(Truyện ngắn)
Ngó lên tấm lịch treo tường, gió thốc tờ lịch dựng lên dựng xuống như không muốn cho bản thân con nhỏ chút yên ổn. Hay tờ lịch như muốn nói với con nhỏ: “Yên ổn nhiêu đủ rồi! Lên Sài Gòn!”. Con nhỏ chậc lưỡi: “Trời! Mới đây mà mười mấy ngày rồi! Ngày mốt công ty làm lại. Phải lên thôi!”
Ngó ra hiên nhà qua khung cửa sổ, má ngồi nhặt mấy hạt nếp hư bị mọt ăn, chắc má biết nó sắp đi nên chuẩn bị đồ ăn cho nó đi xa. Má là vậy, hiểu con từng chút. Biết con nhỏ út thích xôi nên lúc nào cũng chuẩn bị cho nó đem đi. Từ hôm nó về tới giờ, đúng một lần duy nhất má hỏi câu: “Chừng nào con quầy về trển?” và câu trả lời là “Dạ! Mùng 9 công ty làm lại”. Má cứ im ỉm biết vậy mà sắp xếp mọi thứ.
Má năm nay má ngoài bảy mươi, tóc bạc hai phần và còn lại một phần đen len lỏi giữa mớ tuyết lạnh căm. Lưng có vẻ gù hơn và mắt kèm nhèm hơn. Mấy năm trước má sàng gạo hay lựa nếp đều để ở xa mà vẫn thấy tốt, năm nay má để mớ thóc trên bàn tay kề sát mặt, lấy mấy ngón tay kia xoa xoa lựa coi hột nào mọt ăn thì bỏ đi. Thi thoảng nheo nheo con mắt nước trong trong. Phủi phủi tay vô đít quần, má đưa tay dụi mắt cho rõ hơn. Con nhỏ dòm cảnh ấy chịu không nổi, chạy một hơi ra sàn lãng giả bộ khoát nước rửa mặt, ai mà biết nó có rửa mặt thiệt hay giả.
-“Giữ nhà nghen con! Má đi chợ xíu về!”
Con nhỏ ngồi trong nhà xếp mớ quần áo vừa khô cho vô túi, nghe má kêu nó trả lời:
-“Dạ! Để con trông nhà cho má!”
Má khen có con nhỏ về má đỡ phải khóa cửa nhà.
*******
Nhà còn một mình má. Ba chết cũng ngót nghét chục năm. Mấy anh chế đi xuất khẩu lao động mấy năm nay không về. Một mình con nhỏ vì thương má mà không nỡ đi nước ngoài lao động như mấy anh chế. Trước đây mấy anh chị em có bàn với nhau:
-“Anh chế đi nước ngoài vì có bạn bè bên đó giúp đỡ giấy tờ và chỗ ăn ở, còn cưng mần gần gần để chạy lên chạy xuống hủ hỉ với má. Anh chế ràng cày vài năm có tiền rồi về lo cho má!”
Nói thì nói vậy chớ qua điện thoại má biết mấy anh chế làm vất vả lắm. Má hỏi:
-“Bên đó mần cực dữ hông bây?”
Bên đầu máy bên kia trả lời bai bải và lẹ làng như thể không dám nói chậm lại kẻo má lại hỏi thêm:
-“Dạ sướng lắm! Sướng dữ trời luôn!”
Nói bấy nhiêu rồi anh chế lái qua chuyện nhà, chuyện con gà, con vịt, con heo… Hiếm có khi nào má hỏi tới công ăn việc làm của anh chế mà tới câu thứ hai. Thành ra linh tính cho má điều gì đó tụi nó giấu không cho má biết. Tối nào má cũng nói chuyện với con nhỏ út: “Anh chế mày chắc bên kia cũng nhà trọ nhà thuê, cũng ăn mì gói, cũng làm tăng ca,… chắt bóp tiền gửi về hàng tháng cho má!” Rồi má “Hới!” một tiếng “Cực thấy bà chớ sung sướng gì mà qua bên đó!” Con nhỏ như muốn để má khỏi lo vội nói: “Thôi mà má! Biết đâu bên kia sướng thiệt!” Rồi má không nói gì nữa, chỉ lấy tay dụi mắt.
Linh tính của má đúng thiệt. Đúng là linh tính của người mẹ luôn thấu hiểu con mình dù bất cứ hoàn cảnh nào. Mấy lần anh chế gọi điện thoại riêng cho con nhỏ, dặn nó thường xuyên về để làm má vui, đừng nhắc tới công ăn việc làm của anh chế bên kia má buồn. Đúng là sau kỳ đại dịch anh chế chật vật lắm mới kiếm lại công việc, nhưng phải chạy mấy đầu việc từ sáng tới tối mới có chút chút gửi về, mớ còn lại xoay sở ăn uống và nhà trọ cũng hết. Con nhỏ đợi má ngủ, lấy điện thoại ra nhắn đôi tin ngắn gọn: “Má biết hết chuyện rồi! Em không kịp kể má đã biết! Anh chế tranh thủ gọi về an ủi má đi!”. Anh bên kia nhắn lại: “Ừ! Anh biết rồi! Mai anh gọi má!”
-“Alo! Má ơi!”
Má nghe điện thoại cách cẩn trọng như không muốn sót lời nào của thằng con:
-“Nay mùng 1 tết, anh em con gọi về chúc tuổi má!”
Cuộc điện thoại gần hai tiếng đồng hồ. Mấy má con khóc quá trời quá đất. Má biểu:
-“Về đi con! Về Việt Nam ở với má! Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Còn miếng vườn sau nhà bây về làm chớ má già làm hết nổi rồi!”
*********
Má đi chợ về, trong làn để con cá lóc, ít mớ đồ nấu canh chua. Má khoe: “Có nửa cây chả lụa với ít chà bông, mai má nấu xôi cho bây cầm theo ăn dọc đường!”. Nói rồi má đi một hơi ra sàn lãng, con nhỏ nghe giọng má biết má buồn.
Bỏ mớ quần áo xếp dở, con nhỏ xắn tay áo xuống bếp làm đồ ăn với má. Nhìn chái bếp nhỏ nhỏ lụp xụp, ngó ra xa là mộ ba còn nằm ngoài kia, chợt nó giật mình: “Sao má chịu nổi cảnh này cả chục năm qua hả trời!”
Vậy mà trong điện thoại mỗi lần nó gọi về có bao giờ nó nghe má than vãn câu nào, cũng chẳng bao giờ nghe tiếng thút thít mà chỉ toàn “má khỏe!”, “má vui!”, “nhà ổn!”, “về đi, má đợi!”. Con nhỏ chợt có suy nghĩ gì đó trong đầu. Má năm nay đã ngoài bảy mươi, nó muốn tận dụng những thời khắc ngắn ngủi còn ở bên má. Một suy nghĩ nào đó xuất hiện trong đầu nó:
-“Ủa! Má ơi!”
Má đang lúi húi cạo nhớt con cá lóc mới mua, trả lời:
-“Gì con?”
-“Công ty thủy hải sản gần nhà mình làm lại chưa má?”
Má suy nghĩ một chút rồi trả lời:
-“Chắc làm rồi đó! Thấy con Nhí nhà ông Chín đi làm rồi! Mà… con hỏi chi vậy?”
Con nhỏ cười toe toét, chạy lạy hôn lên mặt má mấy cái liền, nó biết tay má làm cá dơ nên không làm gì được nó, chứ bình thường má đẩy nó ra vì … nhột chịu không nổi.
-“Con nhỏ này! Mày làm gì vậy!”
-“Ờ thì con muốn đi làm ở đây! Muốn về quê ăn chực má! Má chịu hông?”
Má giật mình trước câu nói của con nhỏ”
-“Thiệt hả con? Bây nói thiệt hay nói giỡn?”
Vừa hỏi má vừa cười như hy vọng câu trả lời của con nhỏ
-“Thiệt! Con nói thiệt! Hổng tin con lấy đồ trong túi ra máng lên xào cái độp cho má coi!”
Hai tay má ôm hai gò má của con nhỏ, làm mặt con nhỏ dính đầy nhớt cá, rồi dí sát mà hôn chùn chụt.
*********
Tối hôm đó, con nhỏ gọi điện thoại cho anh chế trước mặt má, nó biểu: “Thôi anh chế ở bên kia làm thêm vài năm nữa đi! Em ở nhà lo cho má luôn để anh chế khỏi lo lắng!” Anh chế bên kia nghe mừng quá sức. Bữa cơm canh chua với cá lóc kho tộ hôm đó ngon thiệt là ngon, con nhỏ ăn no phình bụng mà má cứ gắp hoài. Má hỏi:
-“Rồi con định chừng nào đi mần thủy sản?”
Con nhỏ nuốt miếng cơm xong rồi trả lời:
-“Sáng mai con ra công ty nộp đơn xin việc, hồi chiều nghe con Nhí nói cũng dễ lắm vì công ty sau dịch đang hụt người!”
Má nhoẻn cười, vội biểu:
-“Vậy sớm mai má dậy nấu xôi cho con ăn, để có sức đi xin việc hén!”
Con nhỏ ôm chầm lấy má cười tươi quá trời, má cũng cười, mà sao nụ cười của hai má con xen lẫn tiếng “thút thít”.
Little Stream
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn