Trong sứ điệp gửi đến Diễn đàn Liên tôn G20 năm 2021 được tổ chức tại Bologna, bắc Ý, ĐTC Phanxicô nói: “Cần phải phục vụ sự thật, và tuyên bố một cách không sợ hãi hay làm ngơ trước sự ác, đặc biệt sự ác được thực hiện bởi những người tuyên xưng cùng niềm tin với chúng ta”.
Mở đầu sứ điệp, ĐTC Phanxicô ca ngợi buổi gặp gỡ: “Thật là đẹp khi mọi người đến với nhau, cố gắng vượt qua những khác biệt, chia sẻ những ý tưởng và hy vọng. Các quyền bính tôn giáo, các nhà lãnh đạo chính trị và đại diện của thế giới văn hóa đối thoại cùng tụ họp với nhau để thúc đẩy sự tiếp cận các quyền cơ bản, trên hết là tự do tôn giáo, và vun đắp men hiệp nhất và hòa giải ở những nơi chiến tranh và hận thù gieo rắc sự chết và dối trá”.
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng, liên quan đến những vấn đề này, vai trò của các tôn giáo rất cần thiết. Bởi vì nếu chúng ta muốn gìn giữ tình huynh đệ trên mặt đất, “chúng ta không thể để mất dấu Thiên đàng”. Ngài cũng khẳng định: “Tôn giáo thực sự là một tôn giáo thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Và chúng ta, là những tín đồ không thể miễn trừ những lựa chọn tôn giáo thiết yếu này: chúng ta được kêu gọi diễn tả sự hiện diện phụ tử của Thiên Chúa trên trời qua sự hòa hợp của chúng ta dưới đất”.
Tuy nhiên, theo ĐTC Phanxicô, hiện nay, điều này vẫn còn là giấc mơ xa vời. Trong lĩnh vực tôn giáo, dường như đang diễn ra một “sự biến đổi khí hậu” độc hại: những thay đổi có hại ảnh hưởng đến sức khỏe của Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, có những thay đổi khác đang “đe dọa Thiên đàng”, như thể “nhiệt độ” sùng đạo ngày càng gia tăng. Chỉ cần nghĩ đến sự bùng phát của bạo lực khai thác sự thánh thiêng trong 40 năm qua: đã có gần 3.000 vụ tấn công và khoảng 5.000 vụ giết người ở nhiều nơi thờ phượng, tại những không gian cần được bảo vệ như một ốc đảo thánh thiêng và tình huynh đệ.
ĐTC Phanxicô đặt câu hỏi: Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với tất cả những điều này?. Ngài trả lời: “Tất cả chúng ta cũng phải cùng giúp chống lại nạn mù chữ tôn giáo, ngang qua các nền văn hóa: đó là sự thiếu hiểu biết, giảm kinh nghiệm niềm tin xuống thành những ước vọng thô sơ của con người và dụ dỗ những tâm hồn dễ bị tổn thương cuốn theo các khẩu hiệu cực đoan”.
Các tín đồ không được dùng bạo lực để chống bạo lực vì điều này chỉ tạo ra một vòng xoáy trả thù vô tận. Bởi vì “con đường đưa đến hòa bình không thể tìm được nơi vũ khí, nhưng là nơi sự công chính. Và chúng ta, các nhà lãnh đạo tôn giáo, là những người đầu tiên phải trải qua những thử thách như vậy, làm chứng rằng khả năng chống lại cái ác không nằm ở những tuyên bố, mà ở việc cầu nguyện; không phải để trả thù, nhưng là sự hòa hợp; không phải ở những con đường tắt được quyết định bởi việc sử dụng vũ lực, mà ở sức mạnh liên đới kiên nhẫn và mang tính xây dựng. Chỉ có điều này mới thực sự xứng đáng với con người. Và bởi vì Thiên Chúa không phải là Chúa của chiến tranh, mà là của hòa bình”.
Kết thúc sứ điệp, ĐTC Phanxicô đề cập đến khí hậu và di cư. Ngài nói: “Thời gian dành cho việc giải quyết những vấn đề liên quan đến khí hậu và di cư không còn là thời gian dành cho các liên minh của một bên chống lại bên kia, nhưng là thời gian dành cho việc tìm kiếm chung các giải pháp cho các vấn đề của con người. Những người trẻ và lịch sử sẽ xét xử chúng ta về điều này. Chúng ta hãy cùng nhau làm điều này. Tôi chân thành cảm ơn và đồng hành với quý vị trong cầu nguyện và khẩn cầu Đấng Tối Cao chúc lành cho mỗi người”. (CSR_6117_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn