TRỞ VỀ THÔI !
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
Đời con như một chuyến đi dài,
Dọc hành trình, con âu yếm trên tay
Những hạt mầm cho tương lai rực rỡ,
Con gieo xuống trên vệ đường đất đỏ
Thật trìu mến như muốn ngỏ tình yêu,
Để một sớm, để một trưa, để một chiều,
Để thêm mưa, để thêm nhiều giọt nắng,
Đường con qua sẽ rực thắm muôn hoa.
1.Đời là một cuộc hành trình. Ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và bước đi không ngừng.Tuổi thơ và thanh niên được dệt đầy bằng những sự năng động để không ngừng lao tới phía trước. Ở tuổi trung niên, thành công tràn ngập, nhưng thất bại cũng giăng đầy lối đi. Trong tuổi nầy, có những người bạn chợt đến rồi cũng chợt đi. Bao lần vui tươi hớn hở nhưng cũng bao phen thất vọng ê chề. Rồi tuổi già vụt đến, chúng ta mới nhận ra rằng tất cả mọi sự trên đời chỉ là tạm bợ chóng qua.
2.Vị vua Hồi giáo nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha là Abder Rahman Đệ Tam, đã biến đất nước Tây Ban Nha thành trung tâm khoa học của Châu Âu vào thế kỷ thứ 10. Ông đã tuyên bố về cuối đời rằng: Ta đã ngồi trên ngai vàng 50 năm, đã kinh nghiệm chiến thắng và hòa bình, được thần dân mến phục, kẻ thù sợ hãi, và đồng minh kính nể. Danh lợi, quyền quý và tất cả các thú vui trên trần gian ta đều có cả. Nhưng khi ngồi tính thật kỹ số ngày ta được hoàn toàn hạnh phúc, thì con số đó quá ít ỏi, chỉ vỏn vẹn có 14 ngày. Chúng ta vẫn tưởng rằng danh vọng, giàu có, quyền thế là hạnh phúc, nhưng thật ra những thứ đó đều không thể hoàn toàn đem lại hạnh phúc. Những ngày hạnh phúc do trần thế mang lại rất là ít ỏi và chóng qua!
3.Đời là một cuộc hành trình. Đức Giêsu Kitô đã trải qua cuộc đời trần thế với không biết bao nhiêu cuộc hành trình. Sinh ra trong một cuộc hành trình, vừa mở mắt chào đời đã phải vội vã ra đi như một người tỵ nạn. Năm 12 tuổi lại bị lạc mất mẹ cha trong một cuộc hành trình. Dấn thân vào đời hoạt động công khai, Người lại cũng không ngừng rảo bước khắp mọi nẻo đường xứ Palestina, bằng đôi chân sưng cháy. Và cuối cùng, Giêrusalem, đồi Canvê là điểm đến của toàn bộ chuyến đi, lúc ấy mới có 33 tuổi. Qua cuộc hành trình không hề ngơi nghỉ ấy, Đức Giêsu Kitô đã tuyên bố với mọi người: “Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6). Như vậy, chỉ trong Người, qua dấu chân của Người, chúng ta mới thật sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình của chúng ta. Người là Con Đường dẫn chúng ta về Cõi phúc vinh quang.
4.Nhưng Con Đường của Người chính là Con Đường của Yêu Thương và Phục Vụ. Hãy tin tưởng rằng: khi chúng ta sống yêu thương và sống phục vụ, thì cũng chính là lúc chúng ta đang đi trên Con Đường của Giêsu. Cuộc đời linh mục hay tu trì là cuộc đời tận hiến cho Chúa để yêu thương phục vụ tha nhân, các linh hồn, chứ không phải để làm những điều gì khác của người đời. Bạn đã thực hiện nhiều cuộc hành trình từ thời tu học, cho đến khi làm cha phó, cha xứ. Bao nhiêu nơi bạn đã đến, bao nhiêu khó khăn vất vả, đau khổ, thử thách bạn đã trải qua, nhiều khi thật cô đơn và cay đắng. Giờ phút nầy bạn đang thực hiện đoạn cuối của cuộc hành trình đi về, không phải là đi về Nhà Hưu Dưỡng, không phải là về một ngôi nhà xinh xắn với khu vườn cây trái để mỗi sáng mỗi chiều sưởi ấm tuổi già, nhưng là về đời sau, về cõi ấy. Có gì nữa đâu mà lo sợ, chùn bước. Hãy can đảm, chút xíu nữa là về đến nơi rồi!
5.Vì thế, hãy lo tiếp tục dọn chỗ cho đời sau.
Một buổi chiều nọ, có một lữ khách nghèo tìm đến trước một dinh thự nằm ở ven khu rừng để xin trọ qua đêm vì lỡ đường. Không ngờ đây lại là nơi nghỉ chân sau những chuyến đi săn của một nhà quý tộc giàu có, nhưng nổi tiếng keo kiệt, ích kỷ. Thế là đích thân chủ nhà ra xua đuổi không thương tiếc: “Đây là dinh thự của ta chứ không phải là nhà trọ mà ai muốn vào ở cũng được!”.
Cánh cửa đóng sập lại ngay, nhưng người khách vẫn kiên nhẫn đập cửa mãi cho đến khi nhà quý tộc lại phải ra mở cửa quát tháo to tiếng. Người khách vẫn từ tốn đề nghị: “ Thưa ngài, xin bình tĩnh bớt giận, xin phép cho tôi hỏi ngài ba câu, nếu như ngài là một người thông minh trả lời được, thì tôi sẽ xin đi khỏi đây ngay!”.
Nhà quý tộc nổi máu tự ái nên nhận lời, chắc chắn mình sẽ thắng. Người khách bắt đều hỏi câu thứ nhất: “Ai đã ở trong dinh thự nầy trước ngài ?”. Nhà quý tộc trả lời được ngay: “Cha ta đã ở đây chứ ai!”. Người khách lại hỏi câu thứ hai: “Thế ai đã ở đây trước ông thân sinh của ngài ?”. Nhà quý tộc ngẩn ngơ không biết trả lời thế nào, vì cha con ông ta chỉ mới làm chủ toà dinh thự nầy sau khi người chủ quý tộc trước đây đã bị phá sản rồi tự tử chết. Đến đây thì người khách mới nói: “Nếu vậy thì cha ngài và cả ngài nữa, cũng chỉ là những người khách trọ ở đây trong một thời gian nào đó, rồi đến một ngày, chính ngài cũng phải nhường lại cho một chủ nhân khác. Hoá ra cái dinh thự nầy cũng chẳng khác gì một thứ quán trọ…”.
Người khách lạ nhận ra ông quý tộc bị đánh động sâu xa, ông ta ngỏ lời: “Vì vậy tôi thành thật khuyên ngài đừng quá phung phí tiền bạc để ăn chơi và chỉ bo bo giữ lấy cho riêng mình một cái quán trọ tạm bợ chóng qua thế nầy. Ngược lại, tôi nghĩ ngài nên cởi mở tấm lòng để giúp đỡ những người nghèo khổ và lỡ đường thiếu thốn. Và như thế, chính là ngài đã biết chuẩn bị cho mình một chỗ ở vĩnh cửu đời sau trên trời…”.
(Vinh An, mùa Covid 21)
*Xin chia sẻ cho người khác.