phong phú. Nếu du lịch sinh thái nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, du lịch nông thôn góp phần mang lại phúc lợi cho cộng đồng địa phương, thì du lịch kết hợp hội nghị với tổ chức sự kiện lại đem đến nhiều hiệu ứng kinh tế và văn hóa. Bên cạnh đó, du lịch sức khỏe dựa trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước khoáng hoặc nước nóng, giúp xóa tan mệt mỏi hoặc căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, du lịch tâm linh  là hình thức du lịch vượt ra khỏi những bộn bề cuộc sống, mong tìm được nẻo chân thiện mỹ, từ đó có thái độ phù hợp với thiên nhiên, cuộc sống và con người. Trong tư cách là một tín hữu, anh chị em nên trang bị cho mình kiến thức tổng quát và nếu điều kiện cho phép, không ngại tham gia vào sinh hoạt du lịch, vừa để thư giãn sau những ngày làm việc, như hình mẫu gợi lên trong Thánh Kinh: “Và sau khi hoàn tất công việc, thì ngày thứ bẩy Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2, 2), vừa để thăm thú hoặc thăm thân như một quyền lợi chính đáng trong cuộc sống.

2. Trong tư cách là thành phần của cộng đồng địa phương
Cách riêng tên gọi Giáo phận chúng ta gắn liền với một thành phố vốn là điểm đến của nhiều đoàn du lịch vào ngày cuối tuần hoặc trong dịp lễ lớn, và rải rác trong Giáo phận cũng có những thắng cảnh thu hút khách thập phương, như lên núi (Thác Bà; Tà Cú) hoặc xuống biển (Mũi Né; Kê Gà) hay mang tính hành hương (Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao; Dinh Thầy Thím). Chính vì sự đặc thù này, chúng ta không chỉ là khách tham gia du lịch đây đó như mọi người, mà rất tự nhiên còn trở thành chủ nhà tiếp đón người du lịch từ nơi khác đến với địa phương của mình nữa. Nếu đã hình thành phong thái đúng đắn trong lãnh vực buôn bán với khẩu hiệu “vui lòng khách đến; vừa lòng khách đi”, hay trong lãnh vực săn sóc bệnh nhân qua châm ngôn “đến đón tiếp niềm nở; ở chăm sóc tận tình; đi dặn dò kỹ lưỡng”, thì trong tương quan đa chiều của hoạt động du lịch, người ta còn phải trang bị cho mình kiến thức cần thiết, kỹ năng chuyên môn và ngay cả một số kinh nghiệm nhất định nữa. Trong Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) ngày 9/8/2016 vừa qua, bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu và ban hành bộ Quy tắc ứng xử trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, sao cho vừa lịch sự văn minh, an toàn hiệu quả; vừa giữ gìn văn hóa, bảo vệ môi trường.
Đã đành trong du lịch không thể không nghĩ đến lợi nhuận. Nhiều nơi coi khách hàng là thượng đế, sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi chính đáng, miễn sao khách chịu chi đến đồng xu cuối cùng, và cũng từ đó có nơi không ngại đưa vào chương trình du lịch những yếu tố, vừa xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa trái với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội. Làm du lịch cũng như bao ngành nghề khác, cần nhắm đến sự cân đối và phát triển bền vững. Cách đây ít lâu, báo chí đã phản ảnh tâm tư của một số khách du lịch ghé đến Phan Thiết. Người khen cũng có và kẻ chê cũng có. Người khen chú ý đến môi trường tự nhiên trong lành là biển xanh-cát trắng-nắng vàng, đa phần còn hoang sơ chưa chịu tác động thô bạo của con người; nhưng kẻ chê lại tập chú vào lĩnh vực dịch vụ, bị xem là nghèo nàn về phong cách và giới hạn về loại hình. Trong việc đón tiếp khách du lịch, người công giáo có thể làm gì để làm nổi bật hình ảnh cộng đồng địa phương? Câu trả lời xin dành cho anh chị em giáo dân là những người tham gia trực tiếp nhiều hơn trong lãnh vực này.

3. Trong tư cách là Kitô hữu
Dù là khách hay chủ trong hoạt động du lịch, chúng ta đều là thành viên của Giáo Hội Công giáo, nên dưới ánh sáng đức tin, chúng ta không chỉ lo bộc lộ cho người khác thấy vẻ lịch thiệp của từng người qua cách phục sức, nói năng, cư xử, mà còn biết phục vụ người khác qua cách sống lành mạnh của một đời đã được “Thiên Chúa là nguồn bình an, thánh hóa và gìn giữ vẹn toàn” (x. 2 Tx 5,23). Nếu có cơ hội đi du lịch ngoạn cảnh, anh chị em cần quan tâm tôn trọng thiên nhiên, và ý thức bảo vệ môi trường, để cảnh vật khi mình đến xanh-sạch-đẹp thế nào thì khi mình đi vẫn còn đẹp-sạch-xanh như vậy. Ở một vài quốc gia, hành vi viết hoặc vẽ lên thân cây bị xem là xâm hại thiên nhiên, có thể bị pháp luật can thiệp, nói chi đến việc giẫm đạp, ngắt hoa, bẻ cành. Việc xả rác bừa bãi là không thể quan niệm được trong cốt cách công dân, nên ý thức giữ gìn vệ sinh ở những nơi công cộng luôn được mọi người coi trọng và đâu đâu cũng được đánh giá cao. Có lẽ ở đây, câu châm ngôn “mình vì mọi người; mọi người vì mình” cho thấy sức mạnh lan tỏa và hiệu quả vững bền, nhất là được nhìn trong ánh sáng của Thông điệp Laudato Si về môi trường (18.6.2015) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Ngoài ra, ứng xử văn minh là một tiêu chí không thể bỏ qua khi nói đến du lịch, bởi lẽ nó bao trùm lên toàn bộ hoạt động thuộc lãnh vực này đã đành, mà còn lên những thành phần nhân sự liên quan như khách du lịch, cộng đồng địa phương và cả doanh nghiệp du lịch nữa. Là người công giáo, chúng ta cần phải gương mẫu trong lối sống, chuẩn mực trong cách ứng xử và xem đó như là thành phần của công trình “tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội”. Trong khi chờ đợi bộ Quy tắc ứng xử du lịch được chính thức ban hành, chúng ta hãy thực hiện ngay từ hôm nay 10 thái độ văn minh bao gồm 5 việc cần tránh và 5 điều nên làm, như báo chí đã tóm lược: 1/ Không ồn ào nơi công cộng; 2/ Không lãng phí đồ ăn thức uống; 3/ Không chen lấn xô đẩy; 4/ Không xả rác bừa bãi; 5/ Không xâm hại môi trường thiên nhiên; 6/ Tôn trọng di tích lịch sử và công trình văn hóa; 7/ Tuân thủ luật lệ giao thông; 8/ Ăn mặc phù hợp ở nơi tôn nghiêm; 9/ Ưu tiên cho người lớn tuổi, khuyết tật, phụ nữ và trẻ em; 10/ Cười thân thiện kèm theo những lời “xin chào”, “xin mời”, “xin lỗi” và “cảm ơn”.

Anh chị em thân mến,
Tháng Chín, như vậy, là tháng liên kết giữa đỉnh điểm của năm “tân phúc-âm-hóa đời sống xã hội” với hoạt động du lịch đang diễn ra trong Giáo phận Phan Thiết chúng ta. Hai lãnh vực thoạt nghe như chẳng liên quan đến nhau, nhưng trên mặt bằng đời sống cả hai đều tương tác với nhau. Phúc âm được vận dụng như khuôn vàng thước ngọc trên những lựa chọn của hoạt động du lịch và ngược lại, du lịch chính là cơ hội để những giá trị của Phúc âm được nhập thế một cách chan hòa. Ước mong rằng mọi tín hữu chúng ta trong khi tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên, cũng biết quảng bá hình ảnh của cộng đồng địa phương, để nếu có gì luyến lưu trong tình cảm của khách du lịch, thì đó không chỉ vì phong cảnh hấp dẫn, mà còn vì phong cách của con người Phan Thiết vừa hiếu khách, vừa ứng xử văn minh và nhất là vì sự phong phú của đời sống xã hội đang từng ngày được nhân lên trong công cuộc tân phúc-âm-hóa.
 
+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết

 
 

Nguồn tin: gpphanthiet.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây