SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Thứ bảy - 01/06/2024 00:03
z5488556839227 c7fabf1c355e3e5bb9caa715e8e93b93
 
CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Mc 14,12-16.22-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”
13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. 14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? 15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. 22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” 23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.

CÁC BÀI SUY NIỆM
  1. Suy niệm 1: Máu Giao Ước – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
  2. Suy niệm 2: Lm. Antôn
  3. Suy niệm 3: Chúa Giêsu Trao Ban Sự Sống - Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
  4. Suy niệm 4: Tin Và Cảm Nhận – Hiền Lâm
  5. Suy niệm 5: Lm. Đặng Văn Nghĩa
  6. Suy niệm 6: Bí tích tình yêu, phép lạ mỗi ngày – Lm. Xuân Hy Vọng
  7. Suy niệm 7: Hy Tế Của Đức Ki-Tô Còn Tiếp DiễN – Lm. Ignaxiô Trần Ngà
 

Suy niệm 1: Chủ đề: MÁU GIAO ƯỚC

Lời Chúa: “Này là Máu Thầy, Máu Tân Ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14,24)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Cùng với Giáo hội, hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật hôm nay cho chúng ta thấy, Thánh Thể Chúa Giêsu đã lập chính là dấu chứng của một lời hứa, một giao ước đã thành hiện thực và là bảo chứng của tình yêu:
Các con nhận lấy mà ăn,
Này Mình Máu Thánh Thầy ban cho người.
Lệnh truyền Chúa trối cho đời,
Trước khi chịu chết đền bồi tội khiên.
Con xin cảm tạ triền miên,
Đáp đền tình Chúa vô biên vô bờ.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín rằng: Mình Máu Thánh Chúa là lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian này. Vì thế, mỗi khi đến với thánh lễ chúng ta hãy dọn lòng mình sao cho xứng đáng để trở nên đền thờ cho Chúa ngự. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã hy sinh trên thập giá để làm hy tế cứu độ toàn thể nhân loại. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Máu giao ước mới Thiên Chúa đã ký kết với loài người chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa là Bánh hằng sống từ trời xuống để ban cho chúng con sự sống đời đời. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết. Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ. Amen.
SUY NIỆM:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay Giáo Hội long trọng cử hành thánh lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Đây là bí tích Tình yêu mà Chúa Giêsu đã để lại làm lương thực nuôi sống, và là dấu chỉ sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô ở trần gian. Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đào sâu hơn ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể. Qua đó, giúp chúng ta xác tín bí tích Thánh Thể chính là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu; là Máu Giao ước mới được Thiên Chúa ký kết với nhân loại, do Chúa Giêsu Kitô làm trung gian và bằng chính Máu Thánh của Người. “Này là Máu Thầy, Máu Tân Ước sẽ đổ ra cho nhiều người”.
Thưa anh chị em, theo tập tục thông dụng của vùng Cận Đông, nghi lễ ký kết giao ước của Hoàng đế cường quốc với một nước chư hầu, thường gồm 4 phần: thứ nhất là diễn từ của hoàng đế kêu gọi nước chư hầu hãy trung thành giữ những điều khoản của bản giao ước được đề nghị; thứ hai là lời tuyên bố của nước chư hầu cam kết trung thành tuân giữ; thứ ba là dâng lễ vật xin thần chứng giám; và sau cùng là nghi lễ kết thúc với một bữa tiệc vui. Qua nghi lễ này, máu vật hiến tế có một vai trò quyết định: vừa là biểu tượng sự chấp thuận giao ước “uống máu ăn thề”, vừa là hiến lễ kêu gọi thần minh chứng giám và xử lý đối với bên nào phản bội. Hôm nay bài đọc 1 trích sách Xuất hành thuật lại: “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm hy lễ kỳ an tế Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo”. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”. Đó là giao ước cũ hay là Cựu ước. Tin mừng hôm nay Thánh Mac-cô thuật lại bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người. Người làm mới giao ước cũ và thay thế máu con vật bằng chính Máu Người sẽ đổ ra trên thập giá, Người nói: “Này là Máu Thầy, Máu Tân Ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. Như thế, máu trong giao ước mới là Máu Chúa Kitô. Máu dê bò trong Cựu ước còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi Máu của Chúa Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần và hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa. Máu đó tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Ngày nay chúng ta sống trong giao ước mới, Thiên Chúa ký kết với loài người do Chúa Kitô làm trung gian, và bằng chính Máu của Người. Giao ước mới này có sức tẩy sạch lương tâm chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng tham dự nghi lễ giao ước này được làm lại trong mỗi thánh lễ. Khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kitô. Vì cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kitô trên thập giá. Máu Thánh Chúa tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, và được ơn cứu độ. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực và là nguồn sức mạnh cho chúng ta trong cuộc lữ hành trần gian này. Vì thế, mỗi khi đến với thánh lễ chúng ta hãy dọn lòng mình sao cho xứng đáng để trở nên đền thờ cho Chúa ngự.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết siêng năng đến với bàn tiệc thánh, là tiệc vui dẫn đưa chúng ta đến bàn tiệc Thiên quốc muôn đời. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2:

Mỗi khi khi cử hành lễ Mình Máu Chúa Kitô là chúng ta được mời gọi hãy suy gẫm về 2 điều này: Thứ nhất là tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể đối với người kitô hữu chúng ta. Và thứ hai là chúng ta đã khát khao và yêu mến Chúa Giêsu Thánh thể như thế nào?
Khi nói đến tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, Giáo lý Hội thánh Công giáo cho biết: “Bí tích Thánh Thể là Bí tích do chính Chúa Giêsu thiết lập để trao ban chính Mình và Máu Ngài làm của nuôi linh hồn ta”.
Chúng ta hãy nhớ lại xem, khi còn ở thế gian Chúa Giêsu đã nói như thế nào về điều này? Ngài đã nhiều lần khẳng định với chúng ta rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Vì thịt Ta chính là của ăn, và máu Ta thật là của uống”. Nếu chúng ta là những kitô đang khát mong được lên thiên đàng để hưởng sự sống đời đời với Chúa, thì chính Bí tích Thánh Thể sẽ đảm bảo cho chúng ta đạt được ước nguyện ấy thưa anh chị em. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều người hôm nay không nhận ra được điều đó. Có rất nhiều người đi lễ nhưng lại không rước lễ, thậm chí có người 1 năm chỉ rước lễ 1 lần trong mùa Phục sinh mà thôi. Các giờ chầu Mình Thánh Chúa hằng tuần cũng dần trở nên vắng vẻ cách lạ thường.
Nếu có ai đó hỏi anh chị em có tin vào Bí tích Thánh Thể hay không, thì chắc chắn ai cũng trả lời là có. Mà phải tin, vì nếu không tin là lạc giáo. Nhưng điều Giáo Hội muốn nơi các kitô hữu không chỉ là lòng tin, mà còn phải làm sao để ơn của Bí tích Thánh Thể, để sự sống đời đời mà Chúa Giêsu hứa ban, thật sự trở nên hiệu quả nơi phần rỗi linh hồn của mỗi chúng ta.
Để được như thế, thì mỗi người cần phải lưu tâm đến 2 thực hành đức tin này. Thứ nhất, hãy năng rước lễ trong mỗi Thánh lễ. Cứ mỗi lần rước Mình Thánh Chúa là mỗi lần chúng ta được đụng chạm đến ơn cứu độ thưa anh chị. Và đây cũng là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy mình có thật sự tin, có thật sự khát khao và yêu mến Bí tích Thánh Thể hay không. Tuy nhiên, đừng bao giờ lên rước lễ như một thói quen: cứ thấy người ta đi là tôi đi, mà không biết là đi đâu; cứ thấy người ta rước là tôi rước, nhưng lại không xác tín là tôi rước cái gì, rước vào sẽ được gì. Hãy nhớ, mỗi lần rước lễ là tôi rước chính Mình và Máu Chúa Kitô, là lương thực mang lại cho tôi sự sống đời đời.
Thứ hai, hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Rước lễ về là nói chuyện với Chúa chứ đừng nói chuyện với người bên cạnh. Rồi sau khi kết thúc Thánh lễ, hãy quỳ lại với Chúa 1-2 phút để nghe Chúa nói và để nói cho Chúa nghe. Đừng vội lật bàn quỳ rồi ngoảnh mặt quay đi như 2 người xa lạ. Nếu ai chưa từng thì hãy thử một lần thưa anh chị em. Điều này không quá khó với chúng ta đâu, nhưng mang lại một ơn ích thiêng liêng rất lớn.
Tóm lại, khung cảnh của ngày lễ hôm nay muốn nhắc lại cho chúng ta nhớ điều này: Thánh Thể chính là nguồn ơn cứu độ của người kitô hữu chúng ta. Ai siêng năng tìm đến, đón nhận và gắn bó cuộc đời mình với Chúa Giêsu Thánh Thể; thì chắc chắn người đó sẽ được chung hưởng sự sống đời đời với Ngài trên thiên đàng. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: CHÚA GIÊSU TRAO BAN SỰ SỐNG

Có một vị linh mục, khi được chọn và gọi để tiến lên bàn thánh, ngài đã chọn cho mình câu khẩu hiệu: “Cầm lấy mà ăn”. Trong bài giảng lễ tạ ơn, vị giảng lễ luôn tập trung vào hành động bẻ ra, trao ban của Chúa Giêsu để muốn nói lên một điều quan trọng, đó là: linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, là tấm bánh tình yêu được chia sẻ cho mọi người. Tấm bánh ấy chính là sự cầu nguyện, hy sinh và chấp nhận tiêu hao sức khỏe, khả năng khi thi hành sứ vụ linh mục của mình cho con chiên đã được trao phó.
Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, Ngài là vị mục tử nhân lành, đã hiến mạng sống vì đàn chiên, đã trở nên của ăn thiêng liêng nuôi sống con người. Đây là một chân lý vô cùng cao trọng trong đời sống của người Tín Hữu Kitô.
1. Chúa Giêsu trao ban chính sự sống của Ngài
“Này là Mình Thầy… Này là chén Máu Thầy”. Đây là lời thật sự đầy xúc động, tâm huyết trong bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trước khi trao hiến thân mình trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại.
Khi tuyên bố: “Này là Mình Thầy… Này là chén Máu Thầy”. Chúa Giêsu đã thực sự trao ban chính sự sống của Ngài cho nhân loại. Ngài đã cho và cho đi tất cả. Đó là một tình yêu tròn đầy, tuyệt đối, trọn vẹn và dứt khoát của một Vị Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Trao ban một lần nhưng đến cùng. Cái “cùng” này của Thiên Chúa chính là “vô cùng”, nên một lần trao ban là ban mãi mãi. Lời tuyên bố: “Này là Mình Thầy….Này là chén Máu Thầy” là một bảo chứng cho một tình yêu vĩ đại bao trùm cả nhân loại, trải dài trong suốt dòng lịch sử.
Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã chấp nhận bị tiêu hao và trở thành thần lương nuôi sống con người. Nói cách khác, khi trao ban chính Thịt và Máu Ngài để trở thành của ăn của uống nuôi linh hồn ta, thì: Chúa Giêsu đã thuộc về chúng ta. Trong ta và Ngài cùng chung nhau một giòng máu- giòng máu Thần Linh.  
2. Bí tích Thánh Thể – thần dược tâm linh
Khi nói về nguồn sống của Bí tích Thánh Thể, nhiều nhà tu đức đã liên tưởng như sau:
Nếu trong đời sống, những người đã từng thám hiểm, du khảo trong sa mạc, hẳn họ sẽ hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn ai hết về về lương thực và nước uống! Chỉ có nước và lương thực mới đảm bảo cho họ sống sót trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt của khí hậu và môi trường.
Hay, nếu trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều trắc trở cam go, nhiều cám dỗ buông thả theo lối sống hưởng thụ, trụy lạc, khiến con người bị hư thối trong nhận thức, lối sống và hành động.
Thì Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự trở thành nguồn sống cho mọi người. Trở thành thần dược chữa trị những tâm hồn hư hoại. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống […] Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 51-54). Thánh Inhaxiô thành Antiokia cũng đã khẳng định:“Thánh Thể là linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”.
3. Sứ điệp ngày lễ
Mỗi khi cử hành Thánh Lễ và tôn thờ Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi con cái mình hãy cảm nghiệm được tình yêu vô cùng của Thiên Chúa. Cảm thấu lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu qua việc trao hiến thân mình. Thánh Gioan đã viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Vì thế, chính Ngài đã khẳng định: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Hơn nữa, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” là một lệnh truyền cho hết mọi người, không chỉ riêng cho các linh mục. Mệnh lệnh ấy mang một sứ điệp quan trọng, bởi vì: Thánh Lễ không thể kết thúc ở nhà thờ, mà Thánh Lễ ấy, linh đạo Thánh Thể ấy còn kéo dài cả đời.
Nên khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta đã kín múc được nguồn suối thương xót vô biên qua việc lãnh nhận Thánh Thể, thì khi ra khỏi nhà thờ, mỗi người hãy làm cho lòng thương xót ấy được lan tỏa ngang qua đời sống tràn đầy đức tin và đức ái của chúng ta.
Nói cách khác: khi Thánh Lễ trong nhà thờ đã kết thúc, thì Thánh Lễ cuộc đời ngay lập tức được diễn ra.
Tuy nhiên, trong thực tế, Chúa Giêsu đã không tiếc gì chúng ta, kể cả sự sống của chính Ngài, nhưng với bản tính yếu đuối và bản năng vị kỷ của con người, nhiều khi chúng ta so đo tính toán với Chúa từng chút từng chút một. Nhiều khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, tôn thờ Thánh Thể, nhưng lòng còn vương vấn biết bao chuyện như: cơm, áo, gạo, tiền. Hay nhiều khi chia sẻ một chút lương thực, tiền bạc cho người nghèo, hay những nhu cầu của Giáo Hội, chúng ta tính toán thiệt hơn!
Mong sao mỗi khi chúng ta rước lấy Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong tâm hồn, chúng ta thuộc về Chúa, nên sẵn sàng biết noi gương Chúa. Sống cho đi, sống khiêm tốn – tự hạ để đem lại hạnh phúc cho anh chị em mình.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương nhân loại mà Chúa đã chấp nhận trở thành một tù nhân giữa loài người. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết cảm tạ Chúa không ngừng. Biết noi gương Chúa để sống yêu thương, khiêm tốn và phục vụ.
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 

SUY NIỆM 4: TIN VÀ CẢM NHẬN

Bài Tin Mừng của ngày LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ hôm nay là bản văn tường thuật về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su và các môn đệ, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Tại nhà Tiệc Ly này, Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh Thể, để trở nên Bánh Hằng Sống cho nhân loại, khi Người trao ban chính Thân Mình là chính Sự Sống thần linh và vĩnh cửu.
Chúng ta cùng nhau suy niệm về hai điểm:
  • Ý nghĩa Bánh Hằng Sống
  • Ý nghĩa trao ban.
1. Ý nghĩa Bánh Hằng Sống
Tin vào mầu nhiệm Thánh Thể thật không dễ dàng chút nào. Nếu ngày xưa nhiều người không thể chấp nhận được thịt thầy Giêsu trở thành bánh đem lại sự sống đời đời, thì con người ngày nay cũng khó có thể tin được mầu nhiệm chuyển bản thể (substantia) từ một tấm bánh vẫn còn màu và mùi vị đó lại là Thịt Chúa Kitô.
Nhiều người không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể - Thần Linh trong con người hữu hạn.
Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.
Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo Hội định nghĩa bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).
Nơi Tin Mừng Gio-an (Ga 6,51-58) Chúa Giêsu khẳng định cách quyết liệt: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” Nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng dùng hỉnh ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.
2. Ý nghĩa trao ban.
Người ta thường đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa đầy quyền năng lại không chọn phương thế khác dễ hơn, mà chọn nhập thể, sống kiếp khổ đau rồi chết nhục nhã như thế để cứu chuộc con người”. Với lối trả lời theo thần học có lẽ cao siêu quá nên nhiều người khó chấp nhận, vì thần học trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Ngài không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Ngài nâng phẩm giá con người lên”. Chúng ta có thể đưa ra một lối giải thích bình dân qua ví dụ minh họa như sau: Cũng như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được. Hơn nữa, phần lớn người Việt Nam còn có tục phải đi làm rể, thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được. Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu. Đúng vậy, Ngài đã làm như thế, và bằng chứng hùng hồn nhất là “chết đi cho người mình yêu”.
Một lần kia trong dịp sinh hoạt học trò, một giáo lý viên đặt câu hỏi: “Khi yêu nhau người ta cần gì nhất?” một số ít học trò cho rằng: Cần thông cảm, cần có tài chánh ổn định, cần những món quà kỷ niệm, cần những lá thư tỏ tình…. Nhưng phần lớn đồng ý với câu trả lời: “Khi yêu nhau người ta cần nhau”. Vâng, đó là một sự cảm nhận đúng đắn nhất của các tình nhân. Khi họ yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người? Và Thánh Thể khi được trao ban cho con người mang một ý nghĩa tròn đầy của một sự kết hiệp, vừa mang tính thể chất vừa mang tính thần thiêng. Thật vậy, Chúa Kitô đã chứng minh tình yêu của Ngài đối với nhân loại bằng sự trao ban tuyệt đỉnh là thân mình chí thánh của Ngài. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất và là ý nghĩa nhất của trao ban. Trao ban cả mạng sống, trao ban đến giọt máu cuối cùng. Trao ban vượt trên tất cả mọi sự trao ban là cho đi tất cả, không so đo tính toán. Trao ban bằng chính tình yêu đích thật.
 
Tóm lại, như trong bài “Tantum ego - Đây Nhiệm Tích”  mà chúng ta luôn hát trong khi Chầu Thánh Thể, có câu: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, dẫu giác quan không cảm thấy gì” nói lên rằng Thánh Thể là một huyền nhiệm không thể quan sát sự biến đổi bằng mắt phàm, nhưng bằng con mắt của niềm tin và sự cảm nhận của trái tim được Chúa Giêsu yêu và chúng ta yêu mến Người.
 
Lạy Chúa Giêsu, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen
 Hiền Lâm

SUY NIỆM 5:


Chúa  Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ”
Ngày lễ nào khi truyền phép Mình Thánh, linh mục cũng đọc câu: “Người cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ ”. Tất cả mầu nhiệm về Bí tích Thánh Thể đều hàm chứa trong câu nói này. Thánh Thể là một thứ bánh trao tặng, bánh được bẻ ra và bánh được chia sẻ.

1-Thánh Thể là một món quà của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã trở nên bánh, chứ không phải sắt thép, hoặc một thứ hợp kim nào. Như vậy, bánh mang một biểu tượng phi thường. Câu nói khi chủ tế dâng báng rượu: hoa màu ruộng đất và lao công của con người, vừa diễn tả hành động kỳ diệu của Thiên Chúa  vừa diễn tả hành động của con người.
Bánh là một quà tặng của Thiên Chúa. Nhìn cánh đồng lúa vàng nặng hạt mà chúng ta vừa thu hoạch xong, chúng ta không thể quên được tất cả những gì tiềm ẩn trong đó: mặt trời, mặt trăng, mưa thuận gió hoà. Nếu không có những thứ đó làm gì có những mùa lúa bội thu như vậy! Tất cả là món quà Thiên Chúa. Bánh Thánh Thể cũng vậy, là một món quà của Thiên Chúa, vì là thứ của nuôi sung mãn. Chính vì thế mà bánh Thánh Thể mời gọi chúng ta ca ngợi Đấng Tạo Hoá.
Bánh cũng là một quà tặng của con người vì bánh là kết quả lao công của con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã chọn bánh như là biểu tượng sự hiện diện của Người bên cạnh chúng ta. Từ bánh này Chúa Kitô làm nên thân xác của Người. Và Người còn đi thêm một bước nũa: là làm cho vật chất đơn sơ này trở nên thần thiêng, đến nỗi lời ca tụng của nhân loại trước vẻ đẹp của thế giới trở thành lời ngợi ca của Con Thiên Chúa dâng lên Chúa Cha, và công việc của con người lại trở nên công việc của Chúa Kitô. Cha Varillon nói: “Thánh Thể được truyền phép, không có nghĩalà Chúa Kitô từ trời rơi vào trong một miếng bánh, nhưng là con người được kitô hoá, con người trở nên Chúa Kitô”.
Thánh Thể là bánh ngợi khen, là bài hát tình yêu của mọi thụ tạo dâng về Thiên Chúa nhờ việc Chúa Kitô đã trở nên bánh. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng. Con người cũng dâng lên Thiên Chúa hoa quả đẹp nhất của trá đất: đó là Con Thiên Chúa. Vậy mỗi khi dâng lễ chúng ta có nối kết chúng ta với hành động tạ ơn của Chúa Kitô không?
2- Thánh Thể là bánh được bẻ ra, bánh của sự hy sinh dâng hiến.
Thánh Thể là bánh ban sự sống. Bánh được làm ra không phải là để trong tủ kính cho người ta ngắm nhìn. Bánh được làm ra để ăn. Bánh sẽ chỉ nuôi sống con người nếu bánh được tiêu tan: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trở trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi thì sẽ sinh  hiều bông hạt”.
Biểu tượng Thánh Thể là của ăn nuôi sống mang một ý nghĩa quan trọng nhất. Chúa Kitô đã dâng hiến mình để nhân loại được sống. Dưới hình thức bánh được bẻ ra, Chúa Kitô chính là bánh đã bị bẻ gãy trên Thập giá. Bánh bị bẻ gãy này nhắc nhở chúng ta lễ hy sinh cao cả của đồi Canvê. Trên bàn thờ Chúa Kitô hiện diện đích thực dưới hình bánh rượu, nhắc lại Máu Chiên Thiên Chúa đã đổ ra trên Thập giá. Khi dâng bánh này lên Chúa Cha, chúng ta dâng chính bánh Con Thiên Chúa, và chỉ có bánh này là đẹp lòng Người mà thôi.
Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: Khi tham dự thánh lễ chúng ta có thực sự tham dự vào cái chết và sự sống lại của Chúa Kito không? Khi ra về chúng ta có dám nói về một sự hy sinh nào đó của chúng ta không, đành rằng thế giới hôm nay không muốn chấp nhận hy sinh và đau khổ? Tuy nhiên, như Thánh Augustino nói: “Hy sinh không là gì khác ngoài tình yêu”.

Hy sinh là trao ban chính mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Mỗi người chúng ta, sau khi dâng lễ về, cảm thấy mình phải cần phải cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta điều gì đó!
3- Bánh được chia sẻ, bánh của hiệp nhất
Bánh là một biểu tượng của sự hiệp thông. Ăn cùng một bàn tiệc và chia sẻ cùng một bánh giúp chúng ta nối kết xâu xa với người khác. Bánh được chia sẻ là một biểu tượng mạnh mẽ về tình bạn và tình yêu. Người nào từ chối ăn chung với người khác, thường không có tình thân mật trong gia đình. Người đó sẽ không đi ăn chung hoặc chỉ ăn một mình.
Chính vì vậy mà chúng ta rất dẽ hiểu Chúa Giêsu đã chọn bánh để bày tỏ ý định của Người là qui tụ toàn dân Thiên Chúa lại. Vì thế, tất cả những ai đón nhận Mình Thánh Chúa, thì phải kết hợp mật thiết với Chúa và với người khác. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ điều này: “Vậy nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em danh có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.
 Nếu tâm hồn còn thù oán, chúng ta không thể đến gần Hoàng tử hoà bình của chúng ta được. Cũng vậy, nhiệm vụ cứu độ sẽ chỉ được thực hiện một cách đầy đủ khi tất cả mọi người có thể ngồi chung cùng bàn tiệc Thánh Thể để cảm thông và tha thứ cho nhau.
Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: khi tham dự thánh lễ và đặc biệt là trước khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta có hiểu được ý nghĩa cử chỉ trao bình an cho nhau chưa? Lễ xong, khi ra về, chúng ta có chia sẽ những ơn huệ mà chúng ta đã lãnh nhận trong Thánh Lễ chưa? Chúng ta có muốn làm việc chung với mọi anh em chúng ta không? Thánh Thể là động lực thúc giục chúng ta hướng về thế giới hôm nay vẫn còn biết bao người đói khát của ăn vật chất cũng như tinh thần.
Lm Đặng Văn Nghĩa
 

SUY NIỆM 6: BÍ TÍCH TÌNH YÊU - PHÉP LẠ MỖI NGÀY


Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Với tình cảnh hiện nay, dịch bệnh ngày càng lan nhanh và trầm trọng hơn, nên nhiều nơi tạm ngưng Thánh lễ chung tại các giáo xứ. Tuy nhiên, là thừa tác viên của Bí tích Tình yêu, Linh mục chẳng bao giờ quên dâng lễ mỗi ngày, trước hết cầu nguyện cho cộng đoàn giáo xứ được giao phó, sau nữa, cầu nguyện cho mọi người tín hữu, đặc biệt những ai đang bệnh tật, nghèo khó vật chất cũng như tinh thần, v.v…
Với ý nguyện ấy, chúng ta cùng mừng kính trọng thể lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô. Ý thức rằng mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được thông phần vào Bí tích Tinh yêu, nơi ấy, Chúa Giê-su Ki-tô hiến trao sự sống Ngài cho chúng ta. Ngoài ra, qua vị Linh mục, Ngài cử hành cuộc hy lễ đền tội cho chúng ta, trở nên của lễ tinh tuyền dâng lên Chúa Cha, và qua phép lạ mỗi ngày này, Ngài thánh hoá, chữa lành, dưỡng nuôi và cứu độ chúng ta.

Trước hết, Mình Máu Thánh Chúa thánh hoá và chữa lành. Trong thời Cựu ước, ông Mô-sê làm trung gian cho giao ước giữa Thiên Chúa với dân Is-ra-el, được ký kết bằng máu của chiên bò: “Mô-sê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ…Ông lấy máu rảy lên dân chúng và nói: ‘Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đã phán’” (Xh 24, 6.8). Máu huyết như một dấu chỉ ký kết cho một giao ước, và được rảy trên người ô uế để thánh hoá thân xác họ. Tuy nhiên, Máu Chúa Ki-tô không những rửa sạch thân xác, mà còn thánh hoá và chữa lành lương tâm chúng ta khỏi sự chết đời đời, như tác giả Thư Do thái đã xác quyết: “…máu của Đức Ki-tô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9, 14). Khi đề cập đến máu huyết, chúng ta không thể tách rời nó khỏi thân thể, vì chưng, mình và máu đều trong một cơ thể; máu huyết lưu thông trong thân thể, điều hoà sự sống thể chất. Chính vì vậy, mỗi lần chúng ta rước lễ dưới một hình thức (thông thường là Mình Thánh Chúa), thì chúng ta cũng được lãnh nhận trọn vẹn Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Dù hình bánh Thánh lớn hay nhỏ, đều là toàn bộ Thân Thể cực Thánh của Đức Ki-tô, là Sự sống của Người. Trong thực tế, rất nhiều người trong chúng ta ước mong được lãnh nhận phép lạ nào đó để được chữa lành bệnh tật về mặt thể lý cũng như tinh thần; nhưng rất ít người xác tín Bí tích Thánh thể là một phép lạ cao cả, mà nơi đó Chúa Giê-su Ki-tô biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Ngài, nơi đó Ngài trao ban chính sự sống để thánh hoá, chữa lành tâm hồn chúng ta. Và dĩ nhiên, chúng ta phải có tâm hồn vừa đủ trong sạch (nghĩa là: không có tội trọng) mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa.

Thứ đến, Mình Máu Thánh Chúa dưỡng nuôi chúng ta. Như ai cũng biết, máu được lưu thông trong cơ thể để duy trì sự sống, để nuôi dưỡng thân thể. Tất cả thức ăn, đồ uống mà chúng ta hấp thụ vào cơ thể, đều được chuyển hoá thành máu huyết, để nuôi sống con người chúng ta. Hơn thế, Mình Máu Thánh Chúa không chỉ dưỡng nuôi thân xác, mà còn nuôi dưỡng linh hồn, và tâm hồn chúng ta nữa. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết…Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở trong người ấy” (x. Ga 6, 54. 56). Thật vậy, mỗi lần chúng ta đến với Bí tích Tình yêu, chúng ta được lãnh nhận lương thực thần thiêng, được ân ban sự sống đời đời, được nên một với Chúa Giê-su, và ở lại kết thân với Ngài. Nhờ vậy, chúng ta được bổ sức, dưỡng nuôi, lớn lên trong ơn nghĩa làm con Chúa, lớn lên trong đời sống đức tin, đời sống tâm linh, đời sống cầu nguyện, trưởng thành trong mối tương quan với anh chị em ở mọi bậc sống.
Sau cùng, Mình Máu Thánh Chúa cứu độ chúng ta. Tác giả Thư Do thái khẳng định: “…không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Ngài mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời” (x. Dt 9, 12). Vào thời Cựu ước, nhờ máu chiên được bôi trên cửa, mà dân Is-ra-el được cứu thoát khỏi sự giết hại của Pha-ra-oh và người Ai Cập. Nhưng đây cũng chỉ dừng lại ở sự sống thể xác mà thôi, còn chính nhờ bửu huyết của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta được cứu chuộc khỏi xiềng xích tử thần do tội lỗi, đam mê, dục vọng, thú vui trần thế, v.v…, và được trao ban ơn cứu độ, được thông phần vào sự sống đời đời. Như trong đêm tiệc ly, Đức Giê-su đã trao hiến chính mình cho các môn đệ qua hình bánh và rượu: “Các con hãy cầm lấy bánh mà ăn, vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Các con hãy cầm lấy chén mà uống, vì này là Máu Ta, Máu giao ước vĩnh cữu, sẽ đổ ra cho các con, và nhiều người được tha tội…” (x. Mc 14, 22-24; Lc 22, 19-20; Mt 26, 26-28). Tuy Đức Ki-tô chịu chết một lần nhưng Ngài mang lại ơn cứu độ muôn đời cho nhân loại; và cuộc trao hiến này được diễn ra mỗi ngày trên bàn thờ trong Thánh lễ qua vị thừa tác viên có chức Thánh: “…Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19).
Qua đây, chúng ta được hiểu đôi điều về Bí tích Thánh Thể - Bí tích Tình yêu và Phép lạ mỗi ngày, do chính Chúa Giê-su Ki-tô đã thiết lập và trao hiến cho chúng ta. Vì vậy, mỗi khi đến với Thánh lễ, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn trong sạch hết sức có thể, để nhờ ơn Chúa, chúng ta được xứng đáng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ngài làm của ăn thánh hoá, chữa lành, nuôi dưỡng, và hơn hết, chúng ta được cứu rỗi, thông phần vào sự sống muôn đời.
Ôi Mình Máu Thánh
Trao ban hùng anh
Chữa lành thánh hoá
Con nay yếu hèn.
Dưỡng nuôi xác hồn
Nên một tựa nương
Nơi Ngài chan chứa.
Thông phần sự sống
Chẳng phải nát tan
Ơn Ngài cứu đời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

SUY NIỆM 7: HY TẾ CỦA ĐỨC KI-TÔ CÒN TIẾP DIỄN

Có một số bạn trẻ tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với Thánh lễ. Họ cho rằng đi “xem” các cha “làm lễ” thật là chán; lễ nào cũng chừng đó chuyện chứ có gì mới mẻ hấp dẫn đâu! Và cũng chẳng được lợi ích gì.” Vì thế, họ không muốn đến nhà thờ, và nếu bị bó buộc dự lễ thì cũng muốn đứng bên ngoài nhà thờ, ngồi xem phim lướt web trên mạng cho qua thời giờ…
Sở dĩ họ thờ ơ lãnh đạm với Thánh lễ như thế là vì tưởng rằng các cha “làm lễ”, mà không hiểu rằng chính Chúa Giê-su mới là “Người làm lễ”, là Vị thượng tế chủ sự mọi Thánh lễ hằng ngày.
Nếu hôm nay rộ tin trên mạng cho rằng Chúa Giê-su hiện ra trên ngọn đồi hay đỉnh núi nào đó, thì thiên hạ rần rần tìm đến để chiêm bái Ngài không quản gian nan; và nếu biết Chúa Giê-su cử hành Thánh lễ bất cứ nơi đâu thì cả triệu người tuôn đến thờ lạy quên cả giờ về...
Thế mà, có một sự thật tuyệt vời là Chúa Giê-su đang cử hành Thánh lễ hằng ngày trong xứ đạo chúng ta, nhưng không được quan tâm cho lắm.
Hội thánh dạy rằng:
Thánh lễ hôm nay “hiện tại hoá hy tế Thập giá của Chúa Giê-su”, có nghĩa là hy tế thập giá của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê ngày xưa đang thực sự diễn ra mỗi khi Thánh lễ được cử hành.
Nói khác đi, “Hy tế của Chúa Giê-su năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một”. “Cách đây 2.000 năm, Ngài đã tự hiến trên thập giá, nay cũng chính Ngài dâng mình làm lễ tế qua thừa tác vụ tư tế.” (xem GLHTCG số 1364 và 1367).
Thế là mỗi lần Thánh lễ được cử hành, Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ và thực sự dâng hiến chính Mình Ngài làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha, để đền tội cho muôn dân.
Vì thế, Thánh lễ là lễ tế cực kỳ thiêng liêng và cao trọng, chứ không chỉ là một nghi lễ tưởng niệm mà thôi; và đây không phải là một lễ do “ông cha làm” mà là do chính Chúa Giê-su chủ tế.
Hồng ân Thánh lễ
Có người chẳng muốn đi tham dự Thánh lễ vì nghĩ rằng có đi cũng chẳng được ích gì. Thực ra, Thánh lễ mang lại cho các tín hữu tham dự những lợi ích vô cùng cao quý.
- Hồng ân tuyệt vời nhất là Thánh lễ bảo đảm cho ta được sống đời đời, vì khi rước lấy Mình Máu Chúa Giê-su trong Thánh lễ, chúng ta được nên một với Ngài, Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa, và do đó, sự sống đời đời của Chúa được thông ban cho chúng ta. Chúa Giê-su xác nhận rằng: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,54).
- Hồng ân thứ hai là Thánh lễ mang lại ơn tha tội.
Hy tế của Chúa Giê-su trên đồi Can-vê hôm xưa mang lại ơn tha tội cho muôn dân thế nào, thì Thánh lễ hôm nay, vì là một với hy tế Can-vê, cũng mang lại ơn tha tội cho muôn người như thế (xem GLHTCG 1367,1393)).
Vậy thì khi chúng ta tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn và sốt sắng, chúng ta sẽ được ơn tha tội.
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, Chúa tiếp tục dâng hiến Thân mình làm lễ tế trong mỗi Thánh lễ hằng ngày để trao ban Mình Máu thánh Chúa cho chúng con; nhờ đó, chúng con được hiệp thông nên một với Chúa, được tha tội và được sống đời đời.
Xin cho chúng con sốt sắng tham dự Thánh lễ hằng ngày, để tôn sùng Mình Máu thánh Chúa và đón nhận ân sủng cao quý Chúa ban qua Bí tích cực trọng nầy. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây