Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3

Thứ sáu - 01/07/2022 08:03

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 3


Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 1

Giải đáp các câu hỏi về Thánh lễ 2

7. Việc hôn bàn thờ bắt nguồn từ đâu?

Cử chỉ hôn bàn thờ bắt nguồn từ các nền văn hoá cổ xưa. Thời xa xưa, người ta thể hiện lòng tôn kính các đền chùa bằng cách hôn các bậc lên xuống. Người ta cũng thường hôn các tượng thần và nếu tượng thần được đặt ở trên cao, người ta hôn vào bàn tay của mình rồi giơ tay lên cao như trao nụ hôn đó cho các vị thần. Người ta cũng hôn bàn thờ các thần, hôn cả bàn ăn trong gia đình. Thói quen này vẫn còn được các đan sĩ Cappucinô tuân giữ trước và sau khi dùng bữa. Các cô dâu cũng thường hôn bàn ăn, hôn bánh và thánh giá khi từ giã cha mẹ ruột để về nhà chồng. Thuở ban đầu, các tín hữu rất nghi ngờ về cử chỉ hôn kính, sợ rằng sẽ lầm lẫn với tà thần, nhưng khi Kitô giáo được tự do, tinh thần được thoải mái hơn, người ta dễ dàng đón nhận nghi thức này. Vào cuối thế kỷ thứ IV đã bắt đầu xuất hiện việc hôn kính bàn thờ như một sự chào hỏi. Việc hôn kính này không những xuất hiện ở Tây phương mà cả bên Đông phương nữa.

8. Ý nghĩa việc hôn bàn thờ hiện nay?

Bàn thờ mang một vài nghĩa chính sau đây:

Bàn thờ là “bàn tiệc của Chúa” (Mensa Domini).

Bàn thờ tượng trưng cho Đức Kitô, “viên đá góc”, “đá tảng vững bền”. Vì vậy, hôn bàn thờ là hôn Đức Kitô, là chào kính Người (x. QCSL, số 298).

Thời Trung Cổ, bàn thờ được xây trên mộ thánh tử đạo, chẳng hạn đền thờ thánh Phêrô và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, hoặc dưới gầm bàn thờ đặt thánh tích các thánh tử đạo, hoặc ít nhất có khăn hoặc vải đã chạm tới thánh tích của các thánh tử đạo, cho nên hôn bàn thờ cũng mang ý nghĩa chào kính, tôn kính các thánh tử đạo, Giáo hội đang lữ hành dưới thế chào kính Giáo hội vinh thắng ở trên thiên quốc.

Theo Đức Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216), Đức Giám mục hôn bàn thờ như vị hôn thê chào vị phu quân của mình.

Khoảng năm 1200, tại Rôma chỉ còn hôn bàn thờ khi ra và khi về, như hiện nay. Ngày xưa, việc hôn bàn thờ luôn đi kèm một lời kinh diễn tả ý nghĩa, nhưng hiện nay lời kinh này cũng không còn nữa.

9. Trong Cựu ước, dân Ítraen dùng hương như thế nào khi thờ phượng Thiên Chúa? 

Khi dân Ít-ra-en còn ở trong sa mạc, Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Mô-sê làm bàn thờ để đốt hương (x. Xh 30,1-10; 37,25-28):

“Ngươi sẽ đặt hương án đó trước bức trướng che Hòm Bia Chứng Uớc, trước nắp xá tội nằm ở trên Chứng Uớc là nơi Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Trên đó, A-ha-ron sẽ đốt hương thơm: sáng nào, ông ấy cũng đốt hương thơm khi chuẩn bị dầu đèn, và lúc A-ha-ron thắp đèn lên vào chập tối, ông ấy cũng sẽ đốt hương thơm: đó là hương vĩnh viễn dâng trước nhan Đức Chúa qua mọi thế hệ của các ngươi” (Xh 30,7-8).

Mỗi ngày A-ha-ron phải dâng hương cho Thiên Chúa hai lần. Vào thời Đức Giêsu, giờ dâng hương được qui định vào lúc 9 giờ sáng và 3 giờ chiều.

Ban đầu, việc dâng hương chỉ dành cho các thượng tế, nhưng thời Đức Giêsu, người dâng hương là các tư tế, tuần tự theo bốc thăm, như ông Da-ca-ri-a, và mỗi tư tế chỉ được dâng hương một lần duy nhất trong đời.

Người ta chỉ dâng hương cho Thiên Chúa. Các tư tế phải pha chế hương theo đúng quy định của Thiên Chúa (x. Xh 30,34-38), và nghi thức dâng hương được quy định rõ ràng. Ai làm sai sẽ bị tử hình (x. Ds 16, 1-35).

Vào ngày lễ Xá tội, mỗi năm một lần, thượng tế sẽ vào nơi cực thánh dâng hương để tránh tội chết: “Nó sẽ lấy than hồng trên bàn thờ trước nhan Đức Chúa bỏ đầy vào bình hương, sẽ bốc hai nắm đầy bột hương thơm, và đem vào phía sau màn trướng. Nó sẽ bỏ hương vào lửa, trước nhan Đức Chúa, và khói hương như mây sẽ phủ nắp xá tội ở trên Chứng Uớc, và như vậy nó sẽ không phải chết” (Lv 16, 11-14).

Người ta có thể dâng hương độc lập, hoặc kèm theo các lễ vật khác, nhất là các lễ vật không đổ máu, như lúa, hoa trái. Nhưng không bao giờ dâng hương trong các hy tế để xin ơn tha tội: “Nếu người ấy không thể kiếm được một đôi chim gáy hay một đôi bồ câu non, thì vì tội phạm, nó phải đưa đến dâng lễ tiến, là bốn lít rưỡi tinh bột làm lễ tạ tội. Người ấy sẽ không đổ dầu lên trên, cũng không bỏ hương vào, vì đó là lễ tạ tội” (Lv 5,11).

Cựu ước cũng như Tân ước, khói hương tượng trưng cho lời cầu nguyện: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141,2). “Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh” (Kh 5,8; x. 8,3-4).

Còn tiếp…

Lm. Giuse Đào Hữu Thọ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây