Năm Thánh Giuse (2)

Thứ ba - 05/01/2021 19:21
NĂM THÁNH GIUSE
KINH LẠY CHA (2)
(Trích GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992-là cuốn giáo lý đầy đủ và quan trọng nhất của Toà Thánh, giúp suy niệm ít nhất 30 phút Kinh Lạy Cha để hưởng ơn Toàn Xá hằng ngày trong Năm Thánh Giuse theo số 1, Tòa Ân Giải Tối Cao, 08/12/2020).

2764
Với Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su dạy ta sống, với kinh Lạy Cha, Người dạy ta cầu nguyện. Trong cả hai, Thần Khí của Chúa Giê-su đem lại khuôn mẫu mới cho những ước muốn là những tâm tình tác động đến cách sống của ta. Chúa Giê-su dùng lời nói để dạy ta phải sống cuộc đời mới và dùng lời kinh xin Chúa Cha ban ơn giúp ta sống như vậy. Khi cầu nguyện đúng, chúng ta sẽ biết sống trong Chúa.

LỜI KINH CHÚA DẠY
2765
Truyền thống Ki-tô giáo gọi kinh Lạy Cha là Lời Kinh Chúa dạy, vì chính Chúa Giê-su đã soạn và truyền lại. Lời kinh nầy độc đáo vì chính là lời kinh "của Chúa". Qua những lời trong kinh này, Con Một Thiên Chúa trao cho chúng ta những Lời Người đã nhận được từ Chúa Cha : Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Mặt khác, vì là Ngôi Lời nhập thể, Người biết rõ những nhu cầu của chúng ta, những anh chị em của Người theo nhân tính, và Người đã nêu cho ta thấy những nhu cầu đó : Người là Mẫu Mực hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.
2766
Đức Giê-su không dạy ta một công thức để chúng ta lặp đi lặp lại như cái máy ( x. Mt 6,7; 1 V 18,26-29 ). Cũng như mọi khẩu nguyện khác, Chúa Thánh Thần dùng Lời Chúa để cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Đức Giê-su không những dạy chúng ta lời kinh của người con mà còn ban Thánh Thần để nhờ đó những lời kinh này trở nên "thần khí và sự sống"( Ga 6, 63 ) trong chúng ta. Hơn nữa, "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Áp-ba, Cha ơi"( Gl 4,6 ); điều này chứng tỏ chúng ta có khả năng dâng lên Chúa Cha kinh nguyện của người con. Khi cầu nguyện chúng ta nói lên những ước nguyện của mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng thật ra, Chúa Cha "thấu suốt tâm can", Người "biết Thần khí muốn nói gì", vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" ( Rm 8,27). Dạy cầu nguyện cùng Cha Trên Trời là một phần trong sứ mạng huyền diệu của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA HỘI THÁNH
2767
Ngay từ đầu, Lời Kinh Chúa dạy và Thánh Thần, Đấng làm cho lời kinh sống động trong lòng các tín hữu, đã được Hội Thánh lãnh nhận và sống như một hồng ân duy nhất. Những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đọc kinh Lạy Cha "ba lần mỗi ngày", thay vì đọc "mười tám lời chúc tụng" theo thói quen đạo đức Do Thái.
2768
Theo truyền thống các tông đồ, lời kinh Chúa dạy đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ.
"Chúa dạy chúng ta cầu nguyện chung cho mọi anh chị em. Vì Người không nói "Lạy Cha của con, ngự trên trời", nhưng là "Lạy Cha chúng con", để chúng ta một lòng một ý cầu nguyện cho toàn Thân Thể Hội Thánh" (T.Gio-an Kim Khẩu).
Trong mọi truyền thống phụng vụ, kinh Lạy Cha là thành phần tất yếu của các giờ kinh phụng vụ chính. Đặc biệt, trong ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo, kinh Lạy Cha càng nỗi rõ đặc tính là kinh của Hội Thánh.
2769
Trong bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nghi thức trao kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc tái sinh vào đời sống thần linh. Trong Ki-tô giáo, cầu nguyện là nói với Thiên Chúa bằng chính Lời Chúa, nên những ai "đã được tái sinh nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống"(1Pr 1,23) sẽ học biết kêu cầu Chúa Cha, bằng chính Lời duy nhất mà Cha luôn đón nhận. Họ có thể kêu cầu như thế, vì Chúa Thánh Thần đã để lại ấn tích, không thể tẩy xóa được, trong lòng họ, trên tai họ, trên môi miệng, trên toàn thân người con cái Thiên Chúa. Vì thế, đa số các bài giải thích kinh Lạy Cha của giáo phụ đều dành riêng cho các dự tòng và tân tòng. Khi đọc kinh Lạy Cha, Hội Thánh luôn luôn đọc với tư cách là dân "được tái sinh", dân cầu nguyện và được Thiên Chúa xót thương (1Pr 2,1-10).
2770
Trong phụng vụ Thánh Thể , chúng ta thấy rõ kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của toàn Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa kinh Tạ Ơn và phần hiệp lễ, kinh Lạy Cha một mặt thâu tóm toàn bộ những lời khẩn nguyện và chuyển cầu đã nêu lên trong phần "xin ban Thánh Thần"; mặt khác, dẫn ta đến Bàn Tiệc Thánh Thể như tiền dự vào Bàn Tiệc Nước Trời.
2771
Trong Thánh Lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung. Kinh Lạy Cha đúng là kinh nguyện của "thời sau hết", thời cứu độ đã bắt đầu với việc Thánh Thần được ban xuống và sẽ kết thúc vào ngày Chúa Quang Lâm. Khác với các kinh nguyện trong Cựu Ước, những lời nguyện xin trong kinh Lạy Cha dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần dứt khoát trong Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu khổ nạn và phục sinh.
2772
Vì tin tưởng vững vàng vào Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại, chúng ta tràn đầy hy vọng khi xướng lên từng điều trong bảy lời nguyện xin của kinh Lạy Cha. Những lời nguyện xin này là tiếng than van của những người đang sống giữa trần thế hôm nay trong nhẫn nại và đợi chờ, vì chúng ta đã là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ (1 Ga 3,2). Thánh Lễ và kinh Lạy Cha đều hướng về ngày Chúa quang lâm "cho tới khi Chúa lại đến" (1Cr 11,26).”

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây