Đợi một ngày mai

Thứ sáu - 04/12/2020 18:11

https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/10/03-Melody-Of-Love.mp3

(Truyện ngắn)

1.
Ngoài trời tiếng ếch nhái cứ vẳng lên từng đợt một, kèm theo những đợt không khí lạnh mà cơn mưa rào hồi sập tối mang tới, khiến thằng Phúc lạnh co ro. Nó nằm rúc vô nách Phương, rồi quàng tay ôm ngang bụng cô. Phương vẫn chưa chợp mắt dù đã hơn mười hai giờ khuya rồi. Thấy Phúc ngọ nguậy, Phương vuốt đầu em rồi bóp nhẹ đôi vai gầy guộc của nó, cất giọng hò nhẹ:

-“Hò…ơ! Ngủ ngủ đi cưng, ….”

Tiếng ngáy đều của Phúc vang lên, Phương an tâm nằm nhìn cậu em gầy nhom và đáng thương của mình.

Phương và Phúc là hai chị em ruột, được sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha bỏ mẹ và hai chị em ngay từ hồi thằng Phúc mới oe oe chào đời, lý do ông bỏ vợ và hai đứa con là vì nợ nần, ông ra đi để lại đống nợ quá lớn chất lên đôi vai gầy của chị. Từ dạo đó, xóm giềng thấy chị hay xuất hiện với dáng vẻ u uất, buồn và thiếu sức sống. Hai đứa nhỏ trước đây được đi học như bao đứa nhỏ trong xóm, nay cũng đành nghỉ học vì mẹ không lo nổi tiền tới trường. Hai đứa theo mẹ đi làm mướn kiếm sống qua ngày, ai mướn gì thì làm đó. Lay lất ráng làm trả nợ, còn lại một ít nợ thì chị ra đi vĩnh viễn vì kiệt sức, vậy là chủ nợ xiết luôn căn nhà và miếng đất là dứt nợ. Hai đứa vốn xa cha nay lại mồ côi mẹ, đành lang bạt rày đây mai đó, xin vô làm mướn cho những hàng quán ở thành phố, mong có miếng ăn qua ngày.

2.
Phương đã mười sáu tuổi, cái tuổi tròn trăng. Càng lớn lên trông cô càng giống mẹ. Phúc sinh sau Phương bốn năm, năm nay mới mười hai tuổi, cái tuổi còn non dại quá để hiểu hết mọi chuyện. Hai chị em dắt díu nhau lên Sài Gòn đã bốn năm nay, làm cho bao nhiêu chủ quán rồi cũng chẳng nhớ, nhưng hai đứa không thể quên được cái cảnh người ta bóc lột sức lao động của mình, rồi hành hạ và thậm chí lừa gạt sức lao động mà chẳng trả đồng nào. Vốn lạ nước lạ cái, cũng chẳng có giấy tờ tùy thân, hai đứa đành âm thầm cam chịu mà đi kiếm chỗ làm khác.

May mắn kiếm được một căn chòi lụp xụp cạnh khu đất nghĩa trang quận, hai chị em tá túc ở đó mỗi tối sau mỗi ngày đi làm mướn. Mua được gì thì ăn đó, nhiều hôm bị người ta lừa gạt không có tiền thì đành uống nước thay cơm. Cứ mỗi tối Phương nằm nghĩ lại cuộc đời mình, cô cứ khóc thút thít một mình, nhưng cố nén không để em thấy. Phúc lén thấy chị khóc trong đêm mà chẳng dám hỏi gì, vì nó đã dần thấm cái khổ trong cuộc đời chị em nó rồi.

Gần nhất là lần làm mướn cho quán bún bà Năm. Thằng Phúc, phần vì trời tối không thấy đường, phần vì đói bụng mà chẳng có gì bỏ bụng, lỡ tay làm bể mấy cái tô, bà Năm quay lại xán vài tát vào mặt Phúc, trong khi đó nó chỉ ngồi ôm mặt chịu trận đánh của bà. Phương ôm lấy em, bà Năm lấy cái tô đập vào bả vai cô, mạnh đến nỗi tô bể nát bét, miệng bà không ngớt chửi:

-“Má tụi mày, làm không được gì toàn phá của. Nghỉ! Không làm gì nữa hết! Đi!”.

Làm không lương mà còn mang thương tích về nhà. Bả vai Phương không chảy máu, nhưng để lại vết bầm tím và loang rộng khắp trên lưng, phải mất cả tháng trời mới lành. Thằng Phúc sau đợt đó không dám ra ngoài, ru rú trong nhà suốt. Có hôm Phương dắt nó đi mua thức ăn, mà con đường đó băng qua quán bà Năm, thằng Phúc không chịu đi, nó đòi chị dắt qua đường khác.

3.
Tủi thân hơn khi ở nghĩa địa, có những băng đảng hút xì ke, cứ quấy phá chị em nó suốt. Có bọn đòi tiền bảo kê, vì chúng bảo đây là địa bàn của chúng. Bọn khác thì thấy Phương có nhan sắc, kiếm chuyện có ý muốn làm nhục cô, nhưng may mắn những lần thấy chúng tới là chị em thay nhau chạy trước, nên chúng chẳng thực hiện được ý tưởng hèn hạ. Tối nằm ngủ, ôm thằng Phúc vào lòng mà Phương cứ lo sợ, vì không biết có những nguy hiểm nào đang rình rập quanh mình. Mà liệu cô có mệnh hệ gì thì Phúc – em trai cô – sẽ ra sao đây?

Chợt trong đầu Phương nghĩ đến lời mời đầy hấp dẫn của mấy đứa bạn trong xóm rủ nó bán thân. Theo diễn tả của bọn nó thì cái nghề ấy nhẹ nhàng, sung sướng mà lại có tiền. Có chút mạo hiểm khi cặp phải những ông đã có vợ, nhưng khôn khéo thì trốn trước, còn may mắn vớ phải tay nào khá giả, độc thân thì sướng cả đời. Nghĩ tới việc này, cô hiểu được cái xấu và cái tốt, vì đây là những điều mà trước đây mẹ cô từng dạy phải biết giữ tấm thân trong sạch dù bất cứ hoàn cảnh nào. Phương nhìn khuôn mặt thiên thần của Phúc đang ngáy đều trong giấc ngủ ngon lành, ngẫm tới chọn lựa nếu chấp nhận bán thân thì thằng Phúc chẳng cần đi làm với cô nữa, chỉ cần cô ngủ với vài khách một đêm cũng kiếm được mấy triệu như chơi, thế là cô mua được căn nhà nhỏ, cho Phúc tới trường đi học chứ dốt nát khổ quá! Nhưng tự thâm tâm cô vẫn ray rứt, bởi cái nghề bán thân ấy đâu tốt lành gì, vừa nhục nhã, vừa nguy cơ mang bệnh tật, cô sợ sẽ chết sớm mà bỏ mỗi Phúc bơ vơ một mình. Mất mẹ đã là một thiếu thốn lớn, nay vắng cả Phương thì Phúc khổ hơn bao nhiêu lần nữa.

4.
Từ dạo mẹ chết, Thằng Phúc cứ hay nằm mơ rồi nửa đêm kêu lên: “Mẹ! Mẹ ơi! Đợi con!”. Nó kể tối nào mẹ cũng về thăm nó. Phúc thấy mẹ mặc bộ đồ trắng tinh, khuôn mặt cười dịu dàng hết sức, tới gần hỏi thăm nói chuyện và hát ru nó ngủ nữa. Phương hỏi mẹ hát ru thế nào, Phúc nói:

-“Ví dầu cầu ván đóng đinh…”, rồi “gió đưa bụi chuối sau hè…” hay có đêm mẹ cũng hát: “ngủ ngủ đi con, con ngủ ngủ cho ngoan…”.

Phương hỏi mẹ còn làm gì nữa không, Phúc nhanh nhảu trả lời:

-“Mẹ còn xoa đầu, xoa vai em, và nói em ráng ngoan, nghe lời chế Hai, mẹ luôn ở cạnh chị em mình”.

Nghe em nói tới đó, Phương bật khóc. Cô hiểu mẹ nhắn nhủ cô về trách nhiệm với em trai mình, vì cô là điểm tựa duy nhất cho Phúc, mất cô thì Phúc bơ vơ. Mẹ cũng nhắc cô về suy nghĩ bán thân đang lởn vởn trong đầu cô lâu nay, cô hiểu rằng bài học mẹ dạy có giá trị lớn lao biết nhường nào: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Phương cũng khóc vì những câu hát mà thằng Phúc thuật lại, vì đó là những câu hò mà mỗi tối, lúc nó trở mình mà cô hát ru nó. Xoa đầu, xoa vai hay gải lưng cũng chính là cô, và cô hiểu, giờ cô không chỉ thương nó trong vai trò là chị, mà là một người mẹ.

5.
Sau khi nghỉ việc ở quán bà Năm, Phương xin vô làm ở một nhà máy gần nghĩa địa. Công việc mới ban đầu hơi vất vả và chật vật chút xíu vì phải tăng ca liên tục, nhưng dần dà rồi cô quen và xoay sở được. May là nhà máy tuyển công nhân ngắn hạn, nên họ chẳng cần giấy tờ tùy thân, vậy là Phương xin vô làm. Cô ráng làm hết sức, nhiều khi buông tay ra cô thực sự không còn chút sức lực nào, nhưng nghĩ tới Phúc, cô lại tiếp tục. Lãnh tháng lương đầu tiên, cô vui lắm. Phương ghé tiệm sữa mua cho Phúc một hộp sữa Dielac nhỏ, rồi mua vài cái bánh chuối chiên mà em thích. Về tới căn chòi lụp xụp, Phúc cầm bánh ăn mà lòng vui hết sức. Buổi tối hôm đó hai chị em ăn bữa cơm với thịt kho tiêu mà lúc nãy Phương ghé mua ở quán cơm gần nghĩa địa, bữa tối ngon nhất từ hồi lên Sài Gòn tới giờ. Phương và vài đũa cơm không, giả vờ quẹt nước thịt, nhường Phúc ăn thịt, nó khen ngon tấm tắc. Phương hỏi em:

-“Phúc nè! Cưng thích đi học không?”

-“Dạ thích! Em muốn đi học lắm.”

– “Chế Hai xin cho cưng đi học ở một lớp từ thiện gần đây nha! Ban ngày nếu muốn cưng đi làm với chế, chiều về đi học, tối về cưng dạy lại chế học, được hông?”

-“Dạ, được chứ!”

Phúc ôm chị mình với đôi mắt sáng rỡ. Thế là nó sắp được đi học, sắp được nối dài ước mơ. Giấc ngủ tối hôm ấy chị em vui lắm. Vẫn những cử động cựa quậy của Phúc, vẫn những câu hò nửa đêm mà Phương hay cất lên ru em. Phương nhìn lên phía trên, vẫn là căn chòi lụp xụp, vẫn bóng tối dày đặc. Nghe xung quanh, tiếng ếch nái vẫn kêu và những cơn gió rít lên mát lạnh. Nhưng… giấc ngủ của Phương và Phúc tối nay ngon vô cùng, cô nhắm mắt ngủ, mà không quên nở nụ cười tươi…

Little Stream

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây