https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/10/03-Melody-Of-Love.mp3 Người Công Giáo Việt có tục gọi cha mẹ các linh mục, các tu sĩ nam nữ là ông bà Cố cho dù “ông Cố bà Cố “ này đôi khi còn rất trẻ, nên cũng đôi khi gọi vui là “anh chị Cố” thôi. Có nhiều nghĩa của từ Cố 故, nhưng có 3 nghĩa phù hợp với bối cảnh này: Cố là gắng sức (như cố công mài sắt), hay cha mẹ của những người làm quan hay đỗ cử nhân. Thêm nữa, các tín hữu xưa còn gọi các linh mục là Cố đạo vì các vị này đã học tập lâu dài, như đã đỗ được một bằng cấp cao, do đó mới có tiếng đỗ Cụ. Dựa theo 3 nghĩa này, người Công Giáo Việt gọi cha mẹ các linh mục, các tu sĩ nam nữ là ông bà Cố.
Ngày tôi báo tin sẽ vào tìm hiểu trong một dòng tu nọ, mẹ ngồi đầu giường rớm nước mắt vì thương con từ nay sẽ phải đi xa và nghĩ tu dòng là…khổ, bố vẫn trầm ngâm hút thuốc lào trên chiếc ghế đẩu như thường ngày và quay sang nói với tôi một câu giản dị: “con đã chọn thì cố mà theo.” Nhiều lúc tôi tự hỏi có phải những người bố cũng nhìn được sự “yếu đuối” từ người bạn đời của mình mà kìm giấu đi những cảm xúc xa con? Có lẽ là thế đấy nên ai cũng cố tỏ ra mạnh mẽ để dành trọn sự an tâm và vui vẻ cho đứa con sắp đi xa của mình, nhất là người mẹ. Vì người mẹ ở miền nào thì cũng vậy, yêu thương con, lại thương hơn khi nó đi xa nhà, ít được về. Nhất là những ngày đại lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh, có khi cả Tết Nguyên Đán,… thấy nhà hàng xóm đông đủ ấm cúng, mà trong nhà mình thiếu một đứa đi xa chưa về hay không về, là nước mắt lại chảy, sụt sùi quên cả ăn cơm. Do đó, trước khi được người ta gọi là ông Cố bà Cố với sự nể phục, chúc mừng ngưỡng mộ làm an ủi tuổi già, người bố người mẹ đã phải gắng sức lam lũ sớm hôm, cố gắng thật nhiều để nuôi dưỡng và khích lệ ơn gọi của con cái, và can đảm dâng con cho Chúa. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc phải xa con, nhiều lúc phải nuốt nước mắt vào trong để vui vẻ động viên con tiến bước vì giờ con không còn là “con của riêng mình” nữa nhưng là “con của mọi người, cháu của mọi nhà” rồi.
Nửa năm trước, ông cố của một thầy trong Dòng qua đời đang khi thầy tu học tại nước ngoài, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm và việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia, nên thầy không thể về chịu tang ông cố và phải dự vọng lễ tang từ xa. Nếu không phải thời dịch Covid thì khoảng cách xa xôi cũng khiến cho hành trình hồi hương của những người con xa nhà về với các bậc sinh thành trở nên khó khăn hơn, nhất là những lúc cấp bách như ma chay. Vì thế, đi tu là chấp nhận không chỉ việc sống xa gia đình, không thể kề cận phụng dưỡng cha mẹ nhưng còn chấp nhận cả việc có khi không thể về gặp cha mẹ lần cuối trước khi các ngài đi xa mãi mãi. Có khi về đến nhà thì các ngài đã nhắm mắt xuôi tay, có khi về đến nhà thì các ngài đã mồ yên mả đẹp. Lời bài hát “Núi Thái Sơn Ngả Bóng Cuối Trời” vẫn mãi vang vọng trong tim những người con: “Con cứ ngỡ rằng núi Thái Sơn không bao giờ ngả xuống…Còn dòng lệ thấm xuống hồn con.” “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ,” nhưng nay có dịp về thăm gia đình, con biết hỏi ai!
Đời tu đòi hỏi người tu sĩ “phải từ bỏ mọi sự để ở với Đức Giêsu và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 1). Một kẻ đi tu, một người dâng hiến trọn thanh xuân và cuộc đời cho Đấng Tạo Hóa, họ được ví như người thợ cày, một khi đã tra tay cày thì chẳng thể ngoái lại đàng sau (x.Lc 9,62), vì có khi mẹ cha của mình từ giã cõi đời này họ cũng chẳng kịp chào lần cuối. Việc duy nhất họ có thể làm là hàng ngày dâng lời cầu nguyện trước Thánh Thể xin cho cha mẹ được bình an ở đời này và cả được ơn chết lành trong tay Chúa.
Cầu nguyện cho ơn gọi dâng hiến linh mục và tu sĩ cũng là cầu nguyện cho các ông bà Cố, cho các bậc làm cha làm mẹ dám can đảm dâng hiến con mình cho Chúa và Giáo Hội. Là một người cha người mẹ đã là tuyệt vời, nhưng nếu người cha người mẹ ấy tiếp tục hy sinh con cái cách riêng vì Tin Mừng và lợi ích các linh hồn hơn thì thật đã làm thêm một chuyện phi thường. Năm 1970, thầy tu huynh Dòng Tên Phaolô Bruder (chuyên làm vườn) viết thư cho mẹ: “Làm sao con cám ơn mẹ cho đủ, mẹ yêu quý của con, vì ngay từ trong nôi, mẹ đã đào luyện con thành người và thành một tu sĩ. Đức Tin là kho tàng của linh hồn, và khi một người mẹ đã trao tặng hay thăng tiến điều thiện hảo này trong một trái tim, thì mẹ ấy đã làm nên những việc lớn lao hơn cả các chiến sĩ và những nhà triết học.”
Gió Biển