G. Trần Đức Anh, O.P.
Dịch Coronavirus tiếp tục lan rộng tại nhiều nước, đặc biệt tại Italia. Trong thông cáo của chính phủ Roma, tính đến chiều thứ Ba, 17/3/2020, số người bị nhiễm tăng 12,6% so với 24 tiếng đồng hồ trước đó, nâng tổng số người bị lây nhiễm virus lên 31.506 người, trong đó có 2.503 người bị thiệt mạng, tức là tăng 16% so với một ngày trước đó.
Hiện diện trong buổi tiếp kiến, ngoài Đức Thánh cha và hai giám chức thuộc Phủ Giáo hoàng, chỉ có tám linh mục thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính. Ngoài các mạng của Vatican News và Vatican Media, buổi tiếp kiến này cũng được đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng Giám mục Italia trực tiếp truyền đi.
Trong bài huấn giáo, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về các Mối Phúc. Đức Thánh cha nói:
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
“Hôm nay, chúng ta bàn đến Mối Phúc thứ năm: “Phúc cho những người có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Trong Mối Phúc này, có một đặc điểm: đây là Mối Phúc duy nhất trong đó nguyên nhân và thành quả hạnh phúc trùng với nhau. Những người thực thi lòng thương xót thì sẽ được xót thương.
“Đặc tính hỗ tương của sự tha thứ vừa nói không phải chỉ có trong Mối Phúc thứ năm này nhưng là điều thường xảy ra. Và làm sao có thể khác hơn được? Lòng thương xót là chính con tim của Thiên Chúa! Chúa Giêsu dạy rằng: “Các con đừng phán xét để khỏi bị phán xét; đừng lên án và các con sẽ không bị kết án; hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha (Lc 6,37). Và thư thánh Giacôbê khẳng định rằng: “thương xót vẫn luôn luôn tốt hơn là xét xử” (2,13).
“Nhưng nhất là trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12); và lời xin này là lời duy nhất được lập lại vào cuối: “Thực vậy, nếu các con không tha thứ cho người khác các lỗi của họ, thì Cha các con trên trời cũng chẳng tha thứ tội cho các con” (Mt 6,14-15; Xc. Sách Giáo Lý CG, 2838).
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Có hai điều không thể tách rời nhau: tha thứ và đón nhận tha thứ. Nhưng bao nhiêu người gặp khó khăn, không thể tha thứ. Bao nhiêu lần điều ác ta chịu lớn đến độ không tha thứ được, như thể leo lên một ngọn núi rất cao. Đặc tính hỗ tương của lòng thương xót cho thấy chúng ta cần đảo ngược cái nhìn. Thực vậy, sở dĩ Mối Phúc thứ năm hứa cho ta tìm được lòng thương xót và trong Kinh Lạy Cha chúng ta xin tha nợ, điều này có nghĩa: chủ yếu chúng ta là những người mắc nợ và chúng ta cần tìm được lòng thương xót!
“Tất cả chúng ta đều là những người mắc nợ. Mắc nợ đối với Thiên Chúa là Đấng rất quảng đại, và mắc nợ đối với anh chị em mình. Mỗi người đều biết mình không phải là người cha hoặc người mẹ đúng mức, không phải là người chồng hoặc người vợ, người anh hoặc người chị đúng mức. Chúng ta biết rằng, cho dù chúng ta không làm điều ác, nhưng vẫn luôn thiếu cái gì đó đối với điều thiện mà lẽ ra chúng ta phải làm.
“Nhưng chính cái nghèo của chúng ta trở thành sức mạnh để tha thứ! Chúng ta là những người mắc nợ và - như chúng ta đã nghe ở đầu-, nếu chúng ta được đo lường theo mức độ chúng ta đo lường người khác (Xc. Lc 6,38), thì chúng ta nên gia tăng độ lượng và hãy xóa nợ, tha thứ. Mỗi người phải nhớ mình cần ơn tha thứ và kiên nhẫn; đó là bí quyết của lòng thương xót: chính khi tha thứ, chúng ta được thứ tha. Vì thế Thiên Chúa đi trước chúng ta và chính Ngài tha thứ trước (Xc. Rm 5,8). Khi lãnh nhận tha thứ, đến lượt mình, chúng ta có thể tha thứ. Như thế chính sự lầm than và thiếu công chính của ta trở thành cơ hội để cởi mở đón nhận Nước Trời, cởi mở đối với một mức độ cao hơn, mức độ của Thiên Chúa, là lòng thương xót.”
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Từ đâu nảy sinh lòng thương xót? Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Các con hãy thương xót như Cha các con là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Hễ ta càng đón nhận tình thương của Chúa Cha, thì ta càng yêu mến (Xc. CCC 2842). Lòng thương xót không phải chỉ là một chiều kích trong những chiều kích khác, nhưng là trung tâm của đời sống Kitô; không có Kitô giáo nếu không có lòng thương xót! Nếu tất cả Kitô giáo của chúng ta không đưa chúng ta tới lòng thương xót, thì chúng ta đi lạc đường, vì lòng thương xót là mục đích duy nhất của mọi hành trình thiêng liêng. Nó là một trong những hoa quả đẹp nhất của đức bác ái (Xc CCC 1829).
“Tôi nhớ đây là đề tài được chọn từ buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên của tôi trong tư cách là Giáo hoàng: đề tài lòng thương xót. Đó là đề tài có ấn tượng rất mạnh nơi tôi, một sứ điệp mà tôi phải luôn thông truyền hằng ngày, như là Giáo hoàng: đề tài lòng thương xót. Tôi nhớ hôm ấy tôi đã có một thái độ mà tôi hơi xấu hổ, đó là quảng cáo cho một cuốn sách về lòng thương xót mà Đức Hồng y Kasper mới xuất bản. Hôm đó tôi đã cảm thấy rằng “đó là một sứ điệp mà tôi phải thông truyền trong tư cách là Giám mục Roma”.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự giải thoát và là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta sống nhờ lòng thương xót và chúng ta không thể để cho mình sống mà không có lòng thương xót. Chúng ta quá nghèo yếu không thể đặt các điều kiện, chúng ta cần tha thứ, vì chúng ta cần được thứ tha.”
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, và đặc biệt nghĩ đến những người trẻ, người già, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới.
Ngày mai (19/03), chúng ta mừng lễ trọng kính Thánh Giuse. Trong cuộc sống, trong công việc làm trong gia đình, trong vui mừng và đau khổ, thánh nhân luôn tìm kiếm và yêu mến Chúa, đáng được Kinh thánh ca ngợi là người công chính và khôn ngoan. Chúng ta hãy luôn khẩn cầu thánh nhân, đặc biệt trong những lúc khó khăn và phó thác cuộc sống chúng ta cho vị Đại thánh này.”
Trong buổi tiếp kiến trực tuyến, Đức Thánh cha cũng đưa ra lời mời gọi các giám mục thuộc hơn 220 giáo phận tại Italia, cổ động buổi đọc kinh Mân Côi toàn quốc, lúc 9 giờ tối ngày lễ Thánh Giuse, 19/3, để cầu nguyện cho đất nước trong tình trạng khẩn trương về y tế hiện nay. Đồng thời, Đức Thánh cha cũng mời gọi thực hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy, 20 và 21/3, qua đó các tín hữu cầu nguyện và lãnh nhận bí tích Hòa giải.
Đức Thánh cha ghi nhận là tại Italia và nhiều nước khác, vì nạn dịch Coronavirus, các tín hữu không thể tụ họp để tiến hành sáng kiến này theo thể thức thông thường, nhưng - Đức Thánh cha nói - “tại tất cả các nơi khác trên thế giới, truyền thống tốt đẹp này nên được tiến hành. Tôi khuyến khích các tín hữu hãy chân thành đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc xưng tội và đặc biệt cầu nguyện cho những người đang bị thử thách vì đại dịch. Nơi nào không thể cử hành “24 giờ cho Chúa”, tôi chắc chắn chúng ta có thể sống thời điểm thống hối này qua kinh nguyện riêng.”
Buổi tiếp kiến trực tuyến của Đức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và ngài ban phép lành cho tất cả mọi người.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn