Bài 1, 2 và 3 trong Tuần lễ Giáo lý 2019 của Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Chủ nhật - 28/07/2019 10:48
Tuần lễ Giáo lý - Bài 1: Con người là gì, là ai?

Lời mở đầu

Các bạn thân mến,

Trong tuần lễ Giáo lý năm 2019 này, chúng ta cùng tìm hiểu Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo về con người.

Đây là một chủ đề thiết thân đối với từng người, vì chúng ta là con người. Chúng ta muốn khám phá ra mình là gì, là ai, có thể mở rộng và vươn xa tới đâu trong thế giới hữu hình và cả vô hình.

Hơn nữa, chúng ta là những con người đang sống giữa cộng đồng xã hội, có thể vươn rộng đến toàn thể nhân loại và vũ trụ. Nếu những thành phần của cộng đồng này nhận thức được những giá trị căn bản của con người như sự thật, tình yêu, tự do, công bằng và cùng hành động cho công ích, chắc chắn xã hội chúng ta sẽ sống an lành, dồi dào và hạnh phúc hơn nhiều.

Cuộc sống con người chúng ta luôn có những biến động, thách đố và thậm chí cả những xung đột vì những nhận thức, tham vọng và dục vọng khác nhau, Giáo huấn Xã hội Công giáo về con người sẽ là một phương tiện rất hữu hiệu để ta giải quyết những căng thẳng, khó khăn đó. Đồng thời Giáo huấn này cũng giúp ta sống trong niềm tin và hy vọng vì mỗi con người đều là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng và có những khả năng vô tận để tôn trọng, bênh vực cho nhau.

Khoá học này chỉ kéo dài trong 8 tiết học nên chắc chắn chỉ có thể giới thiệu với các bạn một vài điểm chính của Giáo huấn Xã hội Công giáo. Mong các bạn sẽ tìm dịp học hỏi thêm.

Bản văn của khoá học được soạn thảo dưới hai dạng: dạng in thành tập sách nhỏ và dạng văn bản có hình màu minh hoạ sao chép trên đĩa mềm để tiện lưu trữ.

Cầu chúc các bạn luôn an mạnh để tìm được những điều bổ ích cho đời sống trong Giáo huấn Xã hội Công giáo này.

Thân ái,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Các chữ viết tắt

Công đồng Vaticanô II:   

CĐ.Vat II

Hiến chế Gaudium et Spes:  

GS

Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo:

TLHTXHCG

Giáo lý Hội Thánh Công giáo:

GLHTCG

Hội đồng Giám mục Việt Nam: 

HĐGMVN

Atlas Giải phẫu Cơ thể Người:

Atlas

    


Bài 1

Con người là gì, là ai?

Lời mở

Kể từ lúc con người biết suy tư (homo sapiens) xuất hiện khoảng 200.000 năm trước cho đến ngày nay với khoảng 7,7 tỷ người đang sống trên trái đất[1], con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời về lai lịch của mình - Con người là gì, là ai? (CĐ.Vat II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 8) -, về chỗ đứng và vai trò của con người trong xã hội và vũ trụ, về cùng đích của con người và muôn vật (CĐ.Vat II, GS, số 3). Nhờ những khám phá mới mẻ của các ngành khoa học hiện đại, con người có nhiều điều kiện hơn để tìm hiểu về chính mình và trả lời cho các vấn đề trên.

1. Con người là ai hay là gì?

Cuộc tranh luận giữa hai dòng tư tưởng: “con người là ai” như một chủ thể biết suy tư và “con người là gì” như một tổng hợp các yếu tố vật chất kéo dài từ nhiều ngàn năm nay và có thể kết thúc khi chúng ta tìm ra được một định nghĩa đúng đắn về con người.

1.1. Những định nghĩa khác nhau

Theo Từ điển Tiếng Việt: Con người là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng công cụ trong quá trình lao động[2].

aTheo Từ điển Bách khoa Việt Nam: Con người là sinh vật thuộc giống người, đánh giá trình độ phát triển cao của cơ thể sống trên trái đất[3].

Theo Từ điển Công giáo Anh-Việt: Con người là một hữu thể vừa thể xác, vừa tinh thần (GLHTCG, số 362) tạo thành một thể duy nhất (GLHTCG, số 365). Linh hồn thiêng liêng được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng. Thân xác sẽ hư hoại, nhưng linh hồn bất tử, không hề hư mất khi lìa khỏi xác trong giờ chết và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày phục sinh cánh chung (GLHTCG, số 366)[4]. Con người là một ngôi vị được Thiên Chúa tạo dựng để liên hệ với Ngài. Chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống, thể hiện được chính mình và hướng đến Thiên Chúa một cách tự nhiên[5].

Theo Từ điển Công giáo: Con người là thụ tạo hồn-xác, nam và nữ - được Thiên Chúa tình thương dựng nên theo hình ảnh của Ngài và được ban quyền làm chủ vũ trụ (x. St 1,26 – 2,25; GLHTCG, số 369)[6].

Hai định nghĩa đầu tiên tìm hiểu “con người là gì” trong dòng tiến hoá của vạn vật. Hai định nghĩa sau nhận định “con người là ai” trong mối tương quan với nguồn gốc là Thiên Chúa và với muôn loài trong vũ trụ. Để tìm được định nghĩa đúng đắn, chúng ta sẽ sử dụng những dữ liệu của khoa học mới mẻ nhất để khám phá con người trong dòng tiến hoá, rồi mới xác định con người trong các mối tương quan.

1.2. Khoa học khám phá con người

Sau nhiều chục thế kỷ chìm đắm trong các huyền thoại của các dân tộc và tôn giáo, con người đặt niềm tin vào khoa học vì “khoa học là hệ thống tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như những hoạt động của tinh thần con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực[7]. Chúng ta có thể lưu ý một vài cột mốc của vài ngành khoa học giúp con người khám phá ra chính mình.

Từ thế kỷ XII, các đại học được mở ra trên vài nước ở châu Âu, thúc đẩy con người tìm hiểu một cách khách quan về vạn vật, trong đó có con người. Những tiến bộ về Y khoa và Dược khoa giúp cho con người có thể chữa lành bệnh tật, thoát khỏi cái chết trước mắt, thay thế được những bộ phận hư hỏng trong cơ thể khiến con người thấy mình không còn phải là món đồ chơi trong tay các thần linh hay hoàn toàn thụ động trước sự an bài của Thiên Chúa.

Học thuyết Tiến hoá của C. Darwin (1809-1882). Năm 1859, nhà tự nhiên học người Anh này đã xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” đề xướng giả thuyết về tiến hoá sinh học: mọi loài sinh vật sinh ra không phải do Chúa Trời hay thần thánh, mà là xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong quá trình này, những biến dị cá thể hay biến dị di truyền nhỏ nhất, nếu làm tăng khả năng cạnh tranh, sinh tồn và sinh sản của cá thể sẽ được chọn lọc (được giữ lại, củng cố và tăng cường), trở thành đặc điểm thích nghi… Người ta đã đưa học thuyết này vào trong nhiều ngành khoa học, trong nhiều hệ tư tưởng để ám chỉ tới nguồn gốc sự sống: ví dụ sự sống con người do ngẫu nhiên mà có[8].

aqThuyết Big Bang (Vụ nổ lớn) là mô hình vũ trụ học, miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ. Vụ nổ lớn xảy ra cách đây 15 tỷ năm và được các nhà vũ trụ học coi là tuổi của vũ trụ. Chính xác là 13,8 tỷ năm theo tính toán từ tàu Planck năm 2013. Lý thuyết này do nhà vũ trụ, cũng là linh mục, Georges Le Maître đề xuất: một nguyên tử nguyên thuỷ ở một trạng thái cực nóng và đậm đặc đã phát nổ và các hạt bụi hình thành nên các thiên hà, trong đó có thiên hà của chúng ta. Thuyết này được nhiều nhà bác học, vũ trụ học chứng minh như Albert Einstein, Alexander Friedmann, Hoyle, E. Hubble[9]. Thuyết Big Bang như một cách giải thích nguồn gốc hình thành vũ trụ mà không cần đến một đấng sáng tạo nào.

Khoảng 12 tỷ năm trước, mặt trời là ngôi sao xuất hiện trong thiên hà này. Khoảng 8 tỷ năm trước, trái đất là một hành tinh tách ra từ mặt trời. Các chất khởi đầu như C H O N phối hợp với nhau. Hydro phối hợp với Oxy thành nước. Các chất vô cơ phối hợp với nhau càng ngày càng phức tạp. Rồi đến các chất hữu cơ xuất hiện. Khoảng 1 tỷ năm trước, tế bào sống đầu tiên xuất hiện, rồi đến các đa bào, các sinh vật hạ đẳng cho đến các sinh vật thượng đẳng dần dần xuất hiện theo thuyết tiến hoá của Darwin.

Sự tiến hoá của loài người. Theo sinh vật học, con người được xếp vào linh trưởng, thuộc họ người. Trên cây tiến hoá, loài linh trưởng phân nhánh từ những nhóm thú khác cách đây từ 65 triệu năm. Trong nhóm linh trưởng, con người có chung các đặc điểm giải phẫu với nhóm khỉ dạng người, xuất hiện ở Đông Phi cách đây 20 triệu năm. Khoa học cho thấy người và tinh tinh có chung tổ tiên cách đây khoảng 5-8 triệu năm. Nhưng loài người có hai đặc điểm chính: đi thẳng đứng trên hai chân và có não bộ lớn: sọ người có thể tích từ 1.100-1.700cm3, trong khi sọ tinh tinh 300-500cm3. Tinh tinh sống thành từng nhóm lớn, có trật tự xã hội với các cử chỉ thể hiện sự quan tâm chăm sóc như bắt ve bọ cho nhau. Tổ chức xã hội của con người phức tạp hơn nhiều. Dù tinh tinh có thể học cách sử dụng ngôn ngữ dấu hiệu, nhưng con người là loài duy nhất có thể truyền đạt các ý tưởng và suy nghĩ qua các hệ thống ngôn ngữ phức tạp[10].

Các tổ tiên của loài người: nhờ những khám phá mới trong ngành cổ sinh vật về phương pháp so sánh protein và ADN của các loài, người ta xây dựng cây gia hệ và phân tích các di tích hoá thạch của loài người cách chính xác hơn và đẩy lùi niên đại của các tổ tiên ban đầu của tông người xa hơn.

Hoá thạch cổ xưa nhất là Sahelanthropus tchadensis ở Đông Phi cách đây 7-6 triệu năm: đứng thẳng trên hai chân, lỗ tuỷ sống chui ra khỏi sọ não, thể tích não khoảng 300cm3. Chi vượn người phương Nam (Australopithecus) xuất hiện khoảng 4-3 triệu năm trước: tư thế đi thẳng nhưng chưa có bàn chân dài và não bộ lớn như chi Người (380-485cm3). Homo erectus là loài đầu tiên trong tông người rời khỏi châu Phi và sang đến Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam xuất hiện cách đây 1,8 triệu – 30.000 năm, não 750-1300cm3.

Homo heidelbergensis tồn tại ở châu Phi và châu Âu cách đây khoảng 600.000-100.000 năm, não 1100-1400cm3, tiến hoá thành người Neanderthal ở châu Âu xuất hiện 400.000-28.000 năm, não khoảng 1412cm3 và thành người hiện đại (Homo sapiens), do Richard Leakey - nhà nhân chủng học người Kenya - tìm thấy ở  niềm Nam Ethiopia cách đây khoảng 200.000 năm với não bộ 1200-2000cm3. Người hiện đại phát triển ra ngoài châu Phi khoảng 50.000 năm trước, theo bờ Ấn Độ Dương tới Australia, về phía Bắc tới châu Âu, châu Á và cuối cùng là châu Mỹ[11].

Con người vô cùng kỳ diệu

Các khoa di truyền học và sinh học trong 20 năm gần đây tiến bộ vượt bậc cho chúng ta biết rõ hơn con người là một cái gì vô cùng kỳ diệu và phức tạp. Con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào trong một cơ thể bình thường. Mỗi ngày có hàng triệu trong số các tế bào này được thay thế. Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể người. Chúng gồm một trung tâm kiểm soát, gọi là nhân, để chứa các vật liệu di truyền (ADN), màng bên ngoài và các ti thể tiêu hoá các chất béo và đường để sản sinh ra năng lượng ADN (acid deoxyribonucleic) bao gồm các khối cấu trúc gọi là base. Bộ gen người gồm khoảng 3 tỉ base của ADN. ADN tập trung thành những cấu trúc dày đặc gọi là các nhiễm sắc thể: mỗi tế bào chứa 23 cặp nhiễm sắc thể, 1 bộ từ mẹ và 1 bộ từ cha.

Những tế bào này được tổ chức chính xác, giữ vị trí riêng của chúng trong một cấu trúc có trật tự. Một số tế bào làm việc đơn độc như hồng cầu hoặc tinh trùng, nhưng nhiều tế bào khác được tổ chức thành nhiều nhóm khác nhau (khoảng 200 nhóm) và tạo thành các mô với những chức năng khác nhau để hoàn thành một hay nhiều nhiệm vụ riêng biệt như tiêu hoá thức ăn, suy nghĩ, chuyển động, sinh sản[12].

tHệ thần kinh giúp con người thích nghi với hoàn cảnh chung quanh, cảm nhận được thế giới quanh mình. Hệ thần kinh trung ương gồm não và tuỷ sống tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan. Các tế bào chính của hệ thần kinh được gọi là Neuron. Não có khoảng 100 tỉ neuron và chúng liên lạc với nhau qua các tín hiệu thần kinh gọi là các xung động điện. Phân tích việc truyền tín hiệu thần kinh, người ta thấy các neuron không hoàn toàn chạm vào nhau tại các điểm tiếp giáp. Các túi chứa chất dẫn truyền để từ thân tế bào của neuron gửi đến màng khớp thần kinh, một xung động điện đến giải phóng các chất chứa trong túi, các chất này vượt qua khe khớp thần kinh lại tạo nên xung điện ở neuron tiếp theo[13].

Phân tích não bộ, người ta thấy các vùng vỏ não phụ trách một số chức năng nhất định: như vùng vỏ não thị giác nhận các tín hiệu đến từ hai mắt; vùng Broca, Wernicke và Geschwind phụ trách ngôn ngữ, vùng thính giác, vùng cảm giác, vùng vận động thân thể, vùng cảm xúc, vùng điều hành trung tâm, tổng hợp các tín hiệu ở các vùng khác và lập ra kế hoạch hành động[14].

Các vùng của não liên quan đến trí nhớ không phải chỉ đơn thuần là lưu trữ và gợi nhớ lại các sự kiện, nhưng bao gồm đủ loại thông tin, sự việc, kinh  nghiệm và hoàn cảnh, từ tên người đến khuôn mặt, nơi chốn và cả trạng thái cảm xúc của con người vào thời điểm đó[15].

Nhờ não bộ, con người đã suy nghĩ biết bao điều kỳ diệu, sáng tạo nên các khoa học, làm nên các công trình văn học, nghệ thuật, chế tạo nên các sản phẩm hết sức tiện dụng để giúp cho con người sống an vui, sung túc và hạnh phúc.

Mở rộng ra ngoài cộng đồng xã hội, con người quy tụ lại thành những dân tộc, những tổ chức với những luật pháp chặt chẽ để cùng nhau phục vụ lợi ích chung và tạo nên hạnh phúc bền vững cho muôn loài.

Con người đã đi vào lĩnh vực tinh thần với các giá trị không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Đó là những giá trị của tình yêu, sự thật, cái tốt, cái đẹp, tự do, hạnh phúc, nhân vị, hoà bình… Con người vượt qua giới hạn của “cái gì” để khám phá ra mình “là ai”, nhận thức được đối tượng mình sống với, mình yêu thương, mình phục vụ, mình hy sinh là những ngôi vị. Con người bước vào một chân trời mới của hiện hữu và suy tư để đi tìm nguồn gốc của mọi hiện hữu, lý do hiện hữu và cùng đích của mọi hiện hữu trong các mối tương quan. Tất cả những khám phá và vấn đề do con người đặt ra  bây giờ lại không còn là những đối tượng có thể cân đo đong đếm của các khoa học thực nghiệm vì chúng là những đối tượng có thật, vì con người đang nghĩ, đang yêu, đang sống với chúng. Con người bắt đầu đi tìm câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi “mình là ai, là gì” trong các hệ tư tưởng, các tôn giáo, trong khoa học và cả thần học.

2. Những hệ tư tưởng về con người trong dòng lịch sử

Đứng trước thực tại vừa tầm thường vừa phi thường của con người, nhiều tôn giáo, chủ nghĩa đã cố gắng giải thích, làm thành những hệ tư tưởng và tạo nên những thái độ sống khác nhau của con người. Chúng ta có thể lược thuật vài quan điểm nổi bật trong dòng lịch sử được nhiều người đón nhận sau đây:

2.1. Bái vật (Tiền sử, Thời đồ đá cũ – thời đồ đá mới)


Con người không ý thức về mình, không nhận ra những giá trị của mình, nên tôn thờ những sức mạnh thiên nhiên và vạn vật làm thần linh. Đây là thái độ của những người nguyên thuỷ, hay người tiền sử, chưa biết đến khoa học, chỉ nhìn vào các hiện tượng bên ngoài, thấy hổ báo, sấm sét, lửa nước, gió bão mạnh mẽ hơn mình thì tôn thờ chúng. “Đất có thổ công – Sông có hà bá”.

Con người không đặt câu hỏi về mình, về những sự việc liên quan đến mình như cái chết, khổ đau, bệnh tật và coi chúng là những chuyện tự nhiên của kiếp người giống như bao sinh vật khác. Thái độ bái vật này vẫn còn xuất hiện trong thời đại hiện nay, khi con người tôn thờ tiền của, coi chúng là giá trị tuyệt đối trong đời sống: “Có tiền mua tiên cũng được!”.

2.2. Bái thần (từ thời Cổ đại – thời Cận đại, thế kỷ 18)

Nhờ trí thông minh, con người thắng được các sức mạnh thiên nhiên: lấp sông, phá núi, ngăn biển và không tôn thờ chúng nữa. Nhưng con người lại tạo ra cho mình các thần linh mới và thể hiện lòng sùng bái đó qua các tôn giáo.

Con người tìm ra phương pháp làm nông nghiệp với lúa gạo, lúa mì, các cây lương thực khác, thuần hoá các động vật hoang dã thành gia súc nên bỏ đời sống du mục sang định cư lâu dài. Con người phát triển giao thông vận tải, phát minh ra hệ thống chữ viết (chữ hình nêm, chữ Hy Lạp, chữ Latinh). Nhiều thành phố phát triển bên cạnh hồ, sông và các cửa biển. Con người sống ấm no, sung túc nên có nhiều thời giờ suy nghĩ về mình, về thế giới, tạo nên các nền văn minh ở đồng bằng Lưỡng Hà Mesopotamia, bờ sông Nil ở Ai Cập, sông Indus, nền văn minh Tây Á, văn minh Hy Lạp, văn minh La Mã. Các dân tộc giàu mạnh, văn minh hơn sáng tạo ra các phương tiện chiến tranh, dùng sức mạnh, vũ khí để xâm lăng các dân yếu kém hơn mình và bắt họ lệ thuộc về mặt văn hoá, tinh thần, tôn giáo[16].

Các tôn giáo tạo nên những hệ tư tưởng giải đáp các thắc mắc về nguồn gốc, giá trị, cùng đích của con người. Nói chung, con người bắt nguồn từ thần linh, do thần linh điều khiển, chi phối con người. Các thần thoại Hy Lạp, La Mã coi con người là đồ chơi của các thần linh, chỉ có thần linh là bất tử như thần Zeus, Jupiter, Mars, Minerva, Venus, Diana… Ấn Độ giáo cho con người là một phần của Brahman, Đại Ngã tối cao, gọi là Atman (tiểu ngã) khi con người dùng tinh thần của mình hoà nhập với Brahman. Phật giáo cho con người chỉ là một dạng sống biến đổi trong sáu đường (Lục đạo, Lục thú): địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, Atula, nhân gian, thiên thượng[17] trong hàng tỉ kiếp của vòng luân hồi trước khi thoát ra để vào được Niết Bàn thành Phật. Do Thái giáo giải thích con người là thụ tạo do Đức Chúa Giavê dựng nên, có tinh thần giống như Ngài, nhưng đã phạm tội không tuân phục, nên cắt đứt sự hoà hợp với Đức Chúa, phải đau khổ và phải chết. Do Thái giáo đưa con người hướng về niềm hy vọng sẽ được giải thoát, được cứu độ bởi Đấng Mêsia (Đấng Kitô: Đấng được xức dầu).

Kitô giáo xuất hiện vào đầu thế kỷ I giới thiệu Đức Giêsu, người Nazareth của nước Do Thái chính là Đấng Mêsia để cứu độ con người và vũ trụ. Kitô giáo nhận lời giải thích của Do Thái giáo về con người và xác định rằng con người đã được Đức Giêsu biến đổi hoàn toàn, trở thành một con người mới, có giá trị vô cùng, được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của Thiên Chúa và có thể trở thành quyền năng vô tận như Thiên Chúa vì đã được trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu đã chết để đền tội cho con người và sống lại vì con người. Kitô giáo là tôn giáo có lời giải thích rõ ràng nhất về con người nên số tín đồ đã phát triển mạnh và hiện nay có khoảng 2 tỉ 400 tín đồ trong số 7,7 tỉ người sống trên trái đất.

2.3. Nhân văn (từ thời cận đại, thế kỷ 15 đến hiện đại, thế kỷ XXI)

Thái độ sống quy hướng vào con người, lấy con người làm trung tâm cho mọi hoạt động và giá trị. Từ thế kỷ XV, khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in, máy điện báo do ông Chapper phát minh năm 1793, điện thoại năm 1876, truyền thanh (1920), truyền hình (1937), máy tính điện tử, internet (1974), nhất là trong thời hiện đại, con người phổ biến và chia sẻ rất nhanh những suy tư cảm nghĩ của mình, tạo nên những chủ nghĩa, hệ tư tưởng, thái độ sống rất khác nhau về con người. Tuy nhiên, dù là chủ nghĩa duy tâm hay duy vật, duy lý hay duy nghiệm, tư bản hay cộng sản, vô thần hay hữu thần, tất cả đều muốn tập trung vào con người chứ không muốn dành cho thần thánh mọi chú ý để không còn bị vong thân.

Những khám phá của khoa học tác động sâu xa vào suy nghĩ của con người, nhất là thuyết tiến hoá, thuyết Big Bang. Con người nghĩ rằng mình có thể giải thích về nguồn gốc của chính mình, mà không cần đến bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, mình có thể xây dựng cho nhân loại phát triển nhờ trí thông minh mà không cần cầu xin ơn lành của thần linh và khoa học tiến bộ có thể giải đáp tất cả những vấn đề khó khăn của con người như nghèo đói, bệnh tật và cả cái chết.

Những niềm tin vào Thiên Chúa, vào thần linh dần dần biến mất khỏi tâm trí con người do đời sống muốn tự do hưởng thụ vật chất, dành thời giờ nhiều cho việc học hành, làm việc, giải trí. Niềm tin vào một Thiên Chúa bị lung lay tận gốc sau hai cuộc chiến tranh thế giới (1914-1918) và (1939-1945). Hàng chục triệu người chết, hàng trăm triệu căn nhà, tài sản bị phá huỷ khiến cho con người thấy cuộc sống thật ngắn ngủi, vô nghĩa và phi lý. Hệ tư tưởng hiện sinh theo các nhà văn Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Albert Camus được phổ biến rộng rãi, nhất là trong giới trẻ. Chúng ta thấy thái độ sống đó thể hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới: những đền thờ, chùa chiền của các tôn giáo vắng bóng người trẻ, chỉ còn ít người già tham dự các buổi cầu kinh trong khi các sân vận động, trung tâm giải trí, các nơi du lịch đầy ắp người vào các ngày nghỉ cuối tuần.

2.4. Nhân bản tâm linh

Dù đang bị cuốn theo cơn lốc của vật chất và các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người vẫn đang muốn đi tìm một hệ tư tưởng có thể giải đáp trọn vẹn cho con người biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu sau cái chết ở cuộc đời trần thế, mình có thể phát huy những khả năng vô tận của tinh thần và thể xác như thế nào để sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, quyền năng vô tận và hạnh phúc vô biên. Phim ảnh, sách báo nói rất nhiều về những mơ ước đó của con người: Super Man, Super Girl, Harry Potter, các truyện võ hiệp Trung Quốc…

Những khám phá mới của khoa học về con người càng thúc đẩy những người hiểu biết đi tìm nguồn gốc của những gì hiện hữu nơi con người: sự sống, tình yêu, tư tưởng, tự do, hạnh phúc. Dù với tất cả những máy móc hiện đại nhất, con người cũng không thể tìm thấy sự sống là gì, tình yêu ở đâu, tư tưởng cao thấp như thế nào trong con người. Người ta chỉ thấy những chất liệu hoá học, những xung động điện chuyển vận trong các tế bào, các neuron thần kinh. Vì thế, nhân loại đang hướng về một nền nhân bản tâm linh có thể giải đáp cho con người sự thật toàn vẹn của con người.

Nhiều nhà khoa học đã nhắc nhở và vạch trần những sai lầm trong giả thuyết tiến hoá của Darwin[18]. Rất nhiều người Cộng sản ở Nga và các nước Đông Âu đã ân hận về việc đã phổ biến những luận chứng sai lầm để phá bỏ tôn giáo và hô hào hệ tư tưởng duy vật, vô thần khiến cho nền luân lý, đạo đức của đất nước bị suy đồi. Các nhà lãnh đạo dân tộc Việt Nam cũng hô hào mở những lễ hội tôn giáo, mỗi năm có hơn 5000 lễ hội, thay vì đả phá như trước để phục hồi con người sống đạo đức hơn[19].

Nhưng xây dựng thế nào để có được một nền giáo dục nhân bản thoả mãn được mọi yêu cầu của con người và chứng minh nền nhân bản đó có thật bằng những con người cụ thể như các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu Kitô đã làm trong thời Giáo hội Công giáo sơ khai là một công trình đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và quyết tâm thực hiện. Đó cũng là niềm mơ ước của cả nhân loại hôm nay.

3. Tóm lược Giáo huấn Xã hội Công giáo về con người

3.1. Vài dòng lịch sử

Mặc dù Thánh Kinh nói rõ về nguồn gốc và cùng đích của con người, cũng như Chúa Giêsu và các môn đệ của Người dạy rất cụ thể về tình yêu thương của con người đối với Thiên Chúa, với anh chị em mình và với vạn vật như là những điểm căn bản của một nền nhân bản tâm linh, người Kitô hữu trong suốt gần 20 thế kỷ qua có vẻ như vẫn giữ thái độ bái thần, nhất là từ khi đạo Công giáo được vua Constantinus nhìn nhận là tôn giáo hợp pháp trên toàn đế quốc Rôma năm 313.

Trong nhiều thế kỷ trước cho đến thời Trung cổ, người Kitô hữu tập trung nguồn lực vào việc xây dựng các cơ sở vật chất, tổ chức các nghi lễ trang trọng, quản lý các địa phận tôn giáo bằng các quan chức như giám mục, linh mục tạo thành giai cấp tăng lữ. Giai cấp này cộng tác mật thiết với chế độ quân chủ. Hầu hết Kitô hữu giáo dân, do học vấn thấp kém, hiểu đạo, giữ đạo là tôn thờ Chúa qua các lễ nghi, kinh nguyện, bí tích và tuyệt đối vâng phục các người đại diện cho Chúa là vua quan và hàng giáo phẩm, giáo sĩ. Họ quan niệm rằng mọi sự đều quy về Chúa, chịu đựng vì Chúa dù có bị bóc lột, thiệt thòi. Karl Mars, Engel và nhiều nhà hoạt động xã hội đã cho thái độ bái thần ấy làm cho con người vong thân và cho tôn giáo chỉ là thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng.

Trước những vấn nạn xã hội nghiêm trọng liên quan đến con người, nhất là những con người đang lao động kiệt lực, Đức Giáo hoàng Lêô XII đã công bố thông điệp Rerum Norarum (Các sự việc mới) năm 1892. Thông điệp này được coi như “học thuyết Công giáo đầu tiên về lao động, về quyền tư hữu, về nguyên tắc hợp tác thay vì đấu tranh bạo động, về phẩm giá của người nghèo và nghĩa vụ của người giàu…”[20].

Nhiều vị giáo hoàng tiếp theo đã công bố những văn kiện về những vấn đề xã hội liên quan đến con người tạo thành “học thuyết xã hội” Công giáo. Từ này được Giáo hoàng Piô XI nói đến đầu tiên năm 1941 và được nhiều giáo hoàng nhắc đến[21]. Gọi là học thuyết, vì “đây là toàn thể nói chung những quan niệm có hệ thống dùng để lý giải các hiện tượng và hướng hoạt động của con người” trong lĩnh vực xã hội[22]. Một số người chỉ dùng từ “giáo huấn xã hội” như một tập hợp những lời dạy của Giáo hội Công giáo về xã hội.

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) với Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes “giới thiệu một Giáo Hội thật sự liên đới sâu xa với loài người và lịch sử nhân loại. Hiến chế trình bày một cách có hệ thống các chủ đề về văn hoá, đời sống kinh tế và xã hội, hôn nhân và gia đình, về cộng đồng chính trị, về hoà bình và cộng đồng các dân tộc, dựa trên quan điểm nhân học Kitô giáo và sứ mạng Giáo Hội”[23].

Sau nhiều năm nghiên cứu và biên soạn, nhất là dưới sự điều hành của vị chủ tịch là Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình đã giới thiệu cuốn Tóm lược học thuyết Xã của hội Công giáo vào tháng 4 năm 2004 cho toàn thể Giáo hội Công giáo và mọi người. “Người tín hữu có thể tìm thấy trong học thuyết này những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động là bước đầu để thăng tiến một nền nhân bản toàn diện và liên đới”[24].

Bản tóm lược này tuy xuất hiện hơi muộn, nhưng hết sức cần thiết để có thể giúp người tín hữu vượt qua thái độ “bái thần”, tập trung sự chú ý vào con người và các vấn đề xã hội của con người, trước những thách đố do các hệ tư tưởng và khoa học đặt ra muốn chỉ tập trung vào con người và chối bỏ Thiên Chúa.

3.2. Nội dung

Bản Tóm lược giới thiệu nền “nhân bản tâm linh vì lấy con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí làm then chốt cho toàn bộ phần trình bày của mình. Giáo hội Công giáo muốn phục vụ con người trong thời đại này qua cuốn Tóm lược theo cung cách đối thoại, mà chính Thiên Chúa đã thực hiện qua Con Một đã làm người của mình, đối thoại như với bạn hữu để làm chứng cho sự thật cũng như để cứu độ con người”[25].

Sách Tóm lược gồm 583 số trình bày thành 12 chương với phần nhập đề và kết luận. Tất cả nội dung trình bày xoay quanh con người và các vấn đề xã hội của con người. Ta có thể nói rằng Học thuyết Xã hội Công giáo chính là học thuyết của Giáo Hội về con người vì như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô xác định: “Con người là con đường của Giáo Hội” đồng thời cũng là con đường của Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã trở thành người là Đức Giêsu Kitô.

Con người là lý do tồn tại của Giáo Hội vì Giáo Hội được Chúa Giêsu lập nên là để cứu độ con người. Khi Giáo Hội quay lưng lại với con người thì con người cũng bỏ Giáo Hội và cũng đánh mất luôn cả Thiên Chúa cùng với Đức Giêsu Kitô vì họ không nhận ra Đức Giêsu chính là con người lý tưởng mình mơ ước đạt tới, như cùng đích cho mọi hoạt động của con người.

Trong quá khứ, không ít lần nhiều cá nhân và tập thể Kitô hữu đã quay lưng lại với con người hoặc đã bỏ quên con người như một chủ thể sống động để tập trung vào nghi thức, lễ lạc hoặc vào cơ sở vật chất. Kinh nghiệm đó như đang thúc đẩy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến con người và tích cực hành động như Chúa Giêsu và cùng với Giêsu để cứu độ họ.

Chúng ta có thể nêu tên các đề tài của 12 chương sau đây:

Nhập đề: Một nền nhân bản toàn diện và liên đới.

Chương 1: Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Chương 2: Sứ mạng của Giáo Hội và học thuyết xã hội.
Chương 3: Con người và nhân quyền.
Chương 4: Các nguyên tắc của HTXHCG.
Chương 5: Gia đình – tế bào sống của Giáo Hội.
Chương 6: Lao động con người.
Chương 7: Đời sống kinh tế.
Chương 8: Cộng đồng chính trị.
Chương 9: Cộng đồng quốc tế.
Chương 10: Bảo vệ môi trường.
Chương 11: Cổ vũ hoà bình.
Chương 12: Học thuyết xã hội và hoạt động của Giáo Hội.
Kết luận: Vì một nền văn minh tình yêu.

Năm 2016, nhân Ngày Giới trẻ Thế giới tại Cracow, Ba Lan, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã trao cho các bạn trẻ cuốn Docat, như là bản tóm lực học thuyết xã hội Công giáo theo phong cách Youcat năm 2011 để các bạn trẻ hành động như Chúa Giêsu, vì “Chúa Giêsu chính là giáo huấn xã hội của Thiên Chúa”[26]. Cuốn Docat gồm 328 câu hỏi và câu trả lời có thêm phần trích dẫn các văn kiện của Giáo Hội và các giáo hoàng. Sách cũng chia thành 12 chương tương ứng với cuốn Tóm lược HTXHCG.

Kết luận

Nhìn vào Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay, những vấn đề về con người càng thôi thúc chúng ta hơn nữa để mỗi tín hữu Kitô giáo phải trở thành một con người thật sự như Đức Giêsu. Có thế chúng ta mới hy vọng tăng thêm tỉ lệ 7% người tín hữu Công giáo mà từ 1885 đến nay vẫn giữ nguyên tỉ lệ này là tín hiệu báo động chúng ta cần xét lại thái độ và hành động của mình đối với con người!

Câu hỏi:

1. Thách đố đầu tiên mà con người phải đối mặt là tìm được sự thật về con người: Con người là gì? Con người có thể làm được những gì? Con người phải như thế nào để đạt được cùng đích của đời mình? (x. Tóm lược HTXHCG, số 16). Bạn thấy còn thách đố nào khác không?

2. Trong 4 thái độ: bái vật, bái thần, nhân bản và nhân bản tâm linh, bạn có thể xếp loại các tôn giáo và hệ tư tưởng mình biết vào thái độ nào? (ví dụ: Phật giáo, Khổng giáo, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xã hội…).

3. Bạn nghĩ mình hay cộng đồng mình sống đang thuộc loại thái độ nào?

4. Bạn dự tính sẽ có hành động xã hội nào cho những đồng bào nghèo khổ, bệnh tật, dốt nát, yếu kém quanh mình nhân danh tình yêu của Đức Giêsu Kitô?


[1] x. Liên Hiệp Quốc, Báo cáo Triển vọng dân số thế giới 2019: Những điểm nổi bật, internet, 19/6/2019.

[2] x. Vietlex Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt 2013, in lần thứ năm, NXB Đà Nẵng, mục từ Người, tr.899.

[3] x. Hội đồng Quốc gia Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, mục từ Con người, q.1, tr.706.

[4] x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh-Việt, NXB Đồng Nai, mục từ Man, tr.1226.

[5] x. TLHTXHCG, số 102; GS, số 12; Evangelnim vitae, số 34; GLHTCG, số 27-49; Mục từ Homo est Der Capevx, tr.971.

[6] x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2016, mục từ Con người, tr.161.

[7] x. Từ điển Tiếng Việt, mục từ Khoa học, tr.648.

[8] x. Wikipedia, Bài Học thuyết Darwin, Internet, 6/3/2019.

[9] x. Wikipedia, Các bài về Big Bang - Vụ nổ lớn, Internet, 2/5/2019.

[10] x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.12-13.

[11] x. Alice Roberts, Atlas, tr.14-15.

[12] x. Alice Roberts, Atlas, tr.20-22.

[13] x. Alice Roberts, Atlas, tr.300.

[14] x. Alice Roberts, Atlas, tr.305.

[15] x. Alice Roberts, Atlas, tr.306.

[16] x. Wikipedia, Lịch sử thế giới, internet.

[17] x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học, NXB Phân viện Nghiên cứu Phật học, 1992, q.1, mục từ Luân hồiLục đạoLục thú, tr.766, 774, 789.

[18] x. Thuyết Tiến hoá của Darwin - Đã đến lúc phải chấm dứt sự lừa dối vĩ đại, Youtube, 1/1/2018; 9 lý do chứng minh Thuyết Tiến hoá của Darwin sai, Youtube, 14/10/2018; …

[19] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr.355-358.

[20] x. HTXHCG, số 89.

[21] x. HTXHCG, số 87-95.

[22] x. Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Học thuyết, tr.587.

[23] x. HTXHCG, số 96.

[24] x. HTXHCG, số 7.

[25] x. Tóm lược HTXHCG, số 13.

[26] x. Lời giới thiệu cuốn Docat của ĐGH Phanxicô, ngày 6/11/2015.
 

Tuần lễ Giáo lý - Bài 2: Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới.
 

Lời mở

Xây dựng nền văn minh tình yêu là đích điểm cuối cùng cho mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo ở trần thế này[1]. Để đạt được mục đích đó, Giáo Hội cổ vũ mọi tín hữu xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới. Đường hướng này được Giáo Hội xác định ngay trong lời mở đầu của cuốn Tóm lược HTXHCG (số 6, 19; được nhắc lại ở phần kết luận số 582) và nội dung của nền nhân bản này được trình bày trong suốt 12 chương của cuốn Tóm lược (2004) và cuốn Docat (2016). Tuy nhiên, rất nhiều học viện Công giáo ít quan tâm và hầu hết tín hữu Công giáo chưa hiểu biết nền nhân bản này là gì và bao gồm những nội dung nào.

1. Nền nhân bản Công giáo là gì?

1.1. Phân biệt từ ngữ

Từ "nền nhân bản" chỉ được sử dụng vài ba lần trong cuốn Tóm lược HTXH, được Công đồng Vaticanô II nhắc đến ít lần trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (số 7,55,56) vì sợ rằng một số người có thể hiểu sai ý nghĩa của nó.

Từ này nguyên ngữ Latinh là humanismus (Anh ngữ: humanism) bắt nguồn từ từ homo - con người (nhân). Nhiều từ điển Việt Nam dịch là chủ nghĩa nhân bản, chủ nghĩa nhân văn (theo Trung Quốc), chủ nghĩa nhân đạo[2].

Từ điển Công giáo 2016 của HĐGMVN nói đến "nền nhân bản Kitô giáo" trong mục từ cùng tên ở trang 637: "là hệ thống quan niệm Kitô giáo về 'căn tính' (bản chất) của con người vốn được biểu hiện trong các mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ"[3].

Từ điển Công giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn dịch từ humanism: chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa nhân bản[4]. Thuật ngữ này bao gồm các phong trào trí thức, văn học và khoa học từ thế kỷ 14 đến 16, nhấn mạnh đến sự phát triển toàn diện con người dựa trên văn hoá Hy Lạp - La Mã cổ điển.

Ngày nay người ta phân biệt chủ nghĩa nhân văn thế tục, nhân văn vô thần với nhân văn tôn giáo. Chủ nghĩa nhân văn thế tục cho rằng thế giới mà con người đạt tới là tất cả thực tại, không có thế giới của những giá trị siêu việt và loài người là giá trị cao quý nhất. Chủ nghĩa này còn cho rằng niềm tin vào Thượng Đế làm cho con người mất đi phẩm giá và tính sáng tạo, khiến cho họ không còn thiết tha đến việc phát triển năng lực và trau chuốt sự cao quý của nhân loại, và làm trì trệ khả năng vươn lên về kinh tế khoa học, thẩm mỹ và đạo đức. Các tác giả tiêu biểu cho chủ nghĩa này: L. Fenerbach (1804-1872), Karl Marx (1818-1883), F. Nietzsche (1844-1900) và Signund Freud (1856-1939).

"Chủ nghĩa nhân văn tôn giáo trong Kitô giáo ý thức phẩm giá đặc biệt của con người trong tương quan với Thiên Chúa"[5].

Công đồng Vaticanô II đã lưu ý nhắc nhở ta về một "nền nhân bản mới, trong đó con người được định nghĩa trước hết dựa trên trách nhiệm của mình đối với anh em và đối với lịch sử"[6]; đồng thời cũng lưu ý ta về chủ nghĩa nhân bản thế tục thuần tuý đối nghịch với tôn giáo[7].

1.2. Xác định từ ngữ

Trước hết, chúng ta dùng từ "nền nhân bản": nền là cơ sở của một việc gì, nhân là người, bản là gốc, cội rễ.

Chúng tôi dùng từ "nền nhân bản" thay vì chủ nghĩa nhân bản để tránh sự hiểu lầm rằng Giáo hội Công giáo đang muốn xây dựng một chủ nghĩa đối kháng với các chủ nghĩa đang có mặt trong đời sống con người như Tư bản, Cộng sản, Duy thực, Duy nghiệm, Duy lý, Duy tâm, Duy vật… Đây là nền nhân bản được xây dựng cho con người và vì con người nên bất cứ chế độ chính trị, tổ chức chính quyền, loại hình kinh tế, văn hoá, xã hội, tôn giáo nào cũng có thể tiếp nhận và hoà hợp, miễn là không đi ngược với bản chất và những quyền lợi căn bản của con người.

Chúng ta dùng từ nhân bản chứ không dùng từ nhân văn, vì nhân văn thuộc về văn hoá con người. Văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất hay tinh thần do con người sáng tạo nên trong một giai đoạn nhất định của lịch sử. Nhân bản có ý nghĩa rộng lớn, bao gồm tất cả những gì thuộc về con người, nhưng không phải chỉ là những giá trị do con người sáng tạo mà còn cả những giá trị được ban tặng cho con người.

Nhân bản cũng không đồng nghĩa với nhân đạo (humanitarian), vì nhân đạo là đạo đức thể hiện ở sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người. Nhân bản bao gồm nội dung cao cả và rộng lớn hơn nhiều, vì bao gồm mọi lĩnh vực hoạt động và mối tương quan của con người trong vũ trụ, trong đó có cả Thiên Chúa và vạn vật.

Thật ra, từ "chủ nghĩa" hay "nền" có thể dùng hoán đổi cho nhau, khi hiểu chủ nghĩa nhân bản vừa là một hệ tư tưởng về các bản chất và mối tương quan của con người, đồng thời vừa là một đường hướng hành động trong mọi lĩnh vực của con người.

Ta cũng cần phân biệt rằng nền nhân bản toàn diện và liên đới là do Công giáo giới thiệu cho cộng đồng nhân loại, chứ không phải là của tất cả Kitô giáo như ghi nhận trong Từ điển Công giáo 2016 của HĐGMVN. Nền nhân bản này lấy Đức Giêsu Kitô là con người mới, hoàn hảo, nhưng nhiều hệ phái Tin Lành không đồng quan điểm với Công giáo về Đức Giêsu Kitô, nhất là từ khi nhà thần học Rudoft Bultmann (1884-1976), vào những năm 1940-1960, chủ trương giải trừ huyền thoại ra khỏi Phúc Âm, loại bỏ những phép lạ và thậm chí cả cuộc sống lại của Đức Giêsu để cho con người thời nay chuộng khoa học thực nghiệm dễ đón nhận Lời Chúa hơn[8].

1.3. Nền nhân bản Công giáo

Sau khi xác định từ ngữ, ta có thể tạm thời định nghĩa rằng nền nhân bản mới này là một hệ thống suy tư và hành động lấy con người làm gốc, làm nền tảng, làm trung tâm để quy chiếu như các nền chủ nghĩa nhân bản khác, thay vì lấy vật chất hay thần linh. Đây là hệ thống suy tư giúp con người có những nhận thức đúng đắn về bản chất, về nguồn gốc, về hướng đi, về mối tương quan, về mục đích cuối cùng của con người và cộng đồng nhân loại trong vũ trụ này[9]. Đồng thời đây cũng là hệ thống hành động bao gồm những kỹ năng sống để con người thể hiện cách tốt đẹp và hiệu quả các nhận thức trên.

Trong dòng lịch sử nhân loại, nhiều tôn giáo, trong đó có cả Kitô giáo, đã có những lúc quá chú trọng đến các hình thức lễ nghi dành cho thần linh, cho Thiên Chúa mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ từ chối thần thánh của con người tạo nên những chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo lấy của con người để đem về cho thần linh, cho Thiên Chúa[10].

Nền nhân bản Công giáo đặt con người và xã hội con người vào điểm trung tâm để quy chiếu mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo vào đó. Con người này, từ muôn thuở, được Thiên Chúa yêu thương, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, nghĩa là có tinh thần với tình yêu và tự do theo kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu[11]. Con người này dùng tự do để chối từ tình yêu với Thiên Chúa, cắt đứt với nguồn sống vĩnh hằng, tình yêu vô biên, quyền năng vô tận là Thiên Chúa dẫn đến cái chết và muôn vàn hậu quả tai hại khác cho mình và cộng đồng xã hội.

Nền nhân bản này có thể được gọi là nền nhân bản Kitô (không phải Kitô giáo), vì được xây dựng trên Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện trở thành người theo kế hoạt của Thiên Chúa Cha (x. Ga 1,14; 3,16; Dt 4,15). Ngài sống như con người để làm cho mọi giá trị của con người thành cao cả vô biên, vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS, số 22). Đức Giêsu Kitô, Người đã tự nguyện chết trên thập giá để hoà giải con người và vạn vật với Thiên Chúa, và đã sống lại để chia sẻ sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng của chính Thiên Chúa, nhờ đó, con người mở ra với siêu việt và hướng tới vô biên (TLHTXHCG, số 130; Docat, câu 53).

Nền nhân bản Công giáo nhằm mục tiêu đổi mới và xây dựng mỗi tín hữu và những ai thành tâm thiện chí thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô (TLHTXHCG, số 58). Người là con người mới, con người hoàn hảo vì nhờ Người mà bản tính nhân loại được nâng cao và đạt tới một phẩm giá siêu việt. Nhờ kết hợp với Đức Giêsu Kitô, người tín hữu sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23) để trở thành con người mới (TLHTXHCG, số 19, 36), có khả năng chu toàn luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này[12]. Lúc đó loài người sẽ vượt qua bí ẩn của đau khổ và sự chết để sống trọn vẹn trong niềm vui, bình an và tình yêu của Thiên Chúa[13].

Nền nhân bản Công giáo được gọi là nhân bản tâm linh vì liên quan đến “con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, tình cảm và lương tri, trí khôn và ý chí[14]. Đồng thời, nó cũng để ý đến mọi lĩnh vực hoạt động và tương quan của con người trong đó có tương quan với Thiên Chúa.

Con người được mời gọi hãy khám phá nguồn gốc, mục tiêu và lịch sử đời mình nơi sự hoà nhập yêu thương của Thiên Chúa (TLHTXHCG, số 34), nhờ mạc khải Kitô giáo, con người đã hiểu biết bản sắc, ơn gọi và định mệnh cuối cùng của con người và của nhân loại (TLHTXHCG, số 35).

Vì thế, nền nhân bản này không chỉ nhìn con người theo quan điểm duy vật thuần tuý và chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa theo quan điểm vô thần của các chủ nghĩa nhân bản thế tục. Do đó, nó được gọi là nền nhân bản toàn diện và liên đới (TLHTXHCG, số 19).

2. Nền nhân bản toàn diện

“Nền nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể xác và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, vì con người là một mầu nhiệm không thể nào khám phá cho cùng…”[15].

2.1. Thể xác và tinh thần

Con người được Thiên Chúa tạo dựng thành một thể thống nhất với tinh thần và thể xác. Hai yếu tố thể xác và tinh thần đều do Thiên Chúa dựng nên, không phải bắt nguồn từ hai sức mạnh đối nghịch nhau[16]. Thông qua thân xác mình, con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất. Mỗi ngày, qua đồ ăn, thức uống, khí trời… con người hoà hợp với vạn vật trong vũ trụ và thống nhất chúng nơi mình[17]. Nhờ tinh thần, con người có thể khám phá vạn vật với cấu trúc của chúng và thấy mình vượt lên trên thế giới vật chất nhờ phẩm giá độc đáo và lương tâm ngay chính (TLHTXHCG, số 129).

Các nhà khoa học đã khám phá con người bao gồm khoảng 75 ngàn tỉ tế bào tồn tại trong một cơ thể con người bình thường. Mỗi tế bào là một đơn vị phức tạp với nhiều hoạt động khác biệt bên trong. Nhiều tế bào kết cấu với nhau thành những mô với khoảng 200 loại khác nhau. Các mô lại tập hợp thành 10 hệ cơ quan như xương, cơ, thần kinh, hô hấp, tim mạch, bạch huyết và miễn dịch, tiêu hoá, tiết niệu, sinh sản, nội tiết với cấu trúc của da, lông, tóc. Nhưng tất cả đều tác động qua lại với nhau thành một cơ thể thống nhất cho phép chúng ta hoạt động và tồn tại[18].

Tinh thần con người còn kỳ diệu hơn nữa. Tất cả những cảm giác, cảm xúc, những gì ta thấy, ta nghe, ta nhớ, ta nghĩ, ta yêu thương, suy luận đều chỉ là những xung động điện trong bộ não trung ương và hệ thần kinh, với những hoá chất phóng ra từ các đầu khớp nối thần kinh[19]. Các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa tìm ra được và giải thích được thế nào là sự sống, tình yêu, tư tưởng. Nếu chúng đang hiện hữu, theo nguyên lý của khoa học, chúng phải bắt nguồn từ đâu đó, từ một đấng nào đó là nguồn sự sống, tình yêu, tư tưởng và mọi hiện hữu. Chỉ có tinh thần con người mở ra với siêu việt, vô biên mới có thể khám phá được nguồn hiện hữu này.

2.2. Cá nhân và tập thể

Lịch sử loài người đã cho chúng ta thấy những xung đột giữa hai hệ tư tưởng hay chủ nghĩa cá nhân và tập thể với những cuộc chiến tranh, tàn sát ghê rợn. Nguyên nhân là vì con người không nhận ra phẩm giá cao quý của mình và của người khác đó là mọi người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa[20], dù họ là nam hay nữ (TLHTXHCG, số 110-114, 146-148), mạnh khoẻ hay khuyết tật x. TLHTXHCG, số 148 hoặc thuộc bất cứ giai cấp xã hội nào.

"Con người không phải là một hữu thể cô độc mà là một hữu thể xã hội, không thể nào sống cũng như không thể nào phát triển tiềm năng của mình bao lâu con người không liên hệ với người khác” (GS, số 12;  TLHTXHCG, số 110). Con người là một cá nhân độc đáo[21] và không thể sao chéo trong số hơn 7,7 tỉ người đang sống trên trái đất hiện nay (thống kê tháng 6 năm 2019 của Liên Hiệp Quốc), nhưng mỗi con người đang sống với những người khác làm thành một gia đình nhân loại[22].

Nhờ tinh thần, con người có thể gặp gỡ những người khác để xây dựng thành những cộng đồng yêu thương. Cộng đồng đầu tiên và cơ bản là gia đình (chương 5 của TLHTXHCG và Docat), xí nghiệp và nơi mình lao động (chương 6), hay làm kinh tế (chương 7), làm chính trị (chương 8) hay hoà nhập với mọi người trong cộng đồng quốc tế (chương 9) để cùng xây dựng và đem lại hạnh phúc cho nhau.

2.3. Tự nhiên và siêu nhiên

Tự nhiên chỉ toàn bộ những gì tồn tại sẵn có trong con người, xã hội và vũ trụ mà không phải do con người tạo ra hoặc tác động hay can thiệp vào. Còn siêu nhiên là có tính chất, khả năng vượt ra khỏi phạm vi tự nhiên, không thể giải thích bằng các quy luật tự nhiên[23].

Từ này gợi ý cho chúng ta về thuyết Big Bang với tất cả những diễn tiến xảy ra trong vũ trụ trong 14 tỉ năm, làm cho con người tưởng lầm rằng vũ trụ tự nhiên mà có. Còn trái đất và các sinh vật tiến hoá cho đến con người biết suy tư hiện nay đang theo quy luật tự nhiên của cuộc tiến hoá mà chẳng cần đến bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa.

Nền nhân bản tâm linh Kitô xác định cho chúng ta rằng: Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu”[24]. Ngài dựng nên thế giới và loài người chúng ta theo một kế hoạch đã định trước: đó là diễn tả bản tính yêu thương của Ngài, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16; x. Docat, chương 1).

Thật ra, khi nói đến quy luật tự nhiên là ta phải nghĩ ngay đến người đặt ra hay tạo nên quy luật, dù ta không nhìn thấy người đó. Thí dụ: 1 cây bút bi với vài thành phần cấu tạo: chiếc lò xò, ruột chứa mực, nắp bút, thân bút; hay chiếc đồng hồ với vài chục thành phần. Ta không thể bỏ chung vào một chiếc bình rỗng rồi lắc liên tục cho đến khi ngẫu nhiên những thành phần đó ráp lại với nhau theo một trật tự đúng đắn để thành một cây bút viết được, hay một cái đồng hồ chạy được. Sự hiện diện của chúng tự nhiên đã đòi hỏi phải có một chủ thể tạo thành nên chúng theo một quy luật chính xác.

Related imageNếu ta nhìn vào con người với 23 đôi nhiễm sắc thể trong đó bộ gen người có 3 tỉ base ADN được sắp đặt theo một trật tự lạ lùng. Một quả chuối có một nửa thành phần giống gen của người. Tuy nhiên, không thể thay một gen người bằng một phiên bản từ quả chuối vì sự khác biệt trong thứ tự các cặp base bên trong mỗi gen. ADN của con người khác biệt với ADN của tinh tinh khoảng 5%, nhưng từ hàng triệu năm nay, chẳng có tinh tinh nào biến hoá thành người cả![25]. Mặc dù bề ngoài chúng ta trông khác nhau về màu da, màu tóc, hình thể to lớn hay thấp bé, nam hay nữ, nhưng cấu trúc căn bản của ADN chúng ta lại đồng nhất[26]. Điều này dẫn chúng ta đến một kết luận khá lý thú: chúng ta đều là anh chị em của gia đình “người”, có một người Cha Tạo Hoá vô cùng kỳ diệu tạo nên!

Nếu trong “trật tự tự nhiên” đã kỳ diệu như thế, thì những gì thuộc “trật tự siêu nhiên” còn tiến hoá khôn lường. Tinh thần của con người mở ra đến vô biên vì không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Tinh thần đó được biểu lộ qua những tư tưởng, ước muốn, tình cảm, hành động để con người sáng tạo nên những khoa học, theo đuổi nghệ thuật, đi tìm những gì thuộc về chân thiện mỹ tồn tại mãi mãi, vươn tới sự thật toàn diện và điều thiện tuyệt đối. Vì thế, HTXHCG quả quyết: “mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên cũng như với mọi thụ tạo” trong đó có các thiên thần, hồn người đã khuất và cả vũ trụ vạn vật[27]. Đây là điểm khá mới mẻ đối với con người hiện nay, nhưng lại không xa lạ với Đức Giêsu Kitô và các môn đệ thời Giáo Hội sơ khai khi Người và họ phán bảo cho gió im, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, xua trừ ma quỷ để giải phóng con người.

2.4. Nội tâm và ngoại giới

Con người đã không lầm khi nhận biết mình cao quý hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh nhỏ của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội tâm, con người vượt trên vạn vật: khi con người quay về với lòng mình là lúc họ tìm về nơi nội giới thâm sâu này. Ở đó, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn đang chờ đợi họ và cũng chính nơi đó, con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới ánh mắt của Thiên Chúa” (GS, số 14; TLHTXHCG, số 128; Docat, câu 47). Đó chính là hồn thiêng bất tử mà Thiên Chúa dựng nên cho con người.

Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị, là một ai đó chứ không phải là một thứ gì đó. Con người có khả năng nhận biết bản thân và suy ngẫm về chính mình, đưa ra những quyết định tự do và bước vào mối tương quan với người khác. Hơn nữa, con người được ơn Chúa thúc đẩy để đáp lời mời gọi của Thiên Chúa bằng đức tin và tình yêu, đi tìm Thiên Chúa hoà nhập với Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô để phát triển trọn vẹn tiềm năng làm người của mình[28].

Ngoại giới được hiểu là toàn thể thế giới ở bên ngoài con người. Khi hiểu con người hiện hữu như một cái “tôi” có khả năng hiểu mình, làm chủ mình và tự quyết về mình, thì cần phải tôn trọng nhân phẩm siêu việt của con người. Không một tổ chức chính trị, xã hội, khoa học, văn hoá, kinh tế nào được quyền sử dụng con người như là một phương tiện để thực hiện các dự án của mình, hoặc lèo lái con người vào những mục tiêu xa lạ với sự phát triển trọn vẹn của con người (TLHTXHCG, số 132-134).

Tuy nhiên, con người cũng hiểu rằng ngoại giới và mình cần phải liên kết mật thiết với nhau. Con người thống nhất nơi mình các yếu tố của thế giới vật chất và thông qua con người, chúng tự do cất lời ca ngợi Đấng Tạo Hoá[29]. Con người có trách nhiệm phải bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của mình[30].

3. Nền nhân bản liên đới

Con người toàn diện có 4 quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải giữ để làm cho các mối quan hệ tốt đẹp và bền vững:

- Đối với Thiên Chúa, giữ tinh thần thảo hiếu.

- Đối với người khác, giữ tinh thần huynh đệ.

- Đối với vạn vật, giữ tinh thần huynh trưởng.

- Đối với chính mình, giữ tinh thần tự chủ.

3.1. Tinh thần thảo hiếu trong quan hệ với Thiên Chúa

Khi con người nhận thức mình được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên mà mình luôn mong đợi, thì con người mới nhận ra được phẩm giá cao quý vô song của mình mà không một thụ tạo nào có thể so sánh được. Con người được mời để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng đức tin và tình yêu[31].

Hơn nữa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa làm người, con người nhận biết mình được tha thứ, được nhận làm con người cái của Ngài và được chia sẻ thần tính của Thiên Chúa nên con người đối xử với Thiên Chúa bằng tinh thần thảo hiếu chân thành, khác hẳn thái độ sùng bái các thần thánh trong lo sợ của các tôn giáo khác[32].

Con người khám phá tận đáy lòng mình lương tâm ngay chính như tiếng nói của Thiên Chúa như một lề luật phải theo, dạy con người phải yêu mến và làm điều thiện cũng như phải tránh điều ác[33]. Tuân theo các lề luật ấy là tuân theo các giá trị đạo đức. Các giá trị này bắt nguồn từ luật tự nhiên được ghi khắc trong lương tâm con người, nhờ đó phẩm giá con người được nâng cao và xã hội được ổn định[34].

Từ lòng thảo hiểu đối với Thiên Chúa, con người sẽ bày tỏ tinh thần thảo hiếu này đối với cha mẹ, thầy cô, ông bà, tổ tiên, dân tộc… là những người thay mặt Chúa chuyển giao hay chia sẻ sự sống, sự thật, hạnh phúc, tình yêu, kiến thức và các ơn lành cho mình. Chính trong mối tương quan với Thiên Chúa, con người được đào tạo để hiểu biết và giữ lòng ái quốc với dân tộc, tinh thần bảo vệ các nền văn hoá và lòng quảng đại chia sẻ vô điều kiện những ơn lành của Cha Trên Trời cho mọi người, mọi vật, thay vì đòi hỏi quyền sở hữu và tác quyền cách bất công như hiện nay.

3.2. Tinh thần huynh đệ trong tương quan với mọi người

Từ nền tảng lòng thảo hiếu với Thiên Chúa, con người mới nhìn nhận mọi người sống trên trái đất và trong cả vũ trụ đều là anh chị em trong một đại gia đình của mình để đối xử với nhau bằng tình huynh đệ, không kỳ thị vì bất cứ lý do gì.

Vượt lên trên đòi hỏi của Thiên Chúa: “Ngươi phải yêu thương người khác như chính mình” (Lc 19,18), Đức Giêsu còn mời gọi con người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 1…) để dám chết thay cho mọi người, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ đóng đinh mình và diễn tả tình yêu cụ thể đó thành những hành động chăm lo cho các nhu cầu của người khác (HTXHCG, số 112; x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27-28).

Thuyết Big Bang đưa con người hiểu rằng Thiên Chúa là người Cha Tạo Hoá thì vũ trụ bao la này vẫn có thể có những “người khác” ở ngoài hành tinh của mình để tìm hiểu, gặp gỡ, yêu thương và cùng nhau xây dựng một nền hoà bình giữa các vì sao (star peace), thay cho cuộc chiến tranh (star war) mà những phim ảnh đang cổ vũ.

Thiên văn học cho chúng ta biết thiên hà của chúng ta có khoảng 400 triệu ngôi sao giống như mặt trời và có khoảng 8000 hành tinh có điều kiện giống như trái đất, nghĩa là vật chất có thể phối hợp tiến hoá thành những “con người”. Vũ trụ có khoảng 100.000 thiên hà đã được kính thiên văn Hubble chụp được. Như thế, có hàng trăm ngàn hành tinh có những điều kiện phát triển sự sống và những con người nơi ấy có thể có những nền văn minh bằng hoặc hơn con người ở trái đất (x. báo Tuổi Trẻ online, ngày 9/3/2009).

Image result for người ngoài hành tinhKhi Giáo hội Công giáo tôn vinh Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ và Kinh Thánh nhắc nhở ta về việc mọi sự trong vũ trụ được tạo dựng nhờ Người và cho Người (Ga 1,3), thì mọi con người ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ đều có thể đón nhận được ơn cứu độ của Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đón nhận thể xác được cấu thành bởi vật chất của trái đất này thì Người cũng là thành viên của vũ trụ và cứu độ tất cả theo kế hoạch của Chúa Cha. “Thiên Chúa yêu thương thế giới nên đã ban Người Con Một” (Ga 3,16). Thế giới này trước tiên hiểu về những con người biết tin vào Đức Giêsu. Nếu tinh thần của những con người ở các hành tinh khác mở ra đến vô biên, thì họ cũng có thể gặp gỡ được Đức Giêsu một cách nào đó để nhận được ơn cứu độ (HTXHCG, số 130).

3.3. Tinh thần huynh trưởng trong quan hệ với vạn vật

Đối với vạn vật và các thụ tạo không phải là con người, con người giữ tinh thần của người anh lớn, chị lớn để lo lắng cho các đứa em của mình. "Con người có khả năng và bổn phận lấy các thụ tạo khác phục vụ mình và hưởng dùng chúng, nhưng việc chế ngự thế giới đòi hỏi họ phải thi hành trách nhiệm, chứ không được tự do khai thác cách tuỳ tiện và ích kỷ" (HTXHCG, số 113). Thiên Chúa đã giao phó vạn vật cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23). Con người thống trị thụ tạo bằng cách đặt tên cho chúng (x. St 2,19-20) và như thế, Ngài mời gọi con người có trách nhiệm với chúng (HTXHCG, số 113; GLHTCG, số 373).

Khi hiểu được vạn vật làm nên xương thịt của mình qua đồ ăn, nước uống, khí thở, con người sẽ thể hiện trách nhiệm huynh trưởng với tình yêu mãnh liệt đối với vạn vật như Đức Giêsu. Tình yêu ấy làm cho con người nhận ra đúng sự thật của vạn vật để điều khiển chúng đến độ nói cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, đi trên mặt nước… như Chúa Giêsu. Vì vạn vật hy sinh sự sống cho con người, nên con người cũng sẵn sàng tự nguyện chết cho vạn vật để bảo vệ và phát triển chúng như Đức Giêsu để giải thoát và đưa chúng vào chung hưởng vinh quang vĩnh hằng của con cái Thiên Chúa (HTXHCG, số 123).

Tinh thần huynh trưởng được thể hiện qua việc chuyên cần học hỏi, nghiên cứu vạn vật qua các khoa học tự nhiên, siêng năng lao động, làm ra của cải vật chất và biết chia sẻ những của cái đó cho người yếu kém, bảo vệ môi trường sống cho sạch, xanh, đẹp và an lành cho mọi người và mọi vật khác.

3.4. Tinh thần tự chủ trong quan hệ đối với chính mình

Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ. Con người chú ý lắng nghe những khát vọng sâu xa của tâm hồn mình, con người cũng cảm nghiệm những khắc khoải muốn được nghỉ ngơi trong Chúa[35], cảm nghiệm những thôi thúc của bản năng, của dục vọng và những hậu quả tai hại của tội lỗi[36]. Vì thế, con người phải cố gắng làm chủ bản thân, thời giờ, tình cảm, ân huệ, tham vọng và dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của đời sống. Khả năng tự chủ này được đào tạo qua việc giáo dục và tập luyện những kỹ năng sống sau đây:

Làm chủ ân huệ Chúa ban qua đời sống kết hợp với Chúa, Đức Mẹ, các thần thánh bằng cầu nguyện, phụng tự, đón nhận bí tích. Tất cả đều là hồng ân để luôn sống trong tâm tình tạ ơn.

Làm chủ cá tính cần làm các trắc nghiệm tâm lý để biết mình thuộc loại cá tính nào, có những ưu điểm, khuyết điểm nào, tài năng nào, cảm năng hoạt động cao hay thấp…


Làm chủ tài năng tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí để trở thành con người biết sống tự lập, sáng tạo và đem lại hạnh phúc cho mình cũng như cho mọi người.

Làm chủ thời giờ bằng việc hiểu rằng mỗi giây phút sống đều có giá trị vĩnh hằng khi kết hợp với Thiên Chúa và đều có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ cho muôn loài[37]. Vì thế, cần lập chương trình sống mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để tận dụng thời giờ Chúa ban.

Làm chủ các phương tiện vật chất để bảo đảm những điều kiện cần thiết cho một đời sống tự lập[38]. Của cải không phải chỉ làm lợi cho người sở hữu và còn cho người khác, vì Thiên Chúa ban trái đất chung cho con người[39]. Đó là mục tiêu phổ quát của vật chất và nhờ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới[40]. Người chủ sở hữu vật chất cần biết tự nguyện sống tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu (x. 2Cr 8,9) để làm giàu cho thế giới và nhân loại.

Kết luận

Khi hiểu nền nhân bản mà được Giáo hội Công giáo cổ vũ trong HTXHCG là một nền nhân bản toàn diện và liên đới, người tín hữu rất tự hào và quyết tâm xây dựng cho mình cũng như cho cộng đồng của mình thành những con người mới trong một trời mới, đất mới (x. GS, số 39; HTXHCG, số 123) mà Đức Giêsu Phục Sinh đã bắt đầu ngay tại trần thế này. Chỉ nhờ nền nhân bản này, con người mới có thể phát triển trọn vẹn và cộng đồng xã hội mới đạt được an vui, hạnh phúc vững bền.

Câu hỏi

1. Đâu là điểm cần phân biệt khi nói Chúa là nguồn gốc mọi sự và là cùng đích mọi loài, trong khi lại xác định "con người là nền tảng, là trung tâm" để quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội và xã hội?

2. Nguyên nhân nào đã khiến các hệ tư tưởng đòi trả lại cho con người vị trí trung tâm của mọi quan tâm và hoạt động?

3. Lĩnh vực nào của con người ít được quan tâm nhất trong thời đại hiện nay?

4. Trong các mối tương quan của con người, tương quan nào bị bỏ bê hơn cả?

5. Tương quan nào là nền tảng để xây dựng các tương quan khác?

6. Bạn nghĩ mình đang cần làm chủ điều gì hơn cả trong thời điểm hiện tại?

 


[1] x. TLHTXHCG, số 103, 391, 582.

[2] x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ chủ nghĩa nhân bản, nhân văn, nhân đạo, tr.24-27; Từ điển Bách khoa Việt Nam, q.I, 2005, NXB Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ chủ nghĩa nhân bản, nhân văn, nhân đạo, tr.638.

[3] x. HTXHCG, số 6-7.

[4] x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh Việt, NXB Đồng Nai, 2014, mục từ humanism, tr.982-983.

[5] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laia, số 5.

[6] x. GS, số 55.

[7] x. GS, số 56.

[8] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.201.

[9] x. GS, số 3.

[10] x. GS, số 19-21.

[11] x. GS, số 12-18; HTXHCG, chương 3; Docat, chương 3.

[12] x. TLHTXHCG, số 431.

[13] x. TLHTXHCG, số 583.

[14] x. GS, số 3; TLHTXHCG, số 13; Docat, câu 47.

[15] x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.315-317.

[16] x. TLHTXHCG, số 127; GS, số 14.

[17] x. TLHTXHCG, số 128.

[18] x. Bs Alice Roberts, Atlas, NXB Y Học, 2015, tr.10-26.

[19] x. Alice Roberts, Atlas, 2015, tr.294-320.

[20] x. TLHTXHCG, số 144.

[21] x. Docat, câu 54.

[22] x. TLHTXHCG, số 125-126.

[23] x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ Tự nhiên, tr.138 và Siêu nhiên, tr.1105.

[24] x. TLHTXHCG, số 20.

[25] x. Alice Roberts, Atlas, 2015, tr.18.

[26] x. Alice Roberts, Atlas, 2015, tr.16.

[27] x. TLHTXHCG, số 130; Docat, câu 53.

[28] x. TLHTXHCG, số 108-109, 131; Docat, câu 47.

[29] x. GS, số 14, HTXHCG, số 128.

[30] x. Chương 10 của TLHTXHCG và Docat.

[31] x. HTXHCG, số 108; GS, số 12; GLHTCG, số 357

[32] x. HTXHCG, số 105.

[33] x. HTXHCG, số 140-142; GS, số 12; Docat, câu 57, 62, 85, 128.

[34] x. HTXHCG, số 22, 37, 53, 89, 93; GS, số 20.

[35] x. HTXHCG, số 14.

[36] x. HTXHCG, số 115-123.

[37] x. GS, số 22.

[38] x. HTXHCG, số 176.

[39] x. HTXHCG, số 177.

[40] x. HTXHCG, số 174.

Tuần lễ Giáo lý - Bài 3: Con đường sự thật giải thoát ta.

 

Lời mở

Nền nhân bản Kitô giáo giới thiệu bốn giá trị căn bản trong đời sống xã hội của con người, đó là: sự thật, tự do, công bằng, tình yêu[1].

Giá trị đầu tiên là sự thật. Đây là giá trị khởi đầu để giúp con người nghĩ đúng, nói thật, làm thật, sống thật trong một xã hội đầy vẻ hào nhoáng, câu nệ vào hình thức bên ngoài, tràn ngập những thông tin giả để lừa dối và những hoạt động kinh tế thiếu minh bạch. Đó là lý do tại sao từ “sự thật” được nhắc đến ở 86 số trong 583 số của sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo và ở 38 câu trong số 328 câu của sách Docat.

Vì thế, chúng ta tìm hiểu sơ qua sự thật trong đời sống con người hiện nay ra sao, nhân loại đi tìm sự thật như thế nào và sự thật toàn diện của con người là gì.

1. Sự thật trong đời sống

Hiện nay, mỗi ngày hàng tỉ người đang theo học trong các trường lớp, miệt mài nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, say mê tìm hiểu qua các sách báo, phim ảnh, internet, chia sẻ điều mình tìm được qua các buổi nói chuyện và các phương tiện truyền thông xã hội… Mục đích chỉ nhằm khám phá ra sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, trong vạn vật, trong lòng người và trong cả Thiên Chúa hay các thần linh. Nhân loại khát khao sự thật, mơ ước tìm ra sự thật trong một ngọn cỏ vì nó có thể cứu chữa cho hàng triệu bệnh nhân ung thư. Con người mong mỏi tìm ra sự thật trong lòng người để có thể kết ước trăm năm, nhưng “Dò sông dò biển dễ dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người!”.

Thật ra, vì được Thiên Chúa chân thật tạo dựng nên muôn vật, muôn loài đều phản ánh sự thật. Sự thật không phải là một cái gì ở bên ngoài, nhưng ở trong ta, trong mọi sự và ta có thể cảm nhận được ngay. Nhìn vào một bông hoa, ta cảm nhận được sự thật vì màu sắc của cánh, của nhuỵ, của đài hoa, dù rực rỡ hay đơn sơ, đều là thật chứ không tô vẽ, giả tạo bằng những nét sơn phết bên ngoài. Một lời nói, dù có vẻ thô lỗ, cộc cằn, nhưng ta biết đó là lời thật, chứ không phải rào trước đón sau của những người khéo ăn khéo nói.

Con người nào cũng muốn sống thật với chính mình, muốn người khác sống thật lòng với mình. Chẳng ai muốn đóng kịch trên sân khấu cuộc đời, dù những vai diễn có cao sang như vua quan hay đẹp tươi như đại gia kiều nữ. Chẳng ai muốn người khác lừa bịp mình bằng những lớp quần áo hoá trang, những lớp son phấn vật chất giả tạo. Ai cũng muốn sống hạnh phúc, an lành giống như nguyên tổ Adam – Eva trong vườn Eden, vì thân thể trần truồng và thân phận thụ tạo của họ đã được bao phủ bằng hào quang chân thật của Thiên Chúa (x. St 1-2).

Học thuyết Xã hội Công giáo giải thích việc con người đánh mất sự thật nơi mình bằng bi kịch của tội[2], khi con người đầu tiên Adam vi phạm giới răn của Chúa, đánh mất sự thánh thiện và công chính mà mình đã có khi được tạo dựng, cắt đứt với nguồn sống vô tận và chân thật là Thiên Chúa. “Hậu quả của tội làm con người xa rời, không phải chỉ với Chúa, mà còn với chính mình, với người khác và với thế giới chung quanh” (HTXHCG, số 116).

“Hậu quả cụ thể là con người phải chết vì xa rời nguồn sống vĩnh hằng. Con người tố cáo nhau (x. St 3,12), lừa dối nhau, giết hại nhau (x. St 4,2-16). Các hậu quả của tội làm cho cơ cấu của tội kéo dài mãi mãi. Những cơ cấu này lại ẩn sâu trong tội cá nhân… khiến cho tội trở nên trầm trọng hơn, dễ lan truyền và trở thành nguồn phát sinh các tội khác, chi phối cách ứng xử của con người” (HTXHCG, số 119; GLHTCG, số 1869). Nhất là khi con người ham muốn thu nhiều lợi nhuận và khát khao quyền lực bằng bất cứ giá nào[3].

Từ đó ta hiểu tại sao có tin giả, hàng giả và mọi thứ giả dối trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị và cả tôn giáo nữa.

Khi Adam – Eva cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa chân thật, xé rách vầng hào quang ân sủng bao phủ, họ chỉ còn thấy mình là thụ tạo trần trụi, yếu đuối và cái chết ở cuối cuộc đời. Họ không nhận ra người khác cùng xương thịt với mình mà chỉ đánh giá nhau theo những lớp áo hoá trang, màu da bên ngoài và trở thành những chú Cuội với nhau. Họ cũng chẳng nhận ra vạn vật là những đứa em nhỏ trong đại gia đình Thiên Chúa đã làm nên xương thịt của mình, mà chỉ coi chúng là loài vô tri, vô giác và khai thác chúng cạn kiệt như những ông chủ keo kiệt, bạo tàn.

Vì thế, nền nhân bản Kitô mời gọi con người đi tìm một sự thật toàn diện về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình.

"Thiên Chúa là chính sự thật"[4]. Nhưng vì là tinh thần tuyệt đối, siêu việt, nên con người tương đối, bất toàn không thể cảm nhận trực tiếp sự thật này nếu không được Thiên Chúa bày tỏ mình ra cho con người. Con người chỉ có thể dùng tinh thần để nhận biết sự thật đó qua những thụ tạo hữu hình (x. Dc 1,1-4), đồng thời nhận ra Ngài là nguồn của mọi sự thật.

2. Nhân loại đi tìm sự thật

Kể từ khi biết suy nghĩ về thân phận con người, sự hiện hữu của vạn vật, trong suốt dòng lịch sử văn minh của mình, con người luôn khao khát sự thật và cố gắng đi tìm để giải đáp cho mình những câu hỏi về nguồn gốc, giá trị, cùng đích của con người, cũng như về đau khổ, về cái chết, về sự sống vĩnh hằng để tìm được sự giải thoát cho mình và cho vạn vật. Những chủ nghĩa, hệ tư tưởng, khoa học và tôn giáo đủ loại mô tả cho ta con đường đi tìm sự thật của loài người.

Con người biết suy tư xuất hiện cách đây khoảng 196.000 năm, khởi đầu ở châu Phi, sau đó di chuyển và xuất hiện ở châu Âu cách đây khoảng 40.000 năm. Con người sử dụng trí óc để tìm hiểu sự thật. Nhờ khám phá ra ngôn ngữ (khoảng 10.000 năm TCN), chữ viết (khoảng 4000 năm TCN), ngành in (khoảng 1000 năm) và các phương tiện truyền thông như điện thoại, truyền thanh, truyền hình, internet (thế kỷ 20), con người có nhiều phương tiện để khám phá, tìm hiểu, chia sẻ và phổ biến sự thật cho nhau. Bước vào thế kỷ 21, những khám phá và phát minh của tin học đã mở rộng con đường sự thật cho mọi người.

Sự thật, theo nghĩa thông thường, là cái có thật, cái có trong thực tế. Theo nghĩa triết học: là điều phản ánh đúng hiện thực khách quan[5]. Theo nghĩa sau, sự thật đồng nghĩa với chân lý (lẽ thật) sự phản ánh chính xác sự vật khách quan và quy luật của chúng vào ý thức của con người[6]Chân lý là lẽ thật vốn có một cách khách quan, người ta phải nhìn nhận nó, không tuỳ thuộc vào sở thích hay ý muốn cá nhân[7]. Thánh Thomas de Aquino định nghĩa: "chân lý là sự tương hợp giữa thực tại và trí khôn" (Veritas est adequatio rei et intellectus)[8]. Sự thật trong triết học kinh viện được định nghĩa là “sự tương hợp giữa trí khôn và thực tại” (veritas est conformitas intellectus cum re).

Người thời tiền sử nhận biết những cái có thật trong đời sống thực tế: cây cối, động vật, biển cả, núi non, mặt trời, mặt trăng, lửa khói. Họ thấy nhiều thứ như hổ báo mạnh hơn mình, có thể gây chết chóc cho mình. Khi trí khôn phát triển hơn, họ nhận ra sự thật là mình mạnh hơn khi dùng trí khôn để thắng được hổ báo, ngăn sông, phá núi, lấp biển… Khoa thiên văn ngày nay dạy cho con người biết rằng mặt trời, mặt trăng và các vì sao không phải là các vị thần chi phối đời sống con người, mà chỉ là những khối vật chất.

Như thế, chân lý hay sự thật thường xuyên phát triển. Con người ngày càng thâm nhập sâu sắc vào các đối tượng, hiện tượng thì tri thức của con người về thế giới ngày càng chính xác hơn, đầy đủ hơn, khách quan hơn. Hơn nữa, thế giới con người cũng thường xuyên biến đổi, phát triển cho nên nó cũng quy định sự biến đổi của tri thức về nó. Tính đúng đắn của chân lý hay sự thật được kiểm tra bằng thực tiễn[9].

Cách đây khoảng 5000 năm, khi trí khôn con người vượt qua những thực tại vật chất để suy tư về những thực tại tinh thần như tình yêu, sự sống, cái đẹp, cái tốt, cái đúng, chiến tranh hay hoà bình… con người muốn biết chúng thật sự là gì. Khi thấy chúng vượt quá trí khôn của mình, không thuộc quyền hạn của mình, con người đưa chúng vào lĩnh vực của thần linh. Đó là thời kỳ của những huyền thoại và tôn giáo giải thích sự thật cho con người: mỗi thứ đều có những vị thần cai quản. Thần Mars về chiến tranh, thần Venus về sắc đẹp, thần Minerva về thi ca, thần Jupiter là thần cao nhất. Các tôn giáo cũng cố gắng giải thích cho con người sự thật về cái chết, về sự sống, về niềm mơ ước được sống mãi mãi, về ơn cứu độ.

Những lời giải thích về những thực tại tinh thần đó hầu hết chỉ mang tính chủ quan và không thể kiểm tra bằng thực tiễn, nên chúng không phải là những sự thật và cũng không đem lại sự giải thoát cho con người. Con người cứ sinh ra, lớn lên, già cỗi, bệnh tật và chết đi, dù mong ước được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi. Xã hội con người vẫn cứ xung đột, giết hại nhau, lừa dối nhau với bao trò bịp bợm và chiến tranh lớn nhỏ, dù ai cũng mong ước được sống sung túc, bình an, hạnh phúc. Con người chưa tìm được sự thật giải thoát mình nên vẫn còn đang phải đi tiếp trên con đường tìm sự thật đúng nghĩa.

Cách đây khoảng hơn 2000 năm, vào đầu kỷ nguyên của chúng ta, Kitô giáo xuất hiện với vị sáng lập là Đức Giêsu. Vào thời điểm quyết định trong lịch sử, Thiên Chúa như là nguồn của sự thật, sự sống và mọi hiện hữu đã muốn bày tỏ cho loài người biết một sự thật cụ thể và siêu việt để quy tụ tất cả các sự thật tương đối về một mối. Sự thật không phải là những lý lẽ trừu tượng theo định nghĩa của con người, nhưng là một con người cụ thể để mọi người, mọi vật đều có thể tìm đến với người đó, đi vào con đường sự thật và sự sống của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho Con Một Ngài là Ngôi Lời trở thành người, trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga1,1-18). "Lời Cha là sự thật" (Ga 17,17) sẽ giải thoát con người và vạn vật khỏi u mê, lầm lạc do sự bất toàn của con người và sự lừa dối của quỷ ma. Đức Giêsu đã chứng minh Người là sự thật giải thoát bằng lời giảng dạy đầy uy quyền, bằng đời sống, bằng những phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, bằng cái chết cứu độ và sự sống lại của Người.

Trong hàng chục thế kỷ tiếp theo, những sự thật về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật được truyền bá khắp vùng Địa Trung Hải, trong khắp đế quốc Roma và lan rộng ra khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều vùng ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á người ta vẫn giữ những quan niệm của các tôn giáo cổ xưa như Ấn Độ giáo, Phật giáo. Nhiều nước ở miền Trung Đông và châu Phi lại theo các quan niệm của Hồi giáo.

Từ thế kỷ 13, khi các đại học được mở tại nhiều nước châu Âu, các giáo sĩ, tu sĩ Kitô giáo trở thành những người tiên phong cổ vũ con người đi tìm sự thật và phát triển các ngành khoa học, đặc biệt là triết học và thần học. Nhưng nền triết học và thần học kinh viện của Kitô giáo dựa trên những suy tư trừu tượng đã dần dần xa rời thực tiễn của con người và xã hội.

Từ thế kỷ 18-19, cuộc cách mạng khoa học đã đưa nhân loại đến các miền đất mới của tri thức là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, để con người khám phá các sự thật của vạn vật (khoa học vật lý, hoá học, sinh học, y học, thực vật học, động vật học, vũ trụ học, thiên văn học…), của chính mình (tâm lý học, phân tâm học, luân lý, đạo đức…), của xã hội mình sống (xã hội học, kinh tế học, nhân học). Những khám phá này càng giúp con người hiểu hơn sự thật về chính mình, về vạn vật, về vũ trụ lại càng thôi thúc con người đi tìm sự thật cho các câu hỏi: "Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, sự dữ, cái chết? Sao chúng vẫn tồn tại mặc dù đã có bao nhiêu tiến bộ… Con người có thể đem lại gì cho xã hội và có thể trông đợi gì ở xã hội? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau cuộc sống ở trần gian này?"[10].

Thế kỷ 20-21, chứng kiến sự phân hoá về quan điểm sự thật giữa nhiều hệ tư tưởng khác nhau, nhất là chủ nghĩa tư bản và cộng sản, chủ nghĩa duy lý và duy thực, chủ nghĩa duy tâm và duy vật, nhưng tất cả đều chú tâm vào con người, vào khoa học vì tin tưởng khoa học tiến bộ có thể giải thoát con người. Thật sự, các khoa học kỹ thuật giúp ích cách thiết thực cho con người. Tuy nhiên, con người cũng ý thức rằng: dù khoa học có phát triển đến đâu, chúng cũng không thể nào vượt qua được những giới hạn nằm trong chính bản chất của sự vật và bản tính của con người có thể xác và tinh thần. Sự vật và thể xác con người luôn bị giới hạn bởi vật chất, không gian và thời gian. Con người không thể tự giải thoát chính mình để trở thành tuyệt đối, vĩnh hằng, vô biên. Con người cần một sự thật tuyệt đối ở bên ngoài mình để mình vươn tới siêu việt, đồng thời ở bên trong mình để thúc đẩy và biến đổi chính mình.

Con người cũng cần một sự thật tuyệt đối để đảm bảo cho mọi hoạt động đúng đắn của con người được đón nhận và có giá trị mãi mãi. Sự thật này chỉ có nơi Đức Giêsu Kitô, và chỉ có Người mới có thể chia sẻ sự thật đó cho những ai tin vào Người (Ga 17,17).

Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật biện chứng đã phân biệt "chân lý tuyệt đối phản ánh hoàn toàn đầy đủ và trọn vẹn bản chất của khách thể, không thể bổ sung và cũng không thể bác bỏ" với "chân lý tương đối phản ánh được khách thể một cách đúng đắn, nhưng không đầy đủ"[11]. Chủ nghĩa này cho rằng con người không thể đạt được chân lý như vậy ngay một lúc, bởi vì nhận thức là một quá trình đi sâu mãi vào bản chất của khách thể. Chủ nghĩa này không công nhận tinh thần con người mở ra với siêu việt vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và Đức Giêsu là chân lý tuyệt đối cụ thể của Thiên Chúa đã đến với con người và hoà nhập vào trong con người.

Người tín hữu Công giáo, nhất là các linh mục, tu sĩ, khi học trong các học viện trong nhiều thế kỷ, đã quá chú tâm vào những vấn đề triết học, thần học và ít quan tâm đến những khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, những vấn đề thiết thực của con người cũng như những biến chuyển trong xã hội. Bài giảng của họ hầu như xoay quanh đến những vấn đề luân lý, những lời giải thích theo Thánh Kinh. Do không theo dõi những tiến bộ của khoa học, họ không thể giải thích kịp thời những vấn nạn của con người liên quan đến đức tin, luân lý. Thí dụ như: thuyết Big Bang và giả thuyết tiến hoá của Darwin. Do cứ lẩn quẩn trong những câu định nghĩa về sự thật siêu hình, sự thật mạc khải, sự thật tự nhiên và siêu nhiên, họ quên mất Đức Giêsu chính là sự thật toàn vẹn giải thoát muôn loài.

3. Sự thật toàn diện là chính Đức Giêsu

Con người sa ngã kéo theo vạn vật bị cưỡng bách phải chịu hư nát chung với con người (x. Rm 8,28) nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người và vũ trụ vật chất này. Ngài hứa ban Đấng Cứu độ ngay khi con người vừa phạm tội (x. St 3,1-24).

Đấng đó là Người Con Một của Ngài (x. Ga 3,16), “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Đó là Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện làm người, trở thành Đức Giêsu Kitô để dạy cho con người biết sự thật toàn diện là gì. Chính Người đã tự giới thiệu mình: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Khi tự nguyện trở thành con người mang thể xác vật chất, Con Một Thiên Chúa đã hoà mình vào dòng lịch sử của loài người, trở thành anh em của mọi người cũng như mọi vật. Người chia sẻ cho tất cả sự thật, sự sống và ân huệ của Thiên Chúa để tất cả cùng nhận ra nhau là con cái của người Cha Trên Trời. Người còn cho con người khả năng nhận biết sự thật trong vạn vật nhờ những tài năng tinh thần và ân huệ của Thánh Thần như ta thấy thể hiện trong đời sống của nhiều vị thánh như Antôn Padôva, Phanxicô Khó Nghèo, Martinô de Porres. Hơn nữa, nền nhân bản Kitô được diễn tả trong Học thuyết Xã hội Công giáo, đề cao sự thật như một giá trị căn bản. Sự thật ở đây không xác định là tương đối hay tuyệt đối, là chủ quan hay khách quan, là tự nhiên hay siêu nhiên, thuộc về hữu thể học, luân lý học hay luận lý học, thuộc về thần khải hay do lý trí con người khám phá ra.

Ngay trong số đầu tiên của phần nhập đề, Học thuyết này xác định: "Đức Giêsu Kitô chính là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6), khi nhìn ngắm dung nhan Người, chúng ta càng thêm tin tưởng và hy vọng nơi Người, Vị Cứu Tinh duy nhất và cũng là mục tiêu duy nhất của lịch sử"[12]. Người không phải là những ý niệm trừu tượng của suy luận bằng lý trí, nhưng là một con người cụ thể, để ta nhìn ngắm, tiếp xúc, gắn bó trong tin tưởng và yêu thương.

Đức Giêsu Kitô, vì là sự thật cụ thể của Thiên Chúa, nên Người vừa mang tính tuyệt đối của Thiên Chúa, vừa mang tính tương đối của con người. Người vừa là sự thật khách quan ở ngoài con người, nhưng đồng thời vừa hoà nhập với con người để họ nhận ra một sự thật chủ quan theo lương tâm ngay chính của mình. Người vừa là sự thật tự nhiên có thể dùng lý trí tìm hiểu về đời sống của Người trong lịch sử, đồng thời là sự thật siêu nhiên để khám phá bằng đức tin và ân huệ. Như thế sự thật Giêsu Kitiô là một tổng hợp tuyệt vời có thể nối kết và quy tụ mọi quan điểm của các hệ tư tưởng, tôn giáo của loài người trên đường tìm kiếm sự thật toàn diện và hoàn hảo. Học thuyết này xác định: "Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, trong Người và nhờ Người, thế giới và con người đạt tới sự thật đích thực và trọn vẹn của mình"[13].

Đức Giêsu dạy những sự thật căn bản để giải phóng con người và mang lại ơn cứu độ: "Người nói với những người Do Thái đã tin Người rằng: 'Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi. Các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông'" (Ga 8,31-32). Người dạy ta sự thật về Thiên Chúa là người Cha yêu thương đến nỗi ban Con Một mình (Ga 3,16) và chỉ muốn con người thờ phượng Ngài trong Thần Khí và sự thật (Ga 4,23-24). Người giải phóng ta khỏi mọi loại tôn giáo cổ vũ cho những hành vi sai lạc, mê tín, làm tha hoá con người.

Người dạy ta sự thật về con người không phải là một đám vật chất tình cờ tụ lại, sống ít năm ở trần thế rồi lại tan rã thành bụi đất, nhưng là những người con yêu quý của Chúa Cha và là anh em của nhau, để sống mãi mãi và chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa. Qua việc làm người, Đức Giêsu đã đón nhận tất cả những gì thuộc về con người để biến đổi chúng thành những thứ thuộc về Thiên Chúa với giá trị phi thường. Mọi tư tưởng, lời nói, hành động của con người khi gắn kết với Người là sự thật tuyệt đối vĩnh hằng, sẽ tồn tại mãi mãi.

Điều này vừa là một lợi thế giúp con người can đảm sống theo sự thật một cách độc lập vượt ra ngoài mọi áp lực xã hội. Nhưng đây cũng là một thách đố cho tất cả những ai đang sống trái với sự thật vì họ sẽ bị chính Đức Giêsu Kitô là thẩm phán xét xử những hành vi dối trá, giả tạo của họ.

Đức Giêsu đã minh chứng Người là sự thật toàn diện cho con người khi rao giảng Tin Mừng cứu độ, chữa lành những người bệnh tật, cho người đói được ăn bánh no nê, giải thoát cho những người bị ma quỷ kiềm chế, tha thứ cho tội nhân, cho kẻ chết sống lại, chia vui sẻ buồn với con người, lao động như con người. Người còn chia sẻ quyền năng và sự sống kỳ diệu của Người cho các môn đệ để họ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho Người. Như thế là Người phá vỡ mọi giới hạn do tội lỗi đặt ra để giúp con người đạt đến sự thật phi thường mà họ vẫn ước mơ: đó là họ có thể mở ra với Đấng Siêu Việt và mọi chân trời của hiện hữu[14].

Đức Giêsu dạy ta sự thật về vạn vật không phải là những thứ vô tri vô giác để hành xử với chúng như những ông chủ khắc nghiệt. Chúng thật sự là những đứa em trong đại gia đình Thiên Chúa và chúng ta là những anh chị lớn của chúng. Vì thế, càng yêu thương và tìm hiểu chúng qua các khoa học để biết sự thật về chúng, ta càng có khả năng cứu độ chúng, điều khiển chúng như Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ trên thiên nhiên. Trời đất đã tối sầm lại như đồng cảm với Đức Giêsu khi Người hấp hối trên thập giá và vui mừng trong cơn động đất khi Người sống lại để mời gọi ta nên có cái nhìn mới về vạn vật quanh ta.

Đức Giêsu dạy ta sự thật về một con người toàn diện và xã hội mới mẻ gồm những con người biết vượt qua những xung đột và đối kháng để tìm được sự thật trong khoa học (HTXHCG, số 78), trong triết học (số 77), trong luân lý (số 83), trong tôn giáo (số 141), trong luật tự nhiên (số 142) cũng như siêu nhiên (số 70). Người đưa con người biết đón nhận nhau trong cộng đồng xã hội (số 150) để hành động theo những nguyên tắc và sự thật của xã hội (số 163-167), xây dựng những mối quan hệ trên nền tảng sự thật (số 199,200), xây dựng gia đình theo sự thật khách quan của hôn nhân (số 218-219), xây dựng trật tự xã hội với các tổ chức chính quyền (số 397), hoạt động thông tin dựa trên sự thật về con người (số 415). 

Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng sự thật này không phải chỉ để biết, nhưng còn là để sống. "Sống trong sự thật" là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm"[15]. Như thế, trong mọi mối tương quan của con người, chúng ta được mời gọi để nghĩ thật, nói thật, làm thật. Điều này người tín hữu Công giáo có thể làm được, nhờ gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận những ân huệ của Thánh Thần Chân Lý (Ga 14,26; 15,26-27; 16,12-13) mà Người ban cho tất cả những ai tin vào Người.

Lời kết

Sự thật mà nhân loại tìm kiếm trong suốt dòng lịch sử đã được khám phá. Câu hỏi Philatô đặt ra cho Đức Giêsu "Sự thật là gì?" (Ga 18,38) đã được giải đáp. Đó là Đức Giêsu Kitô, Người thật sự là con đường dẫn đến sự thật giải thoát, nhưng ta chỉ cảm nghiệm được sự giải thoát đó nếu ta cùng bước đi trên con đường này. Bạn có dám bước theo Đức Giêsu không?

Câu hỏi:

1. Bạn có kinh nghiệm gì về sự thật qua những "thông tin" trên báo chí, truyền thanh, truyền hình và các mạng xã hội?

2. Có nhiều lúc trong cuộc sống, ta bất đắc dĩ phải nói dối để cho gia đình an vui, cộng đồng không hỗn loạn. Bạn có nghĩ đó là một giải pháp tốt không? Tại sao?

3. Những định nghĩa khác nhau của các chủ nghĩa, hệ tư tưởng về sự thật đã đồng quy về một con người, là Đức Giêsu Kitô. Bạn tìm được hiệu quả gì nơi sự kiện này?

4. Bạn đã có kinh nghiệm nào về sự giải thoát của Đức Giêsu khi biết được sự thật về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình?


[1] x. CĐ Vat. II, GS, số 26; ĐHG Gioan XXIII, Thông điệp Pacem interris, số 55; HTXHCG, số 197-208.

[2] x. HTXHCG, số 115-123.

[3] x. ĐGH Gioan Phaolô II, TĐ. Sollicitudo Rei Socialis, số 36, năm 1988.

[4] x. HTXHCG, số 144, 214, 215-17, 2465.

[5] x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ sự thật, tr.1129

[6] x. Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ chân lý, tr. 195.

[7] x. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, 2016, mục từ chân lý, tr.123.

[8] x. Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh Việt, 2014, mục từ truth, tr.2088.

[9] x. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, q1, 005, mục từ chân lý, tr.516.

[10] x. CĐ Vat.II, Gaudium et Spes, 1965, số 10.

[11] x. Hội đồng Quốc gia Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ chân lý tuyệt đối, q.I., tr.516

[12] x. HTXHCG, số 1.

[13] x. HTXHCG, số 45.

[14] x. HTXHCG, số 130.

[15] x. HTXHCG, số 198; GLHTCG, số 2467.

Nguồn: http://hanhkhatkito.org

Nguồn tin: www.kinhthanhvn.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây