Chuyện xứ đạo thời Covid

Thứ bảy - 17/07/2021 08:06

Chuyện xứ đạo thời Covid

 

Covid ảnh hưởng đến mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Và như thế, Covid chắc chắn cũng đang tác động đến Giáo Hội, nhất là việc thực hành đời sống đức Tin, các hoạt động của giáo xứ hay hội đoàn, mà cụ thể là việc giáo dân không được tham dự Thánh lễ trực tiếp.

Suốt hơn hai tháng qua, làn sóng covid tái bùng phát trở lại trên khắp cả nước, các cơ sở tôn giáo, trong đó các nhà thờ, nhà xứ phải đóng cửa, không có Thánh lễ công khai, không tụ tập đông đảo giáo dân tham dự. Và tình trạng cứ kéo dài mãi như vậy, không biết đến bao giờ.

Chưa bao giờ tôi được thấy giáo dân thèm đến nhà thờ đến vậy. Thèm được nhìn thấy cha xứ với các chú giúp lễ xúng xính tà áo lễ xanh đỏ tiến ra trong tiếng hát của ca đoàn. Thèm được ngồi hàng ghế trang trọng quen thuộc trong nhà thờ ngước nhìn cha tận mắt, tận tai đang giảng Lời Chúa cho nghe. Thèm được thấy nụ hoa, ánh nến lung linh trên bàn thờ. Thèm được nghe cái giọng cất kinh đặc biệt của bà quản kinh. Và thèm được tận tay run run đón rước Mình Máu Thánh Chúa ngự vào lòng. Họ thèm Thánh Lễ.

Cũng chưa bao giờ thấy các khuôn viên nhà thờ lại trở nên vắng lặng như thế. Vắng tiếng chuông thân thuộc mỗi sáng mỗi chiều. Vắng tiếng chổi to chổi nhỏ quét sân quét đền. Vắng luôn tiếng tụi thiếu nhi kéo nhau đến sân nhà thờ nô đùa. Nhà thờ chỉ độc còn lại tiếng ve hè râm ran trên cành nhãn chín vàng bị bỏ quên. Tiếng ve kêu gợi nhớ tiếng kinh cầu nỉ non.

Nhà thờ đã vắng đến vậy. Làng xóm cũng bớt xôn xao. Hàng năm, cứ đến mỗi mùa hè, các hội đoàn, các lớp giáo lý lại rộn ràng quanh các xóm đạo. Người ta tụ họp để cùng nhau học hỏi giáo lý của Giáo phận. Cứ tối tối, các hội đoàn, các giới tuổi chia nhau thành các nhóm nhỏ, lập thành đội tụ họp về một gia đình trong xóm để cùng đọc hỏi – thưa. Bây giờ cấm tụ tập, ai ở nhà nấy, nên tự học. Họ bảo: “Thầy ơi, học một mình buồn, không thấy bầu khí hăng say. Học không vào được“. Chợt nghĩ: Đức tin vừa là hành vi cá nhân, vừa là hành vi của Hội Thánh, thật là quá đúng!

Ấy là còn chưa kể đến mùa kinh liên gia tháng Năm với tháng Sáu Thánh Tâm. Hè vừa rồi, mùa hoa tháng Năm dâng Mẹ còn chưa kịp khai mạc thì các đội hoa đã “héo rũ thất nghiệp” hết cả. Tháng Ba tháng Tư ra mùa còn í ới nhau tập vãn suốt tuần, thế mà vừa vào đến đầu tháng Năm thì cơn dịch lại ùa đến vô duyên như một cơn sóng. Các con hoa chạnh lòng: Thầy ơi! Chúng con sắm sửa áo đẹp, quạt hoa, hương trầm dâng Đức Mẹ cả rồi mà giờ lại đóng gói để dành đến sang năm.

Giáo dân thì vẫn thừa biết là cha xứ ngày nào cũng dâng lễ, nhưng cha dâng lễ giờ nào thì không ai biết, chỉ các sơ, ông trùm, ông quản, mấy người đại diện các hội đoàn là còn được biết giờ lễ. Các ngày Chúa nhật, lễ Trọng thì ban ca đoàn cũng có thêm ít người tham dự để hát lễ. Do vậy mà, những ngày này, lịch trình đi lại của các ông trùm, ông quản bỗng dưng được quan tâm đặc biệt. Và cũng vì thế mà ông từ kéo chuông nhà thờ lại được giao thêm nhiệm vụ là giữ cửa nhà thờ, đếm số giáo dân “bám đuôi” lọt “top” may mắn được vào dự Thánh lễ hôm đó. Khi đã đủ người thì ông từ khóa cửa và đứng chặn bà con ngoài cửa.

Covid làm thay đổi những thói quen trong thực hành đời sống Đức Tin. Mà Giáo hội thì chưa bao giờ sợ hãi hay chùn bước trước bất kỳ thách thức nào. Đức tin của Giáo Hội vẫn luôn được tỏa sáng trong mọi nơi, mọi thời, mọi hoàn cảnh. Trong các nhà thờ dù cánh cửa phải đóng kín thì ánh đèn chầu vẫn luôn le lói lung linh bền bỉ. Và đâu đó, trong khắp các giáo xứ vẫn có những giáo dân hướng nhìn về nhà thờ, nhà xứ. Họ thèm được thấy cha xứ lại dâng lễ cho toàn xứ.

Covid lại cũng có thể là một “phép thử” về Đức tin trưởng thành cho người giáo dân. Nhà thờ phải đóng cửa nhưng luật buộc về tham dự Thánh lễ Chúa Nhật lại “mở cửa”, liệu chỉ việc ở nhà, mở tivi lên đúng giờ, nghiêm trang, tập trung một giờ đồng hồ thì được coi như không lỗi luật mà người giáo dân có làm được hay không?

Quay lại cuộc nói chuyện với chị ca đoàn, nhìn nét mặt chị vừa vui vẻ, vừa có phần ái ngại vì bị phát hiện đi đôi dép lê, giờ lại phải đang nghĩ lấy vẻ mặt ăn năn, đáng thương nào để đối diện với mẹ chồng đang chờ ở nhà và biết tỏng con dâu đi “lễ trộm” về để càm ràm.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây