Suy tư Tin Mừng – Thi hành ý muốn

Thứ năm - 28/09/2023 19:09

Các bạn thân mến!

Là một người Công Giáo, hẳn rằng ai trong các bạn cũng khao khát có được sự sống mới, có được ơn cứu độ và được bước vào Nước Trời. Tuy nhiên vấn đề đặt ra đâu là điều kiện để bước vào Nước Trời? Thiết nghĩ, điều kiện để được bước vào Nước Trời là sống sự vâng phục trong đức tin bằng việc mang lấy tâm tình của Chúa Giê-su và sống cuộc đời công chính. Nói cách khác, việc vâng phục trong tin yêu theo con đường của Chúa Giê-su mở ra cánh cửa cho người tín hữu bước vào Nước Trời.  

Trước hết, vâng phục trong đức tin là đi theo đường lối của Thiên Chúa. Khi nói đến việc vâng phục trong đức tin, bạn nghĩ ngay đến hình ảnh của ông Abraham và Đức Maria. Khi được Thiên Chúa ngỏ lời cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa, Abraham là người đã mau mắn thi hành ý Chúa dù sự vâng phục đó khiến ông phải từ bỏ rất nhiều và dẫn ông đến thử thách tột độ là nộp chính sự sống và người con yêu quý của mình cho Thiên Chúa. Đức Maria cũng thế, khi được sứ thần Gabriel truyền tin, Mẹ đã mở lòng để đón nhận ý Chúa và kế hoạch của Ngài và cộng tác để cho kế hoạch ấy được thực hiện trên cuộc đời của mình. Dĩ nhiên sự vâng phục trong đức tin không phải là một sự dễ dàng nhưng đòi hỏi một lòng yêu mến và sự tin tưởng tuyệt đối. Đôi khi sự vâng phục đó mời gọi bạn nộp ý riêng của mình cho Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng việc Chúa Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục về câu chuyện hai người con. Cả hai đều nghe được lời mời gọi của người cha ra đi làm vườn nho. Người con thứ nhất ban đầu từ chối không đi nhưng sau đó lại đi. Còn người con thứ hai nói đi sau đó lại không đi. Điều gì diễn ra trong con tim người thứ nhất khiến anh ta ban đầu nói không với lời mời gọi nhưng sau đó lại sẵn sàng vâng theo. Có thể những giá trị và lối sống mới mời gọi anh thay đổi, giá trị này thách thức con người tự nhiên và sự hoán cải của con tim. Lý trí tự nhiên của anh ban đầu chưa thực sự sẵn sàng trước lời mời gọi thay đổi nên anh khước từ, nhưng khi phản tỉnh lại anh nhận ra giá trị thực sự của lời mời gọi, tình yêu của cha dành cho mình nên anh thống hối quay về. Người con thứ hai có thể dễ dàng ưng thuận lời mời gọi nhưng sau đó sự phân hóa, sự tha hóa và tục hóa làm cho anh khước từ cả lời nói và hành động của cha. Lời nói của anh thì nói “có” nhưng lối sống của anh lại nói “không” với lời mời gọi. Đây có thể được xem như là sự xung đột về hiện hữu hay một loại vô thần thực tiễn.Về lời nói anh tuyên xưng nhưng về lối sống anh lại chối bỏ Thiên Chúa. Vậy hình ảnh hai người con cho thấy điều gì về tình trạng tâm hồn của bạn? 

Vấn đề là điều gì dẫn đến thái độ và cách cư xử khác nhau của hai người con? Lý do có thể là vì cách hiểu về lời mời gọi, sự tôn trọng và sự tự do sẵn sàng. Cách hiểu này bắt nguồn từ quan niệm của họ về người cha, vị trí của người cha trong trái tim của họ. Nếu họ coi đây là lời mời gọi quan trọng, diễn tả tấm lòng của người cha dành cho họ, và nhất là đây là vườn nho của họ, họ sẽ dấn thân, bằng không họ sẽ khước từ lời mời gọi. Còn nếu họ xem lời mời gọi này chẳng đáng quan tâm hay vị trí của người cha không quan trọng, họ sẽ khước từ lời mời gọi. Nói cho cùng đó là thái độ tự do vâng phục, con tim sẵn sàng và lòng yêu mến. Điều này sẽ dấn đến thái độ và cách đáp trả khác nhau trước lời mời gọi của người cha.

Đây là điều dẫn đến kết luận của Chúa Giê-su và có thể làm chúng ta bị sốc. “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy ; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”[1] Khi Chúa Giê-su dùng hình ảnh những người thu thuế và những cô gái điếm để nói với những thượng tế và kinh sư, Chúa không muốn ám chỉ đến đời sống luân lý trong quá khứ của họ hoặc cổ võ cho việc phạm tội nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến một con tim sẵn sàng bằng sự vâng phục và bằng lòng yêu mến trước lời mời gọi hoán cải. Những người thu thuế và những cô gái điếm mặc dầu là những người tội lỗi nhưng khi nghe được lời mời gọi hoán cải, họ đã thay đổi và kết quả là họ được vào Nước Trời. “Chị đã được tha thứ nhiều vì đã yêu mến nhiều.”[2] Yêu mến là động lực và con đường để được tha thứ và hòa giải.    

Thứ đến, vâng phục trong đức tin là mang lấy tâm tình của Đức Ki-tô. Chính Đức Ki-tô là người đã sống tâm tình hòa giải và trở nên trung gian hòa giải bằng việc vâng phục Cha cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài vâng phục bằng việc tự hủy và chết trên thập giá. “6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”[3] Chính do lòng vâng phục, hy sinh, và tình yêu của Đức Giê-su dành cho Cha mà Ngài được Thiên Chúa suy tôn, muôn vật phải bái quỳ. Giờ hiến tế là giờ được tôn vinh. Nhờ sự vâng phục của Chúa Giê-su mà Thiên Chúa được tôn vinh. Chúa Cha được tôn vinh qua cuộc hiến tế của Con và cuộc hiến tế của Con bộc lộ tình yêu và căn tính của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nêu gương cho bạn về sự vâng phuc bằng việc đón nhận ý Chúa và nhận ý Chúa làm lương thực cho đời sống của mình.

Sự vâng phục mà Chúa mời gọi đó là sự hoán cải của con tim và sự thay đổi hành vi sống đạo. Việc hoán cải này mời gọi bạn thay đổi từ việc nói “không” đến việc nói “vâng” với tình yêu và lời mời gọi của Chúa. Phải chăng đây là con đường mở ra chân trời hạnh phúc. Hạnh phúc không hệ tại ở sự chiếm hữu nhưng hệ tại ở sự hiện hữu mở ra với Đấng Siêu Việt và với tình yêu Thiên Chúa.  

Cuối cùng, vâng phục trong đức tin con đường dẫn đến sự đồng tâm nhất trí. Đồng tâm nhất trí là kết quả của việc tuân hành ý Chúa và có cùng mọt cảm nghĩ với Đức Ki-tô. Chúa Giê-su đã nêu gương cho bạn và tôi về đời sống vâng phục trong đức tin. Chính sự vâng phục ý Cha bằng việc tự hủy hoàn toàn và bằng tình yêu đã đem lại sự sống cho các môn đệ. Ngài liên kết các chi thể trong thân thể Ngài và giữa các chi thể với nhau. Đây chính là nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất trong cộng đoàn và nơi gia đình. Nếu mọi thành viên trong gia đình có cùng cảm nghĩ với Đức Ki-tô thì chính cảm nghĩ này sẽ tác động và liên kết mọi thành viên trong gia đình. Nói cách khác chính khi bạn có cùng một cảm nghĩa với Đức Ki-tô thì bạn sẽ có lối sống của Ngài. Chính lối sống của Ngài tạo nên sự hiệp nhất và giúp cho anh chị em tránh đi tinh thần thế gian. “Hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. 5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.”[4] Nếu các thành viên trong gia đình, các chi thể trong Giáo Hội, các thành viên trong cộng đoàn có cùng một tâm tình của Đức Ki-tô thì họ sẽ không tìm ích lợi cho riêng mình nhưng tìm lợi ích cho kẻ khác chính vì thế cộng đoàn, gia đình, Giáo Hội trở thành một nơi chan hòa ánh sáng và là nơi lan tỏa niềm vui.

Trong năm nay, Giáo Hội Việt Nam đang sống tinh thần “Củng Cố Sự Hiệp Thông.[5] Sự hiệp thông nhờ Lời, Thánh Thể, bác ái và thông truyền sự thật. Sự hiệp thông nhờ việc vâng phục ý Chúa. Đây là cánh cửa mở ra cho sự hiệp nhất và ơn cứu độ. Dĩ nhiên cùng đích của chúng ta không chỉ là “củng cố” nhưng là làm sâu sắc thêm và hoàn toàn bước vào sự hiệp thông bởi vì cội nguồn và cùng đích của chúng ta là Hiệp Thông. Hiệp thông như là điểm xuất phát, con đường và hiệp thông trong Ngôi Vị!        

Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] Mt 21, 31-32

[2] Lc 7, 47

[3] Pl 2, 6-7

[4] Pl 2, 2-5

[5] Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành, hdgmvietnam.com (24/09/2023)

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây