Trong lời tựa viết cho cuốn sách “Tình huynh đệ: Dấu hiệu của thời đại” của Đức Hồng y Michael Czerny, do nhà xuất bản Vatican phát hành, về giáo huấn xã hội của ĐTC Phanxicô trong thông điệp Fratelli tutti, ĐTC Phanxicô nói rằng tình huynh đệ và giáo huấn xã hội của Giáo hội không nằm ngoài thần học nhưng bắt nguồn sâu xa từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Mở đầu lời tựa, ĐTC Phanxicô viết: “Trọng tâm của Tin Mừng là công bố Nước Thiên Chúa, là con người của Chúa Giêsu – Emmanuel và Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thực vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa bày tỏ một cách dứt khoát dự án yêu thương đối với nhân loại, thiết lập quyền thống trị của Người trên các tạo vật và đưa vào lịch sử nhân loại hạt giống của sự sống thần linh, để biến đổi nó từ bên trong”.
Nước Thiên Chúa hiện diện khi xã hội tràn đầy tình huynh đệ
ĐTC Phanxicô giải thích về cách thế ý niệm về tình huynh đệ được đặt nền tảng trong Nước Thiên Chúa: “Vương quốc của Thiên Chúa chắc chắn không thể bị đồng hoá hoặc nhầm lẫn với một số loại biểu hiện thế gian hoặc chính trị. Tuy nhiên, nó không nên được xác định bằng một thực tại hoàn toàn nội tâm, cá nhân và tâm linh, hoặc như một lời hứa chỉ dành cho thế giới bên kia”. “Vương quốc của Thiên Chúa ở đây và lúc này, trong khi vẫn là một lời hứa và là một tiếng kêu của vũ trụ đòi được giải phóng hoàn toàn”.
Theo ĐTC Phanxicô, các Kitô hữu được kêu gọi để gieo trồng Nước Thiên Chúa trên trái đất. Đây là một khía cạnh xã hội của đức tin Kitô giáo mà chúng ta không bao giờ được quên. Nước Thiên Chúa sẽ được thể hiện trong thế giới của chúng ta khi mà xã hội tràn ngập “tình huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người. ĐTC Phanxicô nhận định rằng theo nghĩa này, “sự quan tâm đến Đất Mẹ của chúng ta và nỗ lực xây dựng một xã hội dựa trên tình liên đới, trong đó tất cả chúng ta là anh chị em, không nằm ngoài mục đích của đức tin, mà là biểu hiện cụ thể của nó”.
Tình huynh đệ là một trong những dấu chỉ của thời đại
ĐTC Phanxicô nói rằng tình huynh đệ là một trong những dấu chỉ của thời đại mà Vatican II nêu rõ và là điều mà thế giới chúng ta rất cần. Ngày nay “chúng ta không chỉ cần một Giáo hội trong thế giới hiện đại và đối thoại với nó, mà trên hết là một Giáo hội phục vụ nhân loại, chăm sóc cho công trình sáng tạo, cũng như công bố và thể hiện một tình huynh đệ phổ quát mới, trong đó các mối quan hệ của con người được chữa lành khỏi tính ích kỷ và bạo lực, và được thiết lập trên tình yêu thương, sự chào đón và liên đới với nhau”.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn