Trong tình cảnh rất khó khăn hiện nay, khi tôi đang bình an vô sự ở nhà, thì có bao người vẫn đang gồng mình chiến đấu hết mình ngoài kia. Đó là những chiến sĩ áo trắng, những thiên thần trong lòng tôi. Dù không thể bước vào trận chiến giống như họ, nhưng tôi cũng cảm giao phần nào tình cảnh khốn đốn của những con người ấy. Tôi cảm thấy rất cảm kích và thán phục những y bác sĩ đang miệt mài làm việc ở tuyến đầu. Họ đang ra sức chiến đấu giữa vòng vây của một kẻ địch vô hình mang tên Covid. Tôi mong muốn họ cũng có thể cảm nhận tấm lòng biết ơn của tôi cũng như rất rất nhiều người dành riêng cho họ.
Chia sẻ với một vài người bạn là các y bác sĩ trong bệnh viện, tại khu cách ly, tôi chợt nhận ra những chứng nhân âm thầm trong đạo ngoài đời ngay giữa xã hội này. Họ đã hi sinh bao điều, từ bỏ nhiều thứ. Chỉ cần vài phút thôi, trong những bộ quần áo bảo hộ dày cộm, cả người họ đã ướt đẫm mồ hôi “như chuột lột”. Một cảm giác thật khó chịu khi làm việc, lúc chăm sóc bệnh nhân. Những bữa ăn tranh thủ, những giấc ngủ vội vàng cứ lững lờ trôi. Mọi thứ quanh Cô Vy đang hành hạ, vắt kiệt sức lực của họ. Hôm nay đã ngót nghét “mùng 80 Tết” của bao người trong số chúng ta, thì rất nhiều người trong số họ đã “mất trắng” cái Tết năm nay. Họ liều mình tình nguyện xung phong đi tuyến đầu, đổ bao công sức lấy mẫu, xét nghiệm cho ra kết quả, hỏa tốc tìm cách khắc chế con virus tàn bạo kia. Đâu còn cảnh đoàn viên với gia đình, họ cũng lo tự cách ly, luôn phải sống trong cảnh xa cửa xa nhà.
“Thương Tổ Quốc, em hãy đợi
Hết dịch rồi, anh sẽ lại về thôi…” (Nếu anh không về – Vũ Tuấn)
Bạn tôi chia sẻ, họ đã từng tuyệt vọng, chán nản vì những kết quả chẳng mấy khả quan. Ở đấy, giữa ổ dịch, có quá nhiều cảm xúc đang “lúc nhúc, rúc rỉa” sức lực, nỗ lực ngày đêm của họ. Đối diện với sự sống và cái chết của bệnh nhân bao năm nay vốn đòi hỏi nơi họ một cái đầu rất tỉnh táo và con tim đủ tình thương; nhưng giờ đây, mọi chuyện lại trở nên khó khăn, khốn đốn hơn rất nhiều. Áp lực tứ bề đè nặng trên đôi vai “con người” của họ. Lạc lõng, cô đơn giữa vùng dịch đã hơn một lần kéo ghì ý chí của họ xuống. Những lắng lo cho bản thân, cho thân nhân, và cả đồng nghiệp đầy ứ nơi họ. Nỗi sợ hãi cứ rình rập, lập lờ quanh họ trong các khu cách ly, ngay tại ổ dịch…. Có lẽ trên đời này có bao nhiêu cảm giác khổ đau thì họ cứ thay nhau nếm trải. Bạn tôi cũng chia sẻ, có nản có chán đấy, nhưng họ vẫn đứng lên tiếp tục chiến đấu, nung nấu hy vọng cho bao người. Họ tiếp tục cống hiến để biến ước mơ của bao người thành hiện thực. Có vẻ như trong những tháng ngày cùng cực này, ngoài những người bị nhiễm Covid, thì mấy ai đau bằng họ, khổ như họ. Thế mà, mấy người trong họ kêu than, thở dài vì những nỗi khổ niềm đau ấy. Tưởng như cả nhân loại đang vác một cây Thánh Giá quá nặng mang tên Cô Vy, ngỡ như chúng ta đang cùng đi vào Cuộc Thương Khó não nề của Chúa, thì có lẽ những người đi đầu theo dấu chân Đức Giê-su chính là họ.
Những con người ấy vô tình trở thành những hình mẫu lý tưởng, những người thầy ưu tú về lẽ sống, về ý nghĩa cuộc đời cho tôi. Trong chính nghịch cảnh hiện tại, họ đã khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống nơi bản thân mình. Ở nơi ấy, giữa lúc ngặt nghèo, khắc nghiệt của bệnh dịch, họ cũng chất đầy những cảm giác trống rỗng, không thiếu những vết khuyết bên trong, đôi khi bị mắt kẹt trong lơ lửng của tuyệt vọng, chán nản của niềm tin. Dường như họ luôn bị dồn vào tình thế căng thẳng. Một bên là bổn phận, là những việc đã hoàn thành, một bên là những việc vẫn còn phải hoàn thành, là lý tưởng, là đam mê trong nghề của họ. Lúc ấy, tấm lòng từ mẫu của vị lương y tiềm ẩn bên trong con người họ mới dần mở ra hơn. Ngay giữa hiểm nguy, họ hiểu hơn nhiều điều về trách nhiệm với xã hội, với lương tâm của mình. Họ cần thực hiện nhiệm vụ nào? Điều ấy hướng tới mục tiêu gì? Nó dành cho ai? Chính trong tình thế khốn khó này, họ đã “vượt lên cái tôi hạn hẹp” của chính mình. Gạt bỏ ý riêng để hướng đến những gì thiêng liêng, cao quý. Ở nơi ấy, hình như họ vẫn hướng tới, và được định hướng đến một điều gì đó, một ai đó vượt lên trên bản thân của họ. Điều ấy đang thôi thúc họ chạy đua với mọi thứ để mau khử trừ dịch bệnh, hoàn thành nhiệm vụ cao quý của mình. Điều này cũng thúc đẩy họ tới miền đất của lòng bác ái, của chân lý, của cái đẹp ngay giữa những hoàn cảnh tang thương. Đặc biệt là cảm nhận tình yêu lớn lao vô hình, thấu hiểu tình cảm của thân hữu, của đồng bào dành cho họ. Từ ấy, họ khám phá sức mạnh ẩn sâu lâu nay nơi mình. Nhờ thế, những con người ấy dễ dàng dành tình yêu ấy cho bệnh nhân, truyền sức mạnh rất lớn cho những người đang quằn quại trên giường bệnh. Hơn nữa, trong chính tình cảnh nghiệt ngã ấy, họ tìm thấy ý nghĩa của khổ đâu. Thật thế, đôi khi họ không thể kiểm soát được hoàn cảnh, tình hình, nhưng họ đã khám phá ra sức mạnh nội tại có thể biến bi kịch thành chiến thắng. Giả như một ai trong số những người mà họ yêu thương có thể thế chân cho họ, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là không. Bởi những chiến sĩ áo trắng can trường ấy đã chọn gồng gánh thay cho chồng cho vợ và con cái. Thay vì chọn chỗ sung sướng, tìm nơi né tránh, họ đã tìm thấy ý nghĩa thực sự của đời mình trong đau khổ. Đó là bài học đắt giá dành cho tôi. Nhờ họ, tôi mới ngộ ra, tôi chẳng thể thay đổi hoàn cảnh được nhiều trong đau khổ, nhưng điều ấy đang thử thách tôi, đang thách thức tôi thay đổi chính mình. Đâu là ý nghĩa cuộc sống của tôi trong thời điểm hiện tại?
Ở nhà, tôi rất muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những chiến sĩ áo trắng can trường ngoài kia. Với lòng biết ơn, tôi thấy họ là cảm hứng cho cuộc sống của mình khi đứng trước khổ đau, là những tấm gương sáng mà tôi cần mang theo bên mình. Họ quả là những chứng nhân sáng láng giữa bầu trời u ám của xã hội này. Họ xứng đáng là những người môn đệ đích thực của Đức Giê-su mà tôi hằng khát khao. Trong tâm tình tri ân, tôi cũng muốn làm gì đó theo gương họ. Có lẽ, cứ kiên trì, Chúa sẽ hé mở cho tôi biết sẽ phải làm gì để biến ước mơ của chúng ta sớm thành hiện thực.
Nếu như thời gian có hồi ảnh, không gian có vọng thanh, thì những con người ấy vẫn kịp để lại dấu ấn trong cát bụi đời người với những giá trị thật cao quý trong cuộc sống ngắn ngủi này. Mai đây, họ sẽ có thể hưởng trọn niềm vui, niềm tự hào vì đã sống một cuộc sống trọn vẹn nhất trong thời đại dịch này.
Lyeur Nguyễn
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn