Giáo lý về Thánh Giuse – bài 3: Giuse người công chính và là hôn phu của Đức Maria

Thứ sáu - 03/12/2021 19:20

Giáo lý về Thánh Giuse – bài 3: Giuse người công chính và là hôn phu của Đức Maria



Anh chị em thân mến,

Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về hình ảnh của Thánh Giuse. Hôm nay tôi muốn đào sâu hơn về hình ảnh người công chính và là hôn phu của Đức Maria, rồi từ đó đưa ra một thông điệp cho tất cả các cặp đôi đã đính hôn và cả những đôi vợ chồng mới cưới. Trong các trình thuật của Phúc âm ngụy thư đầy dẫy những câu chuyện liên quan đến thánh Giuse, tức là những sách không thuộc qui điển, cũng đã ảnh hưởng đến nghệ thuật và nhiều địa điểm thờ phượng khác nhau. Các tác phẩm không có trong Kinh thánh này – là những câu chuyện do người Kitô hữu thời đó viết ra – đáp ứng cho khát vọng lấp đầy khoảng trống của các trình thuật Tin mừng thuộc qui điển, những sách có trong Kinh thánh, cung cấp cho chúng ta tất cả những điều cơ bản về đức tin và đời sống Kitô giáo.
Thánh sử Matthêu. Đây là điều quan trọng: Tin mừng nói gì về Thánh Giuse? Không phải những gì mà các phúc âm ngụy thư này nói đều là cái gì đó xấu xa hay tồi tệ; chúng là điều tốt, nhưng chúng không phải là Lời Chúa. Thay vào đó các Tin mừng, các sách thuộc Kinh thánh, là Lời Chúa. Trong số các thánh sử thì Matthêu xác định Thánh Giuse là người “công chính”. Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện của ngài: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 18-19). Vì khi người bạn gái của mình không chung thủy hay mang thai thì những bạn trai phải tố giác người ấy. Và những người nữ vào thời đó bị ném đá. Nhưng Thánh Giuse là người công chính. Ngài nói: “Không, tôi sẽ không làm điều này. Tôi giữ im lặng”.

Để hiểu được cách cư xử của thánh Giuse với Đức Maria, thật hữu ích khi nhớ lại các phong tục hôn nhân của dân Israel. Cuộc hôn nhân bao gồm hai giai đoạn được xác định rõ ràng. Lần thứ nhất giống như một cuộc đính hôn chính thức, bao gồm cả một tình huống mới: cách riêng với người nữ, trong khi vẫn còn sống ở nhà cha mẹ ruột thêm một năm nữa, nhưng thực ra người nữ đó được xem là “vợ” của người đã hứa hôn với cô. Dù họ không sống chung với nhau, nhưng người nữ ấy như thể là vợ của anh ta. Hành động thứ hai là rước dâu từ nhà gái về nhà chồng. Điều này được diễn ra với đoàn đưa dâu, kết thúc lễ cưới. Và những người bạn của cô dâu đã tháp tùng cô đến đó. Dựa vào phong tục này, sự kiện “trước khi về chung sống với nhau, Maria đã mang thai”, đã vạch trần Trinh nữ về tội gian dâm. Và tội này, theo luật xưa, phải bị trừng phạt bằng ném đá (x. Đnl 22, 20-21). Tuy nhiên, một cách giải thích ôn hòa hơn đã được áp dụng trong cách thực hành của người Do Thái sau này, vốn chỉ yêu cầu hành động từ chối với các hậu quả dân sự và hình sự đối với người phụ nữ chứ không phải ném đá.

Tin mừng nói rằng Thánh Giuse là người “công chính” bởi vì ngài phải tuân giữ lề luật như bao nhiêu người Israel ngoan đạo khác. Nhưng tự trong lòng ngài, tình yêu và sự tin tưởng dành cho Đức Maria đã gợi lên một cách để ngài vừa tuân giữ lề luật vừa cứu lấy danh dự của người bạn đời: ngài quyết định từ chối trong âm thầm, không gây ồn ào, không để cho Đức Maria phải chịu sỉ nhục trước công chúng. Ngài chọn con đường kín đáo, không kiện cáo hay trả thù. Thánh Giuse thánh khiết biết bao! Còn chúng ta, khi vừa có một chút thông tin về chuyện tầm phào hay điều gì xấu về người khác chúng ta liền đi rêu rao ngay lập tức. Trái lại, Thánh Giuse im lặng.

Nhưng ngay sau đó thánh sử Matthêu liền thêm vào : “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Tiếng nói của Thiên Chúa can thiệp vào trong sự phân định của Giuse qua một giấc mơ, mở ra cho thánh nhân thấy một ý nghĩa quan trọng hơn so với sự công chính của ngài.

Và thật quan trọng đối với mọi người chúng ta khi biết vun trồng một cuộc đời công chính và đồng thời luôn cảm thấy mình cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, để có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta và xem xét các hoàn cảnh của cuộc sống từ một quan điểm khác, rộng lớn hơn. Nhiều lần chúng ta cảm thấy mình như những tù nhân đối với những gì đã xảy ra cho chúng ta: “Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra cho tôi vậy”, và chúng ta vẫn là những tù nhân của những điều tồi tệ, vốn đã xảy ra cho chúng ta; nhưng thực sự khi đối mặt với một số hoàn cảnh của cuộc sống, mà thoạt đầu có vẻ bi thảm, nhưng một ơn Quan Phòng ẩn giấu sẽ được hình thành theo thời gian và soi sáng ý nghĩa cũng như đau khổ vốn đã chạm vào chúng ta. Sự cám dỗ đó là khép mình trong nỗi đau, trong suy nghĩ rằng những điều tốt đẹp không bao giờ xảy ra cho chúng ta. Và điều này thật sự không ổn. Điều này dẫn đến buồn bực và cay đắng. Tâm hồn cay đắng thì thật tệ.

Tôi muốn mọi người dừng lại và suy gẫm về một chi tiết của câu chuyện được Tin mừng kể lại mà chúng ta thường bỏ qua. Đức Maria và Thánh Giuse là cặp đôi đã đính hôn, có lẽ họ đã ấp ủ những ước mơ và kỳ vọng cho cuộc sống và tương lai của mình. Thật bất ngờ, Chúa dường như đã tự chen mình vào cuộc sống của họ và dẫu cho lúc đầu điều đó gây khó khăn cho họ, cả hai đều mở rộng trái tim cho thực tại đang diễn ra trước mắt họ.

Anh chị em thân mến, nhiều khi cuộc sống của chúng ta thường không như chúng ta tưởng. Nhất là trong các mối quan hệ yêu đương, tình cảm, chúng ta khó có thể chuyển từ cái luận lý si tình sang tình yêu trưởng thành. Và chúng ta cần phải chuyển từ sự si tình sang tình yêu trưởng thành. Những đôi vợ chồng mới cưới, các bạn hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Giai đoạn đầu luôn được ghi dấu bằng một thứ mê hoặc nào đó, vốn làm cho cuộc sống ngập chìm trong hư ảo thường không tương xứng với thực tại của các sự việc. Nhưng chỉ khi nào sự si mê với những mong đợi của nó xem ra kết thúc, thì ở đó tình yêu thực sự mới có thể bắt đầu. Thực vậy, tình yêu không phải là mong người kia hay đợi cuộc sống tương hợp với trí tưởng tượng của chúng ta; đúng hơn có nghĩa đó là chọn lựa hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm về cuộc sống như nó đã được trao tặng cho chúng ta. Đây là lý do Thánh Giuse đã đưa ra cho chúng ta một bài học quan trọng, ngài chọn Đức Maria với “đôi mắt rộng mở”. Và chúng ta có thể nói “với mọi rủi ro”. Anh chị em nghĩ xem, trong Tin mừng Gioan, những lời khiển trách mà các tiến sĩ luật dành cho Chúa Giêsu là: “Chúng tôi không phải là những đứa con xuất thân từ đó”, ám chỉ đến việc mại dâm. Nhưng vì họ biết Đức Maria mang thai như thế nào và họ muốn làm nhơ bẩn mẹ của Chúa Giêsu. Đối với tôi, đây là đoạn dơ bẩn nhất, ma quỷ nhất trong Tin mừng. Và sự liều lĩnh của Thánh Giuse dạy cho chúng ta bài học này: cuộc sống đến thế nào thì hãy đón lấy như vậy. Thiên Chúa có can thiệp vào đó không? Tôi sẽ nhận lấy nó. Và Thánh Giuse đã làm theo lời sứ thần truyền: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1, 24-25).

Các cặp đôi kitô giáo sắp cưới được kêu mời làm chứng cho một tình yêu như vậy, một tình yêu có đủ can đảm để chuyển từ sự trạng thái si tình sang tình yêu trưởng thành. Và đây là một lựa chọn khắc khe, thay vì giam cầm cuộc sống thì có thể củng cố tình yêu để nó được bền vững trước những thử thách của thời đại. Tình yêu lứa đôi cứ thế tiếp diễn trong cuộc sống và trưởng thành từng ngày. Tình yêu thời gian đính hôn là một tình yêu – cho phép tôi dùng chữ này – có chút lãng mạn. Anh chị em đều trải qua điều này, nhưng rồi tình yêu trưởng thành bắt đầu, rồi từng ngày, công việc, con cái sẽ đến, vì vậy đôi khi sự lãng mạn cũng bị phai nhạt dần. Nhưng đó không phải là tình yêu đúng không? Phải, nhưng tình yêu trưởng thành. “Nhưng cha có biết nhiều lần chúng con cãi nhau…”. Điều này xảy ra từ thời ông Ađam và Eva cho đến hôm nay: Các đôi vợ chồng cãi nhau là chuyện thường như cơm bữa. “Nhưng không cần phải cãi nhau sao?” À có thể chứ. “Và thưa cha, đôi khi chúng con to tiếng nữa” – “điều đó đã xảy ra”. “Ngay cả nhiều lần chén đĩa cũng bay theo”. Nhưng làm sao để điều này không phá hỏng đời sống hôn nhân? Các bạn hãy nghe cho kỹ: đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà không làm hòa. Chúng ta đã cãi nhau. Tôi đã nói với bạn những lời nói không hay, nói những điều tồi tệ. Nhưng giờ đây một ngày đang kết thúc: tôi phải làm hòa. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì chiến tranh lạnh sau ngày đó thì thật là nguy hiểm. Đừng để xảy ra chiến tranh ngày sau đó. Vì thế cần phải làm hòa trước khi đi ngủ. Anh chị em hãy luôn nhớ: đừng để một ngày kết thúc mà không có bình an. Và điều này sẽ giúp cho đời sống hôn nhân của anh chị em. Con đường từ ưa thích đến tình yêu trưởng thành là một lựa chọn thật khắt khe, nhưng chúng ta phải đi theo con đường đó.

Và lần này chúng ta cũng kết thúc bằng lời nguyện với Thánh Giuse:

Lạy Thánh Giuse
người đã yêu mến Mẹ Maria bằng sự tự do
đã chọn từ bỏ ảo tưởng của mình để nhường chỗ cho sự thật,
xin giúp mỗi người chúng con biết ngạc nhiên trước Thiên Chúa
và chấp nhận cuộc sống không phải là một điều gì đó không lường trước được để tự bảo vệ mình,
nhưng như một mầu nhiệm che giấu bí quyết của niềm vui thực sự.
Xin cho các cặp đôi kitô giáo sắp cưới có được niềm vui và biết dấn thân,
đồng thời luôn ý thức rằng chỉ có lòng xót thương và tha thứ thực sự mới có thể đem lại tình yêu.
Amen.



Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây