Nhiều năm về trước, khi tôi còn nhỏ, tôi được chứng kiến sự thay đổi của một chú chó, và nó có tác động rất lớn đến tâm thức của tôi.
Nhà tôi có nuôi mấy con chó, đứa nào cũng dễ thương vui vẻ. Nhưng có một con tính khí vô cùng nanh nọc, độc ác. Lúc nào cũng gầm gè như muốn cắn người đến nơi vậy!
Vào một ngày nọ, con chó đó mang bầu, càng ngày nó càng dữ dằn hơn. Không ai có thể đến gần được nó. Nó đã làm đau rất nhiều con khác trong nhà, trong làng… ai ai cũng khiếp sợ. Nhiều đứa trẻ mưu tính trả thù con chó khi có cơ hội, vì biết bao lần bọn chúng phải “tóe khói” vì nô đùa trước mặt nó. Nói chung là không ai ưa nó, nhiều lần tôi ném cho nó mấy gậy, tưởng chết được đến nơi rồi ấy! Nhưng sự ma lanh của nó luôn luôn chiến thắng tôi.
Rồi thời khắc chuyển dạ cũng đến, do chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên các con của nó chết hết. Và chó mẹ thì rất yếu sức, nhìn rất tội nghiệp. Nằm bẹp một chỗ, không ăn không uống, lúc nào cũng chảy nước mắt. Thi thoảng nó chạy như điên đi tìm con, rồi yếu quá lại nằm một chỗ.
Thời khắc đó mẹ tôi bảo với tôi: “Vì yêu. Nên chó mẹ ra sức bảo vệ đàn con của nó, giờ đây nếu không chăm sóc tốt cho nó, con chó này dễ đi theo mấy đứa con của nó”. Mẹ tôi đã chăm sóc, lo lắng từng ly, từng tý một cho nó, nấu cháo cho nó ăn rồi mang nước vào hầu nó mỗi ngày… nó thay đổi lắm, không còn hoạnh họe hay cằn nhằn mỗi khi có người đi ngang nó nữa, mấy chị em của nó thì nằm cùng nhau, mấy đứa còn liếm vết thương chảy máu của nó, được một thời gian thì nó lành lặn trở lại, tôi đoán là cả thể xác và tâm hồn nó. Nó trở nên ngoan và hiền như mấy đứa kia, và cuộc sống của nó từ đó cũng thay đổi. Khi mẹ tôi chăm sóc cho con chó, tôi vẫn hay loay hoay đứng xem, nhưng chả bao giờ lại gần. Mẹ vẫn hay nhắc tôi:
“Nó đã đau rồi, nếu không yêu thương được nó thì cũng đừng làm nó đau thêm”.
“Nó vốn dĩ yếu thế hơn mình, mình phải bảo vệ nó bằng mọi giá. Phải tập thói quen yêu thương, cảm thông cho nỗi đau của người khác, không chỉ dừng lại ở con chó tội nghiệp này, mà cao hơn nữa. Ai trong đời này cũng đều có những nỗi đau riêng của mình”. Điều đó với tôi thực sự là rất khó hiểu!
Có lẽ bài học về cuộc đời đầu tiên, manh mún lên trong trí óc non nớt của tôi được khởi lên từ đó. Sau này, khi có những cơn đau trong đời, tôi mới thấu hiểu được giá trị của lời mẹ dặn năm xưa. Sinh ra làm người, ai cũng có những niềm đau riêng. Chỉ là có người sẽ thể hiện ra, có người sẽ dấu nó theo một cách riêng nào đó. Bước đi trong hành trình cuộc đời, tôi nhìn và nhận thấy rất nhiều điều.
Đặc biệt khi bước đi trong hành trình của một người học theo Thầy Giê-su.
Tôi đã học được cách để cho niềm đau lên tiếng, học cách tự xoa dịu nỗi đau của chính mình. Cũng từ đó tôi học cách cảm thông cho niềm đau- nỗi khổ của người khác, không còn muốn trừng phạt, chà đạp lên những con người đã làm đau tôi nữa mà chỉ muốn được giúp đỡ, muốn được ôm lấy cả những nỗi đau không chỉ của riêng mình mà cùng hiểu-cùng đau trên con đường tu tập.
Nhiều người đến và đi qua cuộc đời tôi, có những câu chuyện vẫn còn sống với tôi cho đến tận bây giờ. Tôi nhận ra trong những người đã trưởng thành vẫn còn đó một đứa trẻ, một đứa trẻ mang thương tích mang nỗi đau, đứa trẻ vẫn luôn mong muốn được chữa lành.
Những chấn thương tâm lý từ gia đình, cha mẹ, bạn bè, thời thơ ấu… sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển lành mạnh của một đứa trẻ, điều này sẽ tạo ra những tổn thương, những sang chấn tâm lý trong đứa trẻ…Từ những phản xạ đó, chúng ta lại trao nỗi đau cho người khác. Và cứ thế chúng ta làm đau nhau trong vô thức.
Các bậc làm cha làm mẹ chưa thực sự thể hiện được vai trò của mình trong việc cung cấp và hỗ trợ các nhu cầu lành mạnh của con trẻ. Hậu quả rõ ràng cho việc đó là quá trình phát triển thần kinh cùng tâm lý bình thường và lành mạnh của trẻ từ sơ sinh cho tới giai đoạn trưởng thành bị gián đoạn nghiêm trọng.
Một điều dễ nhận thấy ở hầu hết các cặp vợ chồng khi gặp những tổn thương trong quá khứ và chưa được chữa lành lại tiếp tục truyền lại thương tích đó cho những đứa con của họ, và vô tình giữa cha mẹ và con cái có một khoảng cách vô cùng to lớn mang tên: “Thế hệ”. Họ đổ lỗi cho nhau; làm nhau đau, bước qua đời nhau với vô vàn những sai khuấy không được giải tỏa.
Carter là một bà mẹ có đứa con gái 15 tuổi tên Kaneesha trong bộ phim Clean on me. Vì cô có Kaneesha lúc cô 15 tuổi, nên cô cho rằng đứa con của cô cũng có thể đứng vững trên đôi chân của mình nên cô buộc con gái của mình thôi học và phải sống tự lập như cô. Vì có Kaneesha nên cuộc đời Carter đã phải nghỉ học, sống không hạnh phúc, lúc nào cũng về nhà lúc nửa đêm và không có sự sống. Cô đay nghiến cuộc sống của mình và một cách vô tình Carter làm tổn thương con gái cô. Đôi khi, trong cuộc sống; chúng ta yêu nhau nhưng chưa phải cách, và vô tình nhận về vô số những tổn thương.
Để có thể tồn tại, bản ngã thực sự của đứa trẻ- thứ đã bị tổn thương nghiêm trọng phải lẩn trốn vào sâu bên trong tầng vô thức của tâm trí. Thứ xuất hiện bên ngoài là một bản ngã hay tiềm thức giả mạo và nó đang cố gắng giành quyền kiểm soát cuộc đời của chúng ta nhưng không thể thành công. Đơn giản, bởi vì nó chỉ là một cơ chế phòng vệ để tránh không bị tổn thương. Như tôi đã nói, trong vùng vô thức của mỗi người thì nó vẫn tồn tại ở đó, rất sống động và sẵn sàng “sống lại” bất cứ lúc nào có dịp.
Người ta thường nói, con người lớn lên từ những vấp ngã, trưởng thành từ những tổn thương và thật sự hoàn thiện khi nó dạy cho những nỗi đau biết cười. Bất kì ai khi tồn tại trên mặt đất cũng đều phải đối diện với những nỗi đau của riêng mình, đều phải chịu những thương tích, những nỗi đau. Cuộc sống không có sự ngoại lệ và ưu ái dành riêng cho một ai đó trong hành trình này.
Cùng đón nhận những nỗi đau, có người trở nên cứng cáp, bản lĩnh, lại có người rụt rè, hèn nhát. Cùng đứng trước thất bại, có người mạnh mẽ đứng lên, có người thu mình trong tiếc nuối, hoang mang, hoảng sợ. Trong đời, tất yếu rằng ai rồi cũng khác, ai rồi cũng phải thay đổi, chỉ là nó đến sớm hay muộn mà thôi. Điều gì làm ta thay đổi không quan trọng bằng ta thay đổi như thế nào. Tốt hơn hay xấu đi? Tích cực hơn hay tiêu cực đi? Là do chúng ta lựa chọn và nhận lấy.
Có lẽ, khi chúng ta gọi tên chính xác những gì đã xảy ra với chúng ta, chúng ta sẽ học được cách cho phép bản thân trải qua những nỗi đau cảm xúc thay vì tránh né nó. Để nỗi đau có một tiếng nói và ý nghĩa nhất định trong cuộc đời, để ta có thể yêu được cả những nỗi đau của mình khi đã trải nghiệm nó, mặc dầu không hề dễ chịu tý nào. Và có lẽ chính những nỗi đau đó làm ta không ngừng lớn lên và trưởng thành hơn, để chúng ta sống trọn vẹn và hết mình với đời, với người. Đi qua những cơn đau, để ta biết, nó không riêng mình ta.
Có lẽ khi ta cho phép mình được trải nghiệm nỗi đau bao lâu nay bị đè nén, cho phép bản thân được quyền đau khổ. Hành trình dai dẳng đó cần một chút nhẫn nại và chịu đựng, cần một chút phó thác và tin tưởng…chúng ta dần dần giải phóng bản thân khỏi những giằng xé nội tâm chưa được giải quyết suốt nhiều năm qua.
Qua đó, để biết rằng: Cuộc sống là cái gì đó đang đi qua trong khi bạn sao nhãng, quá khứ là chuyện đã xảy ra, tương lai sẽ luôn là một điểm đến còn chưa xác định. Chỉ có trong hiện tại, bạn được sinh lại từng ngày, từng ngày với con tim và đôi mắt mới.
Tôi vẫn luôn tin rằng, hôm nay là ký ức của ngày mai, cuộc đời là sự cộng dồn những ký ức và những ký ức tạo ra cuộc đời. Tôi không biết phía trước sẽ xảy ra những chuyện gì, sẽ ra sao, như thế nào, tôi thực sự không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều, tôi phải sống hết mình trong giây phút hiện tại của cuộc đời, tròn đầy nhất, trọn vẹn nhất. Để một mai tôi không phải hối tiếc về những gì tôi đã sống và để tôi tự chữa lãnh những nỗi đau của chính tôi. Còn bạn thì sao?
Que Diem
([email protected])
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn