Giáo lý về Thánh Giuse: Bài 11. Thánh Giuse bảo trợ kẻ chết lành

Thứ sáu - 11/02/2022 01:23

Giáo lý về Thánh Giuse: Bài 11. Thánh Giuse bảo trợ kẻ chết lành


 

Anh chị em thân mến,

Được thêm khích lệ từ hình ảnh của Thánh Giuse, trong bài giáo lý trước chúng ta đã suy tư về ý nghĩa sự hiệp thông của các thánh. Và bắt đầu từ đó, hôm nay tôi muốn đào sâu lòng sùng mến đặc biệt mà người kitô hữu luôn dành cho Thánh Giuse như vị bảo trợ kẻ chết lành. Một lòng sùng mến nảy sinh từ suy nghĩ rằng Thánh Giuse đã chết với sự giúp đỡ của Đức Trinh nữ Maria và của Chúa Giêsu trước khi Chúa rời khỏi gia đình Nazarét. Không có nhiều sử liệu, nhưng vì chúng ta không nhìn thấy Thánh Giuse trong cuộc sống công khai nên người ta cho rằng ngài đã chết ở Nazarét, cùng với gia đình của mình. Chúa Giêsu và Đức Maria cùng ở bên cạnh ngài cho đến lúc qua đời.

Một thế kỷ trước, Đức Bênêđíctô XV đã viết rằng: “Qua Thánh Giuse, chúng ta trực tiếp đến với Mẹ Maria, và nhờ Mẹ Maria, chúng ta hướng đến cội nguồn của mọi sự thánh thiện là Chúa Giêsu”. Thánh Giuse và Mẹ Maria giúp chúng ta đến với Chúa Giêsu. Khi cổ vũ các thực hành đạo đức để tôn vinh Thánh Giuse, Đức Bênêđictô XV đặc biệt đề nghị một điều và ngài nói như sau: “Bởi vì Thánh Giuse xứng đáng được coi như người bảo vệ hữu hiệu nhất cho những người hấp hối, đã trút hơi thở trước sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Maria, nên mối quan tâm của các Mục tử thiêng liêng sẽ khắc ghi và ưu ái [...] các hiệp hội đạo đức đã được thành lập để cầu xin Thánh Giuse nâng đỡ những người hấp hối, chẳng hạn như hội “người chết lành”, hội “qua đời của thánh Giuse” và hội cầu cho “những người hấp hối” (Tự sắc Bonum sane , 25 tháng 7 năm 1920): là những hiệp hội thời bấy giờ.

Anh chị em thân mến, có thể một số người nghĩ rằng ngôn ngữ này và chủ đề này chỉ là di sản của quá khứ, nhưng thực ra mối tương quan của chúng ta với cái chết không bao giờ là quá khứ cả, nó luôn là hiện tại. Vài ngày trước đây, khi nói về bản thân, Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói rằng ngài “đang đứng trước cánh cửa tối tăm của sự chết”. Chân thành cám ơn Đức Thánh cha Bênêđictô, ở tuổi 95 còn sáng suốt để nói cho chúng ta biết điều này: “Tôi đang ở trước sự khó hiểu của cái chết, ở trước cánh cổng tối tăm của sự chết”. Một lời khuyên tuyệt vời ngài đã để lại cho chúng ta.

Cái gọi là văn hóa “an lạc” đang tìm cách xóa bỏ thực tại về cái chết, nhưng đại dịch coronavirus đã đưa nó nổi bật trở lại cách bi thương. Thật sự khủng khiếp: cái chết ở khắp mọi nơi và rất nhiều người đã mất đi người thân yêu mà không thể ở cạnh họ, và điều này khiến cái chết càng khó chấp nhận được và khó xử lý hơn. Một cô y tá nói với tôi rằng, có một cụ bà sắp chết vì bị covid đã nói với cô ta rằng: “Tôi muốn từ biệt người thân của tôi trước khi ra đi”. Và cô y tá dũng cảm, đã lấy điện thoại ra để liên lạc với họ. Một sự dịu dàng cho lời từ biệt đó.

Tuy nhiên, mặc dù người ta cố gắng bằng mọi cách để loại bỏ suy nghĩ về tính hữu hạn của chúng ta, tự dối lòng khi tin rằng chúng ta có thể loại bỏ quyền lực sự chết và xua tan nỗi sợ hãi. Nhưng niềm tin Kitô giáo không phải là cách để xua đuổi nỗi sợ chết, mà nó giúp chúng ta đối mặt với sự chết. Trước hay sau rồi tất cả chúng ta đều đi đến cánh cửa sự chết.

Ánh sáng đích thực soi sáng cho mầu nhiệm sự chết đến từ sự phục sinh của Chúa Kitô. Đây là ánh sáng. Và Thánh Phaolô viết: “Giờ đây nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”( 1Cr 15 , 12-14). Có một điều chắc chắn: Chúa Kitô đã phục sinh, Chúa Kitô đã sống lại, Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta. Và đây là ánh sáng đang chờ đợi chúng ta phía sau cánh cửa tối tăm của sự chết.

Anh chị em thân mến, nhờ đức tin vào sự sống lại mà chúng ta có thể đối mặt với vực thẳm của sự chết mà không bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hãi. Không chỉ vậy: chúng ta có thể trả lại cho cái chết một vai trò tích cực. Thật vậy, khi nghĩ về cái chết, được soi sáng bởi mầu nhiệm Chúa Kitô, giúp chúng ta nhìn toàn bộ cuộc sống dưới cái nhìn mới. Tôi chưa bao giờ thấy một chiếc xe tải dọn nhà đi sau một chiếc xe tang! Đằng sau chiếc xe tang tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó. Chúng ta sẽ đến đó một mình, không có gì trong túi vải liệm của chúng ta: không có gì. Bởi vì tấm vải liệm không có cái túi nào. Sự đơn độc này nơi cái chết là có thật. Tôi chưa bao giờ thấy đi sau chiếc xe tang là xe tải dọn nhà. Gom góp rồi chẳng được gì nếu một ngày chúng ta chết. Điều mà chúng ta phải gom góp đó là đức ái, khả năng biết chia sẻ, khả năng không thờ ơ trước những nhu cầu của người khác. Hoặc tranh cãi với anh chị em, với bạn bè với người thân trong gia đình, với anh chị em đồng đạo thì có ích gì nếu một ngày chúng ta không còn nữa? Nổi nóng, giận dữ với người khác nào có ích chi. Đứng trước cái chết nhiều vấn đề được chỉnh đốn lại. Thật tuyệt vời khi chết mà được hòa giải, không còn hận thù, không còn hối tiếc. Tôi muốn nói lên sự thật đó là: tất cả chúng ta đều đang tiến về cánh cửa đó.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng cái chết đến như kẻ trộm, vì vậy Chúa Giêsu nói: nó đến như kẻ trộm, và dù chúng ta cố gắng kiểm soát nó bao nhiêu đi nữa thì có lẽ cần phải lên kế hoạch cho chính cái chết của mình, nó vẫn là một sự kiện mà chúng ta phải tính đến và đứng trước nó chúng ta phải đưa ra những chọn lựa.
 

Có hai điều cần cân nhắc đối với chúng ta là những người tín hữu.

Trước hết, chúng ta không thể thoát khỏi cái chết, và vì thế, sau khi đã làm mọi cách có thể để chữa trị cho người bệnh, rõ ràng theo đuổi việc chữa trị vô ích trở nên trái đạo đức (x. GLCG số 2278). Câu nói của người tín hữu, của những người đơn sơ: “Hãy để họ ra đi trong bình an”, “hãy giúp họ chết bình an”: thật sự khôn khéo.

Cân nhắc thứ hai liên quan đến phẩm chất của chính cái chết, của nỗi đau và đau khổ. Thật ra, chúng ta phải biết ơn mọi trợ giúp mà nền y học đang cố gắng đem lại, để qua điều được gọi là “giúp giảm đau đớn”, mỗi người đang ở giai đoạn cuối đời có thể làm như vậy theo cách nhân đạo hết sức có thể. Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức cẩn thận để không nhầm lẫn sự trợ giúp này với những chuyển hóa không thể chấp nhận được khi nó dẫn đến việc giết người. Chúng ta phải đồng hành cùng cái chết, nhưng không được gây ra cái chết hoặc trợ tử dưới bất kỳ hình thức nào.
 

Tôi nhắc lại, quyền được quan tâm và chăm sóc dành cho tất cả mọi người luôn là đặc quyền, để nhờ đó những người yếu đuối nhất, đặc biệt những người già yếu và bệnh đau không bao giờ bị loại bỏ. Sự sống là một quyền, chứ không phải chết, là thứ phải được đón nhận chứ không phải thứ được ban phát. Nguyên tắc đạo đức này liên quan đến tất cả mọi người, không phải chỉ dành cho người kitô hữu.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây một vấn đề xã hội, nhưng có thực. Đó là “kế hoạch hóa” – tôi không biết phải dùng từ nào cho đúng – nhưng lại làm tăng nhanh cái chết cho những người già. Nhiều khi người ta thấy trong một tầng lớp xã hội nhất định, người già vì không có phương tiện, được cấp ít thuốc hơn mức họ cần, điều này thật vô nhân đạo: nó không giúp ích được gì cho họ mà còn đẩy họ vào chỗ chết nhiều hơn, mau hơn. Đây không phải là nhân đạo, không là kitô hữu. Người cao tuổi phải được chăm sóc như một báu vật của nhân loại. Họ là sự khôn ngoan của chúng ta. Ngay cả khi họ không nói, và nếu họ không còn ý nghĩa gì nữa thì họ vẫn là biểu tượng khôn ngoan của nhân loại. Họ là những người đi trước chúng ta và đã để lại cho chúng ta biết bao điều tốt đẹp, biết bao kỷ niệm và khôn ngoan. Làm ơn đừng cách ly người già, đừng đẩy nhanh sự chết cho người già. Ôm ấp một người già cũng có niềm hy vọng giống như ôm ấp một đứa trẻ, bởi vì khởi đầu và kết thúc cuộc sống luôn là một mầu nhiệm, cần được trân trọng, đồng hành, chăm sóc và yêu thương.

Xin Thánh Cả Giuse giúp chúng ta biết sống mầu nhiệm sự chết cách tốt nhất có thể. Đối với người tín hữu, chết lành là một kinh nghiệm của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn gần gũi chúng ta ngay cả trong giờ lâm tử. Cũng như trong kinh Kính Mừng Maria, chúng ta cầu xin Mẹ luôn ở cạnh chúng ta “trong giờ lâm tử”. Chính vì thế, tôi muốn kết thúc bài giáo lý này, cùng với tất cả mọi người, chúng ta cầu xin Mẹ cho những người đang hấp hối, những người đang trải qua giây phút vượt qua cánh cửa tối tăm và cho những người thân trong gia đình đang trong cảnh tang chế.

Chúng ta cùng đọc chung kinh Kính Mừng Maria.
 

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây