G. Trần Đức Anh, O.P.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Cộng Hòa (La Reppublica), số ra ngày 18/3/2020 vừa qua, tại Italia.
Đức Thánh cha nói: “Chúng ta cần tìm lại ý nghĩa những cử chỉ cụ thể, những cử chỉ bé nhỏ thường nhật, sự quan tâm đối với những người ở gần, thân nhân, bạn hữu. Cần hiểu rằng trong những điều bé nhỏ, những cử chỉ thường nhật, có cả một kho tàng của chúng ta. Ví dụ một đĩa ăn nóng, một sự vuốt ve, một vòng tay ôm, một cú điện thoại. Đó là những cử chỉ quen thuộc nói lên sự chú ý, làm cho cuộc sống có ý nghĩa và là sự hiệp thông của chúng ta với nhau”.
Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng: “Nhiều khi chúng ta chỉ sống một sự đả thông tiềm thể với nhau. Cần khám phá một sự gần gũi mới, một tương quan cụ thể bằng những chú ý và kiên nhẫn. Nhiều khi trong các gia đình, người ta ăn chung với nhau trong một sự im lặng lớn, không phải vì lắng nghe nhau, nhưng vì người thì coi tivi, trong khi con cái thì sử dụng điện thoại di động. Họ giống như các đan sĩ cô lập với nhau. Trong tình cảnh như thế không có sự đả thông, không cảm thông với nhau; trái lại, lắng nghe nhau là điều quan trọng, vì họ hiểu những nhu cầu của người khác, những mệt mỏi và ước muốn của người thân. Có một ngôn ngữ bằng những cử chỉ cụ thể cần bảo tồn”.
Trả lời câu hỏi của ký giả, Đức Thánh cha cho biết khi viếng Đền thờ Đức Bà Cả và Nhà thờ thánh Marcello chiều ngày thứ Hai 16/3/2020 vừa qua, ngài đã cầu xin Chúa ra tay chặn đứng nạn dịch hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh cha tái bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với các nhân viên y tế, những người thiện nguyện và ngài liên đới với thân nhân các nạn nhân. Đức Thánh cha nói: “Tôi cám ơn những người đang xả thân như thế cho những người khác. Đó là thí dụ về sự cụ thể. Tôi cũng xin tất cả mọi người hãy gần gũi những người đã mất những người thân yêu, tìm cách đồng hành với họ bằng mọi cách có thể. Sự an ủi phải là nghĩa vụ của tất cả mọi người”.
Đức Thánh cha cũng cho biết ngài có ấn tượng mạnh vì bài báo mới đây của ký giả Fabio Fazio, đặc biệt ông khẳng định rằng “Những thái độ của chúng ta luôn có ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác. Ví dụ những người trốn thuế, làm cho các dịch vụ y tế bị thiếu các phương tiện.”
Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi tất cả mọi người, cả những người không tín ngưỡng, hãy hy vọng. Ngài nói: “Tất cả đều là con cái Thiên Chúa và được Chúa nhìn đến. Cả những người chưa gặp Chúa và chưa được hồng ân đức tin, họ cũng có thể tìm được con đường hy vọng, trong những điều tốt lành họ tin. Họ có thể tìm được sức mạnh trong tình yêu đối với con cái, gia đình, anh chị em. Một người có thể nói: ‘Tôi không thể cầu nguyện vì tôi không tin’, nhưng họ vẫn có thể tin nơi tình thương của những người quanh họ, và qua đó họ có thể tìm được hy vọng”.
(La Reppublica 18-2-2020)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn